Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Bí mật ít người biết về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

 Không giết mổ động vật, ăn thịt nhập từ quốc gia khác, hay không có họ mà chỉ có tên là những bất ngờ ít người biết ở Bhutan.


hàng Một bữa ăn được phục vụ trong nhà hàng ở thủ đô Thimphu. Ảnh: Karen Lim.

Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, bên cạnh chỉ số mức độ hạnh phúc, thiên nhiên trong lành, quốc gia này còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ khác.
Karen Lim, biên tập viên của Asia One, đã có dịp ghé thăm Bhutan và ghi lại 7 điều bất ngờ này.
Thịt mà bạn ăn không có nguồn gốc từ Bhutan
Bhutan là quốc gia Phật giáo, giết chóc là một trong những điều tối kỵ ở đây. Người Bhutan sẽ không giết mổ động vật, điều này không có nghĩa là họ ăn chay. Người dân vẫn ăn thịt được nhập khẩu từ Ấn Độ.
Việc không giết hại chúng sinh cũng có nghĩa là các khách sạn không trang bị một lọ thuốc xịt côn trùng nào trong phòng. Karen Lim chia sẻ cô từng phải chấp nhận ngủ trọn một đêm cùng một con gián bò khắp nơi trong phòng khách sạn mà không có cách nào để giết nó.
Phụ nữ Bhutan được phép cưới nhiều chồng
Không chỉ những người đàn ông ở Bhutan mới được phép có nhiều vợ, phụ nữ cũng có thể có nhiều hơn một người chồng. Chế độ đa thê cho phép nam giới và phụ nữ kết hôn với nhiều vợ hoặc chồng được coi là hợp pháp tại Bhutan.
Đây là quy định độc đáo ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Việc cho phép cả phụ nữ và đàn ông được phép kết hôn với nhiều người khiến luật pháp Bhutan trở nên độc đáo, cởi mở và thậm chí ít bảo thủ hơn các nước phát triển, nơi có quy định chế độ một vợ một chồng.
Tuy nhiên, rất ít phụ nữ Bhutan cưới nhiều chồng. Chế độ này chỉ còn tồn tại trong các cộng đồng du mục nhỏ xa xôi. Hiện nay, người Bhutan hiện đại kết hôn vì tình yêu. Ly hôn được chấp nhận và không bị xem là một sự ô nhục.
Người dân Bhutan không có họ, chỉ có tên
Thông thường, tên của một người gồm họ và tên. Mỗi cá nhân được xác định thuộc gia đình, dòng tộc nào một phần nhờ họ mà người đó mang. Tuy nhiên, điều này lại không đúng ở Bhutan. Mỗi người dân đều có hai cái tên đứng cạnh nhau mà không phải một họ, một tên.


Một nhóm phụ nữ Bhutan. Ảnh: Karen Lim.

Một số cha mẹ không đặt tên cho con cái của họ mà đợi ngày tốt lành rồi đưa đến đền thờ để được một tu sĩ ban phước và ban tên.
Nói cách khác, Bhutan là một quốc gia không có họ hàng. Mỗi đứa trẻ trong một gia đình có cái tên khác nhau và người ngoài không thể xác định được chúng có phải là do một bố mẹ sinh ra hay không. Ví dụ, cha của hoàng hậu Bhutan Jetsun Pema có tên là Dhondup Gyaltshen, mẹ của cô là Sonam Chuki, trong khi hai anh em của cô được gọi là Thinlay Norbu, Jigme Namgyal và hai chị em là Serchen Doma và Yeatso Lhamo.
Chặt cây và câu cá bị cấm
Ngoài việc không giết hại, hiến pháp của Bhutan cũng quy định rằng đất nước phải có ít nhất 60% diện tích rừng. Điều này có nghĩa là chặt cây là việc bị cấm, trừ khi được cho phép đặc biệt. Nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, thậm chí phải ngồi tù. Người dân được khuyến khích tự trồng cây lấy củi và gỗ phục vụ xây dựng.
Nghề đánh cá, săn bắn, cũng bị cấm và phạt tù đối với cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có hoạt động đánh bắt cá bí mật nào đang diễn ra ở đây.


Người Bhutan coi trọng thiên nhiên, chặt cây là điều bị cấm và phạt nặng nếu vi phạm. Ảnh: Karen

Ngày thứ 4 “khô ráo”
Khô ráo ở đây không phải là nói về tình trạng thời tiết, mà là quy định “không uống rượu”.
Trái với những gì mà nhiều người nghĩ, người dân Bhutan rất thích uống. Mức tiêu thụ rượu trung bình trên đầu người ở đây là 8,4 lít. Ngoài ra, có hơn 5.400 quán bar trên khắp Bhutan, vài câu lạc bộ lớn ở thủ đô Thimphu. Quốc gia nhỏ bé này sản xuất tất cả mọi thứ từ bia đến rượu vang đỏ, các loại rượu tráng miệng, và rượu mạnh.
Chính phủ ngăn chặn việc uống rượu bằng cách đưa ra “ngày thứ 4 khô ráo”, quy định không được uống và bán rượu vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, rất nhiều người “lách luật” bằng cách đựng rượu trong tách trà.
Pho mát là thực phẩm được yêu thích
Không chỉ những người châu Âu yêu pho mát, người Bhutan yêu thích và làm ra loại thực phẩm này, đặc biệt là loại pho mát cay.
Món ăn nổi tiếng nhất của Bhutan là ema datshi, “ema” là ớt, “datshi” là phô mai. Ema datshi là sự kết hợp của ớt quả, phô mai tự làm và bún. Nhiều món ăn khác cũng được cho thêm phô mai hoặc ớt như Phaksha Paa, nước uống Momo.


Pho mát cứng được treo lên dây và bày bán ở Bhutan.Karen Lim.

Người Bhutan vẫn sử dụng trang phục truyền thống
Trong khi thời trang luôn có sự biến đổi từng ngày, mỗi chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn trang phục phù hợp theo hoàn cảnh. Việc mặc quần áo truyền thống của dân tộc chỉ trong những dịp đặc biệt, thì với người dân Bhutan, đó là điều diễn ra hàng ngày.
Trang phục truyền thống của nam giới Bhutan là “Gho” và phụ nữ là “Kira”. Chúng được sử dụng khắp nơi, trong môi trường làm việc, các tu viện và đền thờ, các văn phòng chính phủ và trong các dịp chính thức. Việc mặc trang phục truyền thống cũng do chính phủ quy định.
Vào những ngày nóng bức hoặc khi leo núi, du khách cũng có thể nhìn thấy hướng dẫn viên cởi bớt lớp áo ngoài và quấn ngang bụng.
Dọc theo các con phố lớn, bạn có thể bắt những cô gái Bhutan mặc trang phục thời trang hiện đại nhưng cũng nhanh chóng thấy những bóng dáng Kira yêu kiều ngay sau đó. Đây là nét độc đáo của một Bhutan giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

San San
Theo Asia One


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive