Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Ấn tượng một lần đến Viêng Chăn

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 19:07, under | No comments

Thủ đô Viêng Chăn không chỉ là biểu tượng về chính trị, kinh tế, giáo dục mà còn là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống rực rỡ của dân tộc Lào. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tránh xa sự ồn ào trốn phồn hoa đô thị để tìm cho mình những khoảng lặng của cuộc sống.


Một thủ đô thanh bình
Có lẽ đây là cảm nhận đầu tiên không chỉ của riêng tôi mà còn là của bất kỳ ai đặt chân đến nơi đây. Đoàn chúng tôi có mặt tại đây vào lúc 18h30, ở Hà Nội đang là giờ cao điểm với lưu lượng phương tiện giao thông dày đặc, tiếng còi xe và khói bụi ngột ngạt. Nhưng tại thành phố này các phương tiện lưu thông một cách thưa thớt, tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi hay sự chen lấn, các xe đều kiên nhẫn nối đuôi nhau chạy thành hàng. Dạo quanh một vòng thành phố, chúng tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng sự uy nghi của tượng đài chiến thắng Patuxay – Khải hoàn môn của Viêng Chăn, nơi vinh danh những người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tòa thị chính hay tháp Thạt Luổng - di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của quốc gia Phật giáo tiểu thừa Lào.


Buổi tối không khí dịu mát là thời điểm thích hợp để bạn khám phá Thủ đô Viên Chăn về đêm bằng xe Tuktuk – một dạng taxi 3 bánh và trải nghiệm rất nhiều cảm giác thú vị. Các bạn có thể ghé thăm công viên Patuxay, lúc này, tượng đài trở lên lộng lẫy như khoác lên mình tấm áo dát vàng bởi những ánh đèn rực rỡ. Tiếp đó dạo chơi chơi chợ đêm và thỏa thích mua sắm những món đồ lưu niệm mang đặc trưng của Lào. Sẽ là thiếu xót lớn nếu như bạn không được tận hưởng cảm giác ngồi bên bờ sông Mê Kong và thưởng thức cốc bia Lào cùng với các món nướng. Đây được coi là thú vui của người dân địa phương nơi đây.
Trong lộ trình thăm và làm việc tại thủ đô Viêng Chăn chúng tôi còn có cơ hội được ghé thăm rất nhiều ngôi chùa linh thiêng. Được biết, Lào lấy Phật giáo làm quốc giáo, cả nước có trên 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, một trong số đó là chùa Sỉ Mương – ngôi chùa linh thiêng nhất của Lào gắn với truyền thuyết về một người phụ nữ trẻ tên Sỉ đang mang thai đã nguyện hiến dâng thân thể để làm “ cột mốc” thiêng cho tổ quốc theo lời kêu gọi của đức vua. Sau khi lập đàn tế lễ , ý nguyện của nàng đã được thần linh chấp thuận. Nàng nhảy xuống giếng, cột nước vọt lên trời, hóa thành cầu vồng rực rỡ muôn màu sắc. Đến thăm nơi đây, bạn chỉ cần một đóa hoa nhỏ, 2 cây nến và tấm lòng thành kính là Mẹ Sỉ Mương sẽ chứng giám và ban phước lành cho bạn. Ngoài ra, chúng tôi còn được đến với tháp Thạt Luổng – biểu tượng của Phật giáo tiểu thừa Lào, biểu tượng linh thiêng được in trên đồng tiền KIP của Lào và được chiêm ngưỡng tượng phật nằm khổng lồ. Được biết, Thạt Luổng gồm 1 tháp chính và 30 ngọn tháp nhỏ biểu tượng cho 30 năm tu hành của Đức phật và đỉnh mỗi ngọn tháp nhỏ được dát 1.6 cây vàng.


Một điểm đặc biệt về tòa tháp này đó là Thạt Luổng có chiều cao 45m và vì là biểu tưởng linh thiêng của Phật giáo vậy nên tất cả công trình xây dựng ở thành phố đều không được vượt quá chiều cao này. Chính những quy định về kiến trúc đô thị như vậy đã du khách một cảm giác thanh bình, khác biệt với sự choáng ngợp bởi ánh sáng và những tòa nhà trọc trời ở New York hay kinh đô hoa lệ Paris.
Và những con người nồng hậu
“Người Lào không bon chen làm giàu. Họ hài lòng với những gì mình đang có. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng người giàu có tiền thì ở nhà cao cửa rộng, mình không có tiền thì ở nhà lá, ăn cơm rau và múa Lăm Vông cũng là vui rồi” – Cô hướng dẫn viên trong đoàn chia sẻ. Người Lào sống tình cảm lắm. Họ rất sợ làm tổn thương nhau. Chính vì vậy rất hiếm khi thấy cảnh xô xát hay cãi vã nơi công cộng. Cô hướng dẫn viên còn cho biết tình cảm là thứ tài sản vô giá của người Lào. Nếu tục ngữ Việt Nam có câu “Nhạt như nước ốc” để chỉ sự hờ hững, vô tâm trong tình cảm thì người Lào ví thứ tình cảm này “Nhạt như nước mắt của người tình cũ”.


Bản tính của người Lào là hiền hòa, thật thà, chất phác và tình nghĩa vì vậy đi đến đâu bạn cũng cảm nhận được sự ấm áp của tình người và được chào đón bởi nụ cười thân thiện và sự hiếu khách. Đoàn chúng tôi có dịp làm việc với một số cơ quan của Lào như , Đài truyền hình, Đài phát thanh quốc gia Lào, Học viện chính trị hành chính quốc gia Lào… Họ đều tiếp đón nhiệt tình và chu đáo.
Chị Mi Mi – phát thanh viên của Đài phát thanh quốc gia Lào cho biết nếu có dịp ghé thăm vào dịp Tết Bun-pi-may bạn sẽ được hòa mình lễ hội té nước. Đây là phong tục truyền thống và độc đáo. Điều này bắt nguồn từ quan niệm truyền đời của người Lào là chỉ có nước mới đem lại sự sống và nước sẽ gột rửa hết mọi ưu phiền xấu xa để hồi sinh, làm lại bằng sự sạch sẽ, trinh nguyên. Không phân biệt giàu nghèo, có hay không có địa vị trong xã hội, thành phần dân tộc, dù lạ hay quen, cũng đều được thể hiện sự quý trọng bằng tục té nước lên người, mong mọi sự tốt lành giàu sang sẽ đến trong năm mới.


Chia sẻ thêm về cảm nhận về tình hữu nghị Việt Lào chị nói: “Tôi thấy mình may mắn khi được mang trong mình 2 dòng máu Việt – Lào. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Lào và rất hiếm khi có dịp về Việt Nam nhưng mỗi lần về thăm quê ngoại tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi như đang sống trên đất nước mình. Người dân 2 nước coi nhau như anh em một nhà. Họ luôn cố gắng vun đắp thứ tình cảm thiêng liêng này mãi mãi xanh tười đời đời bền vững. Người Lào vốn đã sống rất tình cảm nhưng đặc biệt họ luôn chan chứa một nghĩa tình sâu lặng với người Việt”.
Chỉ với 3 ngày ngắn ngủi ở thành phố này nhưng cũng đủ để tôi có những trải nghiệm bất ngờ và khám phá thú vị về con người và cảnh vật của xứ sở Triệu voi xinh đẹp này. Đây sẽ là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời của tôi. Tạm biệt Viêng Chăn và hẹn ngày gặp lại!

Kim Oanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive