Việt Nam
có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có phong tục cưới mang bản sắc riêng.
Nhưng, một điểm chung của dân tộc theo chế độ mẫu hệ là phong tục bắt chồng.
Những cô gái đến tuổi lấy chồng phải tự tìm cho mình một chàng trai. Nói cách
khác là muốn có chồng phải đi bắt. Và lễ bắt chồng thường được diễn ra vào ban
đêm. Khi cô gái phải lòng một chàng trai nào đó thì cô gái sẽ về nói cho gia
đình biết, và gia đình sẽ đến nhà trai thưa chuyện, hỏi dạm...
Tục bắt
chồng của dân tộc Chu-ru
Người con gái tự dệt 3 chiếc khăn thổ cẩm màu trắng, hồng, chàm
sẫm, rộng 80cm, dài khoảng 3m để mang sang nhà trai dạm hỏi. Chọn một “đêm
thiêng”, cô gái cùng khoảng 10 người trong thân tộc lặng lẽ mang lễ sang nhà
chàng trai. Ông Trưởng đoàn (thường là cậu ruột) tiến lên gõ cửa. Mặc dù sự viếng
thăm này đột ngột nhưng nhà trai vẫn ra mở cửa mời khách vào nhà. Nếu cha mẹ
chàng trai không đồng ý thì cũng tìm cách khước từ một cách tế nhị để nhà gái về
mà không cảm thấy bẽ mặt. Thế nhưng hầu như 10 đám “bắt chồng’’ đều được cả 10
bởi trước đó đôi trai gái đã yêu thương nhau tha thiết, song do nhà gái không
có tiền đi của cưới cho nhà trai và để làm đám cưới nên đành chọn cách “bắt chồng”.
Khi nhà
trai đã đồng ý thì gọi con trai ra hỏi lần cuối cùng, người con trai chắp tay
cúi đầu thưa: “Con đồng ý lấy cô ấy và thề sẽ ăn ở với nhau trọn đời’’. Ngay
lúc đó, cô gái dâng khăn cho chàng trai, chàng trai nhận xong thì bỏ xuống bàn
chờ ý kiến cha mẹ đôi bên. Chủ nhà trai tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, cô gái
sẽ là con dâu của gia đình’’. Đại diện nhà gái cũng chấp thuận chàng trai là rể
thì tiến hành ngay lễ hợp hôn. Cô dâu và chú rể được đứng kề nhau, ông cậu ruột
của cô dâu giở chiếc khăn trắng trùm lên đầu hai người, cha chú rể đưa cho con
một cây liềm (để chém ma tà cản trở) rồi cả hai bước vào phòng chú rể. Hai
người cứ ngồi trong đó đợi người lớn bàn tính chuyện tương lai, đến khoảng 1-2
giờ sáng thì nhà gái xin đưa chú rể cùng cô dâu qua nhà mình ngay trong đêm.
Đêm này được coi là “đêm thiêng”, vợ chồng sẽ ghi nhớ suốt đời. Vợ chồng chỉ ở
nhà gái từ đêm đó đến gần tối hôm sau thì trở lại nhà trai. Trong một tuần lễ ở
nhà chồng, cô dâu ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc
khác còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến
ngày thứ 8 hoặc thứ 10 thì đằng gái mới đem lễ vật, có thể là một con heo trên
20 kg hoặc số lượng lương thực, thực phẩm đủ làm 5-7 mâm cỗ cho nhà trai, gái
đãi thân tộc, họ hàng. Từ đây, “con trai đã có nơi, có chỗ tử tế’’, cha mẹ hai
bên cũng chính thức kết nghĩa sui gia. Tàn cuộc vui thì nhà gái đưa các con về
ở bên nhà mình.
Tục bắt
chồng của người Bh’noong
Với
người Bh’noong, tục bắt chồng được thực hiện vào đêm thứ 3 của lễ ăn mừng chiến
thắng (Pơ-tuh), được tổ chức tại nhà rông với sự tham gia của cả làng, mời họ
hàng thân thuộc, bà con anh em láng giềng, con cháu dâu rể hoặc đi làm ăn xa.
Hội đồng già làng họp và phân công từ 10 đến 16 người cả trai lẫn gái khỏe mạnh
tham gia vào cuộc bắt chồng. Tục bắt chồng được thực hiện bí mật nên hầu hết
cha mẹ, họ hàng nhà trai và chàng trai không hề biết gì. Họ bí mật đi tìm những
chàng trai đã được chỉ định. Tại đây, hội đồng già làng tiến hành lễ ăn thề với
lễ vật là tiết gà và rượu cần. Già làng dùng que tre chấm vào ché rượu vung lên
đầu của chàng trai và cô gái, lấy huyết gà làm phép rồi bôi lên trán của họ,
tiếp đó đưa chén rượu cần cho từng cô gái uống trước, chàng trai uống sau. Cứ
thế hết cặp này đến cặp kia trong tiếng hò reo, vui mừng của mọi người. Sau đó,
mọi người mời rượu cho những cặp trai gái đó và không quên những lời chúc tốt
lành. Khi những cặp trai gái này thấm rượu, mọi người lần lượt khiêng từng cặp
vào góc nhà rông và lấy những tấm đồ đẹp nhất đắp cho họ. Lúc này, tục bắt
chồng cơ bản đã hoàn tất. Sau lễ ăn mừng chiến thắng, cặp trai gái này qua lại
hai bên cha mẹ để giúp gia đình mọi việc như: bửa củi, làm nương rẫy... Sau
khoảng 2 tháng đến một năm, gia đình tổ chức đám cưới.
Người
K’ho ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), sau khi nhà trai đồng ý để nhà gái bắt
con về làm rể, ngay trong đêm đó nhà trai sẽ giết một vài con gà làm cơm cho cả
hai bên quây quần ăn mừng và uống rượu cần. Họ cùng nhau bàn về tương lai của
chàng trai, cô gái, nhất là chuyện sinh con cái để gia đình nhà gái sớm được mổ
heo, giết trâu mời nhà trai, họ hàng gần xa kéo tới ăn mừng. Trong lúc hai bên
gia đình đang ăn uống giữa nền nhà, cô gái sẽ vào phòng trong phụ giúp chàng
trai chuẩn bị đổ đạc để theo về nhà gái làm chồng ngay trong đêm. Khi gà cất
tiếng gáy thì cuộc ăn mừng cho đôi trai gái thành vợ, nên chồng của người K’ho
cũng vừa tàn. Lúc này, mai mối sẽ đứng dậy hoàn tất những nghi thức và trịnh
trọng tuyên bố xin phép được bắt chàng trai đem về làm chồng cho cô gái. Lời
người mai mối vừa dứt, chàng trai ngay lập tức bị những thành viên trong gia
đình nhà gái, mà tiên phong là cô gái bắt đi mất hút trong đêm.
Hình ảnh
lễ hội bắt chồng của Người K’ho ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)
Tập tục
“bắt chồng”, tảo hôn của người dân tộc Raglai ở Tà Nôi vẫn còn diễn ra khá phổ
biến. Từ lâu, con gái Raglai ở tuổi 12-13 đã được quyền xem mặt “bắt” người con
trai mà mình yêu thích về làm chồng. Khi cô gái thích chàng trai nào thì sẽ
trao cho người đó chiếc vòng cổ hoặc chiếc vòng tay bằng đồng để gọi là “thông
báo” với mọi người trong làng rằng người con trai ấy đã có... chủ. Sau đó, hai gia
đình gặp nhau để bàn bạc, hẹn ngày nhà gái tiến hành qua nhà trai “bắt” chú rể
về. Kể từ đó, người con rể sống suốt đời bên nhà vợ, quanh năm làm lụng nương
rẫy và chịu sự quản lý của vợ mình...
Tục bắt
chồng vốn là một tập tục truyền thống của những tộc người theo dòng mẫu hệ,
song bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc riêng, thì nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn
dai dẳng đeo bám, ở một số nơi đã biến thái thành những hành vi thực dụng. Có
những gia đình luôn cầu Giàng đẻ thật nhiều con gái để “bắt rể”. Điều này dẫn
đến hệ lụy nhiều gia đình đói nghèo do quá đông con cái. Đói nghèo do bắt chồng
sớm và đẻ nhiều con như cái vòng luẩn quẩn cứ đeo bám họ suốt đời này sang đời
khác...
Nguyễn
Huyện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét