Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Thiết kế siêu đẹp và độc đáo, ngôi trường ở Bến Tre được tạp chí kiến trúc hàng đầu thế giới hết lời ngợi ca


Trường Mầm non TTC Elite tại thành phố Bến Tre vừa được tạp chí kiến trúc hàng đầu Archdaily dành một bài viết mô tả chi tiết và hết lời khen ngợi về kiến trúc độc đáo, sáng tạo, thân thiện môi trường


Trường được thiết kế bằng thủ pháp nghệ thuật "prairie style": thiết kế với mặt bằng mở và sử dụng phương vị ngang để công trình gắn kết chặt chẽ với bối cảnh của vùng thiên nhiên


Ý nghĩa của việc thiết kế không gian như thế này nhằm giúp học sinh dễ dàng cởi mở và phát huy hết những khả năng tiềm ẩn và vui chơi thoải mái trong bầu không khí hứng khởi.





Trường được thiết kế bởi nhóm của KTS Đàm Vũ vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2017 trên khu đất rộng 3728m2. Khối trường mầm non nằm ở phía trước của khu đất có độ cao 3 tầng, bao gồm tầng trệt và lầu 1 nằm bên dưới hệ mái cỏ, lầu 2 là khối chữ nhật đặt phía trên.


Theo chia sẻ của nhóm thiết kế, trường mầm non TTC Elite Bến Tre có tạo hình với cấu trúc chính là một ngọn đồi cao, phân chia 2 khu vực bên trên và dưới thấp, không gian bên trên – có tạo hình một 
ngôi nhà lớn là không gian phục vụ học tập, nơi các hoạt động thể chất và hoạt động nghệ thật được sắp đặt để có tàm nhìn đẹp, cởi mở và gắn kết chặt chẽ với cảnh quan trung tâm của thành phố.




Khối nhà hình chữ nhật 3 tầng được bố trí cao hơn so với mái cỏ nhằm tạo cảm giác phóng khoáng nhẹ nhàng.



Thảm cỏ được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, là nơi vui chơi của trẻ, cũng là không gian thư giãn của giáo viên.



Vách kính, hệ cửa lùa vừa tạo vẻ đẹp hiện đại, vừa giúp không gian trường học trải dài như vô tận, kích thích óc sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh


Trong khuôn viên trường còn có Giếng trời để lấy ánh sáng tự nhiên và thông gió cho không gian bên dưới.


Toàn bộ khuôn viên trường nhìn từ trên cao

kênh N14.vn

Liên đoàn các Câu lạc bộ Người cao tuổi ở Nonoichi, tỉnh Ishikawa, tiến hành chiến dịch Stand up 301.

Theo The Japan News, chiến dịch Stand up 301 nhằm mục đích khuyến khích người cao tuổi đứng dậy ít nhất một lần mỗi 30 phút. Trong các buổi họp câu lạc bộ, liên đoàn cũng khuyến khích thành viên đứng dậy phát biểu. Họ đồng thời kêu gọi các sự kiện diễn thuyết cho người già bố trí thời gian đứng dậy đi lại và kéo giãn giữa giờ.
"Chúng tôi cố gắng phổ biến dự án này ở mọi câu lạc bộ người cao tuổi và bắt đầu thực hành ở cấp độ hộ gia đình", ông Hiroshi Nishimura 76 tuổi, chủ tịch liên đoàn cho biết. "Nhiều người vốn lười ra ngoài giờ đây đã chịu khó đến các buổi họp mặt hơn".


Poster tuyên truyền chiến dịch Stand up 301. Ảnh: mainichi.

Người già thường ngồi lâu. Xem tivi là một yếu tố khiến họ càng trở nên lười biếng. Khảo sát của đài truyền hình NHK cho thấy thời gian xem tivi của người dân Nhật tăng cùng thời gian. Cụ thể, ở tuổi 60, đàn ông dành 3 tiếng 39 phút mỗi ngày xem tivi còn phụ nữ mất 4 tiếng 21 phút. Từ tuổi 70 trở lên, đàn ông xem tivi 5 tiếng 16 phút mỗi ngày còn phụ nữ xem 5 tiếng 29 phút.
Không chỉ người cao tuổi, gần đây, chiến dịch Stand up 301 cũng thu hút sự chú ý của các công ty bởi người lao động ngồi nhiều dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, từ đó giảm hiệu suất làm việc. Để thay đổi tình trạng này, công ty thương mại điện tử Rakuten đã đầu tư 13.000 bàn làm việc đứng, có thể nâng cao hạ thấp tùy sở thích người dùng bằng động cơ điện tử. 
Ken Mukai 25 tuổi làm việc tại bộ phận nhân sự thường đứng làm sau giờ ăn trưa để tránh buồn ngủ. "Tôi cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn", anh chia sẻ.
Một nhân viên khác giấu tên nói: "Bàn làm việc đứng giải phóng chúng tôi khỏi một tư thế và thậm chí giúp tư duy tự do hơn".


Nhân viên sử dụng bàn làm việc di động để có thể đứng, ngồi tùy ý tại Rakuten.Ảnh: AFP.
Fujikura, một công ty sản xuất dây điện ở Tokyo cũng chuyển sang dùng bàn làm việc đứng. Ông Kenichiro Asano, phó ban quản lý sức khỏe tại Fujikura cho biết: "Chúng tôi coi đây là chiến lược quản lý. Tạo ra môi trường lành mạnh bền vững không phải chi phí mà là một khoản đầu tư"
"Ngồi quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả tâm trí lẫn thể chất", bà Yuko Kai, nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Thể chất thuộc Quỹ Phúc lợi và Sức khỏe Meiji Yasuda nhận định. "Đứng dậy là hành động dễ thực hiện ở mọi nơi và tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều hơn những nỗ lực như vậy". 
Ở Việt Nam, Bộ Y tế đang phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó khuyến khích người dân tập thể dục giữa giờ. Hồi đầu tháng 3, trong một cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đứng lên thị phạm và mời các thành viên dự họp đứng dậy cùng tập bài vận động Rajio Taiso của người Nhật.  

Theo The Japan News

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Hát Soọng cô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019, chiều 20/3, tại Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Bằng Chứng nhận di sản cho các huyện. Ảnh: Nhật Ánh

Hát Soọng cô của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc là loại hình trình diễn dân gian đặc sắc ra đời trong lao động, sản xuất và sinh hoạt được cộng đồng người Sán Dìu và được gìn giữ cho đến ngày nay.
Hát Soọng cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi.
Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản văn hóa Việt Nam công bố Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đợt này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 30 câu lạc bộ hát Sọong cô, phân bố chủ yếu ở những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống như thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo, Lập Thạch với trên 1.000 thành viên tham gia.
Số nghệ nhân người Sán Dìu còn nắm giữ và thực hành di sản soọng cô chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người già, cư trú trên địa bàn các xã: Quang Sơn, huyện Lập Thạch; Đạo Trù, Hồ Sơn, Minh Quang, Hợp Châu, huyện Tam Đảo; Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên.

Đăng Chung
VietBao.vn (Theo_Giáo dục thời đại >>>)

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Ngắm tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm được bảo vệ trong tủ kính bạc tỷ

Sáng nay 16/3, tiêu bản rùa Hồ Gươm đã được bàn giao cho nhà trưng bày đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Đông đảo người dân, du khách thích thú, chiêm ngưỡng hình ảnh “cụ” rùa sống động như thật.


Sau gần 3 năm bảo quản và chế tác, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đơn vị chế tác và bảo quản cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng đã bàn giao tủ bảo quản, trưng bày và mẫu vật rùa Hoàn Kiếm cho UBND thành phố Hà Nội tại Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm)  vào sáng nay 16/3.


Rất đông người dân khi vào đền Ngọc Sơn vô cùng ngạc nhiên bởi bên cạnh tủ trưng bày xác rùa chết năm 1967 là một tủ trưng bày xác rùa năm 2016.


Trước đó, cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở Hồ Gươm. Đến tháng 4 cùng năm, hai chuyên gia người Đức đã đến Việt Nam để hỗ trợ việc phục chế xác rùa.


Phương pháp nhựa hóa được lựa chọn bởi nó giúp bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc đến cả những phần khó như mắt, diềm mai. Phương pháp này cũng giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật (cả phần xương, sụn) sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao.


Sau khi hoàn thành, mẫu rùa Hồ Gươm có kích thước dài hơn 2m, rộng 1,1m. Trước khi bàn giao cho nhà trưng bày của đền Ngọc Sơn, tiêu bản rùa được bảo quản tại Bảo tàng thiên Nhiên Việt Nam với điều kiện nhiệt độ dưới 25 độ C, độ ẩm dưới 55%, tủ kính tránh ánh sáng trực tiếp.


Cũng do cụ rùa là mẫu vật lớn, độc, đặc biệt quý hiếm nên vật liệu chế tạo được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều bộ phận phải đặt hàng, sản xuất đơn chiếc như mắt. Riêng tủ kính để trưng bày cụ rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức.


Ngày 31/8/2018, tiến hành nghiệm thu chế tác rùa Hồ Gươm, Hội đồng đánh giá chất lượng nêu "mẫu vật giữ nguyên được thần thái rùa khi còn sống".


Phần chân, các móng của rùa được giữ nguyên bản.


Quá trình chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cần trọng, trong đó chế tác mắt rùa là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật. Các vết sẹo trên mai và chân rùa trước khi chết được giữ nguyên trạng.


Bộ phận sinh sản của rùa trưng bày bên cạnh tiêu bản.


Tủ kính trưng bày tiêu bản rùa 2016 sử dụng kính chịu lực 2 lớp dày 1cm, siêu trong, chống ánh sáng và đèn flash, có hệ thống làm sạch không khí và điều hoà độ ẩm, trị giá 3,7 tỷ đồng.


Tủ trưng bày bên trái là xác rùa chết năm 1967. Rùa hồ Gươm là cá thể cái, có tên khoa học Rafetus Swinhoei, là một loài rùa nước ngọt khổng lồ cực hiếm, phần mai mềm. Sau khi rùa tại Hồ Gươm chết, hiện trên thế giới chỉ ghi nhận 3 con (một con ở hồ Đồng Mô và 2 con ở Trung Quốc).

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Điều đặc biệt chỉ có ở làng bè nổi tiếng nhất Việt Nam


Nằm ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, làng nổi Châu Đốc là một điểm đến mang nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ.


Ngôi làng đặc biệt này gồm hàng nghìn căn nhà nổi và bè cá xếp cạnh nhau kéo dài vài cây số dọc theo sông Hậu. Nghề chính của các cư dân nơi đây là nuôi cá basa, loại thủy sản có giá trị kinh tế cao của địa phương.


Cuộc sống của các hộ gia đình ở làng nổi được gói gọn trên những căn nhà nổi có diện tích chừng 30-40 mét vuông, bên trong có đầy đủ tiện nghi. Dưới gầm nhà là lồng bè nuôi cá đóng bằng gỗ bọc lưới inox, đáy sâu khoảng 5 mét.


Với sự hiếu khách của cư dân làng nổi, du khách có thể vào trong nhà tham quan, khám phá các hoạt động liên quan đến việc nuôi cá, thậm chí trực cho cá ăn. Đây là trải nghiệm độc đáo khó có được ở các địa phương khác ở Việt Nam.


Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân làng nổi là các loại xuồng, ghe. Những chiếc xuồng nhỏ có vai trò như xe máy, có thể len lỏi đến mọi ngõ ngách. Đây cũng là phương tiện lý tưởng để du khách khám phá cuộc sống ở làng.


Ngoài nghề nuôi cá lồng bè, người dân nơi đây cũng thả lưới đánh cá trên sông để tăng thêm nguồn thu nhập.


Do nhu cầu sinh hoạt của dân cư, nhiều dịch vụ đã phát sinh ở làng nổi như cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy móc, bán xăng dầu... không khác gì các khu phố trên đất liền.


Các “gánh hàng rong” cũng hiện diện trên mặt nước, đem đủ loại hàng hóa như rau củ quả, đồ ăn, hàng tạp hóa đến với mọi gia đình.


Người dân ở nhà nổi cũng sinh hoạt như những người ở trên bờ với các hoạt động nấu nướng, giặt giũ, nghỉ ngơi, nuôi thú cưng, giải trí bằng truyền hình, internet…


Dạo một vòng quanh làng nổi, du khách dễ dàng ghi lại nhiều khung hình đẹp về cuộc sống miền sông nước như cảnh những người ngư dân miệt mài chăm lo cho bè cá của mình…


Hình ảnh những người phụ nữ di chuyển thoăn thoắt trên mặt nước vừa gây ngạc nhiên, vừa gợi lên cảm giác thân thương vì phảng phất bóng dáng của mọi người mẹ, người bà tần tảo chịu thương chịu khó trên khắp nước Việt.


Hay hình ảnh những nếp nhà giản dị như hòa lẫn vào khung cảnh trời và nước khoáng đạt của miền Tây, đánh thức mơ ước về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tránh xa khỏi sự ồn ào, xô bồ của phố thị.


Mọi khoảnh khắc ở làng nổi Châu Đốc hiện lên như những bức vẽ đời thường mộc mạc và bình yên.


Để tham quan làng nổi, du khách có thể thuê thuyền tại bến đò Châu Giang hoặc tại ngã ba Châu Đốc. Chắc chắn rằng những trải nghiệm tại khu làng nổi độc đáo này sẽ làm thỏa mãn cả những du khách khó tính nhất.


Một số hình ảnh khác về làng nổi Châu Đốc.











VietBao.vn (Theo_Kiến Thức >>>)


Blog Archive