Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Một số hiểu biết cần thiết cho bệnh nhân suy tim

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 19:53, under | No comments

Bình thường, khoảng 50-70% lượng máu trong buồng tim được bơm ra ngoài đi nuôi cơ thể. Khi chỉ số này thấp hơn bình thường, lượng máu được bơm không đủ cho nhu cầu chuyển hóa của cơ thể, là lúc tim bị suy.


Ảnh minh họa - nguồn internet

Hằng năm, tại Viện Tim mạch Việt Nam có hàng nghìn bệnh nhân suy tim phải vào khám và điều trị. Trong đó, nhiều trường hợp phải nhập viện vì bệnh nặng, không có khả năng tự phục vụ và gặp nhiều khó khăn khi trở lại cuộc sống bình thường. Điều này làm không ít người nghĩ rằng bị suy tim có nghĩa là rơi vào tình trạng hoàn toàn vô vọng. Nhưng trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đã tái hòa nhập cuộc sống một cách bình thường nếu hiểu biết về bệnh và làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đây là một số kiến thức cơ bản giúp bệnh nhân suy tim có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn:
1. Các nguyên nhân gây suy tim thường gặp
- Tăng huyết áp.
- Bệnh van tim do thấp khớp.
- Sau nhồi máu cơ tim.
- Bệnh cơ tim nguyên phát.
- Rối loạn nhịp tim kéo dài.
- Một số bệnh tim bẩm sinh.
- Dùng một số loại thuốc (như hóa chất điều trị ung thư).
2. Một số dấu hiệu của suy tim
- Mệt mỏi khi hoạt động.
- Khó thở khi hoạt động.
- Khó thở khi nằm ngủ.
- Ho khi gắng sức hoặc khi nằm.
- Phù mắt cá.
- Mất cảm giác ngon miệng, đầy bụng.
- Tăng cân do phù.
Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác.
3. Cần thực hiện những xét nghiệm gì nếu nghi ngờ suy tim?
Chụp X-quang tim phổi: Có thể thấy bóng tim to và có tình trạng ứ đọng ở phổi.
Điện tâm đồ: Thấy được những biến đổi về nhịp tim và dấu hiệu dày các thành tim.
Siêu âm tim: Phát hiện được những tổn thương van tim, các bệnh tim bẩm sinh, đo kích thước các buồng tim, sự co bóp của cơ tim và phân số tống máu.
4. Một số thuốc chủ yếu trong điều trị suy tim
Ức chế men chuyển: Các thuốc ức chế men chuyển hay dùng hiện nay là renitec (Enalapril), zestril (Lisinopril), coversyl (Perindopril)...
Chẹn beta: Các thuốc thường dùng là dilatrend (Carvedilol), betaloc (Metoprolol)...
Lợi tiểu: Lasix, Hypothiazide, Natrilix, Verospirone.
- Digoxin: Có tác dụng làm chậm nhịp tim và tăng cường co bóp cơ tim.
5. Bệnh nhân suy tim phải làm gì để tự bảo vệ?
- Tìm hiểu về suy tim và các nguyên nhân của nó.
- Hiểu biết về một số bệnh lý khác (như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh phổi) có thể ảnh hưởng đến suy tim. Nếu mắc các bệnh trên, cần điều trị cẩn thận.
- Biết rõ các thuốc mình đang dùng và tác dụng phụ của nó. Ghi đầy đủ tên các thuốc và liều lượng đang dùng. Nên mang theo đơn thuốc khi đi khám bệnh.
- Theo dõi thật kỹ các triệu chứng.
- Nếu có các triệu chứng mới, hãy đi khám bác sĩ.
- Hạn chế ăn muối, chỉ nên dùng 2-4 g/ngày.
- Theo dõi lượng nước uống hằng ngày sao cho vừa đủ, có thể tư vấn thêm bác sĩ về vấn đề này.
- Nên cân thường xuyên vào một giờ cố định trong ngày. Tăng cân có thể là dấu hiệu đầu tiên của phù.
- Việc tập thể dục đều đặn rất tốt cho tim của bạn, nhưng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nên lập một kế hoạch tập luyện và phải có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ.
- Tạo tâm lý thoải mái, cởi mở với mọi người. Đừng nên quá thất vọng khi có một chẩn đoán mới.
- Cần đến khám bác sĩ thường xuyên.

ThS Phạm Như HùngSức Khỏe & Đời Sống

Việt Báo (Theo_VnExpress )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive