Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Nơi Bác Hồ từng sống và làm việc ở Thái Lan

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 00:01, under | No comments

Để tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính, bà con Việt kiều Thái Lan đã cùng chung sức xây dựng các khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các tỉnh Udonthani và Nakhon Phanom.


Bản Đông, xã Pamakhap, tỉnh Udonthani, Thái Lan là nơi dừng chân đầu tiên của Bác từ mùa thu năm 1928 sau khi từ châu Âu đến. Con đường vào nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên Thầu Chín (một bí danh của người khi hoạt động cách mạng ở Thái Lan).


Năm 2014, chính quyền, nhân dân địa phương và đông đảo kiều bào đại diện cho Hội người Việt Nam tại Thái Lan đã long trọng khánh thành nhà lưu niệm Bác Hồ tại Bản Đông trên diện tích 5.500 m2 do chính quyền địa phương cấp và quyết định ủng hộ 14 triệu Bạt Thái, tương đương 8 tỷ 750 triệu đồng Việt Nam để tiếp tục xây khu nhà Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích.


Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với bí danh là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn, từ Bangkok về bản Đông hòa mình vào cuộc sống với kiều bào để tuyên truyền vận động cách mạng. Khi đó, ở bản Đông có chừng 20 gia đình Việt kiều sinh sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại ở bản Đông gần một tháng, sau đó Người rời đi các tỉnh đông bắc Thái Lan.


Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh (68 tuổi), Việt kiều hướng dẫn khách tham quan khu di tích này cho biết, về cấu trúc ngôi nhà Bác Hồ ở, vị trí đồ đạc đều do cụ Ngoét (95 tuổi, người nấu cơm cho Bác) nhớ lại và hướng dẫn cho thế hệ sau dựng lên.


Những đồ đạc, dụng cụ lao động có nguồn gốc cùng thời kỳ Bác sống nơi đây được trưng bày trong nhà lưu niệm đều do những người phụ trách xây dựng tìm kiếm, sưu tầm nhà dân trong vùng còn để lại.


Một số đồ dùng được làm mới nhưng hình dáng, chất liệu vẫn giống như gần một thế kỷ trước. Chừng ấy thời gian đã trôi qua nhưng những tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Chính phủ và nhân dân Thái Lan, cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái Lan gìn giữ, vun đắp.


Gian bếp đầy đủ dụng cụ của thời kỳ Bác cùng sống và tuyên truyền, vận động cách mạng với những anh em khác.


Hiện Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ văn hóa tại tỉnh Udon. Là nơi để nghiên cứu học tập cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần tăng cường thêm mối quan hệ giữa hai nước Việt - Thái. Trong ảnh là cây khế do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trồng ngày 4/12/2012 trong chuyến thăm bà con Việt kiều nơi đây.


Tại tỉnh Nakhon Phanom, cách Bangkok gần 800 km về phía đông bắc là Làng Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam và khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nakhok (hay còn gọi là Ban May), xã Noongyath. Ngôi nhà vách gỗ, lợp ngói tái hiện lại nơi Bác Hồ và những anh em khác từng sống và làm việc tại đây.


Chiếc bài làm việc ngay cạnh cửa sổ thể hiện góc làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên vách tường treo những hình ảnh của Người qua nhiều thời kỳ.


Những vật dụng sinh hoạt hàng ngày gắn bó với Bác và cộng đồng người Việt cách đây gần một thế kỷ được tái hiện sinh động, chân thực.


Viên gạch của ngôi nhà Bác Hồ từng ở cùng chiếc bàn là than, những chiếc bình đựng nước bằng đồng.


Kho thóc hình nhà sàn đặc trưng của người Thái cùng những dụng cụ như xe kéo, cối giã gạo. Quanh vườn là những hàng cau cao vút, hoa dâm bụt khoe sắc.


Tháng 6/2013 nhân chuyến thăm Thái Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng Hội Thái - Việt tỉnh Nakhon Phanom món quà trị giá 30 tỷ đồng Việt Nam để hỗ trợ xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu tưởng niệm có Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi trưng bày nhiều hình ảnh và tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ chủ tịch trong giai đoạn 1928-1929 khi Người hoạt động tại Nakhonphanom và một số tỉnh của Thái Lan.


Khu tưởng niệm gồm một gian nhà thờ tưởng niệm Bác, hình dáng xây theo kiến trúc Việt Nam, do Bảo tàng Hồ Chí Minh thiết kế. Sau lưng nhà thờ là quả núi nhân tạo, trước mặt là hồ nước, thả cá, trồng sen.


Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udonthani hay Nakhon Phanom đều đặt sổ lưu bút để du khách tới thăm ghi lại những cảm nhận, chia sẻ với người, với bà con Việt kiều.


Các đoàn khách không khỏi ngạc nhiên khi bà con Kiều bào đón tiếp rất trang trọng với những tà áo dài truyền thống cùng những ấm nước chè xanh mời khách tới thăm khiến các thành viên trong đoàn cảm thấy ấm áp tình đồng hương, hào hứng giao lưu, nói chuyện, kể về quê hương đất nước với bà con Kiều bào.


"Qúy khách đến chúng tôi mừng, quý khách về chúng tôi nhớ" là câu chào của khu lưu niệm tại tỉnh Udonthani treo trang trọng trước cổng càng làm cho du khách thêm quyến luyến trước lúc chia tay. Xe đoàn khách lăn bánh, các thành viên trong Ban quản lý di tích vẫy tay chào thân ái, hẹn ngày gặp lại.

Theo Lê Quân/Zing.vn




CÁC BÀI CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số

Bác Hồ với Khu di tích Đá Chông

Nơi Bác Hồ từng sống và làm việc ở Thái Lan

Những lần sinh nhật Bác qua lời kể đầu bếp Trung Quốc

Thăm ngôi nhà Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời

Chiêm ngưỡng tượng đài Bác Hồ trên khắp hành tinh

10 địa danh thiêng liêng gắn với sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ

Chuyện ít biết về kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên

Chuyện chưa biết về cố ngoại và bà ngoại của Bác Hồ

Món quà đặc biệt của Bác Hồ

Xúc động viếng nơi an nghỉ của thân mẫu Bác Hồ

Chân dung Bác Hồ trên bìa tạp chí nổi tiếng thế giới

Những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh, nhà tiên tri vĩ đại

Xúc động hình ảnh giản dị và cao quý của Bác Hồ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive