Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Những người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 03:28, under | No comments

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba, vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà… là những doanh nhân Việt giàu có tiêu biểu trong những năm đầu thế kỷ 20.
Doanh nhân Trương Văn Bền
Một trong những doanh nhân nổi danh nhất thương trường Việt Nam vào những năm 1930 là ông Trương Văn Bền, chủ sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba nức tiếng một thời. Khi ấy, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại.


Đến nay, thương hiệu xà bông Cô Ba của ông vẫn được nhiều người Sài Gòn nhớ đến, và còn được bán trong hệ thống Co.op Mart.
Ông Trương Văn Bền (1883 – 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười. Vào những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập công ty ường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5), lấy tên là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils – Huilerie et Savonnerie Vietnam). Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.
Trước ngày giải phóng, xà bông Cô Ba của vị doanh nhân này không có đối thủ trên thị trường nội địa, thậm chí đánh bật cả sản phẩm của Pháp là xà bông Marseilles. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi. Ngay đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc, và chỉ lui về sau khi hàng loạt sản phẩm của các hãng nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.
Ông vua đường thủy Bạch Thái Bưởi
Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là cái tên nổi danh nhất trong giới doanh nhân Việt 30 năm đầu thế kỷ 20. Lịch sử sẽ còn nói nhiều về ông, một nhân vật làm rạng danh cho giới doanh nhân Việt Nam với biệt danh “Chúa sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam”. Ông cũng là doanh nhân có tên trong danh sách 4 người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20.
Sinh năm 1874 trong một gia đình họ Đỗ nghèo ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, tuổi thơ của ông lớn lên nhờ gánh hàng rong của mẹ vì cha mất sớm. Sau này, ông được nhận làm con nuôi, đổi thành họ Bạch, đến trường và sớm thể hiện năng lực. Năm 20 tuổi, ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp tại Hà Nội, sau chuyển sang hãng thầu công chính. Ông cũng từng được chính thống sứ Bắc kỳ chọn sang Pháp làm người giới thiệu gian hàng tại hội chợ Bordeaux.


Doanh nhân Bạch Thái Bười là hình mẫu điển hình cho tầng lớp thương nhân Việt giàu có, hưng thịnh trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống. Bạch Thái Bưởi tìm được cơ hội trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm. Sau đó, ông bỏ vốn mua lại một hãng cầm đồ ở Nam Định, rồi mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, đại ký rượu ở Thái Bình và có một thời gian làm cai thầu thuế chợ từ miền Bắc đến miền Trung.
Nghiệp kinh doanh đem đến danh tiếng lẫy lừng cho doanh nhân họ Bạch bắt đầu vào năm 1909, khi ông thuê lại ba chiếc tàu của một doanh nghiệp Pháp và mở tuyến giao thông đường biển Nam Định – Hà Nội – Bên Thủy. Tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng với cơ ngơi đồ sộ nằm trên bờ sông Tam Bạc. Ông chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận các nước như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore… Trước khi qua đời bất ngờ vì đau tim ở tuổi 58, ông được xưng tụng là “vua tàu thủy Việt Nam” khi tự thiết kế và thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam – tàu Bình Chuẩn.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và 5.000 lượng vàng cho cách mạng
Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Cho đến giữa năm 1940, ông được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.


Giàu có và cống hiến hết mình cho cách mạng là hình ảnh trọn vẹn về gia đình doanh nhân Hà thành Trịnh Văn Bô.
Tên tuổi của ông Trịnh Văn Bô được biết đến nhiều nhất qua những hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”. Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên Ngôn độc lập.
Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Khi “Tuần lễ vàng” được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Ông tổ nghề sơn nước Nguyễn Sơn Hà
Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha mất khi ông mới 14 tuổi, ông phải bỏ học xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Ước mơ tự lập một hãng sơn dầu thôi thúc người thợ học việc trẻ, nhưng khi đó sách về kỹ thuật làm sơn của phương Tây đều viết bằng tiếng Pháp. Không nản chí, ông tìm thầy dạy thêm tiếng Pháp ban đêm, học hết tủ sách của ông chủ. Để lập nghiệp, ông bán đi chiếc xe đạp lấy tiền làm vốn ban đầu, mở một cửa hàng nhỏ, bên ngoài chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa, bên trong âm thầm chế tạo thử sơn dầu.


Ông Nguyễn Sơn Hà được coi là ông tổ nghề sơn nước của Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên mà gia đình ông Nguyễn Sơn Hà tung ra thị trường là thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”, nhưng lại không được người Pháp đánh giá cao. Sau này, ông cải tiến mẫu sơn, là gửi cho một công ty Pháp để nhờ làm đại lý phân phối. Đến năm 1920, ông mở được xưởng sơn tại Hải Phòng, rộng 7.000 m2, lấy tên là Gecko, khi mới tròn 26 tuổi.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Campuchia, Thái Lan, Lào… và được tiêu thụ nhanh đến mức làm không đủ bán. Người Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép việc kinh doanh của gia đình, nhưng ông quyết giữ sự hưng thịnh của nền công nghiệp bản địa, khiến nhà cầm quyền phương Tây phải kinh sợ.
Lần gặp gỡ nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế đã tác động sâu sắc đến doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ông từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói vào năm 1954, đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. Trong “Tuần lễ vàng’, ông và gia đình đã hiến toàn bộ nữ trang với khoảng 10,5 kg cho cách mạng.
Nhiều năm sau khi con trai ông hi sinh khi đang là Đội trưởng tự vệ Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Từ đây, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng thông qua những sáng kiến của mình, như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, chế tạo lương khô, thuốc ho. Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa khóa II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.
Đại gia bất động sản Hứa Bổn Hòa
Hứa Bổn Hòa (1845 – 1901) là thương nhân nổi tiếng nhất trong Tứ đại phú hộ lừng danh nước Việt thế kỷ 19 – 20. Ông là người Việt gốc Hoa, khi tổ tiên ông di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam vào đầu thế kỷ 17.
Xuất thân nghèo khổ, ông Hòa từng kiếm sống bằng nghề buôn phế liệu. Nhưng cũng từ nghề này, ông kiếm được gia sản đầu tiên khi mua rẻ, bán đắt những món đồ cổ từ thời Minh Thanh. Cuộc đời ông thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Ông mua lại số hàng này, và nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm buôn phế liệu, ông đã phân loại thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.


Khách sạn Majetic là một trong những công trình từng thuộc sở hữu của đại gia bất động sản Hứa Bổn Hòa.
Có tiền, ông đổ vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch. Nhanh nhẹn và táo bạo, ông đã đổ tiền mua toàn bộ vùng đất vốn là vũng lầy mà người Pháp dự định xây chợ Bến Thành sát cạnh. Và khi chợ Bến Thành làm xong, trong tay ông có 20.000 căn nhà phố cho thuê. Trong số hàng nghìn căn nhà của ông Hứa Bổn Hòa có những công trình rất lớn còn tồn tại đến ngày nay như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách Chính phủ… Với công ty Hui Bon Hoa, ông nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương, là khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.

Tổng hợp theo Baomoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive