Bán các đồ dùng hàng ngày cho những
người chuyên đi săn hàng giảm giá là công việc đã giúp nhà sáng lập của chuỗi
cửa hàng giảm giá lớn nhất Nhật Bản trở thành tỷ phú.
Hirotake Yano, nhà sáng lập và hiện là
Chủ tịch của Daiso Sangyo Corp., chuỗi cửa hàng tự nhận mình là “thiên đường
mua sắm Nhật Bản”, là một trong những nhà buôn đầu tiên của đất nước mặt trời
mọc áp dụng mô hình cửa hàng đồng giá. Theo Bloomberg ước
tính, tài sản của tỷ phú này hiện vào khoảng 1,9 tỷ USD.
Pascal Martin – chuyên gia đến từ công
ty tư vấn OC&C Strategy Consultants – cho rằng ông Yano đã chọn được thời
điểm hoàn hảo. Cửa hàng đồng giá 100 yên đầu tiên được mở ra năm 1991, vài năm
sau khi “bong bóng” kinh tế Nhật Bản vỡ tung và cũng chính là thời điểm văn hóa
tiêu dùng của người Nhật bắt đầu thay đổi.
Sau khi tốt nghiệp đại học Chuo, Yano đã
làm rất nhiều công việc, trong đó có điều hành công ty buôn cá của bố vợ cho
đến khi nó phá sản. Năm 1972, ông bắt đầu chất hàng hóa lên thùng xe tải và nảy
sinh ý tưởng bán hàng đồng giá 100 yên để tiết kiệm thời gian và công sức gắn
mác giá. Năm 1997, Daiso ra đời với tên gọi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “tạo
nên điều lớn lao”.
Tình trạng tiền lương tăng chậm và nền
kinh tế khá u ám trong mấy chục năm trở lại đây đã tạo nên sự thay đổi căn bản
trong thói quen mua sắm của người Nhật. Đây chính là yếu tố khiến các cửa hàng
bán lẻ giảm giá bùng nổ ở Nhật Bản, với doanh thu mỗi năm lên tới 600 tỷ yên
(tương đương 5,4 tỷ USD), theo UBS.
Daiso hiện là công ty lớn nhất hoạt động
trong mảng này với hơn 3.150 cửa hàng ở Nhật và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017, doanh thu của công ty bán lẻ có
trụ sở ở Hiroshima đạt 420 tỷ yên, so với mức 81,8 tỷ yên của năm 1999.
Doanh thu
năm tài khóa 2017 của các chuỗi cửa hàng đồng giá Nhật Bản. Nguồn:Bloomberg.
Hiện nay có khoảng 70.000 mặt hàng đang
được bán trong các cửa hàng đồng giá Daiso, từ cắt móng tay, đầu mannequin, móc
chìa khóa, quần áo cho thú cưng, đệm ghế cho đến các hộp nhựa đựng đồ. Doanh
thu của Daiso tăng trưởng 6,3%, thấp hơn con số 11% của chuỗi cửa hàng đồng giá
lớn thứ hai Nhật Bản là Seria.
Theo chuyên gia phân tích Kousuke
Narikiyo của Nomura, doanh thu của Seria tăng trưởng nhanh hơn khoảng 1% so với
các đối thủ. Seria có lợi thế cạnh tranh là hệ thống quản lý hàng tồn kho hiện
đại, khác với Daiso tập trung vào số lượng để đẩy tăng lợi nhuận.
Yano cho rằng thành công của ông nằm ở
sự thông minh sắc sảo trong lựa chọn nguồn hàng, cho phép Daiso cung cấp những
sản phẩm chất lượng cao bên cạnh những món đồ thiết yếu mà tất cả đều chỉ có
giá 100 yên (tương đương gần 1 USD). Những nhân viên mua hàng của Daiso thường
đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để đặt mua số lượng lớn ở mức giá thấp. Đây
cũng là chiến lược quen thuộc mà Wal-Mart đang áp dụng.
Mặc dù kinh tế Nhật Bản dường như đã
“hồi sinh” với 5 quý liên tiếp tăng trưởng (chuỗi dài nhất trong 1 thập kỷ trở
lại đây), nhu cầu săn hàng giảm giá vẫn khắc sâu trong tâm trí của người tiêu
dùng.
Cổ phiếu Seria tăng 39% kể từ đầu năm
đến nay giúp giá trị số cổ phần mà nhà sáng lập Hiromitsu Kawai và gia đình
đang nắm giữ (37%) tăng lên 1,3%. Seria ra đời năm 1987.
THU HƯƠNG/Bizlive
0 nhận xét:
Đăng nhận xét