Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Có thật ‘giàu không quá ba đời’ Hãy xem cách dạy con của người Do Thái!


Đời con cháu các gia đình giàu có người Do Thái cũng thường biết quản lý tài sản như thế hệ cha ông (Ảnh: Internet).

Ở Việt Nam, Trung Quốc, đa số những gia đình hay gia tộc giàu có thường khó giữ được của cải trong đời con cháu, nhiều trường hợp chỉ đến đời con đã bại sản. Tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra với gia đình người Do Thái, nhiều gia đình Do Thái có lịch sử giàu có hàng trăm năm, chúng ta học được gì từ họ?
Trong 200 người nổi tiếng ảnh hưởng nhất tại Mỹ thì một nửa số người là người Do Thái; trong số giáo sư đại học ở Mỹ thì người Do Thái chiếm 1/3; trong số Luật sư ở Mỹ thì người Do Thái chiếm 1/4; trong số nhà văn, nhà biên kịch, nhạc sĩ hàng đầu ở Mỹ có 60% là người Do Thái; một nửa số doanh nhân giàu nhất thế giới là người Do Thái; có 1/3 số triệu phú Mỹ là người Do Thái; trong 40 người giàu nhất nước Mỹ theo xếp hạng của Forbes có 18 người Do Thái; có 10 Nghị sĩ Thượng viện và 27 Nghị sĩ Hạ viện Mỹ là người Do Thái.
Giàu hơn 300 năm nhờ khoa học về quản lý tài sản
Người xưa có câu: Giàu không quá ba đời. Nhưng nếu quan sát người Do Thái có thể thấy rất nhiều gia tộc giàu có 200 – 300 năm, nguyên nhân chủ yếu là do người Do Thái có ý thức cao trong việc giáo dục con cháu về của cải và quan niệm về tiền bạc.
Dân số Do Thái chiếm 0,3% toàn thế giới, nhưng theo thống kê của Fortune, trong số người siêu giàu trên thế giới thì có 1/4 – 1/5 là người Do Thái.
Ví dụ như Warren Buffett – người sáng lập Quỹ Quantum George Soros, Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft, Warner – người sáng lập Warner Bros, Reuters – người sáng lập Reuters, ông trùm dầu mỏ Mỹ Rockefeller… đều là người Do Thái. Thái độ của người Do Thái đối với tiền bạc rất rõ ràng. Văn hóa thừa kế của cải dựa vào “Pháp điển Do Thái” (Jewish Talmud). Gia tộc Rockefeller, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ là mô hình mẫu của việc áp dụng “Pháp điển Do Thái”.
Nhờ đọc cuốn sách kinh điển này, người Do Thái có quan niệm và phương pháp quản lý tiền từ khi còn nhỏ, từ đó có “kháng thể miễn dịch” đối với căn bệnh hống hách thường thấy của những kẻ giàu có tại nhiều nơi trên thế giới. Ngoài giáo dục quan niệm về của cải, người Do Thái còn dùng những “khế ước” tốt nhất của họ để vận dụng vào việc ủy thác quản lý tài sản, việc ủy thác tài sản cho người thân, người trong gia tộc được thực hiện thông qua những quy tắc kỹ lưỡng, những người càng xuất sắc thì càng được hưởng nhiều hơn.
Ví dụ, vào được đại học thì được bao nhiêu tiền; lấy vợ sinh con, lập nghiệp thì được bao nhiêu tiền. Chiều ngược lại, những người ham hưởng thụ chơi bời sẽ không nhận được đồng nào, vì thế của cải không dễ dàng bị những đứa con cháu xấu xa phá hoại mà luôn dành cho những ai có nhiều triển vọng. Dĩ nhiên ở đây không có ý khẳng định của cải hoàn toàn được đảm bảo trong thế hệ con cháu, chỉ có ý nghĩa là chuyện này rất khó xảy ra.
Ông Myers, giáo sư Tâm lý tại Đại học Hamburg (Đức) chỉ ra, các bậc cha mẹ ngày nay nên dạy con 3 vấn đề quan trọng trong quản lý tài sản: khả năng sử dụng tiền đúng đắn, khả năng làm chủ dục vọng về vật chất, khả năng hiểu tiền bạc không phải là tất cả.
Trước đây thường nhờ sống khổ hạnh và tiết kiệm để được giàu có; hiện nay để trẻ hiểu “giàu có thật sự”, cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ quan niệm đúng đắn về tiền bạc trên cơ sở sự thỏa mãn về tâm hồn. Nền tảng của điều này là khả năng tự chịu trách nhiệm, khả năng giải quyết vấn đề. Đây mới là những tài sản quý giá nhất.
1. Quản lý tiền bạc: Không biết chi tiêu sẽ bị bội chi
Từ khi vào lớp sáu, mỗi khi bước vào năm mới âm lịch là Erica lại được cha mẹ cho một khoản tiền mừng tuổi, số tiền này sẽ là tiền chi tiêu vặt của cả năm (mua quần áo, máy tính xách tay, văn phòng phẩm, quà tặng sinh nhật bạn bè và những người thân yêu, quà tặng Giáng sinh…).
“Nếu không tính toán cẩn thận trong chi tiêu, số tiền sẽ nhanh chóng bay đi hết”, Erica nói. Vì thế khi lên trung học là cô đã hình thành nguyên tắc chi tiêu rất tốt, cô đưa ra 3 yêu cầu cho em mình: “Không mua đồ chơi, thứ đã có thì không mua, thứ sau này không dùng đến thì không mua”. Đây cũng là nguyên tắc cô áp dụng cho bản thân.
Dạy cho con có tầm nhìn về kế hoạch chi tiêu trong cả năm là điểm mấu chốt trong phương pháp chỉ dạy con của cha mẹ Erica. Cô Erica là con gái của ông Trương Huân Minh (Zhang Xuming) – Giám đốc cấp cao Công ty chế tạo chất bán dẫn Đài Loan TSMC, còn mẹ cô là bà Chu Gia Minh (Zhu Jiaming) – Hiệu trưởng Trường châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ ở Tân Trúc. Có thể nói, nếu xét từ năng lực kinh tế gia đình thì họ không cần phải để con cái suy nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc.
Nhưng cha mẹ của Erica hiểu, phải dạy con cách quản lý tài sản và khả năng đề kháng với “bệnh nhà giàu”. Cách làm của họ rất giống với đề xuất của ông Myers, giáo sư Tâm lý tại Đại học Hamburg (Đức).
Ông Myers cho rằng, năng lực đầu tiên (khả năng sử dụng tiền đúng đắn) cần hình thành từ năm 3 – 4 tuổi, cho con cái quản lý tiền chi tiêu vặt để chúng hiểu mối liên hệ giữa tiền và mức độ của cải vật chất. “Nhiều trẻ thường dễ dàng có được những thứ đắt tiền nhưng không biết phải dùng bao nhiêu tiền mới mua được; chúng chỉ biết nhận mà không biết cái giá phía sau là như thế nào”.
2. Làm chủ dục vọng
Thứ đến là phải dạy trẻ học cách làm chủ dục vọng. Ông Myers cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải làm chủ dục vọng của mình, học cách kiềm chế dục vọng. “Trong điều kiện có hạn, đừng ngại để cho chúng thỏa mãn dục vọng của chúng, để chúng cảm nhận được hậu quả của việc không biết kiểm soát dục vọng bản thân”. Ví dụ khi con cái kiểm soát bản thân không được, chúng mua những thứ mà sau đó nhanh chóng không dùng đến, chúng sẽ hối hận khi không còn tiền để mua thứ chúng cần. Vì đây là quyết định của chúng nên chúng phải chịu trách nhiệm. Cha mẹ không thể thay con gánh chịu hậu quả do con gây ra.
3. Nhận biết giới hạn của tiền bạc
Giúp trẻ hiểu được giới hạn của tiền bạc là một phần không thể thiếu trong giáo dục về của cải. Khi mới tiếp xúc với tiền, có thể trẻ sẽ “đề giá” cho mọi thứ một cách ngây thơ, lúc này hãy dạy cho trẻ có những thứ không thể dùng tiền để tính được. Ví dụ nếu cha mẹ đi làm cuối tuần có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng vì yêu con, vì muốn gia đình có ngày nghỉ đầm ấm, có thời gian mọi người vui vẻ quây quần bên nhau còn quan trọng hơn tiền bạc… Có thể qua nhiều cách để chỉ cho con trẻ hiểu rằng tiền bạc không phải là mục tiêu hoặc tiêu chuẩn duy nhất. Khi quan niệm giá trị của trẻ càng đa dạng thì trẻ càng cảm nhận rõ tiền bạc không thể trở thành mục tiêu duy nhất chúng hướng tới.
Nhiều gia đình giàu có nhấn mạnh hãy để cho trẻ tham gia các hoạt động công ích xã hội để trẻ mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh; cho trẻ làm quen với những trẻ thuộc những tầng lớp khác nhau trong xã hội để trẻ nhận ra được những khó khăn của người khác, từ đó hiểu được sự may mắn của mình, từ việc phục vụ người khác mà hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.
Tại Mỹ, nhiều người thường đặt ra “ngày không chi tiêu” để mọi người tự nhắc nhở không cần chi tiêu vẫn có thể hạnh phúc. Đây cũng là một cách giáo dục quan niệm về của cải. Cùng với việc dạy trẻ quan niệm đúng đắn về tiền bạc, cha mẹ cũng phải làm gương cho con, “vì giáo dục chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi lời nói đi đôi với việc làm”, nhà tâm lý Myers cho biết.


Theo SecretChina

Tinh Vệ biên dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive