Dân tộc
Mông là một trong 22 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất cực Bắc Hà
Giang với tổng số dân là 202.094 người; chiếm 30,8% dân số toàn tỉnh và 25%
tổng số người Mông trong cả nước.
Ảnh báo hòa bình
Sống rải
rác trên các triển núi cao giữa thiên nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó
khăn nhưng đồng bào Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú, đa
dạng. Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hoá truyền thống
Mông mang đậm dấu ấn miền núi cao vừa khắc nghiệt vừa trữ tình.
Ngoài lễ tết
thông thường và các nghi lễ trong đời sống, người Mông đặc biệt thích "Hội
Gầu Tào". Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng bên cạnh phần lễ, phần
hội còn bộc lộ rõ bản sắc văn hoá dân tộc qua các sinh hoạt cộng đồng. Tham dự
ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 5, đoàn nghệ thuật dân gian
tỉnh Hà Giang xin giới thiệu với quý vị và các bạn trích đoạn lễ hội "Gầu
Tào" - Là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông, với mục đích là cúng tạ
trời đất đã ban cho thôn bản, dòng họ, gia đình, sức khoẻ. Lễ hội được tổ chức
vào mùa xuân hay những dịp nông nhàn do một gia đình hay một làng chủ trì và
được tổ chức trên một bãi đất rộng quanh làng, hay một nương ngô đã thu hoạch
xong. Trước ngày hội Trưởng bản thông báo cho các hộ gia đình trong bản biết và
thông báo cho các hộ gia đình các dân tộc khác cùng sống trong khu vực đến tham
gia ngày hội với dân bản.
Từ sáng
sớm người dân trong bản đều mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất của mình,
người con gái mang ô, người con trai mang khèn đến tập trung ở khu vực diễn ra
lễ hội cùng biểu diễn thi tài.
Hội Gầu
Tào gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ
được bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu:
+ Lễ
dựng cây nêu: Thông báo nơi mở hội bằng một cây thẳng
cao vút ngọn nhằm thể hiện sức sống trường tồn của làng bản người Mông trên
mảnh đất cao nguyên đá.
Dịch: Hôm nay là
ngày lành tháng tốt, được sự tín nhiệm của bà con dân bản tôi xin chọn địa điểm
này để cắm cây nêu mở hội tại trên quả đồi này để xin phép các vị thần tổ chức
mở hội Gầu Tào tại đây, cũng là thông báo cho dân bản làng xa, làng gần cùng
biết đến tham sự và cũng là dịp để người người, nhà nhà đến cầu may, cầu phúc
cho gia đình làng bản mình lộc nhiều phúc lớn.
Khi cây
nêu đã dựng xong: bản làng có một mâm lễ đặc dưới cây nêu để cúng thần linh và
tổ tiên, trời đất.
+ Mâm lễ
(một thủ lợn, một đĩa xôi, một chai rượu, bốn cái bát con, bốn cái chén, bốn
cái thìa): đây là lễ vật dâng cầu vận may, sức mạnh thể hiện ở chỗ con vật bốn
chân ứng với bốn vị thần trời, đất, sông, núi.
Vào lễ,
gia chủ đặt dưới chân cây nêu mâm lễ và khấn tạ trời đất đã cho gia đình được
toại nguyện.
+ Các bài
cúng:
Bài 1. Hôm nay là
ngày lành tháng tốt, tôi đại diện dân làng ở khu vực thị xã Hà Giang xin khẩn
cầu với trời đất, thần sông, thần núi nhờ sự che trở của các thần linh đã giúp
gia đình làng bản chúng tôi nhà nhà, làng làng sức khoẻ rồi rào, làm ăn, làm
mặc khấm khá, con cái khoẻ mạnh, học hành giỏi giang. Nên nay có mâm lễ này để
dâng lên các vị thần linh, mời các vị thần linh về ngự tại đây để nhận các lễ
vật do dân làng dâng hiến.
Bài 2. (Mời các
vong hồn) hôm nay gia đình, làng bản có mở hội gầu tào tại đây nên mời các vong
hồn bốn phương về nhận lễ vật của lễ và che trở cho lễ hội diễn ra suôn xẻ gặp
điều may mắn.
Bài 3. Hôm nay
tại lễ hội này, dân làng xin dâng hiến các vị thần một con vật bốn chân, cơm
xôi, rượu ngô và tiền vàng, tiền bạc mời các vị đến nhận rồi phù hộ cho dân
làng nhà nào cũng con cái khoẻ mạnh, học giỏi, làm ăn khấm khá và gặt hái nhiều
kết quả mới.
Phần hội
Sau khi
phần lễ kết thúc ông già làng tuyên bố: Hôm nay làng ta tổ chức lễ hội Gầu Tào,
các vị thần, ông bà tổ tiên đã về đây chứng giám cho chúng ta rồi, chúng ta hãy
vui lên, các chàng trai, cô gái Mông hãy cùng nhau trổ tài, thi sức để xem ai
là người bắn nỏ, cưỡi ngựa giỏi nhất, ai là người múa khèn hay nhất của bản ta
bà con ơi...
Bắt đầu
phần hội - Phần này được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Đó là những
trò chơi dân gian, như đánh yến, đấu võ, bắn nỏ... còn những trò vui mang tính
nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp... Hội thi là nơi để thanh
niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho
mình. Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá
nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn
chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội
trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông.
Lễ hội Gầu
Tào còn là một phương tiện để củng cố phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân,
giữa các gia đình hay các cộng đồng làng bản để thắt chặt tình đoàn kết. Lễ hội
góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hoá Mông thêm sinh động, đa dạng và
là nguồn lực thúc đẩy tinh thần dân tộc Mông nói riêng và tinh thần nhân dân
các dân tộc vùng cao nói chung./.
Việt Báo
- Tráng Lan Hương (Sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét