Không ít
người đã biết rằng gần 1/3 diện tích và 2/3 dân số Hà Lan nằm thấp hơn mực nước
biển. Nhưng Hà Lan còn là một cường quốc về nông nghiệp với giá trị nông nghiệp
xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới. Vậy đất nước này đã làm thế nào để sản xuất nông
nghiệp hiệu quả trong khi nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Câu
trả lời chính là những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới mà Hà Lan đã xây
dựng.
Phần 2:
Dự án Delta Works và những công trình vĩ đại
Tháng
1/1953, vùng tây nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão ở từ biển Bắc. Bão và
nước biển vượt qua hệ thống đê đã cũ ở phía tây nam nước này khiến hơn 200.000
vật nuôi bị cuốn trôi, 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn
người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất nông nghiệp bị
phá hủy.
Thiệt
hại từ cơn bão này khiến cho chính phủ Hà Lan xây dựng Luật Châu thổ (Delta
Law) nhằm quy định tiêu chuẩn xây dựng các công trình chống lụt của Hà Lan với
tiêu chí: đê biển bắc và nam phải đạt tiêu chuẩn chống được các cơn bão lụt với
tần suất 1 vạn năm/lần, các đê xung yếu khác cần phải chống được các cơn bão
lụt với tần suất 4.000 năm/lần, các con đê chuyển tiếp giữa các vùng đất cao và
thấp cần đáp ứng các cơn bão lụt với tần suất 2.000 năm/lần
Chính
phủ Hà Lan cũng quyết định xây dựng hệ thống chống lụt lớn nhất thế giới: Dự án
Delta Works (Delta Works Project) với tham vọng xây dựng chuỗi 16.500 km đê
chính và phụ, hệ thống cống tiêu nước, cửa ngăn triều, âu thuyền và rất nhiều công
trình phụ trợ khác nhằm giúp Hà Lan thoát khỏi nguy cơ lũ lụt.
Các hạng
mục chính của dự án Delta Works là các con đê ở các cửa sông cốt yếu (ảnh:
deltawerken.com)
Những
con đê chắn sóng linh hoạt với cửa van bằng thép khổng lồ
Khởi
công từ năm 1959, dự án Delta đã tiến hành xây dựng hàng loạt đê biển kiên cố
để chặn những cửa sông cốt yếu. Nhưng sau 14 năm xây dựng, một yếu tố bất ngờ
đe dọa sự tồn tại toàn bộ dự án: thủy sinh vật đằng sau các con đê đang chết
dần. Các con đê đã ngăn nước biển và xóa bỏ hệ sinh thái biển, nó cũng đe dọa
giết chết ngành công nghiệp đánh bắt hải sản nhiều lợi nhuận.
Dự án
Delta đang triển khai dang dở buộc phải thay đổi. Đối với các kĩ sư tham gia dự
án, việc thay đổi định hướng dự án khi đang xây dựng là một thử thách cực lớn.
Nhưng
rốt cuộc, với nỗ lực phi thường, những người Hà Lan đã xây dựng thành công một
hệ thống đê biển vĩ đại, có một không hai trên thế giới: 13 hệ thống đê linh
hoạt có cửa van cho phép hàng triệu mét khối nước chảy qua cửa sông khi thủy
triều lên xuống nhưng có thể đóng lại khi nước biển dâng cao chỉ bằng một nút
bấm.
Oosterscheldekering
là đê biển lớn nhất trong 13 hệ thống đê biển linh hoạt có cửa van chống lụt.
Con đê có chiều dài lên đến 9km chia làm 5 đoạn trong đó có 3 đoạn với cửa van.
Những đoạn này bao gồm 65 trụ bê tông khổng lồ cao từ 35 – 38,75m, nặng 18.000
tấn cùng với 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các trụ bê tông. Các cửa
van bằng thép dày 5m và rộng 40m, nặng đến 500 tấn mỗi cửa, thay đổi theo độ
cao từ 6m đến 12m tuỳ theo vị trí của chúng trong tuyến đê.
Đê biển
Oosterscheldekering có chiều dài 9km bao gồm 3 đoạn linh hoạt có các cửa van
đóng mở (ảnh: wikipedia)
Việc xây
dựng đê biển Oosterscheldekering vấp phải rất nhiều thách thức, nhưng các kĩ sư
Hà Lan đã giải quyết một cách tuyệt vời.
Để đê có
thể trụ vững trước dòng nước chảy xiết ở cửa sông đồng thời chống lại được sự
dịch chuyển của đáy biển, các tấm nhựa nhồi sỏi được rải bằng các xà lan đặc
chủng tại khu vực chân đê, tạo thành một lớp thảm dày 36cm, rộng 200m kéo dài
suốt con đê tạo thành lớp móng cứng và mịn.
Một đoạn
của đê biển Oosterscheldekering sau khi được hoàn thiện (ảnh: euroreizen.be)
Các trụ
bê tông để treo cửa van thép cần phải chịu được sức nặng 500 tấn và các cơn bão
lớn, chúng được sản xuất tại bến tàu. Mỗi trụ bao gồm 12 khối bê tông rỗng kết
nối với nhau. Thời gian xây dựng cho mỗi trụ là 1 năm rưỡi. Sau khi hoàn thành
30 trụ đồng thời, toàn bộ bến tàu được đánh chìm để các trụ bê tông nổi lên mặt
nước. Các khối trụ bê tông sau đó sẽ được kéo bằng tàu về vị trí với sai số chỉ
vài centimet. Tại vị trí, các trụ được làm chìm và giữ cố định bằng cách đổ đầy
5 triệu mét khối đá.
Các trụ bê tông đang được sản xuất tại bến tàu (ảnh:
beeldbank)
Các trụ
bê tông đã được xây dựng xong, chờ di chuyển đến vị trí (ảnh: CBS news)
Ngày
4/10/1986, đê biển Oosterscheldekering với chi phí xây dựng khổng lồ 2,5 tỷ
Euro đã được cắt băng khánh thành bởi Nữ hoàng Hà Lan.
Với
Oosterscheldekering, các kĩ sư hy vọng có thể chống được các cơn bão lũ với khả
năng xuất hiện 4.000 năm/lần. Nó được coi là một trong những công trình biển vĩ
đại nhất của con người hiện nay.
Đê biển
Oosterscheldekering được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của con
người hiện đại (ảnh: ggpht.com)
Hàng rào
chắn sóng di động duy nhất trên thế giới tại cảng Rotterdam
Cảng
Rotterdam là một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới nằm ở phía nam Hà
Lan. Hàng năm, có hơn 400 triệu tấn hàng hóa được lưu thông qua cảng biển này.
Nó là một yết hầu trong nền kinh tế Hà Lan.
Rotterdam
là một trong những hải cảng bận rộn nhất thế giới (ảnh: portstrategy.com)
Đường
vào cảng Rotterdam là một con kênh dài 360m có tên là New Waterway. Việc xây
một con đê cố định hay linh hoạt đều không khả thi tại đây, vì nó sẽ ngăn cản
tàu thuyền qua lại.
Để có
thể đảm bảo hàng triệu người dân Rotterdam có thể an toàn trong bão lũ, trong
khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến việc lưu thông của cảng, các kĩ sư Hà Lan
đã có một ý tưởng dường như điên rồ:
·
Xây dựng
một con đập là một hàng rào chắn sóng di động với 2 cánh cửa quay bằng thép,
mỗi cánh dài 210m, cao 22m với trọng lượng 6.800 tấn.
·
Hàng rào
này được điều khiển bởi siêu máy tính kết nối với hệ thống theo dõi mực nước
biển và thời tiết, có thể tự động đóng/mở trong trường hợp khẩn cấp.
·
Bình
thường, hai cánh cửa của của hàng rào vốn là 2 âu thuyền lớn, nổi hoàn toàn, mở
sang hai bên cho tàu đi qua. Nếu có một trận bão làm mực nước biển dâng lên 3m
so với mức bình thường, hai cánh cửa sẽ tự động di chuyển theo đường ray và
đóng sập lại, nước sẽ được bơm vào âu thuyền và khiến nó chìm sát xuống đế đập
để ngăn dòng nước.
Hàng rào
chắn sóng này được đặt tên là Maeslantkering, nó cũng là công trình cuối cùng
của dự án Delta Works. Để biến ý tưởng Maeslantkering thành hiện thực, các kĩ
sư Hà Lan đã có vô số giải pháp sáng tạo và táo bạo để giải quyết các thách
thức.
Hàng rào chắn sóng Maeslantkering khi đang mở (ảnh:
images.itv.com)
Hàng rào
chắn sóng Maeslantkering khi đóng lại (ảnh: images.itv.com)
Việc xây
dựng móng cho Maeslantkering là một thách thức lớn để đảm bảo móng đập có thể
phẳng và khít với cánh cửa quay đồng thời không bị xói mòn bởi nước chảy xiết
khi cửa đóng dần. Các kĩ sư đã chọn giải pháp đào sâu gần 10 mét xuống đáy
biển, rồi đổ đầy cát, đá sỏi xuống đó nhằm tạo ra nền móng có vững chắc nhưng
lại cho phép nước thấm qua và không bị xói mòn. Sau đó 64.463 tấn bê tông được
đặt trên móng để tạo nên chân đế vững chắc cho đập.
Phần
khớp nối của 2 cánh cửa là điểm yếu nhất trên toàn bộ con đập. Các khớp nối
được thiết kế có đường kính 10m và được chế tạo tại nhà máy cơ khí lớn nhất của
châu Âu với độ chính xác ngang với đồng hồ nhằm đảm bảo khả năng chống chịu
những cơn bão lớn nhất.
Phần tay
giàn của 2 cánh cửa đập được làm bằng thép ống đường kính 90cm. Chúng được lắp
đặt tại chỗ và hàn trong các lều bảo vệ để tránh nhiễm bẩn mối hàn.
Tay giàn
của 2 cánh cửa đập (ảnh: NYT)
Công trình Maeslantkering được hoàn
thành năm 1997 sau 6 năm xây dựng với tổng chi phí khoảng 450 triệu Euro. Công
trình này có thể chịu được các trận bão biển với khả năng xuất hiện 10.000
năm/lần.
Ngày 8/11/2007, lần đầu tiên Maeslantkering đóng lại khi một cơn bão tràn đến. Và nó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Rotterdam và vùng châu thổ phía sau trong cơn bão.
Ngày
nay, những công trình đê biển vĩ đại đã trở thành niềm tự hào của người Hà Lan
và được coi là kỳ quan của thế giới đương đại. Các công trình không chỉ thể
hiện trí tuệ, tinh thần chịu khó, sự dũng cảm của người dân Hà Lan mà nó còn
thể hiện khát vọng vươn lên và trách nhiệm đối với các thế hệ tiếp theo trong
việc xây dựng một đất nước Hà Lan an toàn và thịnh vượng.
Video:
người Hà Lan đã tạo ra hệ thống đê biển vĩ đại nhất hành tinh như thế nào?
Thiện
Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét