Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Ăn mặn tăng nguy cơ tai biến chết người

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 08:28, under | No comments

Bất ngờ tăng huyết áp, được các con đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ nửa tỉnh nửa mê, bà Lan, 56 tuổi (quận 6, TP HCM) khai thật với các bác sĩ mình đã lén cho thêm gia vị mặn vào thức ăn.


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc làm dụng ăn mặn dưới mọi hình thức trong bữa ăn là nguy cơ dẫn đến suy các cơ quan như tim, thận. Thực tế thăm khám tư vấn dinh dưỡng cho thấy, hầu hết người dân hiện nay thường chuộng khẩu vị đậm đà.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Thống kê tại các bệnh viện ở TP HCM, mỗi tháng, tại đây phải tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu liên quan đến tim mạch, trong đó không ít trường hợp bệnh nhân thừa nhận đã có thói quen ăn mặn từ hàng chục năm nay.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Phòng Dinh dưỡng Cộng đồng, Trung tâm dinh dưỡng TP HCM cho biết, thông qua thói quen ăn mặn hàng ngày, chúng ta đã đưa vào cơ thể hàm lượng muối cao gấp nhiều lần so với nhu cầu cơ thể cần. Thành phần chủ yếu của muối là Natri và Clo rất cần cho cơ thể, tuy nhiên sự tăng hoặc giảm Natri sẽ ảnh hưởng đến cân bằng nước và điện giải dẫn đến tăng hoặc hạ huyết áp cùng các hậu quả khác. Khi ăn mặn, hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận sẽ phải làm việc không ngừng để lọc máu. Nếu lượng Natri trong máu cao vượt khả năng lọc của thận, hàm lượng Natri trong máu sẽ gia tăng làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch.
“Hậu quả là nước sẽ di chuyển vào bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Điều này dẫn đến tăng huyết áp và tăng gánh nặng hoạt động của tim, nghĩa là tim phải bơm một lượng máu lớn hơn bình thường với áp lực cao, về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim”, bác sĩ Hạnh nói.
Không chỉ khiến bệnh huyết áp, suy tim tiến triển nhanh hơn, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều muối cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, có nguy cơ bị bệnh ung thư dạ dày; tăng nguy cơ mất canxi qua nước tiểu dẫn đến loãng xương và nguy cơ gãy xương.
Theo Viện Dinh dưỡng, người Việt Nam hiện nay dùng muối lên đến 18-22 gram một người mỗi ngày, cao gấp 3 lần so với khuyến cáo là chỉ nên dùng dưới 6 gram một người mỗi ngày (tương đương một muỗng cà phê muối cho một người mỗi ngày).
Nhiều người nhầm tưởng ăn mặn là ăn nhiều muối mà không biết các loại mắm, khô cá, các loại rau cải muối chua cũng là những thực phẩm có chứa hàm lượng muối rất cao. Một số người khác đã thừa nhận nuốt không trôi nếu ăn quá nhạt. Đây chính là lý do vì sao họ vẫn duy trì thói quen ăn mặn dù biết là không tốt cho sức khỏe.
Để giảm lượng muối ăn mà vẫn ngon miệng, theo bác sĩ Hạnh, phải tập dần dần chứ không thể giảm một cách đột ngột. Bạn nên tìm hiểu các cách chế biến món ăn lành mạnh mà không cần dùng nhiều muối. Cả gia đình nên ăn giống nhau và cùng giảm muối. Không kiêng riêng cho một người vì sẽ khó thực hiện. “Để giảm lượng muối trong chế độ ăn, bạn có thể ăn giảm muối từng bước như chọn các loại nước chấm có công thức giảm muối, pha loãng các loại nước chấm hơn là ăn nguyên chất, hạn chế thêm muối hoặc nước chấm trên bàn ăn, nêm thức ăn nhạt hơn bình thường”, bác sĩ Hạnh khuyên. Ngoài ra, việc cần thiết là đọc kỹ thành phần của thực phẩm trên nhãn trước khi sử dụng.
Cũng theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên hạn chế trữ trong nhà các thực phẩm như thịt hộp, thịt xông khói, lạp xưởng, giò, chả, mắm các loại… Ngoài ra, cha mẹ có thể tập cho trẻ thói quen ăn ít muối ngay từ nhỏ để hình thành thói quen không ăn mặn.

Nguồn: Vnexpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive