“Cuối
năm 1954, những người lính ở miền Tây Nam bộ chúng tôi lên tàu tập kết ra miền
Bắc. Trên đường đi, ai cũng cảm thấy bồn chồn, ai cũng ước mong, hy vọng ra miền
Bắc sẽ được gặp Bác Hồ kính yêu dù chỉ 1 lần... Vậy mà, trong suốt cuộc đời
mình, tôi đã được 3 lần gặp Bác. Với tôi, niềm vui lớn lao ấy như mới vừa xảy
ra...”
Bác Trần
Văn An, một cựu chiến binh, cán bộ nghiên cứu của Phân viện công nghệ sau thu
hoạch, Bộ Nông nghiệp đã nghỈ hưu tâm sự với chúng tôi như thế. Ông đã kể cho
chúng tôi nghe về những lần được gặp Bác của mình.
Đầu năm
1956, tôi được cấp trên cho chuyển ngành, được đi học ở Học viện Nông lâm. Vào
một ngày giữa năm 1957, trước khi lên lớp, toàn thể sinh viên chúng tôi được
ban giám hiệu cho gọi lên hội trường và thông báo rằng: “Chuẩn bị đón một đồng
chí lãnh đạo đến thăm trường...” Nghe thế, chúng tôi đoán già, đoán non. Chắc
là được đón Bộ trưởng Nông nghiệp đến thăm. Vì lúc ấy, thầy và trò trường chúng
tôi đang tiến hành việc xây dựng cánh đồng siêu cao sản được báo, đài đưa tin
rất rầm rộ.
Chúng
tôi đang hồi hộp chờ đợi thì bỗng nghe những tiếng kêu to của các bạn sinh viên
ngồi gần cửa hội trường : Bác Hồ! Bác Hồ đến anh em ơi! Không ai bảo ai. Chúng
tôi đều đứng bật cả dậy, vui mừng reo vang như muốn vỡ tung cả lồng ngực: Bác
Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Ngay lúc ấy, Bác nhanh nhẹn bước lên sân
khấu, ra hiệu cho mọi người im lặng rồi nói: "Hôm nay, Bác đến
thăm thầy trò các cháu. Vừa rôi Bác đã xuống thăm nhà bếp, bác rất mừng khi
thấy bếp ăn gọn gàng sạch sẽ. Chỉ có một điều là sàn nhà hơi trơn, cần sửa sang
lại kẻo các anh chị nuôi trượt ngã. Bác cũng đã đến xem khu ruộng cao sản thí
nghiệm của nhà trường. Bác biểu dương tinh thần hăng hái làm thí nghiệm khoa
học của các cháu. Duy chỉ có điều Bác rất áy náy là thí nghiệm chưa thành công
mà các cháu đã “ khua chuông gõ mõ ” ầm ĩ lên như thế là không nên. Các cháu là
các nhà nghiên cứu khoa học trong tương lai, làm khoa học thì phải có kết quả
thực tế thì mới nói chứ !".
Tiếp đến, Bác dặn
chúng tôi ngoài việc học tập khoa học kỹ thuật còn phải rèn luyện tinh thần
phục vụ. Bác kể lại chuyện lúc ở Việt Bắc, có nơi bị dịch trâu, bò, cấp trên cử
cán bộ thú y về chữa trị nhưng vị cán bộ thu y ngại bẩn, không chịu vào chuồng
trâu để khám và chữa bệnh cho trâu mà chỉ ngồi trên nhà sàn nhìn xuống. Kết quả
là trâu chết hàng loạt...
Lần thứ
2 mà ông Trần Văn An được gặp Bác Hồ là lúc ông và hơn 20 lưu học sinh khác
đang học ở Học viện Nông nghiệp Nam Ninh, Trung Quốc. Ông kể:
Vào một
buổi sáng tháng 5.1961, lúc tôi và các bạn chuẩn bị lên lớp thì nhà trường gọi
lên phòng họp nói là có một đồng chí lãnh đạo Việt Nam đến thăm. Chúng tôi
không thể ngờ rằng, dù bận trăm công ngàn việc, lại đang ở nước ngoài mà Bác
lại nhớ đến chúng tôi. Lúc bác đến, chúng tôi quây quần bên Bác, thấy các bạn
nữ ngồi ở xa, mỉm cười Bác bảo: Sao các cháu gái lại ngồi ở cuối phòng
thế? Các cháu trai ở hàng đầu nhường chỗ cho các bạn gái chứ! Ngồi bên
Bác, nhìn rõ được cả da mồi của Bác, chúng tôi thương Bác vô hạn.
Trong
lúc nói chuyện, Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng học thật tốt để sau này về
phục vụ đất nước. Lúc ấy, có người trong chúng tôi hỏi: Vì sao Trung
Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn 10 năm rồi mà đời sống của nhân dân còn gặp
khó khăn? Bác trả lời bằng cách kể một câu chuyện: Vào năm
1927, ở Quảng Châu, có thời Bác làm phiên dịch cho ông Bôrôđin là cố vấn của
Quốc tế Cộng sản cho chính phủ cách mạng Tôn Dật Tiên. Mỗi buổi sáng ra bờ sông
Hoàng Phố, bác đều thấy có người chết đói trôi trên sông. Nói xong Bác
hỏi: Các cháu xem bây giờ có ai chết đói nữa không? Chúng tôi
đồng thanh trả lời: Thưa Bác không ạ! Nghe xong Bác nói
tiếp: Trung Quốc là một nước rộng lớn, việc cải thiện đời sống cho nhân
dân không phải ngày một, ngày hai mà làm được. Nước Việt Nam ta có diện tích
nhỏ hơn nên có thuận lợi hơn Trung Quốc rất nhiều. Nói xong, Bác giơ chiếc
mũ lên và hỏi chúng tôi: Bây giờ Bác xoay chiếc mũ này dễ hơn hay là
xoay chiếc bàn đang ngồi đây dễ hơn? Chúng tôi trả lời: Thưa
Bác, xoay chiếc mũ dễ hơn ạ! Thế là các cháu đã hiểu rồi đó .
Lần cuối
cùng ông Trần Văn An được tiếp xúc với Bác là vào năm 1963, lúc ông đang giảng
dạy ở Trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương. Lúc ấy, cấp trên có chủ trương cử
một số cán bộ ở các cơ quan Trung ương về các địa phương tăng cường cho cơ sở.
Bác về thăm trường và dặn dò trước lúc chúng tôi lên đường. Bác nói: “Các
chú là cán bộ ở trên cử về thì phải gần gũi với nhân dân. Phải cùng ăn, cùng ở,
cùng làm, lắng nghe ý kiến của dân. Phải đoàn kết chặt chẽ với cán bộ cơ sở.
Cán bộ cấp trên về tuyệt đối không được tự cao, tự đại, coi thường cán bộ cơ sở
theo kiểu: “Khôn anh, anh ở trong bồ. Dại tôi cũng ở kinh đô tôi về”. Nơi nào
xảy ra mất đoàn kết thì cán bộ cấp trên cử về phải chịu hoàn toàn trách
nhiệm...". Nói xong, Bác cất giọng bắt nhịp cho tất cả mọi người
cùng hát bài ca Kết đoàn. Ngày xưa, Bác rất thích bài hát ấy. Bây
giờ, tôi ít nghe ai hát bài đó nữa, chẳng hiểu tại sao?
Kể xong
những kỷ niệm về ba lần được gặp Bác, ông Trần Văn An nói: Tuy cả 3 lần gặp Bác
đều rất ngắn ngủi nhưng những lời căn dặn của Bác đã theo tôi suốt cả cuộc
đời...
Tấn Tú
Việt Báo (Theo_Thanh Niên )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét