Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Tử Cấm Thành Những điều có thể bạn chưa biết

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 20:56, under | No comments


Trung tâm Tử Cấm Thành là Hoàng thành. Trung tâm Hoàng thành là Cung thành. Trung tâm Cung thành là Thái Hòa điện. (Ảnh: Internet)

Tử Cấm Thành được biết đến như biểu tượng về quyền lực của Hoàng đế và triều đình phong kiến Trung Quốc, được xây dựng từ năm thứ 4 Vĩnh Lạc triều Minh, 14 năm sau thì hoàn tất (1406-1420). Nhiều người ấn tượng với sự đồ sộ, hoành tráng và tôn nghiêm của Cố Cung (một tên gọi khác của Tử Cấm Thành), được tái hiện sống động trong các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Tuy nhiên, Tử Cấm Thành mang chở một thông điệp còn sâu xa hơn thế. Hãy cùng khám phá thông điệp ấy thông qua một vài sự thật thú vị về công trình này nhé !



(Ảnh: internet)

Tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là người Việt Nam.
Sau khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ, xâm chiếm Đại Việt, nhiều thanh thiếu niên bị đưa sang Trung Hoa làm thái giám. Trong số thái giám phục vụ ở cung vua, Minh Thành Tổ thấy Nguyễn An (còn gọi là A Lưu) rất giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc xây dựng, lại liêm khiết nên tin dùng. Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết:
Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng.
Chữ «Tử» trong Tử Cấm Thành có nghĩa là «màu tím»
Văn hóa truyền thống Trung Hoa tôn kính Trời Đất, bậc Đế vương tự nhận mình là “Thiên tử” (con của Trời), tức là là người thống trị mà Thiên thượng phái xuống nhân gian. Tử Cấm Thành là nơi ở của Hoàng Đế nên được xây dựng phỏng theo Thiên cung trên trời, nhắc nhở mối liên hệ thần thánh giữa Thần và người (“Thiên nhân hợp nhất”). Chữ “Tử” trong Tử Cấm Thành (Purple Forbidden City) có nghĩa là “màu tím”, lấy ý từ thần thoại về Tử Vi Viên là nơi ở của Trời trên thiên thượng (Tiếng Trung: 紫微垣; bính âm: Zǐwēiyuán).

(Ảnh: internet)

Tên ban đầu của điện Thái Hòa là «Phụng Thiên», trần điện có «Gương Hiên Viên»
Trung tâm Tử Cấm Thành là Hoàng thành. Trung tâm Hoàng thành là Cung thành. Trung tâm Cung thành là Thái Hòa điện. Điện Thái Hòa là điện lớn nhất của Tử Cấm Thành, cao 30 mét so với quảng trường xung quanh, là nơi diễn ra các nghi thức và lễ tế quan trọng như lễ đăng quang hoặc lễ cưới hoàng gia. Trần điện được thiết kế một giếng chìm có hình rồng cuộn và từ miệng giếng tỏa ra một chùm những quả cầu bằng kim loại, được gọi là “Gương Hiên Viên” với ngụ ý quay trở về với Hiên Viên Hoàng Đế, vị vua cổ đại của Trung Quốc đã tu hành đắc Đạo cưỡi rồng bay lên trời. Thái Hòa là tên thời nhà Thanh, còn trước đó được gọi là Phụng Thiên điện dưới triều Minh.
Phụng Thiên nghĩa là vâng theo mệnh trời. Các Hoàng Đế trong lịch sử Trung Hoa coi mình là chân mệnh Thiên tử, nên “Phụng thiên thừa vận, thụ mệnh vu thiên” (Tạm dịch: Tuân phụng Trời thuận theo vận Trời, vâng theo mệnh lệnh từ Trời). Tuy vậy, “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: “Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng”). Mệnh trời sẽ chỉ chiếu cố những vị vua có đức, một khi Thiên tử thất đức, ắt sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh suy của vương triều. Do đó, bậc vua chúa nếu muốn giang sơn bền vững, thì phải tu Đức để xứng đáng với Trời.



Điện Thái Hòa (Ảnh: internet)





Gác mái điện Thái Hòa (Ảnh: ineternet)

Cung Hoàng đế và Hoàng hậu biểu thị Trời và Đất, Dương và Âm giao hòa
Hoàng đế, biểu thị cho Dương và Trời, ở Càn Thanh cung. Hoàng hậu, biểu thị cho Âm và Đất, ở Khôn Ninh cung. Giao Thái điện ở giữa hai cung, tượng trưng cho sự giao hòa Âm – Dương. Từ thời Ung Chính, vua chuyển đến sống tại Dưỡng Tâm điện phía tây để tỏ lòng kính trọng với Khang Hy. Càn Thanh cung trở thành nơi thiết triều của Hoàng đế. Vì vậy,  Hoàng hậu cũng rời khỏi cung Khôn Ninh.
Hai tượng sư tử đồng, một đực một cái, đặt trên bệ đá ở cửa nội đình
Con đực giữ một quả bóng dưới chân, tượng trưng cho quyền lực. Con cái giữ một con sư tử con, tượng trưng cho sự sống.



Mái cung điện màu vàng có ý nghĩa gì?
Đa số mái của các cung điện đều lợp ngói lưu ly màu vàng. Màu vàng tương ứng với Thổ, là trung tâm của ngũ hành, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được xem là màu tôn quý nhất.



Ý nghĩa cái tên hai cửa Đông Tây của sân rồng cung Càn Thanh
Sân rồng của cung Càn Thanh có hai cửa Đông Tây, tên là Nhật Tinh và Nguyệt Hoa, tượng trưng cho Nhật Nguyệt (Mặt trời và mặt trăng, ngày và đêm). Đặt bản thân mình dưới sự soi xét của nhật nguyệt là tư tưởng của bậc minh quân, như Lý Công Uẩn từng có thơ rằng:
Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
(Tức cảnh)

Bình
Tử Cấm Thành không chỉ là công trình kiến trúc kì vĩ bậc nhất, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa cổ truyền của phương Đông. Đó là văn hóa kính Trời, trọng Đạo, nhấn mạnh vào mối giao hòa giữa thiên thượng và nhân gian, nam-nữ âm-dương hòa hợp. Nội hàm nhân sinh quan và vũ trụ quan của Tử Cấm Thành triển hiện một chữ “Đạo”,  trong đó nguồn gốc của con người là từ thiên thượng, bởi thế nên cần xử thế cho hợp với Đạo Trời.
Trong lịch sử Trung Quốc, từ vua Vũ vua Thang cho tới Chu Thành Vương, Tần Mục Công, Hán Vũ Đế, Đường Đức Tông, Thanh Thế Tổ, … mỗi khi có thiên tai nhân họa lớn phát sinh, các bậc đế vương ấy đều tự kiểm điểm bản thân – mình đã làm sai điều gì khiến Trời cao giận dữ? Sau đó, họ tắm rửa chay tịnh, bái lạy cầu khấn Trời Đất, thậm chí còn công bố “Tội kỷ chiếu” (tức là “Chiếu thư tự trách tội mình”) trước Thiên hạ, công khai kiểm điểm và sám hối những lỗi lầm và thất bại của bản thân. Họ hướng về Thiên thượng và tất cả người dân hứa nhất định sẽ sửa chữa sai lầm, tự đôn đốc bản thân, từ đó được Thiên thượng tha thứ, không trách tội nữa, muôn dân thoát khỏi kiếp nạn.
Thiên tai nhân họa chính là sự thể hiện của “Ý trời”, những người thống trị thời cổ đại phần lớn đều xem đó như là các “cảnh báo của Thiên tượng”. Trận động đất lớn năm 1679 xảy ra khi vua Khang Hy đang bận đi bình định loạn Tam phiên. Đối với ông chuyện đó là một gậy cảnh tỉnh không tầm thường. Ông vội “hạ chiếu phát tiền cứu trợ 10 vạn lượng”, tiếp theo nói trước mặt quần thần: “Bản thân Trẫm không có Đức, chính trị không hợp lòng dân, động đất xảy ra là một lời cảnh báo.” Vua Khang Hy thái độ rất chân thành, tìm ra sáu loại “tệ nạn chính sự” trong tầng lớp quan lại, cho rằng đó chính là “nguyên do của tai họa,” và ra lệnh cho các quan Cửu khanh bàn luận kỹ càng,  căn cứ theo bộ Lại lập pháp nghiêm cấm,  nhất định sẽ trừ dứt tệ nạn kéo dài đã lâu ngày này.
Thiên nhân hợp nhất”, du khách tham quan Tử Cấm Thành nếu chưa lĩnh hội được thông điệp sâu sắc này của cổ nhân, chẳng phải là đã “nhìn mà không thấy” hay sao?

Mã Lương


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive