Kể từ ngày 1/12/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu
tiên kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, lúc đó là đồng tiền nhôm loại 2
hào, cho đến nay chúng ta đã có rất nhiều các loại tiền xu, tiền giấy, tiền
polime khác nhau. Đi cùng lịch sử phát hành tiền là những lần chúng ta thực
hiện đổi tiền, có thể tổng kết những lần đổi tiền từ sau Cách Mạng Tháng
Tám cho đến nay như sau:
Lần thứ nhất: Ngày 15 tháng 5 năm
1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1
đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Giấy bạc Tài chính
thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất
lớn đến chất lượng từng mẫu tiền. Đồng thời nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc
Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương
Lần thứ hai: Ngày 6/ 5/ 1951 tại
sắc lệnh số 15/ SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng
Quốc gia Việt nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha ngân khố quốc gia” và “Nha tín
dụng sản xuất” trực thuộc Bộ Tài Chính đã thành lập trước đó trên cơ sở “Việt nam
quốc gia Ngân hàng” thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo sắc lệnh số 86/SL
ngày 17/9/1947 của Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam). Ngay khi ra
đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951 NHQG đã chính thức phát
hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài
chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG - Một cuộc đổi tiền diễn
ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.
Lần thứ ba: Vì tiền NHQG đầu tiên
được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người
có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên
đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền
lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này,
vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NGQGVN bằng 1,36 Rúp
Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là
“ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền
NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam
(NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền
Nam của chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn.
Lần thứ tư: Trong 3 năm đầu sau
ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, hai
miền vẫn dùng hai đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNN Việt Nam, miền
Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng
tiếp quản NHQG của Nguỵ quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ
trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những
ngày đầu giải phóng. Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách
mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về
thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày
22/ 9/1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị và Trung Ương đảng lao động Việt
Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc
đổi tiền trên qui mô toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền
Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1
đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD
Lần thứ năm: Ngày 2/5/ 1978 - Đúng
dịp kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam
công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước
với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền
Nam ăn 1đồng NHNN mới.
Lần thứ sáu: Trước tình hình diễn
biến phức tạp của lưu thông hàng - tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng
trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ
10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và
lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền
tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền
trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét