Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Quảng Bình Thăm ngôi nhà tuổi ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người dân Lệ Thủy, Quảng Bình luôn tự hào rằng, mảnh đất này đã sinh ra vị danh tướng huyền thoại của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày tháng 5, không khí kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013) sục sôi khắp Quảng Bình.


Chiếc cổng được bao quanh bởi hàng chè tàu cổ kính, mang đặc trưng của thôn quê

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà Nho, thuộc vùng quê chiêm trũng làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Tuổi thơ của Đại tướng gắn liền với đồng ruộng, cây đa, bến nước, sân đình… Sau này Đại tướng lớn lên đi học, rồi tham gia phục vụ cách mạng, cho đến lúc trở thành nhà quân sự thiên tài của dân tộc, được bạn bè thế giới kính phục và ngưỡng mộ. Nhưng trong dòng ký ức, miền quê hiền hòa với dòng Kiến Giang quanh năm trong vắt, những điệu hò khoan… luôn là những mạch ngầm chảy mãi trong lòng Đại tướng.
Trước đây, khi còn khỏe, mỗi lần có dịp trở về thăm quê, nơi đầu tiên Đại tướng đến là nghĩa trang liệt sĩ huyện để thắp hương cho người cha kính yêu - liệt sĩ Võ Quang Nghiêm và các chiến sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Rồi Đại tướng đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân đã khuất ở nghĩa trang gia đình. Sau đó, ông về ngôi nhà nhỏ kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.
Đến đâu Đại tướng cũng hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm. Năm nay, Đại tướng đã bước qua tuổi 102 nên hiếm khi được trở về quê hương nhưng trong lòng ông, mảnh đất bình dị ấy vẫn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng.
Căn nhà cổ kính bên dòng Kiến Giang
Căn nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên dòng sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng thuộc làng An Xá. Đó là ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo kiểu truyền thống của vùng thôn quê.


Mái che lợp bằng lá tranh

Bên ngoài là cánh cổng bằng gỗ được bao quanh bởi 2 hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa cẩn thận, tạo nên nét cổ kính của làng quê Việt. Đi sâu vào trong là căn nhà gỗ lợp ngói được dựng giữa vườn cây tỏa bóng mát quanh năm. Gian chính giữa ngôi nhà là ban thờ tổ tiên, trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Trần Thị Kiên. Phía dưới có ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái, phu nhân đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phía trước bàn thờ là chiếc bàn nhỏ để khách đến tham quan có thể ngồi uống nước và trò chuyện. Hai gian nhà bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói, bên cạnh là chiếc tủ đựng nhiều tài liệu, sách báo, tranh ảnh liên quan đến Đại tướng. Trước mái nhà chính có thêm một chái tranh làm cửa chống lên để che mưa, che nắng. Phía trái ngôi nhà là nhà bếp với tường xây lợp tranh, có sân rộng lát gạch. Trong nhà treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng đội, đồng chí của mình.
Qua thời gian, dưới sự tác động của thiên tai, bão lũ, ngập úng… nhưng nhiều vật dụng gia đình mang đặc trưng của vùng quê Lệ Thủy như cày, bừa, cuốc, xẻng, bộ bàn ghế tiếp khách, tủ thờ, giường ngủ, và những bức ảnh... vẫn được giữ gìn cẩn thận nên còn khá nguyên vẹn và hết sức ngăn nắp.


Những tài liệu, kỷ vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng

Ông Hàm - người nhận nhiệm vụ trông coi ngôi nhà - cho biết, năm 1947, giặc Pháp đốt cháy toàn bộ ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Tướng Giáp. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977, ngôi nhà này mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng lại nguyên trạng trên nền đất cũ. Bên cạnh đó, do ngôi nhà được làm bằng chất liệu gỗ, tranh, tre nên mỗi khi xảy ra ngập úng là rất dễ bị hư hỏng. Sau những lần như vậy, ông Hàm lại đề xuất UBND huyện Lệ Thủy để có phương án trùng tu, sữa chữa.
Để bảo tồn giá trị văn hóa phục vụ du khách các nơi đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu; đồng thời thuận theo nguyện vọng của Đại tướng nên sau mấy lần phục dựng, ngôi nhà vẫn mang đậm kiến trúc truyền thống thôn quê và vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ cho đến tận ngày nay.
Người trông coi ngôi nhà Đại tướng
Về thăm ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không du khách nào có thể quên hình ảnh một cụ ông trạc tuổi thất thập hàng ngày tận tâm với công việc hương khói, quét dọn nhà cửa và lau chùi những kỷ vật gắn liền với sự nghiệp và cuộc đời của Đại tướng. Bên cạnh đó, ông còn là người hướng dẫn viên cho các đoàn khách đến đây tham quan, tìm hiểu về vị tướng tài ba của dân tộc. Đó là ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá và được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà.


Hơn 30 năm qua, những vật dụng trong ngôi nhà lưu niệm
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Hàm chăm sóc khá cẩn thận


Sinh ra trong một gia đình cách mạng, cả cha và anh đều là liệt sĩ, năm 1960, ông Hàm được Đại tướng đưa ra miền Bắc học tập. Đến năm 1978, khi ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng hoàn thành, ông xin được về quê lập nghiệp và nhận luôn nhiệm vụ thay Đại tướng trông coi nhà cửa, hương khói cho tổ tiên.
Suốt hơn 30 năm qua, ông Hàm xem ngôi nhà lưu niệm như một phần máu thịt của đời mình. Cũng như bao người dân Việt Nam, ông Hàm luôn xem Đại tướng như một thần tượng suốt đời tận tụy, cống hiến cho dân tộc. Mỗi tặng vật như bức ảnh, sách, chữ Hán viết bằng giấy dó... của người dân khắp nơi tặng Đại tướng, ông Hàm đều nâng niu, trân trọng và giữ gìn hết sức cẩn thận.
Ông Hàm cho biết, trong những lần về thăm quê, Đại tướng đều căn dặn con cháu: “Phải làm sao để nhà và vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc, để khi bà con đến thăm, người ta không cảm thấy lạnh”. Ông luôn ghi nhớ lời ông dạy và xem đó là động lực và niềm vui của cuộc đời mình. Được thay Đại tướng chăm sóc nhà cửa là niềm tự hào và một phần trách nhiệm của bản thân.
Hàng ngày, ông Hàm thức khuya dậy sớm quét dọn, chăm sóc cây cối, nhà cửa, chăm lo hương khói cho tổ tiên và tiếp đón các đoàn khách du lịch quốc tế và nội địa đến viếng thăm. Chính ông Hàm cũng không nhớ rõ mình đã tiếp bao nhiêu đoàn khách du lịch. Dù chưa học qua nghiệp vụ du lịch nhưng bằng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi đã giúp cho mọi người hiểu thêm về cuộc đời của Đại tướng một cách bình dị, và sâu sắc nhất.

Theo Dantri

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive