Ảnh minh họa - nguồn internet
Bao nhiêu bài ca, thơ
văn, bao nhiêu niềm thương nhớ về gia đình khi con cái xa cha mẹ. Đó là nỗi đau
xa cách mà dân tộc ta đã phải chịu đựng trong chiến tranh. Tình thương yêu của
con cái với cha mẹ cũng sâu sắc và mang nặng đạo nghĩa.
Nhưng ngoài những người
mắng cho là sao lại hỏi vậy, "Con nào lại không yêu thương cha mẹ",
thì có những người ngậm ngùi: thương thì chắc là có thương, nhưng thời nay con
cái, lớp trẻ thể hiện nhiều cách cư xử kỳ lắm. Có người còn nói: lớp trẻ ngày
nay mạnh về tính thực dụng và rất yếu tính nhân văn.
Vì đâu nên nỗi? Cha mẹ
nào cũng nói rằng họ lao tâm khổ tứ để lo cho con cái được ăn học. Vậy thì ở
đâu ra những loại con phụ bạc, thậm chí đánh đập cả cha mẹ mà báo chí nhiều
phen lên tiếng?
Tất nhiên là có nhiều lý
do, trong đó có sự xói mòn các chuẩn mực đạo đức xã hội - nhưng điều mà cha mẹ
có thể làm được là hãy gìn giữ nền giáo dục gia đình cho thật kỹ lưỡng. Ngay từ
khi con còn nhỏ xíu, người lớn đã "định hướng" cho chúng bằng những
câu hỏi như: "Ở nhà này con yêu ai nhất?" (và dĩ nhiên, đứa trẻ sẽ
phải nghĩ xem vế thứ hai: nó ghét ai nhất nhà?). Hỏi như vậy chẳng khác nào dạy
đứa trẻ xem xét ở nhà ai là người nuông chiều nó nhiều nhất (mà nó cứ đinh ninh
đấy là người yêu nó nhất). Ai là người hay cho nó quà, đồ chơi và đáp ứng những
vòi vĩnh của trẻ.
Trẻ em chưa biết được
rằng người đáp ứng mọi điều theo nhu cầu của nó có khi là sai lầm. Họ không
trừng phạt, còn cười vui thích thú khi nó làm bậy, nói bậy và cho thế là con
mình khôn quá.
Các nhà sư phạm khuyên:
cha mẹ không nên mua sắm xả láng đồ dùng, đồ ăn, đồ chơi cho con trẻ. Nghe đơn
giản vậy mà khó lắm, nhất là ở thời đại dịch vụ nở rộ và trong túi cha mẹ có
sẵn tiền. Thật khó lòng từ chối những đứa con sau một ngày chúng xa cha mẹ, ở
lớp suốt ngày, cuối giờ chiều mới được nhõng nhẽo, đòi hỏi. Với lại, đồ dùng,
đồ chơi bây giờ nhiều quá, luôn luôn có mẫu mã mới, và đồ chơi ở nhà thì lại là
một thúng toàn bánh xe long lở, siêu nhân cụt đầu, gẫy tay và đầy các chi tiết
của trò chơi lắp ghép đã lẫn lỗn bộ nọ sang bộ kia.
Có người còn nói: đồ chơi
là để trẻ khám phá, tháo lắp, vặn gãy, moi bên trong xem có gì, thế mới là đồ
chơi. Đồ chơi không phải chỉ để ngắm. Nhưng phiền một nỗi, trẻ em không không
bao giờ biết đo lường các giá trị, và sau nữa nó không biết ở đó có cả sự hy
sinh nỗ lực của của cha mẹ.
Đừng tạo cho con trẻ thói
quen là chỉ làm việc vì có sự kích thích của vật chất. Cả những lời hứa hẹn sẽ
mua cho cái này, cái kia... cũng không nên. Bởi nếu cứ như vậy, trẻ em sẽ không
yêu thích công việc do giá trị và ích lợi của công việc, mà chúng sẽ làm vì
phần thưởng. Các chuyên gia nói rằng không thể mua tình cảm thương yêu của con
cái bằng sự yếu đuối hoặc khoan dung không đúng chỗ.
Vậy thì phải làm gì để
tạo dựng tình thương của con cái với cha mẹ? Để cho con cái yêu thương, cần
phải làm cho con cái có được cảm giác an toàn khi ở bên cha mẹ. Sự an toàn này
không chỉ là được chăm sóc lo lắng cho một đời sống vật chất, mà là an toàn cả
về tinh thần. Nó cảm thấy được dìu dắt bởi những nguyên tắc chứ không phải là
sự tùy hứng. Nhất là ngày nay cha mẹ thường xuyên căng thẳng, dễ nổi điên và
mắng phạt con nhiều khi vô cớ. Đó là sự tùy tiện của một người thần kinh yếu
đuối, dễ nổi điên, cư xử quá mức, lúc chiều chuộng đủ điều, lúc thì hơi chút đã
đánh đập. Lối giáo dục như thế làm con trẻ sợ, hoang mang và kém tin tưởng ở
một người lớn thiếu ổn định, trẻ em sẽ cảm thấy nó không được an toàn.
Muốn con yêu thương cha
mẹ, phải có một sự giáo dục và làm gương. Đó chính là cái lõi cốt làm cho con
em yêu kính cha mẹ mình.
Theo Hoàng Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét