Lễ cưới
của trai gái dân tộc Lự thường diễn ra khi tiết trời đang độ xuân, cây cối đâm
chồi nảy lộc, hoa mạ, hoa pon... đua nở.
Các chàng
trai người Lự thường mang sáo đi tìm người yêu.Ảnh daibieunhandan.vn
Dân tộc
Lự có tên gọi khác là: Lữ, Nhuồn, Duồn, có khoảng 3.700 người, cư trú tập trung
ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Người Lự còn để lại nhiều di
tích cổ xưa ở Điện Biên, nhưng hiện nay chỉ còn một ít người sinh sống ở đấy.
Lễ cưới là một nghi lễ của đồng bào dân tộc Lự. Không có trường hợp ép duyên.
Theo tục ở rể 3 năm sau đó về làm dâu 2 năm thì đôi vợ chồng được phép ra ở
riêng để thành đơn vị gia đình hạt nhân sống trong nếp nhà sàn riêng của mình.
Con lấy họ theo cha, tên con trai có chữ đệm Bạ, tên con gái con gái có chữ đệm
Ý. Người Lự sống tình nghĩa, thuỷ chung. Vợ chồng rất ít ly dị nhau, nếu trai
bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt nặng theo tập tục.
Lễ cưới
của trai gái dân tộc Lự thường diễn ra khi tiết trời đang độ xuân, cây cối đâm
chồi nảy lộc, hoa mạ, hoa pon... đua nở. Đêm hôm nhà trai đưa lễ vật đến nhà
gái, chú rể không được đến nhà cô dâu. Đêm ấy, cô dâu và bạn bè tổ chức hát
giao duyên tại sân khuống, tạm biệt bạn bè cùng trang lứa để đi lấy chồng.
Ở dân
tộc Lự, hồi môn bên họ hàng nhà trai cho ngoài những váy áo, tiền bạc có một
điều hết sức thú vị là: đám cưới xong, ngày hôm sau cô dâu đến gánh nước cho họ
hàng nhà trai mỗi nhà một gánh; nhà trai trả công cho cô dâu là những con giống
như đôi gà, con lợn con hoặc bát đĩa, đồ đan lát... để đôi vợ chồng trẻ làm
giống và phát triển sau này. Trong đám cưới không mang nặng tính thách cưới.
Khi nhà có đám cưới, những người trong họ cùng chung gánh vác, nếu trường hợp
kinh tế khó khăn chưa đủ điều kiện để làm bữa cơm mời họ hàng thì người ta cho
nhau nợ, khi nào có điều kiện thì làm được thì trả.
Đến ngày
chính lễ, từ sáng sớm ông mối bên nhà trai đến thông báo xin giờ để chàng trai đến
ở rể. Nhà gái chuẩn bị một bàn rượu, một bát thịt và một đôi đũa tiếp ông mối.
Ông mối quỳ trước họ nhà gái và hát những lời có tính chất thông báo, xin cho
chàng trai ở rể. Sau đó nhà gái cho ông mối uống một hớp rượu, ăn một miếng
thịt nhằm trả ơn người đã mai mối cho đôi trẻ thành vợ thành chồng. Sau đó đoàn
nhà trai đến, dẫn đầu là ông mối. Khi đến chân cầu thang, nhà gái đón tiếp bằng
những chén rượu nồng. Mỗi bên đều uống một chén để tỏ lòng thân thiện và đồng ý
sự kết duyên của đôi nam nữ. Chủ nhà sắm một lễ gồm đầu, bốn chân và đuôi lợn,
gà luộc sẵn trình báo với tổ tiên hôm nay nhà ta có “Kin khéc” (đám cưới con
cháu trong nhà). Đoàn nhà trai lên nhà, nhà gái bầy một mâm rượu, đem các lễ
vật (của hồi môn cho con gái) trình trước nhà trai như váy, áo, vòng cổ, vòng
tay... Trên lễ vật được cắm những bông hoa sặc sỡ (hoa dâm bụt). Cô dâu chú rể
lạy trước ông, bà, chú, bác hai bên gia đình. Ông mối hát lời chúc phúc cho hai
người thành đôi lứa, sống có ích cho gia đình. Trong thời gian ông mối hát, đôi
vợ chồng trẻ vẫn quỳ lạy, đầu chúi xuống chiếu.
Lễ cưới
của người Lự (Ảnh: TL)
Ông mối
hát chúc phúc xong, hai bên gia đình mỗi người một tay bám vào các lễ vật ý nói
chúc cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sống có ích cho hai bên
gia đình nương nhờ. Mỗi người đến dự cưới buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể như
muốn buộc chặt tình cảm yêu thương của mình, buộc chặt tình yêu của đôi trẻ với
gia đình hai bên. Sau đó họ nhà gái phát cho mỗi người một que sáp ong như sự
tạ ơn của gia đình đôi trẻ và tình đoàn kết họ hàng thân tộc như mật ong, sáp
ong quyện chặt.
Thủ tục
hôn lễ đã xong, ông mối mời họ hàng nhà gái và dân bản cùng vui chén rượu chúc
cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Cuộc rượu có thể kéo dài đến
đêm. Trong thời gian tổ chức “Kin khéc” chú rể luôn đóng vai trò là người tần
tảo tháo vát, lúc chạy vào chỗ này, lúc đến chỗ kia để xem bàn tiệc vơi thứ gì
thì kịp thời bổ sung. Một điều thú vị nữa trong 3 ngày tính từ đám cưới chính
thức chú rể không được ngồi ghế, chỉ ngồi xổm để tiếp khách. Điều này hàm ý cho
bố mẹ nhà gái biết tính chịu khó, siêng năng của chàng rể.
Thanh Huyền (Tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét