Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Công thức 365 giúp bạn làm chủ kỹ năng giao tiếp, thu phục lòng người khó tính nhất ngay từ lần đầu nói chuyện

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", các cụ dạy cấm có sai!


Làm sao để diễn đạt, chọn từ ngữ cho phù hợp?

Làm sao biết khi nào và ở đâu mới thích hợp để bộc bạch chuyện mình muốn nói?
Làm sao để lĩnh ngộ được tinh hoa của lời nói, làm sao để ăn nói khéo léo, từ đó giúp mình nổi bật lên?
Đôi khi chỉ cùng một câu nói, cùng một nội dung nhưng nếu biết cách ăn nói, bạn hoàn toàn có khả năng nhận được sự hồi đáp tích cực hơn gấp 2-3 lần từ phía đối phương.
Tác giả người Nhật của cuốn sách về giao tiếp "The so-called emotional quotient high is to speak" (Tạm dịch: "Cái gọi là EQ cao nằm ở cách bạn giao tiếp") thông qua quá trình trải nghiệm và tìm hiểu đã đúc kết nghệ thuật nói chuyện thành "6 bước đột phá" và "5 mánh khóe".


Nhưng khi tìm hiểu 6 bước và 5 mánh, chúng ta cần phải nắm được 3 bước kĩ năng cơ bản
Bước 1: Suy nghĩ trước khi nói
Những lời nói bộc phát, không suy nghĩ trước thường sẽ phản tác dụng, thậm chí đôi khi còn gây hiểu lầm cho người nghe. Ít nhất đừng nói những câu đại loại như "Đây là một đề nghị vô cùng quan trọng!"
Bước 2: Đoán tâm lý đối phương
Tạm thời quên đi đề nghị của bản thân, phán đoán tâm lý của đối phương, dựa theo biểu hiện hàng ngày, bao gồm các nhân tố như tính cách, tâm trạng… phỏng đoán xem đối phương sẽ có suy nghĩ ra sao đối với đề nghị của mình.
Bước 3: Xem xét dùng từ phù hợp với lợi ích của đối phương
Khi đưa ra đề nghị nào đó hãy đặt lợi ích của đối phương lên ngang hàng với lợi ích của bản thân. Dựa vào tâm lý của đối phương để lựa chọn từ ngữ thích hợp.
Ví dụ:
Khách hàng đến cửa hàng mua áo, nhưng chỉ còn lại một chiếc, bạn mong khách hàng sẽ lấy nốt chiếc đó.
Bước 1: Suy nghĩ trước khi nói: Đừng nói toẹt ra là: xin lỗi, mẫu áo này chỉ còn một chiếc.
Bước 2: Đoán tâm lý đối phương: khách hàng có lẽ muốn mua, nhưng chắc sợ có nhiều người mặc qua rồi, tuy nhiên nếu đang là mốt thì chắc vẫn muốn mua.
Bước 3: Dùng từ phù hợp: Bạn có thể nói: Chiếc áo này năm nay đang là mẫu hot, đây là chiếc cuối cùng của cửa hàng rồi ạ.


6 bước đột phá
1. Nói khéo, nói cách khác là hãy biết nịnh
Không chỉ giúp bạn có được thiện cảm từ phái đối phương mà còn khiến họ vui vẻ với đề nghị của bạn.
Ví dụ:
Thay vì nói:  Xin lỗi, mẫu này chỉ còn một chiếc này
Hãy nói: Mẫu này năm nay đang rất hot, chỉ còn lại duy nhất một chiếc. 
2. Tự do lựa chọn
Đừng đưa ra lựa chọn hoặc cái này hoặc cái kia, hãy đưa ra cả hai lựa chọn thích hợp. Như vậy dù cho đối phương có lựa chọn cái nào đi chăng nữa thì bạn vẫn có thể đạt được mục đích của mình. Đồng thời còn đem lại cho họ cảm giác được "tự do" lựa chọn.
Ví dụ:
Thay vì nói: bạn có muốn gọi loại ngọt một chút không?
Hãy nói: Vị ngọt có loại A và loại B, bạn muốn chọn loại nào?
3. Cảm giác được công nhận
Tâm lý học gọi cái này là "tôn trọng nhu cầu", tức là một người có thể tạo ra thành quả tương ứng với kì vọng, mong đợi của người khác. Người khác nói bạn có ưu thế trong chuyện này hơn, có thể giao cho bạn xử lý, bạn sẽ rất vui vẻ mà đón nhận dù cho chuyện đó bạn thực ra cũng chẳng giỏi lắm.
Ví dụ: 
Thay vì nói: Cậu lau cửa sổ đi, tớ bận lắm
Hãy nói: Cậu cao hơn tớ, nên cậu lau cửa sổ nhé, làm ơn!
4. Nhất định phải là bạn
Khi nghe người khác nói những câu đại loại như "chỉ có cậu mới có thể…", đối phương sẽ cảm giác thành tựu, tự hào và rất dễ bị thuyết phục.
Ví dụ:
Thay vì nói: Chúng tôi sẽ thay thế miễn phí cho ngài.
Hãy nói: Chúng tôi chỉ thay thế miễn phí người luôn ủng hộ công ty của chúng tôi như ngài XXX đây.
5. Đoàn đội hóa
Thông thường thì chúng ta sẽ thích làm việc với người khác hơn là làm hoặc là đi đâu đó một mình. Vin vào điểm này, dù có phiền phức đến mấy, đối phương cũng sẽ không nỡ từ chối bạn.
Ví dụ:
Thay vì nói: cậu chăm chỉ vận động nhiều hơn chút đi
Hãy nói: Tôi muốn đi chạy bộ vào buổi tối, nhưng lại sợ đi một mình, cậu đi cùng tôi được không?
6. Thể hiện sự cảm kích
Khi một người nhận được lời khen hay ý tốt từ người khác, họ sẽ có tâm lý biết ơn đối phương.
Ví dụ:
Thay vì nói: Chuyển cái bàn này sang chỗ kia hộ tớ với.
Hãy nói: Chuyển cái bàn này ra chỗ kia hộ tớ với, cám ơn nhé!


5 mánh khóe
1. Tạo sự tò mò
Mọi người ai ai cũng có tâm lý tò mò, cùng một nội dung nhưng cái nào khiến họ kinh ngạc hơn sẽ để lại được ấn tượng mạnh mẽ hơn.
Ví dụ:
Thay vì nói: Chỉ nửa tiếng học là có thể biết đi xe đạp
Hãy nói: Ồ, chỉ nửa tiếng thôi là đã có thể biết đi xe đạp rồi ư!
2. Dùng từ trái nghĩa
Đặt nội dung mình muốn truyền tải cạnh một từ trái nghĩa, như vậy sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn.
Phương pháp dùng từ đối lập là một mánh khóe vô cùng quan trong. Cách sử dụng như sau: xác định nội dung cần truyền đạt, nửa câu trước cho thêm từ trái nghĩa vào, nửa vế sau cho thêm từ ngữ khác vào sao cho trước sau có sự ăn khớp.
Ví dụ: Cà phê này của chúng tôi hương vị rất đậm đà và sảng khoái gấp đôi.
Phàm là đậm đà, ai lại nghĩ nó sảng khoái?
3. Dùng từ ngữ văn vẻ một chút
Chúng ta thường hay nói là nói chuyện "sến súa", đôi khi nó lại đem lại một tác dụng rất tốt.
Ví dụ:
Giấc mơ không phải nghĩ ra mà được, nó là tiếng nói, là ước muốn nội tâm của chúng ta.
4. Phương pháp lặp lại
Vô cùng đơn giản, lại khiến người khác ghi nhớ lâu.
Ví dụ:
Đó là một nhân viên cực kỳ, cực kỳ thông minh, hoạt bát. 
5. Dùng con số
Trong lời nói cho thêm con số vào sẽ khiến lời nói có tính thuyết phục hơn, và cũng có thể lôi kéo được sự chú ý của người khác. Con số gây tò mò nên là số lẻ.
Ví dụ: 
Tốc độ làm việc của cậu ấy nhanh gấp 3 lần nhân viên khác. 
Thiên tài là sự tổng hòa của 1% linh cảm và 99% nỗ lực.
Thông thường thì cứ trực tiếp nói những gì mình nghĩ ra cho đối phương biết sẽ không  đem lại kết quả tốt nhất khi muốn thuyết phục họ, nhưng nếu như bạn suy đoán tâm lý đối phương rồi hãy nói thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các cụ lại khuyên ta nên "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".
Trên thương trường, 2 phương pháp giao tiếp tuyệt vời và có hiệu quả nhất đó là "nói khéo" và khiến đối phương có "cảm giác được công nhận".
Ở nơi làm việc, nếu cấp trên khiến cho cấp dưới của mình có cảm giác là họ được công nhận và cấp dưới cũng thể hiện sự công nhận của mình với cấp trên thì quan hệ giữa các cấp sẽ được cải thiện rất nhiều và môi trường làm việc từ đó cũng sẽ thoải mái và tốt đẹp hơn rất nhiều.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bạn không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn cả trên con đường sự nghiệp của mình.

Như Quỳnh

Theo Trí Thức Trẻ

'Thủ phủ' trồng đặc sản dổi đổi vàng 9999 xứ Mường vào mùa thu hoạch

Xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - nơi được coi là "thủ phủ" của cây dổi xứ Mường đang bước vào mùa thu hoạch dổi. Vài năm trở lại đây, đặc sản dổi - thứ cây quý được bán với giá "đắt như vàng" đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân nơi đây. Khắp bản trên, bản dưới tràn đầy hương dổi thơm lừng.


Đầu tháng 9 âm lịch bà con người Mường ở xã Chí Đạo bắt đầu thu hạt dổi (Ảnh: Hồng Duyên). 

Cách đây khoảng mươi năm, bà con người Mường ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - nơi được coi là "thủ phủ" của cây dổi xứ Mường, trồng dổi để làm gia vị. Nhà nào cũng trồng khoảng mươi cây vừa để lấy bóng mát, vừa thu hạt, phơi khô bỏ ống ăn dần. Không ai nghĩ, có một ngày hạt dổi lại trở thành mặt hàng đặc sản được người tiêu dùng đón nhận. 
Cây dổi trồng bằng hạt sau cả chục năm mới cho quả. Thân cây cao 20-30m, mọc thẳng tắp tựa như những cột chống trời. Ông Bùi Văn Bun, trưởng xóm Be 2, xã Chí Đạo chia sẻ, nhà nào có chục cây dổi quanh nhà, mùa hè cây che bóng nắng, mùa đông bắt đầu cho thu hạt. Sau khoảng 30 năm là thu hoạch được gỗ dổi. Thứ gỗ này dùng làm nhà sàn thì mát và bền, độ bền bằng cả đời người. 


Quả dổi rất sai, cây trưởng thành có thể cho tới 70kg hạt tươi. 

Từ chỗ trồng cây lấy bóng mát, giờ đây, hạt dổi trở thành thứ gia vị vô cùng đắt đỏ. Hiện, bà con nơi đây đang bán với giá 1 triệu đồng cho 1kg hạt tươi. Nhiều cây dổi to, 1 vụ bà con thu được khoảng 30kg hạt tươi, thậm chí có cây thu được hơn 70kg hạt tươi. Từ chỗ ai đi xin cũng được ít hạt làm gia vị, giờ cây dổi trở thành cái máy in tiền cho bà con người Mường. 


Hạt dổi khi chín có mầu đỏ ối. 

Dổi ra hoa vào mùa xuân và chín vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Quả dổi kết thành từng chùm. Trong mỗi chùm tách ra làm 3-4 quả, trong mỗi quả có 4-8 hạt. Khi chín hạt dổi có mầu đỏ ối. Bà con thu hoạch mang đồ rồi phơi khô hạt dổi chuyển sang mầu đen xỉn. Hạt dổi phơi khô để được 3-4 năm, không hỏng. 


Hạt dổi sau khi phơi chuyển sang màu đen. Nếu được bảo quản tốt có thể để được 3-4 năm. 

Sở hữu 300 cây dổi 8 năm tuổi, ông Hoàng Thanh Giang (ở xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) hiện đang trồng thêm 5ha dổi nữa.


So với năm ngoái, năm nay, ông Giang còn sáng tạo ra cách mới đó là làm hạt dổi muối để bán. Thứ gia vị thơm lừng như chắt chiu cả trời đất Mường vào đó được người tiêu dùng đón nhận. Ông Giang hy vọng đây sẽ là món quà quý mỗi khi du khách ghé thăm đất Mường. 


Cây dổi này ở xóm Be 2, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình đạt kỷ lục về số hạt thu được. Năm 2016, cây dổi này thu được 25kg hạt khô tương đương 70kg hạt tươi. 

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Từ câu chuyện ông vua và bốn bà vợ Phần lớn chúng ta đều mắc sai lầm này, nhiều người cuối đời mới hối tiếc nhưng đã muộn

Chúng ta vẫn đang sống mỗi ngày nhưng chúng ta chẳng thể nào biết mình có đang sống đúng không, mình có mắc sai lầm nào không. Chúng ta thường sống với những ồn ào ngoài xã hội mà không để ý tới bên trong sâu thẳm con người mình.


Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc nọ, có một ông vua và bốn bà vợ. Tuy rằng tình cảm ông dành cho bốn bà vợ là không phân biệt cao thấp trên dưới nhưng yêu quý hơn cả là bà vợ trẻ đẹp thứ 4.
Một ngày, ông bị bệnh và nằm hấp hối trên giường.
Lo sợ rằng mình sẽ chẳng còn sống được lâu, ông liền hỏi bà vợ thứ 4 – người vợ mà ông yêu nhất, người mà ông đã tặng rất nhiều kim cương, vàng bạc, châu báu và những bộ đồ sang trọng – rằng: "Nàng sẽ chết vì ta và đi cùng ta đến kiếp sau chứ?"
Bà vợ thứ 4 trả lời: "Xin lỗi ông, tôi không thể làm vậy và bước đi."
Ông cũng rất yêu và tự hào về bà vợ thứ 3. Những khi có công việc sang các vương quốc lân cận, ông thường đưa bà đi cùng để tiện bề khoe khoang về người vợ thông minh, xinh đẹp này nên ông cho gọi bà thứ 3 vào và hỏi: "Nàng sẽ nguyện đi cùng ta đến kiếp sau chứ?"
Bà vợ thứ 3 trả lời: "Tôi còn yêu cuộc sống này quá nhiều. Xin lỗi ông, tôi không thể đi cùng ông được và khi ông chết, tôi sẽ tái hôn."
Trong lòng chợt nghĩ đến bà vợ thứ 2 vì luôn có mặt những lúc ông cần nên ông đã hỏi:"Nàng sẽ đi cùng ta đến kiếp sau chứ?"
"Xin lỗi tôi không thể giúp ông lần này nhưng tôi có thể sắp xếp tang lễ của ông", bà trả lời không nghi ngại.
Bỗng, một tiếng nói vang lên lúc ấy: "Tôi sẽ đi cùng ông và theo ông đến bất cứ đâu dù đó là kiếp sau hay chăng nữa."
Ông vua không khỏi ngạc nhiên ngước nhìn lên và đó chính là người vợ đầu tiên của ông. Người vợ ấy vì sự rạng danh và giàu có của ông không hề quản ngại công sức, trí óc nhưng lại nhận lại ít sự quan tâm nhất. Ấy vậy mà, chưa bao giờ, bà lên tiếng trách cứ.
Ông cảm thấy xấu hổ: "Xin lỗi nàng, đáng lẽ, ta nên chăm sóc nàng tốt hơn, quan tâm nàng nhiều hơn và dành cho nàng nhiều sự chú ý hơn khi ta còn sống."


Từ câu chuyện trên, có thể suy ra bản thân mỗi chúng ta chính là ông vua và mỗi người đều cưới bốn bà vợ. Bà vợ thứ 4 là cơ thể của chúng ta. Chúng ta thích khoác lên cơ thể những bộ cánh đẹp nhất, những trang sức lấp lánh nhất nhưng cuối cùng, cơ thể lại không thể theo chúng ta đến kiếp sau. 
Người vợ thứ 3 đại diện cho của cải của chúng ta. Chúng ta dành rất nhiều thời gian sống để tích lũy thật nhiều nhưng rồi đến cuối cùng, chúng cũng thể theo ta đến kiếp sau mà sẽ được phân chia cho người khác, cũng như lời mà người vợ thứ 3 nói là sẽ tái hôn. 
Bà vợ thứ 2 là bạn bè và gia đình. Chúng ta tin tưởng họ. Họ có thể luôn có mặt những lúc chúng ta cần nhưng quãng đường cuối cùng mà xa nhất, họ đi cùng với ta chỉ có thể là tới nơi chôn cất của chúng ta. Bạn bè cũng có thể phản bội ta mà ta không hề biết.
Còn người vợ đầu tiên đại diện cho linh hồn. Chúng ta thường lơ là việc chăm sóc linh hồn của chính mình. Linh hồn chính là thứ sẽ đi cùng chúng ta đến kiếp sau. Chúng ta thường trốn tránh đối mặt với con người thật bên trong mình vì sợ nhìn thấy những tự ti, sợ hãi, yếu đuối và phần nhiều, chúng ta vì những hào nhoáng bên ngoài mà bỏ quên điều quan trọng nhất cần nuôi dưỡng.
Vì vậy:
Chăm sóc cơ thể để giữ nó khỏe mạnh,
Tận hưởng của cải của bạn và sự thoải mái mà chúng cung cấp,
Trân trọng gia đình và bạn bè vì tình yêu họ dành cho bạn,
Nhưng đừng quên chăm sóc linh hồn, nuôi dưỡng linh hồn, dành thời gian ở một mình, dành thời gian cầu nguyện, dành thời gian để thiền. 
Bởi đó là nguồn gốc cuộc sống của bạn và là người trung thành với bạn nhất.

Sean Buranahiran

Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Kiếm 3.000 tỷ/năm nhờ câu nói vu vơ của vợ

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 01:36, under | No comments

Trước đó, người đàn ông này suýt bị phá sản vì một vấn đề thường gặp trong an toàn thực phẩm.


Món chân gà ngâm muối ớt trở thành “đặc sản” trong mắt giới trẻ Trung Quốc

Tại Trung Quốc, món chân gà ngâm muối ớt của thương hiệu Youyou là sản phẩm vô cùng quen thuộc đối với giới trẻ. Hãng thực phẩm Youyou ra đời vào năm 1997, do ông Lộc Hữu Trung sáng lập.
Lộc Hữu Trung sinh năm 1955 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Năm 22 tuổi, ông vào làm cho một công ty thực phẩm địa phương trong suốt 4 năm. Đây cũng là nơi ông bắt đầu “bén duyên” với ngành ăn uống. Năm 1981, sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, ông đã từ chức để tự mình khởi nghiệp.
Ông bắt đầu mở một nhà hàng theo đúng chuyên môn – nhà hàng Youyou ở Thượng Thanh Tự, Trùng Khánh. Nơi này do ông và vợ cùng quản lý. Một ngày nọ, bữa cơm của hai vợ chồng không có món dưa muối khiến vợ ông mất cảm giác ngon miệng. Bà vô tình thốt lên một câu mà sau đó đã gợi ý cho Lộc Hữu Trung tạo ra mặt hàng mới cực hút khách: “Người Trùng Khánh ăn cơm không thể thiếu dưa muối, hay là chúng ta buôn bán thứ gì đó liên quan tới món này?”


Chân dung tỷ phú “chân gà” Lộc Hữu Trung

Sau đó, món ăn này đã được đóng gói, bán theo hình thức đồ ăn vặt, tạo cơ hội cho nhiều người thưởng thức hơn. Năm 1997, Lộc Hữu Trung thành lập công ty thực phẩm Youyou Trùng Khánh, mua thiết bị và nhà xưởng để quy mô hóa việc sản xuất chân gà ngâm muối ớt.
Tuy nhiên, quá trình biến món ăn thông thường thành sản phẩm đóng gói của Lộc Hữu Trung không hề thuận lợi, thậm chí suýt chút nữa khiến ông phá sản. Sau khi thành lập công ty, Lộc Hữu Trung cho ra mắt đợt chân gà đóng gói đầu tiên, nhưng do công nghệ bảo quản có vấn đề nên toàn bộ lô hàng đã bị hỏng. Lộc Hữu Trung phải chịu tổn thất hàng trăm nghìn nhân dân tệ, tương đương hàng trăm triệu đồng.
Với quyết tâm “phục thù”, ông đã mời các chuyên gia trường nông nghiệp nghiên cứu công nghệ bảo quản. Đúng lúc này, ông lại gặp thêm khó khăn mới: hao hụt nguồn vốn. Cực chẳng đã, ông đành phải chuyển nhượng các quán ăn đang kinh doanh thuận lợi của mình để tiếp thêm tài chính. May mắn thay, trời không phụ lòng người, ông và cộng sự cuối cùng đã giải quyết được vấn đề bảo quản sau một năm miệt mài nghiên cứu. Mặt hàng chân gà ngâm muối ớt đóng gói bắt đầu được đưa ra thị trường.
Để quảng bá sản phẩm, Lộc Hữu Trung liên tục tham gia các hội chợ triển lãm thực phẩm ở Trung Quốc. Nhờ hương vị độc đáo, có một không hai, sản phẩm này đã nhận được sự khẳng định của thị trường, thậm chí nhiều lúc cung không đủ cầu. Sau này, tuy cũng có nhiều hãng làm nhái chân gà ngâm muối ớt, nhưng thương hiệu Youyou vẫn đứng đầu thị trường.
Giờ đây, công ty Youyou chuẩn bị xuất hiện trên sàn giao dịch. Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, tài sản của ông Lộc Hữu Trung đã vượt hơn 4 tỷ NDT (13.400 tỷ đồng). Năm 2017, thương hiệu Youyou có doanh thu 990 triệu NDT (~ 3.000 tỷ đồng). 

Theo Hương Nguyễn (Theo cyegushi) (Dân Việt)



Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Đường trở thành CEO của cô sinh viên mang 3 con lên giảng đường

Tay bế con tay viết bài, chân quản đứa khác dưới gầm bàn, đứa thập thò ở cửa lớp, đó là tình cảnh thời sinh viên của CEO Nguyễn Thị Hòe.


Phó giáo sư Nguyễn Thị Hòe ở tuổi 72 vẫn miệt mài nghiên cứu các tính năng mới cho sơn. Ảnh: Phan Dương.

Vừa từ Singapore về nước tham dự Triển lãm chân dung những nhà khoa học, bà Nguyễn Thị Hòe tất bật với nhiều lịch hoạt động gặp gỡ, xen kẽ lịch làm việc với hãng sơn chi nhánh Hà Nội. Khó tin ở tuổi 72, người phụ nữ này vẫn dành nhiều tiếng lao động mỗi ngày.
"Trong thời gian tới tôi sẽ kết hợp với một số đối tác trong và ngoài nước làm sản phẩm sơn chống đạn. Tôi cũng đang kết hợp với các cơ quan chức năng làm áo chống cháy, hy vọng trang bị áo chống cháy đến từng gia đình", bà Hòe tiết lộ.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Hoè từng nhận giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1993, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử Nobel năm 2005, bà hiện là chủ tịch tập đoàn sơn Kova - tập đoàn có 10 nhà máy, 12 công ty và 7 phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều bà tự hào nhất là "3 con đi theo nghiệp của mẹ. Tôi để lại cho chúng một cơ ngơi, giờ không cần lo lắng về tiền bạc, mà làm việc với sự say mê nghề nghiệp và nhu cầu xã hội", bà nói.

Con đường lập nghiệp của cô sinh viên Nguyễn Thị Hoè khác số đông. Kết hôn sớm, tới năm 20 tuổi khi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Hoè phải đèo bồng theo 3 con lên giảng đường. Giờ nhớ lại những ngày ấy, bà vẫn không quên được hình ảnh mình ôm con 9 tháng trên bàn học, bé hơn một tuổi bò dưới gầm bàn và con cả 3 tuổi thì thập thò ngoài cửa.
"Thật sự phải cảm ơn thầy giáo rất nhiều vì cho bế con vào lớp. Có hôm tan học thấy hai con trai đang chạy dưới ruộng, bùn khắp người. Tôi ở bờ ruộng bên này lùa bắt con, thấy thầy giáo đang đi bờ ruộng bên kia liền gọi 'Thầy ơi, bắt hộ thằng bé cho em", bà bồi hồi nhớ lại.
Ngày đó chồng bà Hoè làm cán bộ, bận bịu không phụ giúp được vợ. Sau giờ học, cô sinh viên ngành Hoá hữu cơ phụ đạo cho các bạn cùng lớp đổi lấy ngô, còn chăn nuôi thêm lợn, gà. Không có dầu thắp sáng, người mẹ mày mò làm pin nước sáng bừng cả căn lều tranh. Hình ảnh bốn mẹ con bà Hoè từng được Đài truyền hình Hà Nội ghi lại trong bộ phim 'Một mái nhà tranh, bốn trái tim cùng chung năm học' vào năm 1967. 


Cô nữ sinh NguyễnThị Hòe (khoanh đỏ) bế con gái út 9 tháng tuổi tại khoa Hóa - Đại học Bách Khoa năm 1966. Ảnh: NVCC.

Nghèo khó đã hun đúc nên niềm say mê nghiên cứu khoa học để thoát nghèo trong cô sinh viên này. Hết hai năm đại học, Hoè được bổ nhiệm vào lớp giảng viên. Khi ra trường năm 1971, bà giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó là Đại học Cần Thơ và đến 1986 là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, bà thường ứng dụng các phát minh của mình để kiếm sống, như thuốc chống ọc sữa, làm xà phòng từ dầu dừa...
Hồi đó, đất nước mới thống nhất, nhà nào cũng chỉ mong đủ ăn đủ mặc. Bà Hoè và các con ở trong một căn phòng phải căng áo mưa chống dột. "Có đêm mưa nặng hạt đến mức áo mưa không trụ được rớt cái bịch xuống. Khi đó tôi nghĩ đến việc làm ra một loại sơn chống thấm để không còn lo dột nữa", bà nói về những ngày sơ khai trên con đường nghiên cứu ứng dụng sơn.
Sau hơn 5 năm, tới 9/1993, nhờ đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia tại Mỹ. Sau chuyến đi đó, bà dấn thân vào con đường kinh doanh. 
Những năm đầu lập nghiệp, mỗi chuyến ra nước ngoài của bà Hòe là một lần "liều". Như năm 2000 sang Mỹ tìm đối tác, bà phải bán cả xe máy cũng chỉ gom được 500 đôla. Hành trang mang theo ngoài số tiền ấy là một thùng mỳ tôm. "Tôi đã có lúc phải ngủ tại sân bay, ăn mỳ gói qua ngày", bà Hoè kể.
Ngôn ngữ cũng là một rào cản rất lớn. Bà vẫn nhớ một lần đói, muốn xin nước sôi ăn mỳ tôm, nhưng trong chốc lát không thể nhớ được từ nước sôi bằng tiếng Anh. "Tôi giơ gói mỳ ra với nhân viên khách sạn, nhưng họ không hiểu. Tôi lục tung từ điển cũng không ra được từ mình cần. Tận lúc thấy một vị khách cầm bát mỳ bốc khói, tôi mới nghĩ ra", bà cười kể. Giờ thì, bà có thể phát biểu bằng tiếng Anh hàng tiếng trong lĩnh vực của mình, nhưng đôi khi những câu giao tiếp hàng ngày của trẻ con bà cũng không hiểu.


Bà Hòe từng đi Mỹ với chỉ 500 đôla năm 2000 để học hỏi công nghệ và hợp tác về sơn. Trong ảnh, tập đoàn Titan Tool của Mỹ mời bà Hòe chia sẻ những thành quả nghiên cứu của mình. Ảnh: NVCC.

Từng bước thương hiệu của bà khẳng định vị trí. Năm 2013, bà Hoè gây tiếng vang khi công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về các loại sơn nano được làm từ... vỏ trấu, như sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy...
Ở tuổi thất thập, bà Hòe có một số vấn đề về sức khỏe, cũng hay quên tên, quên số điện thoại, nhưng các phương trình phản ứng thì không. Trong căn nhà gần công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TP HCM), bà bố trí hai phòng thí nghiệm và gần như dành hầu hết thời gian cho nghiên cứu.
Người phụ nữ 72 tuổi kể, một ngày thông thường của bà bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc nửa đêm, sau khi ghi lại kết quả thí nghiệm. "Nhiều hôm đang lơ mơ ngủ tôi nghĩ ra phương trình phản ứng, hoặc phát kiến ý tưởng lại bật dậy", sự say mê sáng bừng trên khuôn mặt bà khi nói.
Ba người con từng theo mẹ lên giảng đường năm xưa, sau này cũng trở thành những giảng viên, nhà khoa học. Những năm gần đây, họ chuyển về quản lý tập đoàn sơn của mẹ.
Tại triển lãm Chân dung những nhà khoa học nữ đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, PGS Nguyễn Thị Hoè được đánh giá là chân dung nhà khoa học hiếm hoi làm giàu được từ chính những nghiên cứu của mình. Bà Nguyễn Thị Hồi - phó chủ tịch Hội nữ tri thức Việt Nam nhận xét: "Chị Hoè là điển hình từ chỗ khó khăn mà thành công. Chị Hoè là người 3 trong 1: nghiên cứu ra, sản xuất được và bán hàng rất thành công. Chị là người không bao giờ dừng lại".
Anh Nguyễn Duy - cháu trai của bà Hòe - chia sẻ, bà là người truyền cảm hứng không chỉ với các thành viên trong gia đình mà cả nhân viên công ty. Cá nhân Nguyễn Duy - giám đốc Kova Trading, người được Forbes Vietnam bình chọn vào danh sách 30 nhân vật tiêu biểu dưới tuổi 30 năm 2018 - đã có nhiều thời gian sinh trưởng, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bà.
"Khoảng thời gian du học ở Singapore tôi hay qua sống cùng bà. Dù là người lãnh đạo tập đoàn, bà vẫn giữ lối sống tiết kiệm. Sáng sớm, bà đi siêu thị mua đồ về nấu cơm, hai bà cháu cùng ăn. Bà mang cơm đó đến công ty, không chỉ cho bà mà còn vài người nữa cùng ăn. Dù giờ đã đầy đủ rồi nhưng bà không có nhu cầu tiêu gì, chỉ biết nghiên cứu thôi", Nguyễn Duy nói.
PGS Nguyễn Thị Hoè là người sáng lập ra giải thưởng Kova khuyến khích các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu được ứng dụng, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, đam mê khoa học. Giải thưởng Kova năm thứ 16 sẽ được diễn ra vào tháng 11 tới tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Phan Dương

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Cụ ông 85 tuổi ở Hà Nội ngày ngày đạp xe đến giảng đường “Tôi đi học với các cháu để thỏa mãn giấc mơ ấp ủ bao năm”

Thời thanh xuân với ước mơ học lên Đại học nhưng do hoàn cảnh khó khăn, cụ Linh đành phải gác lại một bên để lo cho gia đình. Giờ đây khi cuộc sống đã no đủ hơn, ở tuổi 85, cụ đã quyết định thực hiện giấc mơ ấy của mình tại trường Đại học Đông Đô.
Ấp ủ giấc mơ vào giảng đường Đại học hàng chục năm
Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm về nhà riêng của cụ Cao Nhất Linh (85 tuổi, trú ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện cụ đang theo học trường Đại học Đông Đô khiến nhiều người ngưỡng mộ thời gian qua.


Cụ Cao Nhất Linh chia sẻ về hành trình vào Đại học của mình.

Khi chúng tôi đến nhà, cũng là lúc cụ đang say sưa với quyển sách luật dày cộm, đôi mắt chăm chú, giọng đọc to, rõ ràng của cụ khiến chúng tôi khá ngạc nhiên. Bởi ở độ tuổi của cụ hiếm người còn được như vậy.
Thấy chúng tôi đến, cụ dừng đọc sách, pha trà mời khách uống rồi trò chuyện. Theo lời cụ Linh, từ nhỏ cụ đã rất ham học và học Đại học là niềm khát khao cháy bỏng.
Thế nhưng, do điều kiện gia đình, giấc mơ vào Đại học của cụ đã phải gác lại để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nuôi gia đình. Để kiếm tiền, cụ làm qua nhiều nghề như đi công nhân, rồi thợ nề, thợ mộc.


Cụ Linh đọc thơ trong Lễ khai giảng trường ĐH Đông Đô năm học 2018 - 2019. Ảnh: Nhật Hồng.

Thế nhưng niềm đam mê học của cụ không bao giờ tắt, trong thời gian làm công nhân, từ năm 1956, dù ở tận nơi rừng núi của tỉnh Sơn La, cứ lúc rảnh rỗi buổi tối là cụ mang sách ra học. Năm 1968, cụ về Hà Nội đăng ký thi chứng chỉ tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc văn hóa với tư cách là thí sinh tự do.
"Hồi nhỏ tôi được cả làng biết đến là học giỏi nhất, nhưng vì cuộc sống khó khăn không thể học lên, tôi phải bỏ dở giấc mơ để kiếm sống nuôi gia đình. Trong những năm tháng đó, tôi vẫn tự học, tự đọc, tự viết những thứ mà mình thích", cụ Linh chia sẻ.


Mong ước vào giảng đường Đại học của cụ Linh cuối cùng cũng thực hiện được.

Thời gian thấm thoát trôi, khi cuộc sống khấm khá hơn, con cái trưởng thành, có điều kiện về kinh tế và thời gian để theo đuổi việc học, thì cụ Linh đã tuổi cao, sức yếu.
Và rồi, quyết tâm thực hiện ước mơ đang dang dở của mình cụ đã âm thầm tiếp tục nghiệp học. Năm 2015, cụ đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành Báo in của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2017, cụ dự thi hệ văn bằng hai của Đại học Luật Hà Nội và đạt 11 điểm, chỉ thiếu đúng một điểm so với điểm chuẩn của trường là 12 điểm. Bị trượt, nhưng cụ không nản chí mà vẫn miệt mài ôn tập.


Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng báo chí của cụ Linh.

Cũng trong năm 2017, cụ tiếp tục dự thi vào ngành Luật Kinh tế của Đại học Đông Đô, hệ chính quy, và vừa đủ điểm đỗ. 
"Từ nhỏ tôi đã yêu thích bộ môn triết học, thích các môn Văn, Sử, Địa và nghành luật. Chính vì thế sau khi tìm hiểu tôi biết trường Đại học Đông Đô có ngành luật, tôi đã thi vào đó, lần thứ hai mới đậu.
Khi biết đỗ vào Đại học Đông Đô, tôi đã rất vui sướng vì ước mơ của cả cuộc đời mình đã trở thành sự thật. Tôi không thể nào tin được giấc mơ của mình đã thành hiện thực", cụ Linh nhớ Lại.
"Việc học giúp tôi thấy mình trẻ hơn, yêu cuộc sống hơn"




Sau giờ học ở lớp, cụ Linh vẫn miệt mài học ở nhà.

Cũng từ đây, nhiều kỷ niệm vui lại đến với "nam sinh" lớn tuổi này. Ông nhớ lại, trong lần đến trường để làm thủ tục nhập học, khi gặp ông, cán bộ văn phòng của trường còn hỏi ông đến để làm hồ sơ cho con hay cháu đi học.
Khi ông nói, ông đến để làm hồ sơ cho mình, những người trong văn phòng trường đều nhìn nhau cười tủm tỉm rồi hướng dẫn ông đi làm hồ sơ. Chưa dừng lại đó, khi nghe ông 85 tuổi còn đi học Đại học, vị hiệu trưởng của ngôi trường này đã đến gặp ông để trò chuyện.
Quá ngưỡng mộ tinh thần học tập của cụ Linh, vị hiệu trưởng đã quyết định giảm 50% học phí cho cụ.


Ngoài việc học, cụ còn biết làm thơ lục bát rất hay.

"Tôi vẫn nhớ, ngày đầu đến lớp, cả lớp có 50 sinh viên ai nấy đều ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, sau đó thì vỗ tay và mời tôi về chỗ ngồi. Trong quá trình học đối với tôi môn tin học làm tôi thật vất vả nhất vì chưa bao giờ đụng đến nó. 
Còn môn tiếng Anh thì trước đây tôi cũng đã học nên không quá khó. Những môn còn lại tôi vẫn dần dần làm quen.
Suốt gần 2 năm đi học, tuần học 4 buổi từ 8h sáng đến 11h trưa nhưng tôi chỉ có hai lần nghỉ học, hai lần đó là vì mưa quá lớn nên tôi không thể đạp xe đến trường. Về nhà tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách và làm thơ, tôi đã làm rất nhiều bài thơ.
Việc học đã đem lại cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn. 
Và quan trọng tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, tôi chả sợ khó khăn gì khi đi học ở thời điểm hiện tại. Trái lại bản thân tôi còn thấy khi đi học cùng các cháu trong lớp giúp tôi trẻ ra nhiều hơn", cụ Linh vui vẻ cho biết.


Vợ cụ Linh cùng người thân trong gia đình luôn ủng hộ việc cụ đi học.

Ngồi cạnh cụ Linh, vợ ông – vốn là một giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, việc học của ông lâu nay chỉ có bà và mấy người con của ông biết. Ông luôn giấu mọi người, tránh mọi người suy nghĩ nhiều.
"Ông ấy đi học chỉ có tôi và và 3 đứa con biết, tất cả đều ủng hộ ông, bởi giờ ông ấy cũng có tuổi rồi, thích làm gì để ông ấy làm. Với lại ông ấy ham học lắm, chúng tôi không nỡ ngăn cản, thay vào đó chúng tôi động viên, an ủi ông đi học, 3 người con đóng góp tiền học phí cho bố.
Anh em, họ hàng cùng hàng xóm chỉ biết việc chồng tôi đi học vào trưa 8/10, lúc đó là ngày khai giảng và ông được lên vô tuyến, báo đài. 
Con cháu gọi về chia vui với ông ấy nhiều lắm, các con nói rất tự hào và mong ông học thật tốt. Ngoài học ra ông ấy còn làm thơ, rồi đọc cho tôi nghe. Tuổi già giờ chỉ mong có vậy thôi", vợ cụ Linh chia sẻ.


"Việc học đã đem lại cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn" cụ Linh chia sẻ.

Là giáo viên chủ nhiệm cụ Linh gần 2 năm nay, cô Nguyễn Thanh Hải không giấu được lòng khâm phục khi nhắc về cụ. Theo cô, dù lớn tuổi nhưng suốt thời gian qua cụ đi học rất đúng giờ và đều đặn, tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh.
"Ở trên lớp, cụ không cần ai giúp đỡ mà tự học, tự đọc, tự viết, nhiều em sinh viên trong lớp còn phải hỏi bài của cụ ấy, ví dụ như các môn luật đất đai và luật hôn nhân gia đình. 
Cảm phục tinh thần học tập của cụ, nhà trường đã giảm 50% học phí và luôn tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ cụ", cô Hải chia sẻ.


Blog Archive