Thành
phố cao nguyên bốn mùa đều lạnh mang lại cho du khách những cảm nhận rất riêng
khi đặt chân đến. Một trong những điều rất riêng ấy phải kể đến nét ẩm thực
độc, lạ của người dân nơi đây. Các món ngon của Đà Lạt lạ không chỉ ở tên gọi
mà còn bởi cách chế biến và hương vị không lẫn vào đâu.
Bánh
tráng nướng
Yêu thích
bánh tráng nướng nên nhiều thực khách đặt cho món ăn này cái tên “Pizza Việt
Nam”. Từ hình thức đến nguyên liệu làm bánh tráng nướng đều giống món hệt món
pizza mà bạn vẫn thường ăn. Dần dần, bánh tráng nướng đã trở thành món ăn chơi
không thể thiếu của phố núi Đà Lạt.
Món bánh pizza của Việt Nam được du khách quốc tế
yêu thích.
Sự khác
biệt của bánh tráng nướng nằm ở phần đế bánh. Chiếc “pizza Việt Nam” có đế bánh
làm từ nguyên liệu là những chiếc bánh tráng Đà Lạt chính hiệu mỏng tang. Sau
khi đặt trên vỉ than nướng giòn, người chế biến thêm chút hành lá xào nhuyễn,
mỡ hành thơm nức, ruốc thịt đậm đà. Kế đến là lớp trứng gà tráng mỏng vàng ươm
cùng các phụ liệu độc đáo khác cho lên trên cùng. Tùy theo sở thích của từng
người mà nguyên liệu bánh tráng có thế khác nhau, từ bánh tráng nướng bò khô,
đến bánh tráng pa tê, phô mai, thịt gà, xúc xích, sốt maiyonaise…
Để thưởng
thức món ăn dân dã này khi có dịp tới Đà Lạt, bạn chỉ cần có từ 10.000 - 13.000
đồng là có ngay một chiếc bánh thêm trứng, phô mai và ruốc thịt.
Xắp xắp
Xắp xắp là
món ăn đường phố chứa đựng hương vị cuộc sống bình dị của những người dân phố
núi. Nhìn qua, xắp xắp gần giống như món nộm của miền Bắc hay gỏi khô của miền
Nam. Tuy nhiên, món ăn này có một hương vị khác lạ, không lẫn với bất cứ nơi
nào.
Xắp xắp
đem đến cho du khách một sự trải nghiệm mới về hương vị.
Nguyên
liệu để làm xắp xắp chủ yếu là đu đủ được bào thành sợi, khô bò, phổi bò, gan
lợn được rim cùng ngũ vị, các loại rau thơm... Nếu như gỏi khô bò miền Nam có
vị chua ngọt từ nước mắm, pha chế theo cách nêm nếm của người miền Nam, hay gỏi
khô bò miền Trung đậm đà bởi nước mắm hơi đậm và rất cay, thì xắp xắp Đà Lạt
như được chắt lọc vị tinh túy từ món ăn của cả hai vùng.
Nước chan
trong món xắp xắp Đà Lạt đặc biệt được làm từ nước me có độ chua dịu vừa phải,
không quá ngọt và không quá cay nên có nét đặc trưng rất riêng. Món ăn không
thể thiếu loại rau húng quế hay lạc rang giã dập. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận đu đủ
giòn đượm vị mặn, chua, ngọt, cay cùng với vị bùi ngậy của lạc rang, thơm thơm
của rau húng, khó lòng cưỡng lại nổi trong cái giá lạnh của xứ sở sương mù.
Sú kẹp
nách
Không chỉ
có cái tên độc đáo mà hình dáng và hương vị của sú kẹp nách cũng mang đậm đặc
trưng của xử sở ngàn hoa.
Có nguồn
gốc từ Bỉ, sú kẹp nách được trồng ở Đà Lạt từ thời Pháp thuộc. Cùng họ với cải
bắp nhưng sú kẹp nách phát triển với nhiều mầm rau theo hình xoắn ốc dọc theo
thân cây. Ở mỗi cuống lá sẽ là một quả giống như bắp cải nhỏ. Có lẽ chính vì
đặc điểm khá đặc biệt này nên khi xuất hiện ở Đà Lạt, cái tên sú kẹp nách được
hình thành một cách mộc mạc và thú vị như thế.
Nhìn qua
bạn sẽ thấy sú kẹp nách rất giống bắp cải bởi những lá rau cuộn tròn xoe nhưng
nhỏ xíu chỉ to hơn ngón tay cái.
Sú kẹp là
loại rau dùng để làm salad hay luộc, chiên đều rất thú vị. Loại rau này có vị
thanh mát và giàu chất dinh dưỡng. Đây được coi như một loại đặc sản ở Đà Lạt
rất có lợi cho sức khỏe.
Bánh ướt
lòng gà
Bánh ướt
lòng gà là món mà du khách phải tìm ăn khi đến Đà Lạt. Món này không ăn với
chả, nem hay bánh tôm như thường thấy ở nhiều nơi mà được ăn kèm với thịt và
lòng gà. Sự kết hợp giữa miếng bánh dẻo mềm với thịt gà thơm ngọt, vị dai dai
của lòng gà khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng.
Món bánh
ướt thường thấy được chế biến hết sức đơn giản,
nhưng với người Đà Lạt thì sự
khéo léo và bản chất phóng khoáng đã làm cho món ăn trở nên đặc biệt.
Người dân
ở đây làm bánh ướt tỉ mỉ từ khâu chọn gạo đến chọn lòng gà và thịt gà. Thường
người ta chọn gà vườn không quá lớn, thịt chắc và không được nhão hay quá dai.
Để tránh mùi tanh, lòng gà sau khi được sơ chế sẽ được ướp sơ qua một chút gia
vị cùng hành tỏi cho thấm, khi làm cho khách mới xào chín để miếng lòng giữ
được độ giòn thơm.
Kèm theo
tô bánh ướt lòng gà là một chén nước mắm pha vừa ăn, có độ cay ngọt thanh nhưng
đậm vị. Trong tiết trời se lạnh của sớm mai hay buổi tối, bạn sẽ không khỏi mê
mẩn trước vị dẻo thơm của bánh ướt nóng mới tráng, chút béo ngậy từ miếng thịt,
lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải thêm chút cay của ớt lẫn thơm nồng từ
rau thơm.
Bánh mì
xíu mại
Khi nhắc
đến xíu mại, có lẽ mọi người liên tưởng ngay đến những viên xíu mại nho nhỏ có
nước sốt tươi đỏ thật bắt mắt. Thế nhưng xíu mại Đà Lạt khi dọn ra có thể khiến
thực khách giật mình vì nó khác rất nhiều so với tưởng tượng.
Xíu mại Đà
Lạt cũng được làm từ thịt nạc quết khéo nên có độ dẻo dai vừa phải, nêm nếm vừa
nên hương vị rất nhẹ nhàng. Với nước dùng ninh từ xương heo quyện với nước ngọt
thanh từ thịt nạc viên, cộng thêm một chút hành lá thái nhuyễn trang trí khiến
cho món xíu mại Đà Lạt trở nên rất thanh từ hình thức đến hương vị.
Món bánh
mì xíu mại hấp dẫn mang "thương hiệu" Đà Lạt.
Khi dùng
xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để xíu mại hơi
đỏ và hơi cay, thêm phần hấp dẫn. Thực khách có thể dùng thêm chút giá và ngò,
bỏ vào chén xíu mại cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất ngon.
Cách dùng
bánh mì với xíu mại ở Đà Lạt cũng khác biệt. Nếu như các món bánh mì xíu mại
bình thường người ta bỏ xíu mại vào trong bánh mì thì ở Đà Lạt, thực khách có
thể xé nhỏ bánh mì chấm với xíu mại hoặc có thể bỏ xíu mại vào bánh mì tùy
thích.
Chè hé
Chè hé Đà
Lạt – cái tên vừa nghe qua cứ ngỡ như một món chè đặc sản của Đà Lạt với một
nguyên liệu thật khó hình dung. Tuy nhiên, chỉ khi thưởng thức rồi, thực khách
mới vỡ lẽ ra rằng, gọi là chè hé bởi quán phục vụ chè chỉ hé cửa do tiết trời
rất lạnh của Đà Lạt. Hơn nữa, vì vị trí của mình nên quán phải khép cửa để
không gian dành cho khách thêm ấm cúng trong chiều Đà Lạt lộng gió.
Chè "hé" có đủ hương vị cho thực
khách lựa chọn.
Không biển
hiệu và nằm khiêm tốn ở con dốc của đường 3/2 thành phố Đà Lạt, quán chè hé đã
rất nhiều tuổi tồn tại một cách thân thuộc, gần gũi với người dân Đà Lạt lẫn du
khách gần xa bằng thương hiệu khá mộc mạc. Ở đây, những món chè phục vụ gồm cả
chè nóng và chè lạnh, chỉ có khoảng gần 10 loại được phục vụ như chè bắp, chè
chuối, chè đậu…nhưng các món đều ngon, chế biến khéo léo với vị ngọt rất vừa,
lại phục vụ bằng những chén chè nho nhỏ nên thực khách dùng hoài không ngán.
Điều đặc
trưng làm cho chè hé trở nên nổi tiếng không chỉ bởi chi tiết “hé cửa” khá đặc
trưng, mà còn bởi nét tiêu biểu thanh đạm nhẹ nhàng trong các món chè, khiến ai
thưởng thức cũng ít nhiều cảm nhận cái hồn của Đà Lạt trong đó.
Cà phê
Chồn
Cà phê
chồn Đà Lạt đặc biệt bởi những hạt cà phê đã qua một quá trình nhai gặm của
chồn, từ sự bào mòn bởi các enzym men tiêu hóa nơi dạ dày của nó, đã góp phần
tạo nên hương vị rất đặc trưng của cà phê.
Hạt cà phê
chồn chưa qua xử lý. Phải trải qua nhiều công đoạn, người ta mới tạo ra một ly
cà phê chồn thứ thiệt.
Hương vị
đặc trưng này chứa đựng cả một hành trình khám phá thú vị và độc đáo. Khi
thưởng thức cà phê chồn Đà Lạt, người ta có thể cảm nhận được cả vị bùi của
đất, vị ngai ngái, vị dịu dàng của hương rừng, vị thơm nồng đậm đà của cà phê…
Sự cảm nhận ấy hình thành từ tinh chất trong thành phẩm và cũng là những tinh
tế của riêng mỗi người thưởng thức. Điếu đó là yếu tố quan trọng làm cho cà phê
chồn càng thêm độc đáo và quý hiếm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét