Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Đi bộ kiểu Bắc Âu, phương pháp rèn luyện của vùng đất hạnh phúc nhất thế giới

Cư dân Phần Lan từng có một câu nói: “Nếu có 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi muốn đó là trời nắng, thứ 2 là có một mái nhà”. Cuộc sống khắc nghiệt của Phương Bắc trong quá khứ khiến con người nơi đây trui rèn nên những phẩm chất điển hình để thành công: lối sống cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên và ý chí kiên cường trước nghịch cảnh.


Vượt qua bóng đêm lịch sử, giờ đây Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu được thế giới biết đến với nhiều cái nhất: Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nền giáo dục độc đáo nhất thế giới, hệ thống hành chính công liêm khiết bậc nhất thế giới. Nhưng với đa số chúng ta, những điều lý thú được biết đến về Quốc Gia này còn quá ít ỏi. Loạt bài về Phần Lan hy vọng sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống thường ngày, chính sách xã hội và những thành tựu của một quốc gia có dân số thấp hơn cả thành phố Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.
***
Khi du lịch đến Châu Âu, hoặc chỉ đơn giản lướt qua một vài bức ảnh của các công Viên ở Châu Âu độc giả có thể nhìn thấy những người đi bộ trên tay cầm những chiếc gậy giống như đi trượt tuyết. Vì sao họ vừa đi bộ lại vừa cầm những cây gậy vướng víu như vây? Hoàn toàn không phải, đó là một phương pháp rèn luyện thể dục được nhiều người Phương Tây ưa chuộng có tên: “Đi bộ kiểu Bắc Âu”
Đi bộ kiểu bắc Âu trở thành một trào lưu và hình thức tập luyện phát triển rộng rãi ở Phần Lan. Hiện nay có khoảng 800.000 người hiện đang đi bộ hàng tuần. Và theo ước tính có hơn 1.5 triệu người đã từng ít nhất một lần thử loại hình thể thao này, trong khi dân số Phần Lan chỉ vỏn vẹn 5,5 triệu người. Noi gương Phần Lan, gần đây cơn sốt này đã lan ra khắp các nẻo đường Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.


(Ảnh: fisiokine.com)

Thật khó mà xác định được nguồn gốc của những chiếc gậy Bắc Âu đến từ đâu, ban đầu những cây gậy có mục đích chủ yếu là dùng để trượt tuyết, nhưng vào mùa hè không có tuyết, các vận động viên vẫn sử dụng nó để đi bộ như là cách tốt nhất để duy trì thể lực. Về sau những cây gậy đã  được dùng trong các hạng mục thể thao trên dốc từ những năm 1950 và đến cuối thập niên 1980 thì nó đã có chỗ đứng riêng trong các hoạt động thể thao giải trí và hoạt động ngoài trời.
Loại hình đi bộ này càng thu hút nhiều sự quan tâm và hoàn thiện về phương pháp sử dụng khi mà vấn đề về sức khỏe được người dân Bắc Âu coi trọng, những chiếc gậy với kiểu dáng phù hợp cho việc đi bộ đã được thiết kế và phủ sóng trên khắp thị trường.
Những lợi ích đem lại


(Ảnh: sportraw.pl)

Người ta cũng đã nghiên cứu về tác động của môn tập đối với sức khỏe con người, và kết quả chỉ ra rằng bộ môn này cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Hoạt động vận động ngày phù hợp với bất cứ ai có thể đi bộ. Khi sử dụng gậy có chiều dài thích hợp và kỹ thuật tốt, đi bộ kiểu Bắc Âu có thể đem lại hiệu quả cao hơn 40%- 50% so với lỗi đi bộ thông thường, hơn nữa còn giảm áp lực lên đầu gối tới 30% nên thích hợp cho mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già.
Thông thường, người tập được khuyến cáo đi bộ một tiếng đồng hồ, trong thời gian đó họ phải có khả năng nói chuyện mà không bị hụt hơi. Nếu luyện tập từ 1-2 tiếng đồng hồ một tuần cơ thể bạn có thể duy trì tình trạng thể chất tuyệt vời.
Ngoài việc cải thiện sức khỏe, đi bộ kiểu Bắc Âu cũng rèn luyện cho con người ta các đức tính tích cực, cải thiện trạng thái tinh thần. Tháng 11 năm 2000, Trường thể thao lực lượng phòng vệ đã tổ chức một thử thách đi bộ kiểu Bắc Âu cho những binh lính nghĩa vụ với hành trình dài 7km và mang trên thân lượng tư trang chiến đấu đầy đủ.
Kết quả là khi sử dụng gậy đi bộ, thử thách được hoàn thành sớm hơn 3 phút so với thông thường, binh lính không cảm thấy tốn sức, họ di chuyển trên dốc hiệu quả hơn. Các binh lính nghĩa vụ coi đây là một trải nghiệm hết sức thú vị.
Vùng đất của những cải tiến xã hội
Không chỉ trong lĩnh vực sức khỏe mà có nhiều các sáng kiến khác đã được áp dụng rộng rãi trong cả y tế, giáo dục và trợ cấp xã hội được cư dân Phần Lan đón nhận và thực hành rộng rãi. Những phát kiến này không có bằng sáng chế, không có tác giả mà là kết quả chung của cả cộng đồng.
Hơn thế nữa, với những xu hướng đến từ bên ngoài có ảnh hưởng tích cực đối với đất nước cũng được Chính phủ ủng hộ. Đây cũng là một động lực giúp Phần Lan liên tục đứng đầu trong danh sách các quốc gia Hạnh Phúc Nhất Thế Giới dù người dân ở đây được tận hưởng rất ít ánh nắng mặt trời, phải sống trong nền nhiệt thấp và mật độ dân số trung bình vào khoảng 18 người/km2.

Xây dựng sức mạnh văn hóa cộng đồng dựa trên nền tảng niềm tin


Cư dân Phần Lan từng có một câu nói: “Nếu có 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi muốn đó là trời nắng, thứ 2 là có một mái nhà”. Cuộc sống khắc nghiệt của Phương Bắc trong quá khứ khiến con người nơi đây trui rèn nên những phẩm chất điển hình để thành công: lối sống cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên và ý chí kiên cường trước nghịch cảnh.
Vượt qua bóng đêm lịch sử, giờ đây Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu được thế giới biết đến với nhiều cái nhất: Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nền giáo dục độc đáo nhất thế giới, hệ thống hành chính công liêm khiết bậc nhất thế giới. Nhưng với đa số chúng ta, những điều lý thú được biết đến về Quốc Gia này còn quá ít ỏi. Loạt bài về Phần Lan hy vọng sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống thường ngày, chính sách xã hội và những thành tựu của một quốc gia có dân số thấp hơn cả thành phố Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.
***
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành phố lớn trên thế giới đều có một thực trạng chung đang diễn ra rất phổ biến: Những người sống trong cùng một khu phố, một khu chung cư hay một vùng địa lý nhất định lại khiếm khi quan tâm đến đời sống người hàng xóm của mình. Lối sống vội vã hiện đại khiến con người ngày càng xa nhau và thu hẹp mối quan tâm của bản thân trong không gian nhỏ hẹp của cá nhân của họ.


(Ảnh: visitfinland.com)

Thế nhưng ở Phần Lan, dường như đô thị hóa không thể làm xóa mờ đi lối sống cộng đồng vốn có của tổ tiên họ ngàn đời. Thay vào đó, người ta vận dụng sự tiến bộ của công nghệ và truyền thông để gắn kết và phát triển văn hóa cộng đồng trở nên đa dạng và đặc sắc hơn.
Văn hóa đô thị kiểu Phần Lan được thể hiện rõ nhất có lẽ là tại Helsinki – thủ đô và là thành phố lớn nhất của đất nước. Các phong trào cộng đồng đa số xuất phát từ đây và chúng được cư dân đô thị hưởng ứng rất mạnh mẽ. Thông thường những hoạt động cộng đồng như lễ hội, ca nhạc và mua sắm sẽ được một nhóm tình nguyện đứng ra tổ chức, đồng thời họ cũng nhận được sự giúp đỡ về tài chính và nhân lực từ cả cộng đồng.
Những ví dụ điển hình
Ví dụ nổi tiếng nhất về nét văn hóa độc đáo này là sự kiện “Ngày Nhà Hàng” (Restaurant Day), sự kiện diễn ra lần đầu vào năm 2011, và sau này nó đã trở thành một nét đặc sắc hiếm có ở Helsinki. Trong “Ngày Nhà Hàng”, bất cứ ai cũng có thể mở một “nhà hàng tạm bợ”, ở bất kỳ đâu bạn có thể nghĩ đến: Đường phố, phòng khách, văn phòng, bãi biển… thậm chí là trường học.


Người phụ nữ với nhà hàng của mình bên vệ đường (Ảnh: visitfinland.com)

Bên cạnh việc đem đến niềm vui cho mọi người, ý tưởng còn chỉ ra những khó khăn mà việc vận hành một nhà hàng gặp phải, từ đó mọi người có thể hiểu và cảm thông hơn cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Ý tưởng ban đầu không được chính quyền cấp phép, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nó đã được công nhận chính thức. Giờ đây cứ 3 tháng “Ngày Nhà Hàng” lại được tổ chức một lần và trở nên phổ biến khắp Phần Lan cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt ở Trung Âu và Nga.
Một sự kiện khác khá phổ biến đó là “Ngày Dọn Dẹp”. Từ năm 2012, người ta dành ra một ngày để thu dọn những thứ đồ cũ không dùng trong nhà, đem chúng bán cho những ai cần đến. Mỗi năm 2 lần, các công viên Phần Lan lại chật ních những người mua và bán các món đồ giá rẻ. Hiện tượng này cũng được “xuất khẩu” sang các nước khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.


Một lễ hội đường phố thu hút rất đông người tham dự (Ảnh: visitfinland.com)

Năm 2010, người ta còn chứng kiến một sự khởi đầu mạnh mẽ của Chủ Nghĩa Tích Cực trong các cộng đồng đô thị. Trào lưu này bắt đầu từ năm 2011 tại khu dân cư Kallio của Helsinki với mục tiêu biến khu dân cư nơi đây trở nên đáng sống cho tất cả mọi người. Trong ngày này, người ta tổ chức các bữa tiệc lớn và chợ trời trên những con đường đông người qua lại. Phong trào Kallio và tiệc thường niên Kallio thu hút tới 20.000 người tham gia chắc chắn đã vượt xa dân số của khu phố và trở thành điểm nhấn cho Helsinki.
Và còn rất nhiều hoạt động cộng đồng đặc sắc khác nữa được cư dân nơi đây sáng tạo nên nhằm gắn kết mọi người lại với nhau. Vượt qua những bức vách bằng bê tông và sự thu hút của các thiết bị điện tử, người ta đến với nhau để vui đùa, đóng góp và làm việc nhóm. Như vậy cộng đồng càng trở nên gắn bó mật thiết hơn.


Một cậu bé đang thưởng thức món ăn bày bán ở công viên (Ảnh: visitfinland.com)

Nguyên nhân của văn hóa cộng đồng đặc sắc ở Phần Lan
Người Phần Lan vốn có một truyền thống cộng đồng rất sâu đậm. Cư dân thưa thớt với địa hình chủ yếu là rừng, khí hậu khắc nghiệt quanh năm và thời gian có ánh mặt trời ít nhất thế giới buộc người dân nơi đây phải hình thành một tập quán sinh sống tập thể từ lâu đời.
Việc cùng nhau làm việc và giúp đỡ một cách vô tư hàng xóm của mình đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Phần Lan. Mặc dù một phần của truyền thống này đã phai nhạt cùng với quá trình đô thị hóa, thế nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, nét đặc trưng văn hóa này lại xuất hiện trở lại và lan rộng hơn nữa bằng một hình thức mới.


(Ảnh: Ditrunuocngoai.com)

Việc chia sẻ nguồn lực yêu cầu sự tham gia của cả cộng đồng. Không chỉ không gian chung như góc phố, quán bar mới được mọi người sử dụng mà không gian riêng tư cũng sẵn sàng được chia sẻ. Ví như các triển lãm nghệ thuật trong phòng khách, các cuộc họp với ứng cử viên chính trị địa phương tại gia, buổi hòa nhạc sau vườn. Thậm chí các phòng tắm xông hơi của các doanh nghiệp, đoàn thể cũng được kêu gọi chia sẻ miễn phí cho cộng đồng.
Tất cả đến từ nền tảng của một niềm tin
Các phương tiện truyền thông quả thật đã đẩy nhanh khả năng kêu gọi và phối hợp của các cá nhân trong việc xây dựng sự kiện. Thế nhưng, yếu tố căn bản nhất khiến cho nét văn hóa này vẫn phát triển mạnh mẽ ở Phần Lan chính là sự tin tưởng vào những người xung quanh một cách cao độ. Các công dân là bình đẳng với nhau bất kể giàu nghèo, đạo đức được coi trọng và sự tôn trọng quyền cá nhân được đặt lên hàng đâu. Người ta có thể dễ dàng xuống phố mua một ít rau cho dù có ai đó xa lạ đang ngồi trong phòng khách của họ xem tivi.


(Ảnh: CafeF)

Điều này thật hiếm có! Và nó cũng dễ dàng giải thích cho việc các hoạt động cộng đồng tại nơi đây được hưởng ứng mạnh mẽ và thành công đến vậy. Người ta đến với nhau dựa trên niềm tin vào khả năng của người khác, tính trách nhiệm và tinh thần làm việc nhóm được bồi đắp trong một nền văn hóa lành mạnh chính là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng xã hội.
Một yếu tố quan trọng khác chính là sự nhạy bén và uyển chuyển trong cách hành xử của chính quyền địa phương đối với các sáng kiến vì cộng đồng. Nếu như 10 năm trước những sáng kiến và sự kiện tập thể như thế này còn rất hạn chế, thì ngày nay chúng lại được thông qua khá là nhanh chóng. Bản thân các cơ quan hữu quan cũng hiểu rõ vai trò của những hoạt động tập thể làm gắn kết thêm mối liên hệ tinh thần và duy trì sự ổn đinh của xã hội. Vì vậy họ không hề ngại ngần khi khuyến khích cư dân địa phương có thêm nhiều ý tưởng cộng đồng như thế.
Phần Lan vẫn luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong nhiều năm qua. Điều đó khiến cho một vị tổng thống trong lúc tranh cử từng nói rằng: “Ai sinh ra ở Phần Lan thì cũng may mắn như là trúng được sổ số”. Có lẽ người ta không cần quá nhiều tiền mới trở thành người may mắn, chỉ cần sống trong một môi trường có nền văn hóa tốt thì đã rất là may mắn rồi.

Hình thành các hiệp hội bảo vệ nguồn nước, giải pháp để phát triển bền vững


Cư dân Phần Lan từng có một câu nói: “Nếu có 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi muốn đó là trời nắng, thứ 2 là có một mái nhà”. Cuộc sống khắc nghiệt của Phương Bắc trong quá khứ khiến con người nơi đây trui rèn nên những phẩm chất điển hình để thành công: lối sống cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên và ý chí kiên cường trước nghịch cảnh.
Vượt qua bóng đêm lịch sử, giờ đây Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu được thế giới biết đến với nhiều cái nhất: Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nền giáo dục độc đáo nhất thế giới, hệ thống hành chính công liêm khiết bậc nhất thế giới. Nhưng với đa số chúng ta, những điều lý thú được biết đến về Quốc Gia này còn quá ít ỏi. Loạt bài về Phần Lan hy vọng sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống thường ngày, chính sách xã hội và những thành tựu của một quốc gia có dân số thấp hơn cả thành phố Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.
***
Phần Lan nổi tiếng với quy trình xử lý nước thải tiên tiến và hành lang pháp lý kiện toàn trong việc bảo vệ môi trường nước. Các công trình xử lý nước thải ở đây đều có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới ở nhiều khía cạnh khác nhau như thiết kế, tự động hóa, hiệu năng và giải pháp phát triển bền vững. Tuy nhiên ít ai biết rằng cách đây 60 năm, Phần Lan từng rơi vào tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Những bước đi đầu tiên


(Ảnh: nuocphanlan.com)

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm 50 của thế kỷ trước, nguồn nước của Phần Lan bị lạm dụng quá mức. Nước máy của các thành phố có nguồn gốc từ các dòng sông và các hồ nước tự nhiên thường có mùi vị lạ và dẫn đến nhiều loại bệnh dịch lây lan trong cộng đồng cư dân.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ các nhà máy chế biến gỗ, chế biến thực phẩm và luyện kim phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng được xây dựng xung quanh các con sông và ao hồ. Vào thời điểm đó nhận thức bảo vệ môi trường nước của cộng đồng còn thấp, hệ thống xử lý nước thải chỉ được lắp đặt sơ sài đồng thời việc lọc nước tại các nhà máy cũng không đảm bảo vệ sinh cho cư dân xung quanh.
Cuối cùng, vào năm 1962 chính quyền Phần Lan đã ban hành một bộ luật về nước nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng lan tràn các bệnh dịch liên quan đến nguồn nước. Kết quả là các nhà máy chế biến đều chịu sự chi phối khắt khe của nhà nước trong việc xả thải nước ra môi trường. Không chỉ có vậy, sự chung tay góp sức của cộng đồng cư dân chính là động lực thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp.
Hình thành các Hiệp hội bảo vệ môi trường nước


Một hệ thống xử lý nước thải ở Phần Lan

Nhiều người đã tự nguyện tham gia cải thiện tình trạng nguồn nước. Từ trước khi ban hành bộ luật về nước, cư dân đã chủ động thành lập các Hiệp hội bảo vệ nguồn nước vào năm 1960, những hiệp hội này gồm nhiều thành phần tham gia bao gồm những người trực tiếp xả thải ra môi trường, cư dân sử dụng nguồn nước trong khu vực, chính quyền địa phương, tổ chức sức khỏe cộng đồng, kỹ sư, công ty cấp thoát nước và cả tổ chức ngư dân. Các hiệp hội bảo vệ nguồn nước xuất hiện như nấm mọc sau mưa vào sớm bao phủ toàn bộ lãnh thổ Phần Lan.
Trong những ngày sơ khai, đa số thành viên trong các hiệp hội tham gia với tư cách tình nguyện viên và thường tham gia vào thời gian rảnh rỗi. Công việc chủ yếu của họ là xác định trình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, sử dụng các công cụ truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng với các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhưng một thời gian sau đó, khi quy mô và tính chuyên nghiệp của hiệp hội dần được khẳng định, người ta bắt đầu trả tiền và đào tạo cho những công nhân vận hành các nhà máy xử lý nước thải, thuê thêm chuyên gia để quản lý và vận hành.
Vai trò của những Hiệp Hội bảo vệ nguồn nước
Thư mời tham dự hội nghị bảo vệ nguồn nước của tổ chức Nước và vòng tuần hoàn kinh tế (Ảnh: scrreen)
Ngày nay trong số mười một Hiệp hội bảo vệ nguồn nước trên cả nước, có đến một nửa có Phòng kiểm nghiệm môi trường riêng, bản thân các hiệp hội cũng chuyên môn hóa hơn hơn rất nhiều, họ xây dựng các công ty cổ phần trực thuộc hiệp hội để quản lý trực tiếp các phòng thí nghiệm và có kế hoạch hàng năm rõ ràng trong việc phân tích hàng ngàn mẫu nước tại địa phương. Người ta còn thuê rất nhiều chuyên gia và nhà khoa học để làm viêc trong cả các phòng thí nghiệm và ngoài thực địa.
Các hiệp hội kiểm soát rất khắt khe vùng nước mà họ được giao nhiệm vụ quản lý. Để được phép xả thải, các nhà máy phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng và quy trình xử lý nước đúng như cam kết. Các bên tham gia khai thác vùng nước bao gồm nhà máy chế biến, cư dân địa phương, ngư dân cùng với nhà máy nước tiến hành phối hợp chặt chẽ trong một chương trình giám sát phối hợp. Và hiệp hội bảo vệ nguồn nước chịu trách nhiệm phân tích, báo cáo cũng như công bố kết quả khảo sát cho công chúng biết rõ.
Những hoạt động tích cực của các hiệp hội đã đem đến tác động gần như ngay lập tức tới tài nguyên nước mặt và nước ngầm của Phần Lan. Tình trạng các con sông tiếp nhận nước thải được cải thiên, nồng độ oxy và các hợp chất hóa học khác tiến dần về ngưỡng an toàn. Đối với các nhà máy lớn, họ buộc phải có khu vực xử lý nước thải riêng, còn đối với các nhà máy nhỏ, những đường ống sẽ được lắp đặt để dẫn nước thải tới nhà máy xử lý chung của khu dân cư.


(Ảnh: nuocphanlan.com)

Tuy nhiên câu chuyện chưa dùng lại ở đó. Khi các nguyên nhân gây ô nhiễm nước bắt nguồn từ hoạt động công nghiệp được ngăn chặn thì hoạt động nông nghiệp lại tiếp tục gây tác hại xấu cho môi trường. Việc lạm dụng các loại phân bón trong nông nghiệp khiến cho mức dinh dưỡng trong nước tăng là nguyên nhân của sự phát triển của loài tảo Cyanobacter (có độc tố gây dị ứng da và rối loạn hô hấp)
Mũi gươm của các hiệp hội bảo vệ nguồn nước lại chĩa về những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ khuyến khích thành lập các vành đai bảo vệ nguồn nước, phát tài liệu giáo dục và nói nhiều hơn về tác hại của phân bón. Người ta đã nghĩ ra nhiều cách để hạn chế tác hại của việc trồng trọt đến môi trường như: Tăng cường trong các loại cây có tán che trong mùa đông, thâm canh đa dạng các loại cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ một cách hiệu quả hơn.
Ngay nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta có thể lấy mẫu nước chính xác hơn bằng các cảm biến điện tử. Đồng thời với đó, hoạt động của hiệp hội bảo vệ nguồn nước luôn gắn chặt với các tổ chức chính phủ và các đối tượng tham gia khai thác nguồn nước. Nhờ đó mà nguồn nước tự nhiên luôn được bảo vệ và Phần Lan trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Nguồn kinh phí vận hành các Hiệp hội
Với số lượng nhân viên chính thức cũng như danh sách các hoạt động mà Hiệp hội bảo vệ nguồn nước phải thực thi hàng năm, nguồn tài chính ổn định luôn là câu hỏi được đặt lên hàng đầu. Đa số hoạt động được trang trải bằng phí thành viên tham gia, được xác định dựa trên số cư dân trong khu vực hoặc dựa trên lượng nước mà người ta xả thải vào môi trường. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương đảm bảo chi trả cho các hoạt động nghiên cứu và vận hành phòng thí nghiệm.
Chính phủ còn hỗ trợ các chi phí cho hoạt động giáo dục và các dự án phi lợi nhuận để tăng cường nhận thức của cả cộng đồng với tài nguyên nước của quốc gia. Hiện nay các hiệp hội bảo vệ nguồn nước chính là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy Phần Lan triển khai Chỉ thị khung của Liên Minh Châu Âu về nước.
Những trái ngọt mà người dân nơi đây xứng đáng được hưởng thụ


dân câu cá trên dòng sông Kymi (Ảnh: tripadvisor.com)

Tình trạng nước được cải thiện cho phép cư dân thực hiện các hoạt động vui chơi trên sông nhiều hơn. Ở Phần Lan, tất cả mọi người đều có thể bơi lội, chèo thuyền ở các nguồn nước tự nhiên. Sau hơn 50 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ nguồn nước, những đàn cá hồi đã quay trở lại trên một số con sông. Các chất ô nhiễm trong cá không còn đáng lo ngại, đồng thời người ta có thể uống trực tiếp nước ở bất cứ vòi nước công cộng nào trên cả nước.
Dòng sông Kymi là một trong những ví dụ điển hình. Dọc bên bờ sông Kymi là các nhà máy sản xuất bột giấy của tập đoàn UPM với công suất hàng ngàn tấn một năm. Một lượng lớn nước được lấy vào và xả ra từ nhà máy khiến nhiều đối tác tới thăm nhà máy tỏ ra quan ngại về mức độ ô nhiễm môi trường ở nơi đây. Để rồi tất cả đều bất ngờ trước các mẫu thí nghiệm về vệ sinh của nguồn nước tại Kymi, và ngạc nhiên hơn khi thấy người dân yên tâm vui chơi, tận hưởng mùa hè bên dòng sông của họ.
Vai trò của tinh thần cộng đồng – yếu tố quyết định thành công của một kế hoạch 50 năm
Trong loạt bài viết về Phần Lan, một điểm đáng lưu ý là những thành tựu của quốc gia Bắc Âu này lại đến từ sự chung tay của cả cộng đồng và Nhà nước. Mỗi công dân đều có ý thức bảo vệ môi trường sống và quyền lợi chung vì họ hiểu rằng những hy sinh và cống hiến của họ cho xã hội cũng chính là vì bản thân và con cháu của mình trong tương lai.


(Ảnh: Quartz)

Những người ban đầu thực hiện sứ mạng bảo vệ nguồn nước của Phần Lan đến với nhau dựa trên cơ sở tình nguyện. Đáng chú ý hơn nữa, họ đều là những người có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước và hàng ngày vẫn phải làm việc để nuối sống gia đình bên cạnh trách nhiệm vì cộng đồng. Vượt lên mọi khó khăn, từ một tổ chức tự phát, Hiệp hội đã xây dựng một hệ thống quản lý nguồn nước độc lập với chính quyền nhằm giám sát chất lượng nước của quốc gia, góp phần thay đổi bộ mặt của Phần Lan trong 50 năm qua. 
Tinh thần minh bạch và ý thức về quyền được sống trong một môi trường trong sạch đã kết nối cả cộng đồng dân cư, chính quyền, và những người khai thác nguồn nước để cùng với nhau tạo nên một dấu ấn nữa trong thành tựu phát triển của người Phần Lan. Và câu chuyện của họ đã minh chứng thêm một lần nữa rằng: “Sự phát triển kinh tế cũng không nhất thiết phải đi cùng với đánh đổi chất lượng môi trường”


Nguyên Trực, Trọng Đạt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive