Các
nhà sư đến từ khắp thế giới làm lễ tại Hương thất của Phật Thích Ca tại Kỳ
Viên Tịnh Xá
|
Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nơi
này cách đây 2.600 năm đã sản sinh ra một nhà hiền triết vĩ đại, đó là Phật
Thích Ca Mâu Ni. Những bài giảng của ông được học trò ghi chép lại thành một
triết thuyết mà đến nay đang ảnh hưởng đến hơn 600 triệu người trên thế giới.
Những vết tích ông để lại trên vùng đất phía bắc Ấn Độ trở thành vùng đất Phật
thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Tôi có cái duyên
được đến vùng đất Phật linh thiêng kỳ bí này.
Đường đến đất Phật hiện nay so với những năm về trước tuy đã trở
nên dễ dàng hơn nhưng vẫn còn không ít trở ngại. Tôi phải mất đúng 2 ngày để đi
từ TP.HCM đến vùng đất linh thiêng đó. Ấy là tôi đi theo đoàn du khách của Công
ty lữ hành East Sea - công ty uy tín nhất trong việc thực hiện tour đến vùng
đất Phật - được hướng dẫn kỹ lưỡng đường đi nước bước cũng như lo cho chỗ ăn ở
và phương tiện đi lại.
Từ TP.HCM bay qua Malaysia, rồi từ đó đáp máy bay của hãng
Malaysia Airlines qua New Delhi, rồi đáp tàu hỏa đến Lucknow thủ phủ bang Uttar
Pradesh và đi tiếp ô tô đến kinh thành Xá Vệ (Sravasti). Đó là điểm đến đầu
tiên ở vùng đất Phật.
Tại kinh thành Xá Vệ tôi đã gặp ngay "dấu chân" của
ngài Huyền Trang, người cách đây gần 1.500 năm đã từ kinh đô nhà Đường, bằng
đường bộ ròng rã trong 6 năm, vượt qua dãy Himalaya để đặt chân đến vùng đất
linh thiêng này.
Kinh thành Xá Vệ vang bóng cách đây 2.600 năm nay chỉ là vùng
đất hoang vắng nghèo nàn. Tuy vậy, nơi đây còn lại 3 Phật tích quan trọng: Kỳ
Viên Tịnh Xá, nhà của Cấp Cô Độc và Vô Não là hai đại đệ tử của Phật Thích Ca.
Theo Phật sử, Cấp Cô Độc là đại gia giàu có hàng đầu của kinh
thành Xá Vệ. Khi Phật Thích Ca về đây thuyết giảng, ông đã bỏ đạo Bà La Môn
theo làm đệ tử của Phật và quyết định tìm mua một khu vườn đẹp nhất làm nơi
thuyết giảng và trú ngụ cho đức Phật. Nơi ông vừa ý nhất lại là khu vườn của Thái
tử Kỳ Đà con của nhà vua đương thời. Vì không muốn bán khu vườn nên thái tử nói
đùa: hãy sắp kín vàng lên khu vườn thì nó thuộc về nhà ngươi. Sáng hôm sau thức
dậy ra vườn thái tử giật mình kinh ngạc khi thấy màu vàng sáng rực lên từ khu
vườn. Từ đó, nơi ấy trở thành Kỳ Viên tịnh xá là nơi Phật Thích Ca lưu trú
thiền định và thuyết giảng suốt trong 24 năm trời.
Kỳ Viên tịnh xá rộng chừng 2 mẫu. Nơi ấy hiện nay còn nền bằng
gạch của hương xá là nơi Phật trú ngụ. Chung quanh hương xá là nền các tịnh
thất của các ngài Anan, Cadiếp, Cấp Cô Độc, Vô Não, Mục Kiền Liên... là những
đại đệ tử của Phật. Trong Kỳ Viên tịnh xá có một cội bồ đề to lớn xum xuê mà
khi đến đây tôi thấy vô số những đoàn phật tử hành hương từ các nước Nhật, Hàn
Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Tây Tạng... đến quỳ lạy, ngồi
thiền và dán vào gốc cây vô số những mảnh vàng. Tương truyền rằng gốc cây bồ đề
này do ngài Anan chiết từ cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Phật Thích Ca
ngồi nhập định 49 ngày để thành chánh quả, về trồng nơi đây. Cội bồ đề ấy trở
thành linh thiêng và cuốn hút hàng vạn phật tử trên khắp thế giới về hằng năm
là vì Phật Thích Ca trong thời gian ở đây vẫn thường hay ngồi nhập định.
Nhà sư VN đang nghiên cứu di tích Đại học Nalanda
Cách không xa Kỳ Viên tịnh xá là nhà của Cấp Cô Độc và Vô Não.
Cấp Cô Độc trước khi trở thành đệ tử của Phật là một triệu phú do vậy nhà của
ông to lớn nguy nga như một lâu đài. Lâu đài đó trải qua 2.600 năm với bao tàn
phá của thời gian và con người, ngày nay vẫn còn lại khu nền móng bằng gạch
tương đối nguyên vẹn với đặc trưng kiến trúc Ấn Độ cổ đại.
Nền nhà còn lại của Vô Não gần đó cũng không kém phần to lớn. Vô
Não là tu sĩ của một giáo phái lạ thường, tin rằng khi giết đủ 100 người rồi
chặt đủ 100 ngón tay đeo lên cổ thì sẽ đắc đạo. Khi gặp Phật Thích Ca ông chỉ
còn thiếu 1 ngón cuối cùng và ông muốn giết mẹ ông để lấy ngón tay đó. Phật đã
cảm hóa được ông và ông đã quay đầu thấy bến bỏ dao giết người để trở thành đệ
tử của Phật.
Cách đây gần 1.500 năm - năm 625 sau công nguyên - ngài Huyền
Trang sang tận đây nghiên cứu, tham quan và thỉnh kinh. Những gì ông tìm tòi và
nghe thấy được ghi chép lại trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký nổi tiếng của ông.
Trước đó gần 100 năm cũng có một nhà sư Trung Quốc khác sang đây, đó là sư Pháp
Hiển. Cũng như ngài Huyền Trang, ông cũng tìm tòi nghiên cứu và để lại dấu vết
của mình khắp các nơi mà đức Phật từng đi qua. Đó là nơi Phật ra đời: vườn Lâm
Tỳ Ni, nơi Phật tu thành đạo: Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên:
Bà La Nại, nơi Phật tịch diệt: Câu Thi Na...
Do vậy mà đến nhiều Phật tích tôi đều thấy có bảng ghi nhận sự
hiện diện của hai nhà sư này, đặc biệt tại Nalanda, Trường đại học Phật giáo
đầu tiên trên thế giới ra đời cách đây trên 1.500 năm. Trường giảng dạy không
chỉ kinh Phật mà còn có các môn: Thiên văn, Thần học, Luận lý, Y học... Theo
tài liệu để lại, Trường đại học Nalanda được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau công
nguyên. Trường có khoảng 2.000 giáo sư và 10.000 sinh viên, trong đó không chỉ
của Ấn Độ mà còn nhiều nơi khác đến. Có 13 học viên của Trung Quốc và Triều
Tiên đã từng học ở trường này, trong đó có hai thầy Pháp Hiển và Huyền Trang.
Hai vị sư nổi tiếng ấy đã đến đây nghiên cứu, học tập và được ở lại giảng dạy
một thời gian dài. Khi học và dạy ở đây thầy Huyền Trang có tên Ấn Độ là
Mokshadeva. Những ghi chép của thầy về nơi này trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký
là một trong những sử liệu quan trọng về Đại học Nalanda đồng thời là xác nhận
quan trọng sự lan tỏa và ảnh hưởng ra thế giới của nền văn minh cổ đại Ấn Độ.
Rất tiếc vào thế kỷ thứ 12, nạn ngoại xâm tràn đến, Trường đại
học Nalanda bị thiêu rụi. Vì quá to lớn và chứa toàn bộ kinh sách cũng như các
tài liệu giảng dạy của các môn học, trường cháy ròng rã trong ba tháng trời.
Nay trường chỉ còn lại những nền gạch làm chứng tích. Tuy là những nền gạch
nhưng nhìn vào vẫn thấy được quy mô to lớn của trường cũng như thấy được trình
độ kiến trúc siêu việt của người Ấn Độ cổ đại.
Chùa
Việt Nam Phật Quốc tự tại Lâm Tỳ Ni
|
Tôi
cùng đoàn du khách Việt Nam vượt qua biên giới phía bắc Ấn Độ để
đến Nêpal vào một buổi tối. Xuất phát từ kinh thành Xá Vệ từ lúc 1 giờ trưa
nhưng mãi đến 8 giờ tối mới đến được cửa khẩu vì xe đi lạc đường. May mắn thay,
chúng tôi đến những phút làm việc cuối cùng trong ngày của công an cửa khẩu của
cả hai bên. Chúng tôi kịp thời làm giấy tờ để cả đoàn qua được cửa khẩu trót
lọt và về đến khách sạn an toàn.
Nước Nêpal hiền hòa nằm dưới chân dãy Hymalaya huyền thoại chào
đón chúng tôi bằng buổi bình minh tươi đẹp. Sau khi ăn sáng chúng tôi đi bộ đến
vườn Lâm Tỳ Ni ở bên kia đường, đối diện với khách sạn mà chúng tôi ở lại qua
đêm.
Mới sáng sớm đã thấy hàng trăm du khách và phật tử từ khắp năm
châu có mặt trong vườn Lâm Tỳ Ni. Chỗ này là nhà sư Tây Tạng vạm vỡ trong áo cà
sa màu đỏ đang cùng những phật tử của mình thực hiện những nghi lễ tôn giáo
dưới gốc cây bồ đề bên cạnh hồ nước mà hoàng hậu Maya đã tắm trước khi hạ sinh
thái tử Tất Đạt Đa. Chỗ kia là các nhà sư Nhật Bản trong sắc phục màu đen đang
ngồi thiền trước trụ bia của vua A Dục dựng lên ghi lại Phật tích. Dưới tán cây
vô ưu râm mát, nơi hoàng hậu Maya với lên hái một cành hoa trước khi lâm bồn,
là nhà sư Thái Lan đang ngồi giảng kinh cho các đệ tử của mình. Hàng trăm nhà
sư và du khách khác thì đang xếp hàng chờ vào xem tảng đá mà vua A Dục đặt đánh
dấu chính xác chỗ hoàng hậu lâm bồn.
Sách Đại Đường Tây Quốc Ký của ngài Huyền Trang ghi lại rằng
vương quốc của vua Tịnh Phạn có chu vi chừng 4.000 lý (1.880 km2). Cách đây
2.600 năm, vào năm 563 trước công nguyên, khi sắp đến ngày lâm bồn, hoàng hậu
Maya Devi, vợ vua Tịnh Phạn, xin phép nhà vua cho bà rời hoàng cung trở về quê
nhà để sinh con đầu lòng theo đúng phong tục và truyền thống xứ này. Khi rời
khỏi kinh thành chừng 25 cây số, ngang qua khu vườn tại làng Lâm Tỳ Ni, thái tử
Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni đã giáng trần dưới gốc
cây vô ưu trong khu vườn xinh đẹp này.
Nhà sư tây Tạng đang làm lễ cùng đệ tử dưới gốc cây bồ đề trong
vườn Lâm Tỳ Ni
Phật tích quan trọng đó sẽ bị quên lãng nếu như sau đó 300 năm không có một vị vua sùng đạo là A Dục (Asoka) cho đặt trụ đá cao ghi lại
sự tích ra đời của Phật Thích Ca cũng như đặt viên đá xác định chính xác vị trí
chào đời của đức Phật. Rồi khoảng 1.000 năm sau vào thế kỷ thứ năm nhà sư Pháp
Hiển rồi tiếp theo sau đó là nhà sư Huyền Trang đã đến địa điểm này và nhìn
thấy trụ bia và viên đá của vua A Dục còn tồn tại.
|
Nhưng sau đó thì chiến tranh, rồi sự tàn phá của giặc giã, vườn
Lâm Tỳ Ni hoang tàn, trụ bia và viên đá bị ngã đổ và chôn vùi xuống lòng đất
mãi đến thế kỷ thứ 19 mới được giới khảo cổ khai quật lên và dựng lại như cũ.
Tuy nhiên ngày nay, vườn Lâm Tỳ Ni thuộc vào vương quốc Nêpal với dân chúng ở
chung quanh không còn là phật tử nữa. Vườn bị bỏ hoang phế, điêu tàn.
Nhà sư Việt Nam Thích Huyền Diệu năm 1969 đã đến hành hương kể
lại rằng: Lần đầu tiên, khi đặt chân đến đây chiêm bái, tôi thật sự bàng hoàng.
Cảnh quan vùng đất thiêng thật điêu tàn, chung quanh trụ đá thánh tích kỷ niệm
nơi Đức Phật đản sinh bị người dân phóng uế bừa bãi. Tôi buồn rầu đi quanh nơi
này lòng thầm khấn nguyện, nếu quả thật đây là nơi linh thiêng và đúng là chỗ
Phật đản sinh thì xin cho tôi được nhìn thấy thánh địa phát triển trước khi
nhắm mắt từ giã cõi đời.
Lời phát nguyện đó như một nghiệp duyên nào đó sau này đã gắn
phần còn lại cuộc đời của ông vào vùng Phật tích quan trọng này.
Kể từ đó, đi bất cứ nơi nào trên thế giới để thuyết giảng kinh
Phật cũng như các môn học khác ông đều nhắc lại tâm nguyện này với các đệ tử
của ông. Trong hầu hết các bài thuyết giảng, ông đều mang Lâm Tỳ Ni của Phật
giáo ra so sánh với các thánh địa Mecca, Vatican, Benares, và Jerusalem của lần
lượt các tôn giáo: Islam, Thiên Chúa, Hindu và Do Thái giáo.
Và nhân ông gieo ra, đã gặt được quả: năm 1993 khi ông đang dốc
sức xây chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ thì có một nhóm
đệ tử của ông bay đến mời ông qua Nêpal yết kiến nhà vua của nước này để nhận
đất xây chùa gần vườn Lâm Tỳ Ni như nguyện ước của ông.
Nhà vua cho phi công chở ông bay trên vùng trời Lâm Tỳ Ni để
chọn đất. Ông nhận 2 mẫu đất và quyết tâm ở lại đó xây chùa dù lúc đó trong túi
ông chỉ còn vỏn vẹn 60 đô la.
Và ngôi chùa quốc tế đầu tiên tại thánh địa Lâm Tỳ Ni ra đời, mở
đầu cho hàng loạt các ngôi chùa quốc tế khác lần lượt mọc lên. Vương Quốc Thái
Lan xây một ngôi chùa toàn một màu trắng tinh khiết tuyệt đẹp, Trung Quốc thì
một ngôi chùa hùng vĩ theo mô típ Thiếu Lâm tự, Nhật Bản xây đại tháp hòa bình
cùng với một thư viện và viện bảo tàng mang tầm vóc quốc tế, Hàn Quốc thì có cả
một chương trình quy mô nhằm xây dựng một tu viện to lớn với chánh điện chứa
tới 4.000 người. Rồi chùa của Bangladesh, Tây Tạng, Butan, Tích Lan, Mông Cổ...
và cả của Đức, Pháp nữa.
Khi đến nơi này, chúng tôi đếm được khoảng 22 ngôi chùa đã và
đang mọc lên. Những ngôi chùa này tuy được cấp đất và khởi công sau Việt Nam
Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu nhưng phần lớn nhờ vào ngân sách của quốc gia
nước đó nên đã hoàn thành trước và quy mô hoành tráng hơn.
vậy mà Lâm Tỳ Ni ngày nay càng lúc càng trở nên hưng vượng đến
mức không ngờ, ngay cả quốc vương Birendra của Nêpal khi còn sống cũng đã kinh
ngạc trước sự phát triển nhanh chóng một cách thần kỳ của vùng thánh địa này.
Thầy
Huyền Diệu và tác giả tại chùa Việt Nam Phật Quốc tự
|
Vào
một buổi trưa khi xe chúng tôi đang chạy bon bon trên con đường nhựa băng qua
cánh đồng lúa rộng lớn bao quanh khu vực Lâm Tỳ Ni, tôi chợt nhìn thấy một đôi
chim khổng lồ màu xám đang bình thản tìm ăn bên cạnh những người nông dân đang
làm ruộng. Chim này khi đứng vươn lên, cao hơn cả những người nông dân đứng bên
cạnh.
Xe chạy một đoạn nữa tôi lại thấy một đôi chim khác cũng y hệt.
Tôi biết đây là loại chim hồng hạc vào loại quý hiếm của thế giới, ở Việt Nam
chúng ta cũng có loại chim hạc tương tự bay về trú đông ở Tam Nông - Đồng Tháp
nhưng vóc dáng nhỏ hơn. Tôi khẩn thiết yêu cầu xe dừng lại để chạy đến gần chụp
hình vì tôi từng đến Tam Nông rình và chờ cả một ngày nhưng chẳng được thấy một
bóng chim nào chứ đừng nói là chụp được hình. Tuy nhiên có người nói rằng lát
nữa đến Việt Nam Phật Quốc tự sẽ tha hồ được chụp. Người ấy nói thêm: những con
hạc này có ở đây và đi đứng nhởn nhơ bên cạnh con người như vậy là do từ thầy
Huyền Diệu mà ra.
Tôi gặp thầy Huyền Diệu ngay sau đó tại chùa Việt Nam Phật Quốc
tự. Thầy Huyền Diệu kể: "Khi mới đến Lâm Tỳ Ni tôi nhận thấy nơi này không
có nhiều loài chim. Đến năm thứ nhì, một buổi sáng từ trong lều bạt bước ra,
tôi sửng sốt khi nhìn thấy hai con chim cao lớn lạ thường đang đứng ngay trước
lều. Tôi cao 1 mét 68 thế mà hai con chim này lại đứng cao hơn cả tôi. Cảm giác
đầu tiên là sự khiếp sợ. Tôi vội vã bỏ chạy vào lều rồi lập tức thủ sẵn một
khúc cây để có thể tự vệ. Tôi liên tưởng đến những con chim ăn thịt người trong
truyền thuyết. Nhưng khi quan sát kỹ, hai con chim có bộ lông xám và vòng cổ đỏ
duyên dáng này có vẻ hiền lành, ánh mắt nhìn ra chiều thân thiện, tôi an lòng.
Lát sau chúng bay đi, con trước con sau nhịp nhàng vỗ cánh như lướt trên bầu
trời với dáng vẻ cao quý đẹp đẽ không thể tả. Tôi vào thư viện tra tự điển và
khám phá đây là loài chim hồng hạc - tên khoa học là Sarus Crane - với chiều
cao trung bình khoảng 1 mét 7 và nặng trên dưới 9 kg, là giống chim cao nhất
thế giới và sống riêng rẽ từng cặp. Quả là một hình ảnh tượng trưng cho hạnh
phúc và biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống".
Chim hồng hạc luôn quấn quýt bên thầy Huyền Diệu
Từ đó đôi chim này luôn quấn quýt bên thầy Huyền Diệu. Rồi dần dần nhiều
cặp chim khác bay về. Chúng làm tổ và đẻ trứng ngay trên cánh đồng
chung quanh chùa Việt Nam. Dân làng ở quanh khu vực này lại không biết
sự quan trọng của loài hồng hạc nên hay săn bắt hoặc lấy trứng của chúng. Thầy
Huyền Diệu phải mở cuộc vận động đến mọi người từ cấp chính quyền đến người dân
nói lên tầm quan trọng của loài chim quý hiếm này.
Mọi người đồng tình và lập ra các tổ bảo vệ chim. Khi chim đẻ
còn phải lập chòi gần đó canh giữ. Nhờ vậy chim rủ nhau về càng ngày càng nhiều
hơn. Thầy Huyền Diệu cho biết hiện nay đã có đến 66 con chim hạc đang sinh sống
ở đây.
Tôi ra vườn của chùa thấy ngay một đôi chim hạc to lớn và xinh
đẹp đang an nhàn đi lại. Vài người đến gần chụp hình, chúng đứng yên cho chụp
với cái đầu đỏ nghiêng qua nghiêng lại trông rất duyên dáng. Có một chị phật tử
thấy chúng quá xinh xắn và hiền lành, định đến gần vuốt ve bị chúng phản ứng
ngay. Tuy vậy, với thầy Huyền Diệu hoặc với các tăng ni khác trong chùa thì chúng
tỏ ra vô cùng thân thiện.
Tác giả và 2 chim hạc tại chùa VNPQT
Trên đường trở về khi đi ngang qua các ngôi chùa quốc tế lộng
lẫy uy nghi ở chung quanh khu vực Lâm Tỳ Ni, tôi chợt nghĩ: những ngôi chùa này
cũng như những con chim hạc cao quý và hiền lành kia lần lượt tụ về thánh địa
Lâm Tỳ Ni như một nghiệp duyên giống như nhiều con người xa lạ từ khắp nơi trên
thế giới lần lượt tụ về đây.
Tôi gặp rất nhiều người Việt ở vùng đất Phật. Họ đến từ Việt
Nam, từ Mỹ, từ Úc, Canada, châu Âu... Họ có thể là tăng ni, là phật tử và cũng
có thể là người dân thường. Điều làm tôi ngạc nhiên là một số lớn trong những
người ấy sau khi qua đây một vài lần bỗng dưng phát tâm ở hẳn lại vùng đất
nghèo khó, thiếu thốn và khắc nghiệt này - mùa nóng thì nhiệt độ lên đến 56 độ
C, mùa lạnh có khi xuống dưới 10 độ C - để tu hành hoặc làm công quả hoặc xây
chùa (đã có khoảng 10 ngôi chùa Việt Nam tại vùng đất Phật).
Tôi chỉ được hơn 10 ngày bước chân vào xứ sở của Phật thế mà
lòng thấy cứ tăng dần lên một cảm giác lâng lâng sung sướng, quên hết mọi lo
toan nặng nề của cuộc đời. Cảm giác nhẹ lâng đó cứ dai dẳng trong tôi và càng
lúc càng mạnh lên đến mức tôi nghĩ rằng hay là mình cứ ở mãi tại đây và... theo
về với Phật. Tôi chợt hiểu được tại sao có nhiều người tự nguyện ở lại. Tôi
đang trở thành như họ rồi ư?
Tôi bỗng giật mình. Còn nhiều nhiệm vụ ở cơ quan chưa làm xong,
còn nhiều việc của gia đình phải lo toan, còn nhiều món nợ (cụ thể) với ngân hàng
phải trả... Tôi quá nặng nợ với cuộc đời. Thế là tôi phải tiếc nuối giết chết
cái cảm giác lâng lâng sung sướng mà mình không dễ gì có được để trở về với
cuộc đời trần tục sân si của mình.
Phụ
nữ thường chỉ ra đường đông đúc vào ngày lễ - Ảnh: H.N.C
|
1. Xuống phi trường New Delhi vào buổi tối, ở lại một đêm tại một khách sạn
ngoại ô rồi tờ mờ sáng hôm sau lên đường ra ga xe lửa cạnh đó để đi thẳng về
phía thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh, tôi chưa thấy mặt mũi của đất nước
Ấn Độ ra sao cả.
Buổi trưa, bước ra khỏi nhà ga để vào thành phố Lucknow, tôi
không khỏi ngạc nhiên. Ấn Độ đã độc lập từ năm 1950, đã chế được bom hạt nhân,
phóng được tên lửa, là trung tâm xuất khẩu phần mềm tin học hàng đầu thế
giới... nhưng phố phường vẫn còn lộn xộn và nhếch nhác. Người ăn xin đầy nhà ga
và ở bất cứ địa điểm có khách du lịch nào. Quán xá hai bên đường phố nhỏ bé và
luộm thuộm. Người ta tiểu tiện bất cứ chỗ nào có thể, nhà vệ sinh công cộng
không có cửa đóng. Cạnh quảng trường ngay trước nhà ga, có nhiều
"tiệm" hớt tóc mà ghế ngồi là một cục gạch đặt trên nền đất bẩn đầy
rác. Khách hớt tóc ngồi trên cục gạch, còn thợ thì ngồi chồm hổm phía sau để
hành nghề.
Trâu bò ở chung với... người tại một vùng nông thôn Ấn Độ - Ảnh: H.N.C
Trên đường phố, những chỗ chợ búa đông đúc chỉ thấy toàn đàn
ông. Đàn bà rất ít và có thể nói là thiếu hẳn bóng người phụ nữ nơi công cộng.
Sau này, đi về các vùng quê, ngang qua các khu chợ búa tôi cũng chỉ thấy toàn
đàn ông họp chợ. Ngồi bán cũng đàn ông, đi mua cũng đàn ông, hiếm hoi lắm mới
thấy có đàn bà ngồi bán hoặc đi mua. Ở các quán cóc ven đường cũng toàn đàn ông
ngồi bán và đàn ông tụm lại mua, ăn trầu và ngồi lê tán gẫu.
2. Đàn ông Ấn Độ chỉ ăn trầu và rất ít người hút thuốc. Họ lại tuyệt đối không
uống bia rượu. Chúng tôi đi suốt 12 ngày trên đất nước Ấn Độ rộng lớn từ nông
thôn về đến thủ đô New delhi mà không thấy một quán nhậu nào. Thỉnh thoảng có
gặp vài quán ăn nhưng đó là quán ăn thuần túy chứ không phải là quán nhậu. Đến
Delhi, vào các siêu thị tôi cũng không hề tìm ra một chai bia hoặc một chai
rượu nào. Tại các khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế dành cho du khách cũng khó
thấy bóng dáng bia rượu, cũng không thấy khách gọi bia rượu. Tôi thử gọi hai
chai bia, mãi một lúc lâu mới thấy phục vụ mang đến. Mở nắp ra thấy miệng chai
dính gỉ. Có lẽ bia này được đem về từ một nhà máy nào đó xa lắm và để lâu lắm
chưa có người uống. Giá 2 chai bia ngọt ngọt ấy tính ra tiền Việt là 160 ngàn
đồng.
Không uống bia rượu và hút thuốc như đàn ông Ấn Độ là điều tốt
đẹp. Có lẽ nhờ vào đó mà chúng tôi đi lại khắp nơi trên đường phố Ấn mà không
hề thấy một vụ tai nạn giao thông hoặc một vụ xô xát, ẩu đả nào. Trong khi đó ở
Việt Nam, chỉ trong một buổi sáng đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu, tôi đã chứng kiến
đến 3 vụ tai nạn giao thông. Mà đường sá ở Ấn Độ thì có khi còn tệ hơn ở VN (dĩ
nhiên là không kể đến New Delhi và các thành phố lớn khác).
3. Có một hôm chúng tôi đi ngang qua một đền thờ Hindu vào đúng một
ngày lễ của tôn giáo này. Tôi choáng ngợp khi thấy cơ man nào là... phụ nữ. Họ mặc đồ
thật đẹp, thật sặc sỡ, dĩ nhiên là bộ xari truyền thống, xếp hàng để chen vào
cái hồ nước rộng trước đền thờ - hầu như trước đền thờ Hindu nào cũng có một
cái hồ như vậy. Họ đến đây để tắm theo một nghi lễ bắt buộc. Vào ngày này, nếu
người giàu sẽ đến tắm trên sông Hằng, còn những người khác ở xa sông Hằng thì
đành phải tắm trên hồ nước trước đền thờ vậy. Dường như chỉ vào ngày lễ phụ nữä
mới ra đường.
Chúng tôi đến núi Linh Thướu là một Phật tích quan trọng ở bang
Bihar, cũng là một địa điểm du lịch tuyệt đẹp, vào ngày chủ nhật. Ở đây cũng có
rất nhiều phụ nữ, nhưng phần lớn là thanh niên và học sinh, đến đây vui chơi và
ngoạn cảnh. Những cô gái trẻ rất dạn dĩ, cởi mở và hiếu khách. Vài cô nữ sinh
biết chúng tôi là du khách nước ngoài, mạnh dạn đến làm quen, bắt chuyện, cho
chụp ảnh chung một cách rất tự tin và không kém phần lịch lãm. Điều đó chứng tỏ
rằng phụ nữ Ấn Độ không đến nỗi phải khuê môn bất xuất như kiểu phụ nữ Trung
Quốc hoặc Việt Nam thời phong kiến.
4. Trẻ con không đi học thì trông lam lũ, nhưng học sinh lại rất
tinh tươm và sạch sẽ trong các bộ đồng phục. Trường học từ nông thôn đến thành
thị đều đàng hoàng, đặc biệt là trường đại học. Từ Agra chạy về New Delhi, hai
bên đường tôi thấy rất nhiều trường đại học. Trường nào cũng xây dựng tuyệt đẹp
trong một khuôn viên rộng rãi được thiết kế cẩn thận. Có những trường đại học
người ta mời các kiến trúc sư danh tiếng nhất thế giới đến thiết kế. Như trường
đại học IIM do kiến trúc sư thiên tài Louis Kahn người Mỹ thiết kế là một tuyệt
tác về kiến trúc. Ấn Độ rất chú trọng về môi trường giáo dục, có thể chỗ này
chỗ nọ nhếch nhác nhưng trường học thì không thể để cho nhếch nhác.
Lễ
tắm nước với rất nhiều phụ nữ
|
5. Sống 12 ngày ở Ấn Độ, bên cạnh các món chay thì món mặn
duy nhất tôi được ăn là thịt gà. Người Hindu (chiếm 82%) không ăn thịt bò,
nhưng lại chê thịt heo. Còn người Islam (11%) thì không ăn thịt heo nhưng lại
không dám đụng đến thịt bò. Do vậy gà là món thịt phổ biến. Cá thì chỉ có ở
vùng ven biển mà khu vực tôi đến, nằm chung quanh vùng thủ đô sâu trong lục địa
nên cũng rất hiếm cá.
Ở nông thôn Ấn Độ người ta sống chung và thân thiện với trâu bò.
Hầu như nhà nào cũng nuôi từ 3 đến 10 con trâu hoặc bò. Ngành nông nghiệp của
Ấn Độ đã được cơ giới hóa, nên rất hiếm khi thấy trâu bò phải kéo xe hoặc cày
ruộng. Trâu bò được nuôi chỉ để lấy phân và lấy sữa. Phân bò được trộn với rơm
rồi nắn lại thành bánh phơi khô để làm chất đốt. Ở thành phố thì bò đi lang thang
đầy đường, tự tìm ăn nơi các bãi rác.
Khỉ cũng được người Ấn Độ tôn trọng nên có ở khắp nơi: từ đền
đài chùa miếu đến các cơ quan công thự, thậm chí ở ngay tại các khách sạn sang
trọng. Buổi sáng từ khách sạn mở cửa nhìn ra, tôi thấy từng đàn khỉ "hành
quân" từ mái nhà này qua mái nhà khác. Nhà nào lơ là quên đóng cửa sổ là
chúng đột nhập vào quậy phá và trộm cắp thức ăn. Các khách sạn đều cảnh báo
khách không nên mở cửa sổ đề phòng khỉ đột nhập. Những đàn khỉ sống tự do trong
thành phố trở thành tai họa cho người dân nước này.
Trong thời gian ở đây, tôi đọc trên báo chí Ấn Độ thấy người ta
đang bàn cách đối phó với lũ khỉ. Có một người phổ biến kinh nghiệm của mình là
nuôi một loài khỉ gì đó to lớn hơn nhưng ít quậy phá hơn để làm kẻ bảo vệ chống
lại lũ khỉ kia. Anh ta nói rằng chỉ cần nuôi 2 "bảo vệ" ấy trong nhà
là lũ khỉ quậy phá không dám bén mảng đến nữa. Nhưng có nhiều ý kiến khác phản
bác sáng kiến trên vì không khéo lại "đuổi giặc cửa trước rước giặc cửa
sau".
Người Ấn Độ phải sống chung với bò, khỉ và cả quạ nữa. Quạ ở đây
nhiều vô kể, nhiều lúc chúng bay rợp trời, con nào cũng to lớn và mập mạnh. Có
lẽ chúng phát triển hưng thịnh nhờ vào thịt trâu bò chết. Thử tưởng tượng, 100%
hộ nông thôn ấn Độ đều nuôi trâu bò. Nuôi cho đến già chết thì mang đi chôn
hoặc vứt ra đồng. Quạ phát triển đông đúc là nhờ thu dọn những xác chết này.
Nữ sinh Ấn Độ chụp ảnh kỷ niệm với tác giả tại núi Linh Thứu
6. Đại đa số người dân nông thôn Ấn Độ sống
còn rất thiếu thốn. Nhà cửa nhỏ bé chen chúc, thiếu điện, thiếu nước sạch. Nhà
ở nông thôn ấn Độ không giống như ở nông thôn VN là có vườn tược rộng rãi. Đa
số nhà đều xây bằng gạch đúc mái
bằng,
nhưng lại rất nhỏ hẹp, chen chúc bên nhau, không có hiên, nếu có chút sân thì
lại
dùng làm chỗ ở cho trâu bò, là nơi chứa phân... Chúng tôi đi qua nhiều làng
mạc, thị trấn không hề thấy ăng-ten mọc lên trên mái nhà. Giới bình dân ở thành
thị cũng không hơn gì nhiều. Thế nhưng nhìn vào nét mặt người Ấn gần như không
thấy ai lộ ra vẻ lo lắng, buồn khổ hay bức xúc. Họ có cái vẻ gì đó yêu đời và
rất bình thản. Thiếu thốn vật chất và tiện nghi sinh hoạt không làm cho họ quá
bận tâm.
Họ lại tỏ ra hiền hòa và hiếu khách, buôn bán tuy nói thách rất
cao nhưng không chèo kéo khách hàng, không tỏ ra giận dữ khi khách hàng trả quá
rẻ hoặc bỏ đi không mua khi đã đồng ý bán. Rất hiếm khi thấy họ giận dữ và cãi
vã xô xát với nhau. Người Ấn Độ dù có bị che lấp bên ngoài cái vẻ lam lũ, vẫn thấy
toát ra một cái gì đó cao quý mà chỉ có thể có được ở một dân tộc lớn với nền
văn minh tầm cỡ và lâu đời.
Tôi chợt nghĩ đến Phật Thích Ca, tư tưởng hiền hòa của ông lại
chinh phục được nước Trung Hoa kiêu ngạo ngày xưa vốn xem mình là trung tâm của
nhân loại. Tôi nghĩ đến Thánh Gandhi, với phương cách hành xử hiền hòa mà ông
dạy cho dân, lại đẩy được ra khỏi Ấn Độ kẻ xâm lược hùng mạnh, luôn không muốn
cho mặt trời được phép lặn trên đế quốc của mình.
Ấn Độ diệu kỳ là như thế đó.
Ký sự của Huỳnh Ngọc Chênh
Việt
Báo (Theo_Thanh Niên )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét