Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Châu Phi Nông dân đổi đời nhờ phát hiện cách bảo quản cà chua độc đáo

Anh Vital Nduwimana là một nông dân chuyên trồng cà chua ở miền đông Burundi, vùng đồi Kabuyenge, cách biên giới Tanzania 5km. Tại đây, cà chua phát triển rất tốt và thời điểm thu hoạch thường là vào tháng 8, 9. Thế nhưng, giá thị trường lại rất rẻ và người nông dân không thể bán được nhiều, bởi số không có cách bảo quản cà chua tồn đọng lại.  


Vital Nduwimana – một nông dân châu Phi đã tìm ra cách bảo quản cà chua chín cây được tới 5-6 tháng. (Ảnh qua: Barza Wire)

Mỗi năm cứ vào độ cà chua chín, anh Vital Nduwimana đều cảm thấy bất lực vì bị mất hơn một nửa sản lượng cà chua, do chúng nhanh chóng ủng thối chỉ 3 – 4 ngày sau khi hái. Sau đó, anh phải mang ra chợ bán tống bán tháo để vớt vát. Đến năm 2015, anh quyết định sẽ tự mình nghiên cứu cách bảo quản cà chua.
Anh Nduwimana đã cố thử nhiều kỹ thuật khác nhau, từ ngâm trong nước, vùi trong đất sét, chôn dưới đất, bỏ thùng các tông, thậm chí lấp dưới cát. Anh cố thử bất cứ điều gì mình có thể nghĩ ra được, nhưng đều thất bại.
Vào một ngày, anh phát hiện ra mấy quả cà chua mà anh để gần nơi gốc chuối đều không bị thối hỏng. Sau đó, anh nhận ra ở gốc cây có rất nhiều tro bếp.
Anh quyết định thử bảo quản cà chua trong tro và nhận thấy rằng nó hiệu quả hơn hẳn so với những cách mà anh từng thử qua.


Anh Vital Nduwimana đang xếp cà chua vào trong tro. (Ảnh: Jean de Dieu Ininahazwe)

Anh sử dụng tro ống khói, rồi sàng lọc qua 3-4 lần để loại bỏ các mảnh vụn, cặn dư và tạp chất. Sau đó, anh đổ tro mịn thu được vào một thùng giấy các tông, xếp cà chua vào trong thùng. Bằng cách đó, anh có thể bảo quản cà chua trong nhiều tháng trời.
Anh giải thích: “Tôi giữ cà chua trong tro khoảng 5-6 tháng, như thế tôi có thể bán cà chua vào tháng 12 và tháng 1, tháng 2 khi giá tăng cao, vì lúc đó cà chua hiếm nên giá cũng đắt hơn.”
Ông Jean Nivyabandi – một nhà nông học – cho rằng việc sử dụng tro không có tác hại xấu đến cà chua, và chúng đủ độ an toàn. Ông nói: “Không có chuyện cà chua sẽ bị nhiễm độc khi bảo quản trong tro.”
Tuy nhiên, ông Jean cũng muốn rằng Viện Khoa học Nông nghiệp Burundi cần làm thêm nhiều thí nghiệm để kiểm định lại kỹ thuật của anh Nduwimana.
Trong khi đó, những nông dân tại Cibitoke – khu vực trồng cà chua chính của Burundi – đã cảm thấy rất thích thú với phát hiện của anh Nduwimana và quyết định thử kỹ thuật này.
Judith Bizmana, một phụ nữ chuyên canh 550-600kg cà chua mỗi mùa và cũng mất gần 1/2 sản lượng do cà chua bị hỏng cũng đã áp dụng cách bảo quản cà chua của ông Nduwimana. “Hôm nay, tôi xoa tay và cứ cười mãi. Nhờ kỹ thuật của ông Nduwimana, tôi có thể giữ cà chua và đợi cho đến khi giá thị trường tăng lên, vì sẽ chỉ có một số rất ít bị hỏng,” bà cho biết.
Nduwimana từ sau phát kiến của mình đã đổi đời và trở thành một doanh nhân. Với thu nhập từ việc bán cà chua, anh đã mở một nhà hàng nhỏ và trở thành nhà cung cấp cà chua thường xuyên cho các nhà hàng của thủ phủ tỉnh. Anh còn lên kế hoạch mua một chiếc xe tải để vận chuyển cà chua.


(Anh Nduwimana đang ngồi trong nhà hàng nhỏ của mình - Ảnh: Jean de Dieu Ininahazwe)

Tháng 7/2016, anh nông dân Vital Nduwimana còn giành giải thưởng trong cuộc thi sáng tạo do tổ chức phi chính phủ Agakura đề xướng.

Theo Barza Wire

Bích Ngân


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Quá nhiều tình yêu thương từ cha mẹ có thể gây hại đến con trẻ

Trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ con nên người là rất lớn. Các lựa chọn và hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ trong tương lai?


(Ảnh: shutterstock.com)

Sự thật là, mọi người đều đang nỗ lực hết mình để mang lại điều tốt đẹp cho con cái. Và với tư cách là cha mẹ, bạn cần phải hiểu rằng con bạn cũng đang hết sức cố gắng. Tuy nhiên, trong nỗ lực để thúc đẩy con trẻ thành công, bạn có thể vô tình làm tổn thương đến sự tự tin nơi trẻ.
Kỳ vọng không phải là tất cả
Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn điều tốt nhất cho con cái và để chúng có những “cơ hội” mà bản thân họ không có được. Hoặc có lẽ chỉ là muốn chúng “tiếp nối” để đạt được những thành công như họ hoặc là tốt hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường cố gắng truyền đạt những giá trị đó cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ: hãy cố gắng làm việc chăm chỉ và làm điều đó thật tốt.
Trẻ em tất nhiên cần sự hỗ trợ và động viên đó để trở nên xuất sắc và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng sự kỳ vọng nên có giới hạn.
Khi mong mỏi về sự thành công đang ảnh hưởng không tốt đến niềm vui, hạnh phúc của con trẻ, bạn cần suy nghĩ lại và có cái nhìn một cách tổng thể. Suy cho cùng hạnh phúc của con trẻ là quan trọng hơn so với đạt được thành tích hay điểm số hoàn hảo. Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ có thể dẫn đến việc trẻ ngày một mất dần đi sự tự tin. Bên cạnh việc trẻ em cần sự hỗ trợ của cha mẹ để phát triển thành công, thì chúng còn cần sự hỗ trợ của cha mẹ hơn nữa khi không đạt được như kỳ vọng và đối diện với thất bại.


(Ảnh: mediabakery.com)

Tất cả con trẻ đều xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó
Áp lực đối với việc thành công và chiến thắng có thể gây một số tác động tiêu cực đến sự phát triển nơi trẻ. Trẻ em sẽ nuôi dưỡng giá trị này trong suốt cuộc đời và hoàn toàn bị đánh gục trong các trường hợp bị thất bại. Các sinh viên đại học đặc biệt đấu tranh với điều này khi họ không thể đạt được những kỳ vọng phi thực tế.
Phản ứng tiêu cực với thất bại là một dấu hiệu của sự thiếu tự tin, và nó sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn theo thời gian. Đối với những đứa trẻ này, thất bại là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Điều mà những đứa trẻ này không bao giờ học được, bởi vì cha mẹ chúng có thể chưa nhận thức được đó là có đến 9 loại hình trí thông minh khác nhau. Chỉ vì chúng không xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó không có nghĩa là chúng không thông minh hoặc không có các khả năng khác.
1.       Trí thông minh tự nhiên
2.       Trí thông minh âm nhạc
3.       Trí thông minh – Logic toán học
4.       Trí thông minh – Triết học
5.       Trí thông minh – Cảm xúc
6.       Trí thông minh vận động
7.       Trí thông minh ngôn ngữ
8.       Trí thông minh nội tâm
9.       Trí thông minh không gian
Nếu con bạn gặp khó khăn trong học tập, hãy xem xét kỹ điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Hãy giúp con bạn trở nên xuất sắc trong các lĩnh vực mà chúng có nhiều khả năng thành công hơn và ủng hộ chúng cả khi thành công hay thất bại. Hãy xem xét điểm mạnh và điểm yếu của chính mình, liệu chúng có giống với con của bạn không?


(Ảnh: shutterstock.com)

Gây áp lực cho trẻ có thể khiến chúng không tin tưởng vào cha mẹ 
Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng “kỷ luật” là điều tốt đối với con cái, tuy nhiên thực sự điều này có thể mang lại nhiều thiệt hại hơn là tốt. Vì những đứa trẻ bị bố mẹ thường xuyên “dọa nạt” sẽ có ít khả năng gần gũi chúng trong những khoảng thời gian thực sự cần thiết.
Trẻ có thể nghĩ rằng cha mẹ chúng thiếu khả năng “thấu hiểu”, vì vậy thay vì cần sự cho phép của bạn đối với điều gì đó, chúng sẽ “nén lút” thực hiện. Những đứa trẻ mà cha mẹ rất “nghiêm khắc” có xu hướng trở nên khéo léo và lừa dối; kỹ năng này đã được  “mài dũa” tốt sau nhiều năm sống dưới áp lực nặng nề.
Ngoài ra, sự thiếu tin tưởng cũng cực kỳ gây tổn hại cho sự phát triển cảm xúc cá nhân. Trẻ em cần một môi trường nơi được tự do lựa chọn và không bị đặt câu hỏi liệu chúng có nhận được sự ủng hộ của cha mẹ hay không khi phạm phải sai lầm.


Ảnh: Internet)

Có một số phương pháp nhằm khuyến khích sự tự tin nơi trẻ
Có thể là sẽ rất khó khăn khi phải đứng ngoài quan sát trong khi tất cả điều bạn muốn làm là giúp đỡ trẻ giải quyết vấn đề ngay lập tức. Nhưng nếu hành động như vậy bạn đã góp phần làm “thui chột” năng lực và sự tự tin nơi trẻ, do vậy bạn cần phải để trẻ thất bại một vài lần và để con bạn tự học cách tự “đứng dậy”. Dưới đây là một vài lời khuyên để giúp con bạn có thể tự học hỏi và vun bồi sự tự tin.
– Khen ngợi vì những nỗ lực chứ không phải kết quả mà trẻ đạt được
Câu tục ngữ “thua keo này, ta bày keo khác” nên được áp dụng ở đây. Bởi vì mặc dù nó là “rập khuôn”, thực tế là trẻ đã cố gắng – đây mới là khía cạnh quan trọng nhất. Hãy lưu ý về việc con bạn đã sử dụng những kỹ năng gì trong quá trình này? Cái cách mà trẻ vượt qua những trở ngại và suy nghĩ sáng tạo là gì? Dành tặng  lời khen cho trẻ với những thành tựu nhỏ trên đường đời. Lần tới chúng nhất định sẽ làm tốt hơn.


(Ảnh: mediabakery.com)

– Hãy để chúng thất bại và chấp nhận hậu quả
Cách tốt nhất để học hỏi đó là trải nghiệm. Bạn có thể nói với ai đó không được làm điều gì đó hết lần này đến lần khác, nhưng sự tò mò rốt cuộc sẽ đem đến điều tốt nhất cho họ. Thay vì bao bọc và che chở, hãy cho phép trẻ phạm sai lầm, cho phép trẻ thất bại. Hãy để con bạn tìm ra cách riêng của mình để giải quyết vấn đề hoặc ít nhất là học hỏi được từ thất bại.
Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và nhận thức về trách nhiệm bản thân. Thật khó khăn khi phải chứng kiến trẻ thất bại, nhưng hãy suy nghĩ về việc bạn sẽ tự hào ra sao khi thấy con trẻ tiến bộ và vượt lên khó khăn.
– Đừng tập trung vào những điều tiêu cực, hãy tìm những điểm mạnh
Hãy nhớ những gì chúng tôi đã nói về 9 loại hình trí thông minh? Vâng, chính xác là về điều này, thay vì tập trung vào những gì con bạn không thể làm được, hãy giúp trẻ khám phá những gì chúng có thể làm. Không thể nhìn nhận là thất bại khi đứa trẻ không thể trở thành  một “vận động viên tài năng” như cha mẹ chúng. Có lẽ đứa trẻ có năng lực khác về học tập hoặc năng khiếu về nghệ thuật. Hãy giúp con bạn khám phá những điểm mạnh và vun bồi những năng lực đó nơi trẻ. Bạn và con sẽ có một mục tiêu chung và nó sẽ giúp cho tình cảm ngày càng gắn kết hơn.
– Giao phó cho trẻ các công việc và trách nhiệm cụ thể
Bằng cách đó, bạn đang đặt niềm tin nơi trẻ để hoàn thành tốt công việc. Giờ đây, trách nhiệm cá nhân của trẻ là hoàn thành các nhiệm vụ, điều này mang lại cho trẻ ý thức về nghĩa vụ và thành tích đạt được.
Nhà là nơi để yêu thương


(Ảnh: mediabakery.com)

Hãy chắc chắn để trẻ hiểu rằng, nhà là nơi chúng cảm thấy an toàn. Nhà là nơi chúng được chấp nhận và nơi trẻ được yêu thương. Hãy luôn dành thời gian để thể hiện sự quan tâm và tình cảm đối với con cái của bạn. Hãy cho chúng biết tất cả những điều mà bạn yêu thích về chúng, và yêu cầu trẻ nêu rõ ra những điều chúng cảm thấy tự hào. Thể hiện tình cảm và tình yêu là điều tốt nhất bạn có thể làm cho sự phát triển cảm xúc nơi trẻ.

Theo Life Hack

Nguyễn Việt

Miếng dán giảm đau của mẹ khiến con gái 15 tháng tuổi tử vong thương tâm chỉ sau một đêm

Tỉnh dậy vào buổi sáng, người mẹ hoảng hốt thấy con gái nằm bên cạnh hoàn toàn bất động. Cô không ngờ bi kịch đã xảy ra chỉ vì một miếng dán giảm đau. 


Bé Amelia đã tử vong ngay tại nhà mình.

Tai nạn hy hữu xảy ra tại gia đình của chị Sara Talbot và anh Ben Cooper, sống tại thị trấn Newquay, hạt Cornwall, nước Anh. Cô con gái Amelia Cooper, 15 tháng tuổi của hai anh chị đã tử vong thương tâm ngay trong phòng ngủ nhà mình.
Theo đó, vào hôm xảy ra sự việc, chị Sara đã đặt bé Amelia ngủ bên cạnh mình. Những tưởng đó chỉ là một hành động rất bình thường mà người mẹ nào cũng làm, nào ngờ, đó lại là lần cuối cùng chị Sara được nhìn thấy con gái.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, chị Sara hốt hoảng phát hiện con gái đang nằm bất động bên cạnh mình. Chị đã cố gắng lay con nhưng cô bé mãi không tỉnh dậy. Biết có chuyện chẳng lành, chị Sara và anh Ben ngay lập tức gọi xe cấp cứu để đưa con gái tới bệnh viện.
Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng bé Amelia đã không thể qua khỏi. Cô bé đã qua đời tại bệnh viện trong sự đau đớn lẫn khó hiểu của bố mẹ mình. Cả chị Sara và anh Ben đều không thể hiểu được tại sao con gái mình lại ra đi, trong khi tối hôm trước, cô bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Ngay sau đó, khám nghiệm tử thi đã được tiến hành. Theo nhân viên điều tra Emma Carlyon, nguyên nhân tử vong của bé Amelia là do nhiễm độc tính fentanyl, một loại chất có trong thuốc giảm đau, được sử dụng để giảm những cơn đau nghiêm trọng hoặc đau sau phẫu thuật bằng cách tác động lên não hoặc hệ thần kinh trung ương.


Gia đình hạnh phúc trước đó của anh Ben, chị Sara và bé Amelia.

Hóa ra, vào tối hôm trước, chị Sara đã dán một miếng dán giảm đau rồi bế con gái đi ngủ. Trong lúc ngủ, miếng dán này đã dính lên bụng của Amelia khiến cho chất fentanyl ngấm vào người cô bé. Với trẻ em, đây là một loại chất cực mạnh và có khả năng dẫn đến tử vong. Ngoài ra, các nhân viên không phát hiện thêm bất cứ thương tích nào trên cơ thể bé Amelia. Do đó, kết luận cuối cùng là cô bé đã tử vong vì nhiễm độc fentanyl.
Theo nhà nghiên cứu bệnh học Debbie Cook cho biết: "Chất fentanyl có thể làm khó thở, tụt huyết áp hoặc co giật. Nếu liều lượng quá cao, nó có thể gây hôn mê và dẫn tới tử vong bất cứ lúc nào". Ông Debbie cũng cho biết, nồng độ chất fentanyl được tìm thấy trong máu của bé Amelia có thể đủ để giết chết một người lớn.
Mặc dù vậy, không ai biết rõ được miếng dán giảm đau của chị Sara đã dính lên người bé Amelia như thế nào, trong khi cô bé mặc một bộ quần áo ngủ khá kín. 


Bé Amelia đã bị nhiễm độc từ miếng dán giảm đau của người mẹ.

Sự ra đi đột ngột của bé Amelia đã để lại cho chị Sara và anh Ben vô vàn nỗi đau đớn và sự hối hận. Anh Ben chia sẻ: "Con bé đã thắp sáng cuộc đời chúng tôi bằng những nụ cười trong trẻo. Chúng tôi rất yêu con và vô cùng đau đớn trước sự thật này. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên được con bé. Amelia sẽ ở mãi trong tim chúng tôi. Con bé xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng chúng tôi đã cướp đi điều đó bằng sự bất cẩn của mình".
Về phía người mẹ, chị Sara đã vô cùng đau xót và dằn vặt. Chị luôn cho rằng mình là nguyên nhân khiến con qua đời và không thể nào thoát khỏi suy nghĩ đó. Chị Sara cho biết, chị không thể hiểu tại sao bất hạnh này lại đến với gia đình mình, nhưng chị muốn gửi lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh khác rằng, hãy luôn để ý tới con cái mình dù chỉ là những tác động nhỏ nhất để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

VietBao.vn (Theo TTO/Khampha >>>)

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Những con đê vĩ đại và lịch sử chống lũ của người Hà Lan (P1): Đê biển 32km Afsluitdijk

Không ít người đã biết rằng gần 1/3 diện tích và 2/3 dân số Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển. Nhưng Hà Lan còn là một cường quốc về nông nghiệp với giá trị nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới.


Sống chung với nước đã trở thành việc hiển nhiên của người dân Hà Lan từ ngàn xưa (ảnh: eurail.com)

Vậy đất nước này đã làm thế nào để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong khi nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Câu trả lời chính là những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới mà Hà Lan đã xây dựng.
Phần 1: Lịch sử chống lụt hàng ngàn năm và tuyến đê biển vĩ đại dài 32km phía tây bắc
Hà Lan có tên tiếng anh là Netherland, có nghĩa là vùng đất thấp hay vùng đất trũng. Nằm ở phía tây của châu Âu, đất nước Hà Lan xinh đẹp nằm giáp với biển Bắc. Chỉ khoảng một nửa nước Hà Lan có độ cao trên mực nước biển, trong khi vùng thấp nhất của Hà Lan lại nằm dưới mực nước biển 6,7m. Hà Lan là đất nước với nhiều khu vực ngập lụt, nhiễm mặn, phèn hoá, và là châu thổ chịu lũ chính của lưu vực sông Rhin, tiền tiêu hứng chịu triều cường biển Bắc của châu Âu.
Hàng ngàn năm qua, người dân Hà Lan đã liên tục chống chọi với nước biển. Chống chọi với biển trở thành bài học xương máu của đất nước này. Ngày nay trẻ em của Hà Lan bắt buộc phải học bơi và phải có chứng chỉ bơi lội.
Các chuyên gia ước tính rằng, trong trường hợp không có hệ thống đê biển che chắn, 1/2 đất nước Hà Lan sẽ ngập dưới nước.


1/2 đất nước Hà Lan sẽ bị lụt nếu không có hệ thống đê (ảnh: landezine.com)

Trong những năm trước thế kỷ 20, người Hà Lan đắp đê để tránh cho nước biển tràn vào cánh đồng của mình. Những chiếc cối xay gió khổng lồ – biểu tượng cho đất nước này – được sử dụng để chuyển nước ra ngoài biển, làm khô đất đai.


1/2 đất nước Hà Lan sẽ bị lụt nếu không có hệ thống đê (ảnh: landezine.com)

Cuối thế kỷ 19, người ta ước tính có đến 10.000 chiếc cối xay gió được vận hành khắp đất nước Hà Lan, biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ với năng suất nông nghiệp vào loại cao nhất thế giới.


Bản đồ hệ thống đê biển phía bắc Hà Lan giai đoạn từ năm 700 – 1200 (ảnh: dutchdikes.net)

Hệ thống đê điều dài đến 22.500 km
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu hiệu cho thấy công trình đê biển sớm nhất của Hà Lan có từ cuối Thời kỳ đồ sắt.

Qua 2.000 năm xây dựng đất nước, Hà Lan đã sở hữu mạng lưới đê điều dày đặc với tổng chiều dài lên đến 22.500 km, dài hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.


Những chiếc cối xay gió đã góp công lớn cho việc xây dựng đất nước Hà Lan xinh đẹp (ảnh: wallpapersafari.com)

Mạng lưới đê điều của Hà Lan gồm 5 loại đê các khau, bao gồm đê biển, đê sông, đê bao vùng đất đang làm khô, đê bao các hồ, đê bao các kênh rạch trong thành phố. Mỗi một loại đê có chức năng khác nhau, có kết cấu khác nhau.
Cùng với việc ngày càng mở rộng mạng lưới đê điều, nước biển đã dần dần bị cô lập ra khỏi đất nước Hà Lan. Nếu vào năm 1500, Hà Lan có đến 2.600km bờ biển, thì năm 1850 họ chỉ còn 2.100km bờ biển, năm 1950 còn 1.600km và đến năm 2000 thì chỉ còn 880km bờ biển.


Mạng lưới đê điều của Hà Lan có tổng chiều dài lên đến 22.500 km (ảnh: landezine.com)


Đường bờ biển của Hà Lan giảm dần theo thời gian, đồng nghĩa với việc nước biển dần dần bị cô lập ra khỏi đất nước này (ảnh: dutchdikes.net)
Trong 5 loại đê của Hà Lan thì hệ thống đê biển có chiều dài lên đến 3.500km – được coi là các kỳ quan của thế giới đương đại bởi tầm quan trọng và sự vĩ đại của các công trình này.
Đê biển Afsluitdijk – 1 trong 10 công trình vĩ đại nhất hành tinh
Năm 1916, Hà Lan hứng chịu một cơn bão lớn. Cơn bão khiến vùng vịnh Zuiderzee ở phía tây bắc nước này trở nên hung hãn, gây lụt lớn ở miền bắc. Nước biển quét qua Amsterdam, hủy hoại hoa màu, đất canh tác và xóa sạch mọi thứ trên đường đi của nó. Trận lụt đã lấy đi sinh mạng của 10.000 người và gây ra nạn đói nghiêm trọng cho đất nước Hà Lan.
Ngay sau trận bão năm 1916, chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch đóng kín cửa vịnh Zuiderzee bằng một con đê biển có tên Afsluitdijk với chiều dài lên đến 32km, rộng 90m và độ cao 7,25m so với mực nước biển.
Việc xây dựng một con đê biển có quy mô lớn như vậy tại vùng biển Bắc hung dữ trong điều kiện kỹ thuật hết sức thô sơ đầu thế kỷ 20 là một thách thức tưởng chừng bất khả thi.  


Đê biển Afsluitdijk nằm ở phía tây bắc Hà Lan, ngăn cách vịnh Zuiderzee với Biển Bắc hung dữ (ảnh: wikipedia)

Chân đê được mở rộng dần bằng cách đóng cọc xuống đáy biển, người Hà Lan đã múc các khối sét băng hà từ đáy biển và dựng thành 2 hàng song song làm tường đê, sau đó, dùng tàu chở đá, cát và đất sét đổ vào giữa 2 bức tường.


Một cảnh thi công đê biển Afsluitdijk (ảnh: vov.vn)

Tiếp theo, các phương tiện thi công cơ giới bao mặt đê, gia cố móng bằng đá bazan. Tại một số điểm đặc biệt yếu, có độ sâu lớn, tương ứng với tác động của dòng triều mạnh, các chuyên gia Hà Lan đã phải tiến hành một số biện pháp đặc biệt và thi công gia cố bổ sung.
Điều phi thường là việc thi công đê biển Afsluitdijk được tiến hành vào đầu thế kỷ trước, và hoàn thành chỉ vẻn vẹn trong 6 năm (1927-1932).


Việc xây dựng đê biển Afsluitdijk trong điều kiện kỹ thuật rất thô sơ của đầu thế kỷ 20 là một thách thức vô cùng lớn (ảnh: vov.vn)
Số lượng vật liệu được sử dụng cho Afsluitdijk ước tính khoảng 23 triệu m3 cát và 13,5 triệu m3 xi măng, chưa tính trung bình khoảng 4 – 5 nghìn công nhân tham gia lao động trên công trường mỗi ngày.

Cuối cùng, vào ngày 28/5/1932, con đê biển Afsluitdijk vĩ đại dài 32km, rộng 90m, cao 7,25m trên mực nước biển đã được hoàn thành. Đến ngày hôm nay, Afsluitdijk vẫn sừng sững, hiên ngang trước biển Bắc với 10 làn xe chạy trên mặt đê.


Đê biển Afsluitdijk được hoàn thành vào năm 1932 sau 6 năm xây dựng (ảnh: flickr.vn)


Đê biển Afsluitdijk được coi là 1 trong 10 công trình vĩ đại nhất của con người trong thế kỷ 20 (ảnh: pointurier.net)

Công trình trị thủy khổng lồ này đã giúp Hà Lan giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thuỷ sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía Bắc Hà Lan. Đê biển Afsluitdijk cũng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ tỉnh North Holland tới tỉnh Friesland.
Đê biển Afsluitdijk cũng khiến cho vịnh Zuiderzee trở thành hồ nước ngọt khổng lồ đồng thời đã giúp Hà Lan có thêm 1.650 km2 đất thổ cư và canh tác nông nghiệp nhờ lấn dần các vùng đất ven hồ. Các làng mạc và đô thị lớn nhỏ mọc lên ven hồ đã tạo nên tỉnh mới Flevoland. Thành phố thủ phủ của Flevoland được đặt tên là Lelystad – theo tên kĩ sư trưởng dự án Zuider Works (Cornelis Lely), để ghi nhận công lao và sự đóng góp của ông.
Ngày nay, đê biển Afsluitdijk cùng với các đê biển của Hà Lan được các kiến trúc sư đánh giá là 1 trong 10 công trình vĩ đại nhất của con người.

Thiện Tâm tổng hợp

Những con đê vĩ đại và lịch sử chống lũ của người Hà Lan (P2): Nhiệm vụ ‘bất khả thi’

Không ít người đã biết rằng gần 1/3 diện tích và 2/3 dân số Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển. Nhưng Hà Lan còn là một cường quốc về nông nghiệp với giá trị nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới. Vậy đất nước này đã làm thế nào để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong khi nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Câu trả lời chính là những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới mà Hà Lan đã xây dựng.

Phần 2: Dự án Delta Works và những công trình vĩ đại


Tháng 1/1953, vùng tây nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão ở từ biển Bắc. Bão và nước biển vượt qua hệ thống đê đã cũ ở phía tây nam nước này khiến hơn 200.000 vật nuôi bị cuốn trôi, 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất nông nghiệp bị phá hủy.
Thiệt hại từ cơn bão này khiến cho chính phủ Hà Lan xây dựng Luật Châu thổ (Delta Law) nhằm quy định tiêu chuẩn xây dựng các công trình chống lụt của Hà Lan với tiêu chí: đê biển bắc và nam phải đạt tiêu chuẩn chống được các cơn bão lụt với tần suất 1 vạn năm/lần, các đê xung yếu khác cần phải chống được các cơn bão lụt với tần suất 4.000 năm/lần, các con đê chuyển tiếp giữa các vùng đất cao và thấp cần đáp ứng các cơn bão lụt với tần suất 2.000 năm/lần
Chính phủ Hà Lan cũng quyết định xây dựng hệ thống chống lụt lớn nhất thế giới: Dự án Delta Works (Delta Works Project) với tham vọng xây dựng chuỗi 16.500 km đê chính và phụ, hệ thống cống tiêu nước, cửa ngăn triều, âu thuyền và rất nhiều công trình phụ trợ khác nhằm giúp Hà Lan thoát khỏi nguy cơ lũ lụt.


Các hạng mục chính của dự án Delta Works là các con đê ở các cửa sông cốt yếu (ảnh: deltawerken.com)

Những con đê chắn sóng linh hoạt với cửa van bằng thép khổng lồ  
Khởi công từ năm 1959, dự án Delta đã tiến hành xây dựng hàng loạt đê biển kiên cố để chặn những cửa sông cốt yếu. Nhưng sau 14 năm xây dựng, một yếu tố bất ngờ đe dọa sự tồn tại toàn bộ dự án: thủy sinh vật đằng sau các con đê đang chết dần. Các con đê đã ngăn nước biển và xóa bỏ hệ sinh thái biển, nó cũng đe dọa giết chết ngành công nghiệp đánh bắt hải sản nhiều lợi nhuận.
Dự án Delta đang triển khai dang dở buộc phải thay đổi. Đối với các kĩ sư tham gia dự án, việc thay đổi định hướng dự án khi đang xây dựng là một thử thách cực lớn.
Nhưng rốt cuộc, với nỗ lực phi thường, những người Hà Lan đã xây dựng thành công một hệ thống đê biển vĩ đại, có một không hai trên thế giới: 13 hệ thống đê linh hoạt có cửa van cho phép hàng triệu mét khối nước chảy qua cửa sông khi thủy triều lên xuống nhưng có thể đóng lại khi nước biển dâng cao chỉ bằng một nút bấm.
Oosterscheldekering là đê biển lớn nhất trong 13 hệ thống đê biển linh hoạt có cửa van chống lụt. Con đê có chiều dài lên đến 9km chia làm 5 đoạn trong đó có 3 đoạn với cửa van. Những đoạn này bao gồm 65 trụ bê tông khổng lồ cao từ 35 – 38,75m, nặng 18.000 tấn cùng với 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các trụ bê tông. Các cửa van bằng thép dày 5m và rộng 40m, nặng đến 500 tấn mỗi cửa, thay đổi theo độ cao từ 6m đến 12m tuỳ theo vị trí của chúng trong tuyến đê.


Đê biển Oosterscheldekering có chiều dài 9km bao gồm 3 đoạn linh hoạt có các cửa van đóng mở (ảnh: wikipedia)

Việc xây dựng đê biển Oosterscheldekering vấp phải rất nhiều thách thức, nhưng các kĩ sư Hà Lan đã giải quyết một cách tuyệt vời.
Để đê có thể trụ vững trước dòng nước chảy xiết ở cửa sông đồng thời chống lại được sự dịch chuyển của đáy biển, các tấm nhựa nhồi sỏi được rải bằng các xà lan đặc chủng tại khu vực chân đê, tạo thành một lớp thảm dày 36cm, rộng 200m kéo dài suốt con đê tạo thành lớp móng cứng và mịn.  


Một đoạn của đê biển Oosterscheldekering sau khi được hoàn thiện (ảnh: euroreizen.be)

Các trụ bê tông để treo cửa van thép cần phải chịu được sức nặng 500 tấn và các cơn bão lớn, chúng được sản xuất tại bến tàu. Mỗi trụ bao gồm 12 khối bê tông rỗng kết nối với nhau. Thời gian xây dựng cho mỗi trụ là 1 năm rưỡi. Sau khi hoàn thành 30 trụ đồng thời, toàn bộ bến tàu được đánh chìm để các trụ bê tông nổi lên mặt nước. Các khối trụ bê tông sau đó sẽ được kéo bằng tàu về vị trí với sai số chỉ vài centimet. Tại vị trí, các trụ được làm chìm và giữ cố định bằng cách đổ đầy 5 triệu mét khối đá.


Các trụ bê tông đang được sản xuất tại bến tàu (ảnh: beeldbank)


Các trụ bê tông đã được xây dựng xong, chờ di chuyển đến vị trí (ảnh: CBS news)

Ngày 4/10/1986, đê biển Oosterscheldekering với chi phí xây dựng khổng lồ 2,5 tỷ Euro đã được cắt băng khánh thành bởi Nữ hoàng Hà Lan.
Với Oosterscheldekering, các kĩ sư hy vọng có thể chống được các cơn bão lũ với khả năng xuất hiện 4.000 năm/lần. Nó được coi là một trong những công trình biển vĩ đại nhất của con người hiện nay.


Đê biển Oosterscheldekering được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của con người hiện đại (ảnh: ggpht.com)

Hàng rào chắn sóng di động duy nhất trên thế giới tại cảng Rotterdam
Cảng Rotterdam là một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới nằm ở phía nam Hà Lan. Hàng năm, có hơn 400 triệu tấn hàng hóa được lưu thông qua cảng biển này. Nó là một yết hầu trong nền kinh tế Hà Lan.


Rotterdam là một trong những hải cảng bận rộn nhất thế giới (ảnh: portstrategy.com)

Đường vào cảng Rotterdam là một con kênh dài 360m có tên là New Waterway. Việc xây một con đê cố định hay linh hoạt đều không khả thi tại đây, vì nó sẽ ngăn cản tàu thuyền qua lại.
Để có thể đảm bảo hàng triệu người dân Rotterdam có thể an toàn trong bão lũ, trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến việc lưu thông của cảng, các kĩ sư Hà Lan đã có một ý tưởng dường như điên rồ:
·         Xây dựng một con đập là một hàng rào chắn sóng di động với 2 cánh cửa quay bằng thép, mỗi cánh dài 210m, cao 22m với trọng lượng 6.800 tấn.
·         Hàng rào này được điều khiển bởi siêu máy tính kết nối với hệ thống theo dõi mực nước biển và thời tiết, có thể tự động đóng/mở trong trường hợp khẩn cấp.
·         Bình thường, hai cánh cửa của của hàng rào vốn là 2 âu thuyền lớn, nổi hoàn toàn, mở sang hai bên cho tàu đi qua. Nếu có một trận bão làm mực nước biển dâng lên 3m so với mức bình thường, hai cánh cửa sẽ tự động di chuyển theo đường ray và đóng sập lại, nước sẽ được bơm vào âu thuyền và khiến nó chìm sát xuống đế đập để ngăn dòng nước.
Hàng rào chắn sóng này được đặt tên là Maeslantkering, nó cũng là công trình cuối cùng của dự án Delta Works. Để biến ý tưởng Maeslantkering thành hiện thực, các kĩ sư Hà Lan đã có vô số giải pháp sáng tạo và táo bạo để giải quyết các thách thức.  


Hàng rào chắn sóng Maeslantkering khi đang mở (ảnh: images.itv.com)


Hàng rào chắn sóng Maeslantkering khi đóng lại (ảnh: images.itv.com)

Việc xây dựng móng cho Maeslantkering là một thách thức lớn để đảm bảo móng đập có thể phẳng và khít với cánh cửa quay đồng thời không bị xói mòn bởi nước chảy xiết khi cửa đóng dần. Các kĩ sư đã chọn giải pháp đào sâu gần 10 mét xuống đáy biển, rồi đổ đầy cát, đá sỏi xuống đó nhằm tạo ra nền móng có vững chắc nhưng lại cho phép nước thấm qua và không bị xói mòn. Sau đó 64.463 tấn bê tông được đặt trên móng để tạo nên chân đế vững chắc cho đập.  
Phần khớp nối của 2 cánh cửa là điểm yếu nhất trên toàn bộ con đập. Các khớp nối được thiết kế có đường kính 10m và được chế tạo tại nhà máy cơ khí lớn nhất của châu Âu với độ chính xác ngang với đồng hồ nhằm đảm bảo khả năng chống chịu những cơn bão lớn nhất.
Phần tay giàn của 2 cánh cửa đập được làm bằng thép ống đường kính 90cm. Chúng được lắp đặt tại chỗ và hàn trong các lều bảo vệ để tránh nhiễm bẩn mối hàn.


Tay giàn của 2 cánh cửa đập (ảnh: NYT)

Công trình Maeslantkering được hoàn thành năm 1997 sau 6 năm xây dựng với tổng chi phí khoảng 450 triệu Euro. Công trình này có thể chịu được các trận bão biển với khả năng xuất hiện 10.000 năm/lần.

Ngày 8/11/2007, lần đầu tiên Maeslantkering đóng lại khi một cơn bão tràn đến. Và nó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Rotterdam và vùng châu thổ phía sau trong cơn bão.
Ngày nay, những công trình đê biển vĩ đại đã trở thành niềm tự hào của người Hà Lan và được coi là kỳ quan của thế giới đương đại. Các công trình không chỉ thể hiện trí tuệ, tinh thần chịu khó, sự dũng cảm của người dân Hà Lan mà nó còn thể hiện khát vọng vươn lên và trách nhiệm đối với các thế hệ tiếp theo trong việc xây dựng một đất nước Hà Lan an toàn và thịnh vượng.

Video: người Hà Lan đã tạo ra hệ thống đê biển vĩ đại nhất hành tinh như thế nào?



Thiện Tâm


Blog Archive