Vài nguyên tắc chủ đạo để có được những quan hệ xã hội tốt đẹp:
Xưng hô bằng tên gọi
Hãy đệm thêm những tên gọi
vào các cuộc trò chuyện vì đó là những từ ngữ “êm tai” nhất với bất kỳ một ai.
Khi xưng tên tức là bạn đã cá nhân hóa những thông tin mình cần truyền đạt, chúng trở thành sở hữu riêng của người nhận. Việc làm này còn thể hiện rằng bạn quan tâm và bạn cảm thấy người ấy rất đáng
nhớ với bản thân mình. Đây cũng là cách thức đơn giản để giảm bớt khoảng cách
xa lạ giữa mọi người vì nó tạo ra được sự thân mật, gần gũi trong các mối quan
hệ.
Ảnh minh họa - nguồn internet
Biết chấp nhận mình sai
Bạn vẫn thường nghĩ mình sẽ mất mặt khi thừa nhận một sai phạm
nào đó. Tuy nhiên, biết nhận lỗi lại là một trong những việc làm danh dự nhất
vì rất ít người có thể làm được điều này. Hãy học cách dẹp bỏ tự ái và biết
chấp nhận mình không phải là người hoàn hảo.
Đánh giá cao người khác
Một số người, đặc biệt những người ở cương vị quản lý, dường như
vẫn nghĩ không ai khác ngoại trừ mình có thể làm tốt được các công việc. Đó là
điều nên tránh. Hãy tin tưởng vào năng lực người khác cũng như tin họ thật sự
có thể hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể. Sự tin cậy sẽ khuyến khích
người ta thật sự cố gắng hết mình để không phụ lòng mong mỏi của bạn. Đồng
thời, cũng cần có thái độ kiên nhẫn đối với những nhân viên mới vào nghề.
Biểu thị sự quan tâm chân thành
Mỗi đồng nghiệp của bạn đều có một bề dày kinh nghiệm, những sở
thích và những nét riêng không lẫn vào đâu. Hãy cố gắng khám phá những điều đó
quanh mình ngay cả khi giữa bạn và họ không có điểm tương đồng. Nếu một bạn
đồng nghiệp bảo rằng mình thích chơi game online, bạn hãy hỏi những điều liên
quan về nó. Không chỉ bổ sung được vài ba điều mới mà bạn còn ghi thêm điểm
trong mắt người bạn đồng nghiệp vì ai mà chẳng thích được người khác quan tâm
đến mình.
Biết cách khen ngợi
Đừng nói những câu chung chung đại loại như “Bạn làm tốt lắm”.
Hãy cụ thể hơn về lời khen để chứng tỏ bạn thật sự có quan tâm đến những gì mà
người khác đã làm, chẳng hạn “Anh đã thực hiện dự án X, Y rất tốt”. Song song
đó, cũng đừng chê bai hay chỉ trích người khác quá dồn dập. Hãy biết “nhỏ giọt”
vào những lúc thật sự cần thiết và đề cập đến chúng như những lời góp ý có tính
cách xây dựng từ một người bạn đáng tin cậy.
Phải giữ lấy lời
Đừng hứa trước bất cứ việc gì khi bạn không có ý định thực hiện
nó. Uy tín của bạn đặt nặng trên đầu môi chót lưỡi. Nếu không giữ đúng lời hứa,
bạn sẽ không còn được tin cậy giao cho những công tác quan trọng và sẽ không có
khả năng tiến xa trong nghề nghiệp.
Thể hiện lòng biết ơn
Khi một ai đó giúp đỡ bạn, hãy chắc rằng bạn luôn cảm kích vì
những cố gắng của họ. Khi bạn nhận một ân huệ, hãy cảm ơn người đã giúp mình và
tìm cách làm một điều gì đó để đáp trả lại.
Biết thận trọng lời nói
Một số người sinh ra vốn đã thích bắt bẻ lời nói của người khác
để cố moi móc những khuyết điểm. Bạn không thể thay đổi loại người này nhưng có
thể cân nhắc kỹ từng lời với họ, đảm bảo những phát ngôn của mình không có gì
mơ hồ, nhập nhằng, có thể sinh hiểu lầm.
Việc cố gắng để hiểu những quan điểm của người khác cũng giúp
bạn tránh được hiểu lầm. Việc tôn trọng ý kiến cá nhân là rất cần thiết và cũng
nên tìm hiểu tại sao người ta lại có cách suy nghĩ như thế. Thay vì cứ lo tranh
cãi, hãy yêu cầu người khác giải thích rõ ràng những quan điểm của họ.
Giúp đỡ mọi người
Đôi khi hãy tạm ngưng công việc để giúp đỡ người khác và hãy
xung phong làm điều đó một cách tự nguyện. Những lời đề nghị giúp đỡ sẽ mang
lại nhiều tác dụng. Đầu tiên, bạn sẽ tiếp thêm động lực cho người khác, đồng
thời góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn. Kế nữa, bạn sẽ có
thêm được sự quí mến từ nhiều người, vì sự tử tế bao giờ cũng được đền đáp.
Biết khiêm tốn
Việc cố ý gây ấn tượng với đồng nghiệp hay cấp trên một cách lộ
liễu sẽ chỉ gây ra những tác dụng ngược lại. Không một ai thích những loại
người quá phô trương. Nếu bạn đang mong mỏi được người khác chú ý đến năng lực
của mình, bạn phải học cách kiên nhẫn hơn. Hãy để người khác tự khám phá ra
những thành tựu bạn đã gặt hái được thay vì bạn cứ vênh mặt tỏ vẻ. Khi biết
khiêm tốn với những thành công của mình, bạn thậm chí còn được kính nể nhiều
hơn bởi thái độ khiêm nhường đó.
Biết giữ thể diện cho người khác
Không người nào lại không mắc sai lầm. Hãy suy nghĩ về một lỗi
lầm đáng hổ thẹn gần đây nhất mà bạn mắc phải. Chính bạn cũng chẳng muốn người
khác nói nặng nhẹ về nó đúng không? Vì vậy, cũng hãy làm điều tương tự đó với
tất cả mọi người. Đừng cười nhạo khi ai đó mắc lỗi, vì phạm sai lầm là điều tự
nhiên. Nếu được thì bạn đừng đề cập đến những lỗi lầm của người khác thay cho
việc cứ luôn đặt ra những mối bận tâm không đâu lên nó.
Minh Khương (theo Askmen)
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét