Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Quan niệm quan trọng hơn năng lực; phương hướng quan trọng hơn nỗ lực 6 đạo lý của kẻ trí

 

Sống, muốn làm được việc gì đó, muốn có một tương lai sáng lạn, có một số đạo lý bạn bắt buộc phải biết, vì đó là kinh nghiệm, là hiểu biết của những người từng trải, nhưng biết chỉ là để tham khảo, biết là để linh hoạt áp dụng trong thời đại của mình chứ không phải đâm đầu nghe theo một cách mù quáng mà không biết nhìn nhận vào thực tế. Hi vọng 6 đạo lý dưới đây có thể phần nào giúp bạn bớt cảm thấy mơ hồ trên con đường định vị bản thân và tìm ra một chỗ đứng thích hợp cho mình.


"Triệu Quát Thục đọc binh thư, nhưng cuối cùng vẫn rơi vào kết cục hại người hại mình, bởi lẽ ông chỉ biết "bàn binh trên giấy". Trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng nghe qua không ít triết lý đời người, nhưng có những thứ thực ra không hề thực tế, nếu không biết cách tùy cơ ứng biến, mọi người cũng sẽ trở thành một người chỉ biết "bàn binh trên giấy".

Đây là lời một người đàn ông 50 tuổi nhắn nhủ với con cháu của mình.

Lời của người đàn ông ấy không phải là không có lý, rất nhiều người luôn thích nghe những lời của các cụ nói, nhưng lại không biết cách linh hoạt áp dụng vào thực tế cuộc sống, chẳng hạn như "chịu được khổ, ắt sẽ gặt được trái ngọt hơn người", nghe thì có vẻ rất đúng, nhưng mọi người cũng chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đọc và nhận lấy chứ không hề đi sâu vào tìm hiểu "tường tận ngõ ngách" phía sau.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với mọi người 6 đạo lý vô cùng thực tế, mong rằng nó có thể góp phần giúp bạn chào đón một tương lai hoàn toàn mới.

01
Phương hướng quan trọng hơn nỗ lực

Tôi từng gặp một người vô cùng chăm chỉ, ngay ở độ tuổi 20 anh ấy đã không ngừng nỗ lực làm việc, nhưng mãi tới 30 tuổi, vẫn chưa có gì trong tay, anh ấy cũng không có bằng cấp gì, công việc mà anh ấy làm thực ra cũng không hợp với tính cách của bản thân.

Chỉ là anh ấy được cái vô cùng chịu khó, nhưng dù có nỗ lực tới đâu, cho tới bây giờ anh ấy vẫn chưa có được cái gì trong tay, mọi người ai cũng khuyên nhủ, đồng cảm nói có lẽ đó là cái số cái mệnh rồi.

Thực ra, cá nhân tôi cho rằng mọi người đều đã sai, anh ấy cho tới nay vẫn không có tài sản gì, không phải do vận mệnh, mà là do lựa chọn của chính anh ấy, ngay từ ban đầu anh ấy đã không tìm tòi nghiên cứu kĩ phương hướng, vì vậy cứ liên tục đi sai đường.

Lấy một ví dụ đơn giản, hai người cùng nhau đi leo núi, trong đó có một người phát hiện ra một con đường tắt, anh ta lựa chọn đi theo con đường đó, chẳng mấy chốc đã leo được lên tới đỉnh.

Người còn lại lại đi nhầm đường, có thể sau cùng anh ta vẫn có thể tới được đích, nhưng để tới được cái đích ấy, anh ta cũng đã phải vòng vèo rất nhiều, trong khi sự vòng vo quanh co ấy thực ra lại không hề đáng.

Vậy mới nói, sống ở đời, hãy làm một người lý trí, trước khi làm bất cứ việc gì, hãy làm rõ phương hướng cần phải đi, chứ không phải cứ đâm đầu vào "nỗ lực trước đã".

Chẳng hạn khi chọn một ngành nghề nào đó, trước tiên hãy nghĩ xem nó có đáng để mình làm hay không, ngành nghề này có hợp với mình hay không? Phương hướng như vậy là đúng hay sai? Liệu có tương lai phát triển hay không? Nếu không thể làm rõ được những điều căn bản nhất đó, có đi bao lâu cũng sẽ chẳng thể tới được đích.

Đừng chỉ cúi đầu nỗ lực, thỉnh thoảng phải biết ngẩng đầu lên để nhìn phương hướng, nghĩ một chút xem con đường phía trước có đáng để mình bước tiếp không, tìm được phương hướng chính xác luôn quan trọng hơn việc đâm đầu vào nỗ lực mà chẳng biết đích đến là đâu.


02
Cái đầu quan trọng hơn chỉ biết chịu khổ

Có người nói chịu được khổ, ắt sẽ gặt được trái ngọt hơn người, đúng, chăm chỉ siêng năng là một phẩm chất đáng quý, nhưng nó không nhất định đã đúng đắn.

Trong quá trình "chịu khổ", có phải cũng nên "động não"?

Có những người khi còn đi học, dù ôn luyện, học ngày học đêm nhưng tới khi đi thi điểm lại không được như ý muốn; trong khi có những người vốn chẳng nỗ lực nhiều như vậy lại thường xuyên đứng đầu bảng.

Thực ra, cái quan trọng nhất ở đây vẫn là phương pháp học, người biết cách học luôn học dễ vào hơn người khác, vì vậy họ cũng dễ dàng đạt được thành công ở một mức nhất định hơn.

Trong cuộc sống, vì sao những người thông mình thường dễ dàng thành công hơn những những người bình thường, đó là vì họ biết dùng cái đầu của mình.

Chỉ biết nỗ lực, nhưng đầu óc đơn giản thì dù có nghiêm túc tới đâu, tới cuối cùng cũng vẫn chỉ có thể là một người bình thường, điều này trần trụi nhưng thực tế.

Trí tuệ của một người là vô cùng quan trọng, có đầu óc là có trí tuệ, khôn khéo, lanh lợi, dám đi nhiều con đường, mới dễ dàng đạt được những kết quả tốt nhất.

03
Quan niệm quan trọng hơn năng lực

Một người dù rất có năng lực nhưng tầm nhìn hạn chế, tư tưởng bảo thủ, anh ta chỉ có thể ở một vị trí nhất định, rất khó có thể trèo lên được cao hơn.

Anh ta có thể là đối tượng đào tạo trọng điểm của công ty, hoặc có thể nói là một cán bộ cốt cán, nhưng đó vừa hay lại chính là đỉnh cao sự nghiệp của anh ta, hay nói cách khác thì sự nghiệp của anh ta cũng chỉ có thể dừng lại ở đó.

Quan niệm tiến bộ, tư duy luôn không ngừng sáng tạo và đổi mới, đó mới là phẩm chất cần thiết của một người trong thế giới hiện đại, luôn không ngừng tiến lên như hiện nay. Đừng chỉ biết đâm đầu vào nỗ lực, nếu bạn không có một tư tưởng tân tiến, bạn sẽ bị thời đại bỏ lại không thương tiếc.


04
Cơ hội quan trọng hơn mối quan hệ

Rất nhiều người luôn cho rằng các mối quan hệ xã hội là thứ quan trọng nhất, đúng là quen biết rộng là điều cần thiết, nhưng cơ hội lại là thứ quan trọng hơn rất nhiều. Không thiếu những trường hợp dù không có mạng lưới "chống lưng" rộng, nhưng họ vẫn có thể thành công, đó là bởi họ biết nắm bắt cơ hội.

Thực ra, sống ở đời, nhiều khi cũng phải dựa vào vận may, nhưng dù thế nào thì vận may cũng chỉ chiếm 10% trong toàn bộ quá trình cố gắng.

Ai cũng nói cơ hội chỉ để dành cho người đã có chuẩn bị, câu nói này hoàn toàn chính xác, nắm bắt thời cuộc, mài dũa năng lực, đợi thời cơ tới, quả quyết nắm lấy, thành công sẽ cách bạn không xa. Cơ hội trên đời không thiếu, quan trọng là bạn có nhanh nhạy mà nắm bắt hay không mà thôi.

05
Sự ham học quan trọng hơn trình độ học vấn

Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của học vấn, có không ít những thạc sỹ tiến sỹ kiếm được mức lương trên trời với tấm bằng của mình, nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những người dù có học tới thạc sỹ rồi thì sự nghiệp cũng không ra đâu vào với đâu.

Có một điều mọi người cần thừa nhận đó là trình độ học vấn không đồng nghĩa với việc có văn hóa, dù bằng cấp của bạn không cao, nhưng bạn ham học hỏi, thích đọc sách, có năng lực, bạn vẫn có thể có một tương lai hoàn toàn khác.

Các nhà văn nổi tiếng cũng vậy, không phải cứ học lực giỏi là có thể trở thành tác gia, người có bằng cấp thấp nhưng ham học, đa tài, không cần dựa vào một cái bằng để chứng minh thực lực bản thân, lĩnh vực nào cũng vậy cả thôi.


06
Biết mình muốn gì quan trọng hơn tất cả

Rất nhiều người ngày nào cũng bận rộn làm việc, họ không bao giờ dành thời gian để nghiêm túc nghĩ xem mình thực sự muốn gì.

Bất kể ra sao thì sống ở đời cũng nên sống cho rõ ràng ra một chút, biết mình muốn gì quan trọng hơn việc mỗi ngày làm được cái gì.

Biết mình muốn gì bạn mới có một mục đích, một mục tiêu, một phương hướng, có như vậy mới không làm lãng phí thời gian, lãng phí cuộc sống.

Sống, muốn làm được việc gì đó, muốn có một tương lai sáng lạn, có một số đạo lý bạn bắt buộc phải biết, vì đó là kinh nghiệm, là hiểu biết của những người từng trải, nhưng biết chỉ là để tham khảo, biết là để linh hoạt áp dụng trong thời đại của mình chứ không phải đâm đầu nghe theo một cách mù quáng mà không biết nhìn nhận vào thực tế.

Hi vọng 6 đạo lý trên đây có thể phần nào giúp bạn bớt cảm thấy mơ hồ trên con đường định vị bản thân và tìm ra một chỗ đứng thích hợp cho mình.








Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Bị cưỡng bức trên đất khách, cô gái gốc Việt tự mình đi đòi lại công bằng, thay đổi cả luật pháp nước Mỹ và nhận đề cử giải Nobel Hòa bình

 

Sau khi bị tấn công tình dục, cô gái gốc Việt đã biến đau thương trở thành động lực để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho những nạn nhân rơi vào hoàn cảnh như mình.


Amanda Nguyễn, 30 tuổi, hiện đang là một hiện tượng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Cô gái trẻ này là người gốc Việt duy nhất cho đến nay được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019. Amanda cũng lọt vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng tương lai toàn cầu.

Bên cạnh đó, cô gái gốc Việt còn có mặt trong danh sách 30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi; 100 nhân vật đối ngoại xuất chúng; được trao giải Nelson Mandela; giải Lãnh đạo Thế Giới; giải Phụ Nữ Trẻ,... cùng nhiều giải thưởng vinh dự khác. Ít ai biết rằng, để có được những thành tựu đáng ngưỡng mộ như ngày hôm nay, Amanda đã phải nỗ lực hết mình, biến đau thương trở thành sức mạnh để thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.

Cô gái gốc Việt hiếm có khó tìm

Amanda sinh năm 1991 và ngay từ nhỏ đã thể hiện mình là một đứa trẻ có tố chất thông minh, luôn cố gắng đến cùng để làm những việc mình thích và có lối suy nghĩ khác với mọi người. Thời tiểu học, Amanda đã bộc lộ rất sớm khả năng lãnh đạo và thích hướng ngoại của mình. Khi ngồi trên ghế nhà trường, Amanda đã mạnh dạn tự tin phát biểu trước đám đông và đảm nhận nhiều vai trò trong trường học. Cô gái trẻ cũng tham gia rất nhiều các công tác thiện nguyện. Với Amanda, việc tham gia các hoạt động tình nguyện có thể giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và giúp đỡ mọi người nhiều hơn.

Amanda Nguyễn đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Amanda tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Centennial, Corona, California năm 2009. Hầu hết các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Stanford, UCLA, Berkeley, UPenn,… đều mong đợi cô vào nhập học. Cuối cùng, cô gái trẻ tài giỏi đã chọn ngôi trường bấy lâu cô ao ước - Đại học Harvard. Trong thời gian học Harvard, Amanda là một sinh viên xuất sắc và đa năng trong học tập, sáng tạo và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng.

Năm 19 tuổi, cô chọn đi tình nguyện ở Bangladesh, một đất nước nghèo đói xa xôi. Tại đây, Amanda đã không quản ngại khó khăn cùng người dân ra đồng làm việc, giúp đỡ những phụ nữ không có tiếng nói ở nơi đây. Amanda cũng là người đồng sáng lập ra Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi trong thời gian cô tình nguyện làm công tác xã hội ở đó.


Amanda cùng những đứa trẻ ở Viện mồ côi Wema

Đặc biệt, trong khi đang học đại học, cô gái xinh đẹp này đã được chọn làm thực tập viên tại Nhà Trắng. Amanda cho biết, dù có hứng thú với chính trị nhưng mơ ước lớn nhất của cô vẫn là trở thành nhà du hành vũ trụ.

Từ bé, tôi đã luôn cảm thấy kinh ngạc với vẻ đẹp của bầu trời đêm. Nó vừa khiêm tốn, vừa vĩ đại. Đứng trước sự kỳ diệu ấy, tôi nhận ra bản thân nhỏ bé, chỉ là cái nháy mắt của vũ trụ”, Amanda chia sẻ.

Amanda từng đăng ký làm thực tập sinh tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và làm việc cho Học viện Vũ trụ Smithsonian. Mong ước của cô dường như đã có thể nhanh chóng trở thành hiện thực nếu như không có một sự cố tồi tệ xảy ra năm 2013.


Amanda có niềm đam mê cháy bỏng với vũ trụ

Biến đau thương thành sức mạnh, "viết lại" luật pháp Mỹ

Vào năm 2013, khi đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard, Amanda Nguyễn không thể ngờ có một sự việc đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô. Tại ký túc xá, cô trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công tình dục vào năm 22 tuổi. Sau vụ việc kinh hoàng, cô gái đã đến bệnh viện để làm xét nghiệm, trình các bằng chứng y tế để có thể truy tố tội phạm tấn công tình dục.

Tuy nhiên, quá trình này khiến cô nhận ra lỗ hổng của luật pháp đối với nạn nhân bị tấn công tình dục. Vào thời điểm đó, sau khi cô gái nộp bộ bằng chứng y tế lên chính quyền bang Massachusetts, Mỹ, nơi vụ việc xảy ra, cô đã nhận được một cuốn tài liệu nhỏ, trong đó nói rằng bộ bằng chứng sẽ bị hủy nếu cô không nộp đơn gia hạn nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể về việc phải thực hiện như thế nào.

Dù có một quy chế cho phép những người sống sót trong các vụ tấn công tình dục có 15 năm để quyết định nộp hay không nộp đơn kiện, cơ quan chức năng vẫn sẽ hủy bộ bằng chứng y tế trên sau 6 tháng nếu các nạn nhân không nộp đơn xin gia hạn. Đó là việc mà Nguyễn phải làm 6 tháng một lần. "Về cơ bản, hệ thống này khiến tôi luôn phải sống cuộc đời của mình như cái ngày bị cưỡng hiếp", cô nói với The Guardian.

Sau khi xảy ra sự cố đau lòng, cô gái gốc Việt đã đưa ra quyết định đầy táo bạo

Nhận thấy sự bất cập trong luật pháp hiện hành, Amanda đã quyết định thực hiện một ý tưởng đầy táo bạo đó là "viết lại" luật pháp Mỹ. Cô gái gốc Việt cho hay công việc áp lực của một phi hành gia rất hữu ích cho cô khi làm việc với các nghị sĩ về dự luật tấn công tình dục, giúp cô kiên nhẫn và lạc quan.

"Tôi chỉ có một lựa chọn: Chấp nhận bất công hoặc viết lại luật. Tôi chọn viết lại luật", cô gái nói.


Hành trình gian khổ, thành quả ngọt ngào

Hiểu được những khó khăn trong hành trình đòi lại công lý cho người từng bị tấn công tình dục từ chính trải nghiệm của mình, Amanda Nguyễn quyết định nghiên cứu những luật lệ chi phối cách mà chính quyền các tiểu bang giải quyết cáo buộc tấn công tình dục để tạo ra sự thay đổi. "Nếu muốn thay đổi cuộc chơi, bạn phải hiểu rõ luật của nó", cô nhận định. Đặc biệt, cô không hành động một mình mà kêu gọi sự giúp đỡ từ những người cùng chí hướng.

Cô gái này đã lên một danh sách hơn 20 quyền lợi mà những người bị xâm hại tình dục có trong nhiều bang và thấy rằng mức độ bảo vệ khác nhau rất nhiều. Điển hình như ở một vài tiểu bang, chính quyền sẽ không hủy bằng chứng, trong khi ở bang Massachusetts thì ngược lại.

"Tôi là người bị cưỡng hiếp nhưng may mắn còn sống sót và khi tôi vấp phải một hệ thống tư pháp hình sự thiếu sót, tôi cho rằng trường hợp của tôi không phải là duy nhất. Tôi đã cố gắng tìm hiểu để biết những quyền lợi của tôi là gì sau khi tôi bị hãm hiếp và thật khó để tìm được thông tin có cơ sở nào", cô gái cho biết.