Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Trước 13 tuổi, bất kì đứa trẻ nào cũng cần thuần thục những kỹ năng sống này

Giúp con trang bị một số kỹ năng sống thiết yếu trước khi trẻ 13 tuổi sẽ giúp con lớn lên tự tin và tự lập.


Theo một số chuyên gia tâm lý, những năm tháng tuổi teen bắt đầu khi đứa trẻ trong độ tuổi 9-13. Đây là giai đoạn chuyển giao từ phụ thuộc sang độc lập với cha mẹ. Thời điểm này, phụ huynh nên cho phép con cái lớn lên và ngày càng tự lập hơn. 
Để giúp giai đoạn chuyển giao diễn ra suôn sẻ, hãy giúp con trang bị một số kỹ năng sống thiết yếu trước khi trẻ 13 tuổi.

1. Kiếm tiền và quản lý tiền


Bạn có thể dạy trẻ một số kỹ năng tài chính cơ bản ngay từ khi trẻ học đếm. Trước 13 tuổi, trẻ nên đủ khả năng tiết kiệm tiền từ khoản tiêu vặt hàng tuần, biết về giá của một số vật dụng cơ bản trong gia đình, hiểu về sự khác biệt giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, có thể đưa ra quyết định về việc chi tiêu và tiết kiệm.

2. Làm các việc nhà cơ bản


Một số chuyên gia tâm lý học cho rằng, trẻ có thể làm rất nhiều việc nhà từ khi còn nhỏ, như lau dọn bàn sau bữa tối hoặc thu gom quần áo cho vào máy giặt. 
Trước 13 tuổi, trẻ nên đủ khả năng là quần áo, lấy quần áo từ trong máy giặt ra, thay ga giường, rửa xe ô tô, lau chùi phòng tắm và dọn bếp gọn gàng. 
Cha mẹ nên kiên trì và đưa ra những yêu cầu cụ thể, đồng thời không quên khích lệ trẻ để duy trì thói quen làm việc nhà.

3. Nấu ăn


Nấu nướng là một kỹ năng quan trọng mà trẻ sẽ cần khi trưởng thành. Có rất nhiều công thức nấu ăn đơn giản dành cho những người mới bắt đầu như trứng rán, súp, rau luộc… 
Trước 13 tuổi, trẻ nên đủ khả năng nấu một bữa ăn gia đình, thực hiện một công thức nấu ăn đơn giản và có thể sử dụng thành thạo các vật dụng trong bếp. 
Đừng quên dạy trẻ về việc giữ gìn vệ sinh cũng như những quy tắc an toàn cơ bản khi làm bếp.

4. Đi mua sắm đồ để nấu ăn


Đưa trẻ đi mua thực phẩm cùng bạn sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng thiết yếu như lên thực đơn cho một bữa tối gia đình, viết danh sách những đồ cần mua và cân đối ngân quỹ. 
Hãy dạy trẻ cách đọc nhãn dinh dưỡng và cách tìm, lựa chọn món đồ có giá cả tốt, hợp lý. Đừng quên đặt ra các giới hạn. 
Một nghiên cứu của Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho thấy, 50% trẻ nhỏ đi theo cha mẹ mua sắm thực phẩm đòi được mua thứ gì đó và chỉ có 50% phụ huynh cố gắng từ chối yêu cầu đó.

5. Vệ sinh cá nhân


Các chuyên gia thừa nhận rằng, nhiều phụ huynh mặc định rằng đứa con 10 hoặc 11 tuổi của mình sẽ học cách giữ gìn vệ sinh cá nhân một cách tự nhiên. 
Nhưng, trên thực tế, có rất nhiều điều cha mẹ nên thảo luận với trẻ trước khi quá muộn: tầm quan trọng của việc tắm hàng ngày, sử dụng lăn khử mùi, thay quần áo, cạo râu/lông, vệ sinh răng miệng và hiểu về chính cơ thể mình. 
Hãy nhớ làm gương cho con và luôn giải thích cho trẻ lý do tại sao trẻ cần làm một số việc nhất định.

6. Nguyên tắc sơ cứu cơ bản


Các kỹ năng sơ cứu sẽ giúp trẻ tự xử lý khi bị thương mà không có ai ở bên. Tại Anh, Tổ chức Chữ thập đỏ luôn bày tỏ sự ủng hộ việc bổ sung nội dung giáo dục sơ cứu vào chương trình học tại nhà trường. 
Theo một số nghiên cứu, trẻ 4-5 tuổi đã có thể ghi nhớ số điện thoại cấp cứu chính xác, đánh giá đúng hơi thở của một người và ghi nhớ các tư thế hồi phục đúng. Một số kỹ năng cho trẻ lớn hơn bao gồm khả năng ngăn máu chảy và điều trị vết bỏng, vết ong châm.

7. Quản lý thời gian


Kỹ năng quản lý thời gian vô cùng quan trọng: trẻ nên học cách lập kế hoạch, đặt ưu tiên và làm việc một cách hiệu quả. Cố gắng trao cho trẻ một số công cụ có thể giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn như chuông điện thoại hay các ứng dụng lịch đặc biệt. 
Nhớ rằng quyết định làm gì và khi nào làm trở nên dễ dàng hơn nhiều khi bạn viết chúng ra giấy. Hãy tặng trẻ món quà là một chiếc đồng hồ, giúp trẻ kiểm soát những lần xao nhãng, thiếu tập trung và luôn luôn nêu gương sáng cho trẻ.

8. Kỹ năng xã hội và cách ứng xử phù hợp


Điều quan trọng là dạy con bạn về cách ứng xử càng sớm càng tốt. Với trẻ nhỏ, hãy bắt đầu bằng chính tấm gương là bạn, khích lệ trẻ biết chia sẻ, cư xử lịch thiệp và tôn trọng người lớn tuổi. 
Các sự kiện trong gia đình là dịp tốt để dạy trẻ cách làm một người chủ nhà chuẩn mực. Bạn cũng đừng quên dạy trẻ về cách ứng xử bên bàn ăn. Nhớ rằng, trong xã hội hiện đại, những quy tắc ứng xử văn minh trên thế giới ảo cũng quan trọng như trong thế giới thật.
Hình thành thói quen tuân thủ các nghi thức ứng xử phù hợp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho con bạn trong cuộc sống hàng ngày khi trẻ bước vào giai đoạn thiếu niên. Chúng còn là tiền đề cho thành công trong sự nghiệp của trẻ và tạo thuận lợi để trẻ hòa hợp tốt hơn với cộng đồng, xã hội.

9. Biết đường tới những vị trí chính hoặc gần nhà


Trong tương lai không xa, đứa trẻ tuổi teen của bạn đã có thể tự mình rong ruổi trên những cung đường. Do đó, hãy dạy trẻ biết cách sử dụng các công cụ định hướng, cách đọc bản đồ. 
Trước 13 tuổi, trẻ nên đủ khả năng ghi nhớ phương hướng, đọc các biểu tượng trên bản đồ và tự định hướng cho mình. Có rất nhiều nguồn tài nguyên trên mạng giúp việc đọc bản đồ trở nên thú vị hơn.

10. Kỹ năng điều hòa cảm xúc


Không chỉ tuổi teen mà nhiều người trưởng thành thiếu kỹ năng chấp nhận và kiểm soát cảm xúc của mình, như giận dữ, stress, lo âu. 
Các kỹ năng điều hòa cảm xúc bao gồm khả năng nhận biết cảm xúc/cảm giác, hiểu về tình huống mình đang phải đối mặt, quản lý cảm xúc và tìm kiếm trợ giúp khi cần. 
Việc nhận biết buồn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối và rằng cảm xúc có thể hỗ trợ việc xử lý các tình huống sẽ giúp trẻ rất nhiều trong cuộc sống sau này.

Nguồn: Brightside

theo Helino

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive