Sở hữu hàng trăm công nhân với 8 cơ sở sản xuất, sản phẩm làm ra
được phân phối khắp nơi, chị là một bà chủ có tiếng trong nghề may mặc.
Nhưng ít ai biết rằng, chị Đặng Thanh Hương - Giám đốc Công
ty cổ phần May Vĩnh Phát đóng ở thôn 1, xã Ông Đình (Khoái Châu, Hưng Yên) đã
từng phải mua vải vụn về cắt may từng cái quần, áo trẻ con để kiếm sống.
Chị
Đặng Thanh Hương - Giám đốc Công ty cổ phần May Vĩnh Phát (trái) đang kiểm tra
số lượng hàng trước khi xuất kho.
Khởi nghiệp từ… 700.000 đồng
Chị Hương mồ côi cha khi vừa tròn 1 tuổi, nên cuộc sống của ba mẹ
con chị gặp rất nhiều khó khăn. “Năm 7 tuổi, tôi đã phải xa mẹ và học cách sống
tự lập, khi đó mẹ gửi tôi về quê ngoại ở Thanh Ba, Phú Thọ để trọ học trong ký
túc xá trường cấp 1 rồi cấp 2. Cứ mỗi tháng mẹ lên thăm tôi một lần và mang
thêm gạo, tiền để tôi tự chăm lo sinh hoạt cho mình” – chị Hương nhớ lại.
Thương mẹ sớm hôm tảo tần, chị đành gác đèn sách để đi làm đỡ đần
mẹ. Chị Hương kể: “Tôi đến với nghề may rất ngẫu nhiên. Có lần đến xưởng may
nhà người bạn chơi và tôi đã bị hút hồn. Từ những mảnh vải rời rạc, qua bàn tay
khéo léo của các nữ công nhân bỗng thành một chiếc quần, áo rất đẹp và tôi nảy
sinh ý định đi học nghề may. Năm 2005, học “lỏm” được chút nghề và dành dụm
được 700.000 đồng, tôi mua một máy khâu Trung Quốc cũ về nhận may quần áo tại
nhà. Và tôi bước vào nghề may từ đó!”.
Mở công ty làm ăn lớn
Sau một thời gian mở quán may tại nhà, chị Hương thấy đầu tư vào
thời trang trẻ em rất hiệu quả, vì vải có thể tận dụng được, hơn nữa giá cả lại
phải chăng nên rất dễ tiêu thụ. Nhưng nếu làm nhỏ thì không ăn thua, ngoài số
tiền tiết kiệm được, chị vay mượn thêm gia đình, bạn bè và ngân hàng để mở
xưởng sản xuất.
“Tôi mua lại những mảnh vải vụn của các cơ sở sản xuất, thứ hàng
bỏ đi về chắp lại để may. Thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lô
vải mua về vụn quá, rồi trượt giá làm hàng bán thua lỗ… khiến tôi nản lòng,
toan bỏ cuộc. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên của bạn bè đặc biệt là anh trai,
tôi đã đứng dậy đi tiếp” - chị Hương tâm sự.
Lúc đầu chị Hương chủ yếu tập trung vào sản phẩm thời trang trẻ
em, đây không chỉ là cái duyên, mà còn là niềm ao ước từ thuở bé của chị. Chị
Hương bảo, chị đã từng ao ước có một bộ quần áo mới để mặc, nên chị hiểu được
cảm giác của trẻ thơ và đây chính là động lực giúp chị thiết kế ra những mẫu
quần áo đẹp cho trẻ em.
Chị Đặng Thị Thanh Hương cho biết: Để có được thành công ngày hôm
nay ngoài giữ được chữ tín, bản lĩnh, sự may mắn, phải nói tôi cũng đã rất mạo
hiểm. Làm kinh doanh là phải có bản lĩnh và sự mạo hiểm đúng lúc.
Khi đã vững và khá thành công với các sản phẩm đồng phục, thời
trang trẻ em, chị “lấn sân” sang cả thời trang của nam và nữ, áo khoác cho các
lứa tuổi. Hiện ngoài công ty chính đóng ở Hưng Yên, chị đã mở rộng ra 8 cơ sở
sản xuất nằm ở Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây… và đang tạo
việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Thương hiệu VipaCo đang được ưa chuộng trên thị trường và được
người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Với một dây chuyền
sản xuất lớn, hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp, mỗi năm chị thu về hàng tỷ đồng.
“Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng phân phối với các hệ thống siêu thị
lớn như: Big C, Coopmax và các đại lý bán lẻ trong cả nước. Ngoài ra tôi còn
tham gia nhiều kênh phân phối nhằm đưa sản phẩm về nông thôn” - chị Hương cho
biết.
Nam Tùng Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét