Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tại sao trẻ khóc dạ đề

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 21:39, under | No comments

Mới 2-3 tuần, thậm chí đã 3 tuổi, trẻ dù khoẻ mạnh, tăng cân đều vẫn khóc dai dẳng hàng tiếng đồng hồ về đêm và chỉ nguôi ngoai tạm thời nếu được dỗ dành. Dù nhiều quan niệm cho dạ đề là một hiện tượng bí hiểm của tự nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định trẻ khóc hầu hết do đau bụng.


Ảnh minh họa - nguồn internet

Sữa chảy quá nhanh hay quá chậm cũng có thể khiến trẻ khóc dạ đề.

Họ tìm ra 3 nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng trên:

1. Trẻ bú chưa hết một bên đã bị chuyển sang bên kia

Trẻ càng bú lâu một bên vú thì hàm lượng chất béo trong sữa càng tăng. Nếu người mẹ tự ý chuyển cho trẻ bú sang bên kia (trước khi bé bú hết một bên), trẻ sẽ nhận được lượng chất béo ít hơn. Ít chất béo thì ít calo, do đó trẻ nhanh chóng bị đói, và phải bú thường xuyên hơn. Hậu quả là trẻ phải nhận vào một lượng lớn đường lactose trong sữa mẹ.

Do protein (có chức năng tiêu hoá đường lactose) không đủ để chuyển hoá tất cả lượng đường này trong một lúc, trẻ sẽ có triệu chứng không hấp thụ được đường lactose như: khóc, đi ngoài phân xanh, lỏng, có nhiều bọt khí...

Biện pháp khắc phục:

Không cho trẻ bú theo giờ. Các bà mẹ trên khắp thế giới có thể cho con bú rất hiệu quả mà không cần phải chú ý đến giờ giấc.
Cho trẻ bú một bên cho đến khi trẻ tự thôi hoặc ngủ giữa chừng khi bú. Nếu trẻ chỉ bú trong một thời gian ngắn (vài phút) thì mẹ có thể vắt bỏ bớt phần sữa trong, tiết ra đầu tiên, để trẻ bú phần sữa giàu dinh dưỡng hơn... Nếu sau khi bú hết sữa một bên, trẻ vẫn muốn bú tiếp thì mới chuyển sang bên kia.

2. Sữa mẹ chảy quá nhanh hoặc quá chậm


Một đứa trẻ bú quá nhanh và quá nhiều sữa một lúc có thể sẽ dễ trở nên cáu kỉnh và quấy khóc. Đây cũng được coi là một dạng khóc dạ đề, thể hiện sau khi bú được vài giây hoặc vài phút, trẻ bắt đầu ho, cảm thấy ngột ngạt và gặp khó khăn khi bú. Vì vậy, những đứa trẻ này muốn ngừng bú, rồi bú trở lại; hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần do chúng không thích sữa chảy nhanh, nhưng lại nóng ruột khi sữa chảy chậm.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể sẽ bỏ bú mất vài tuần, đặc biệt là đối với những trẻ 3 tháng tuổi.

Biện pháp khắc phục:

Cố gắng cho trẻ bú hết một bên trước khi chuyển sang bên kia.
Cho trẻ bú ngay khi thấy trẻ có biểu hiện đói. Nếu bị để quá đói, trẻ sẽ bú ngấu nghiến và gây nên hiện tượng trên. Tránh ngừng cho bú để cho trẻ uống nước (một đứa trẻ bú mẹ không cần phải uống nước ngay cả khi thời tiết nóng nực) hoặc cho bé ngậm ti giả.
Cho bú trong một không gian yên tĩnh và thư giãn. Nhạc bật to, ánh sáng chói và quá nhiều hoạt động diễn ra xung quanh sẽ không có lợi khi trẻ bú.
Mẹ nằm cho trẻ bú đôi khi cũng rất tốt. Nếu như nằm nghiêng cho bú không tiện thì cố gắng nằm thẳng lưng, đặt trẻ nằm trên và cho bú. Trọng lực sẽ giúp làm giảm tốc độ sữa chảy.
Nếu mẹ có thời gian, vắt bớt sữa (khoảng 30ml hoặc hơn) trước khi cho trẻ bú.
Trẻ không thích sữa chảy nhanh, nhưng có thể cũng nôn nóng, khó chịu nếu sữa chảy quá chậm. Khi đó, mẹ nên bóp để sữa chảy ra nhiều hơn.
Thỉnh thoảng cho trẻ uống chất lactose (loại enzime giúp chuyển hoá đường lactose), 2-4 giọt trước mỗi lần bú, sẽ giúp giảm bớt triệu chứng. Có thể dùng thuốc này mà không cần đơn của bác sĩ. Lưu ý, thuốc này khá đắt nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Trước khi nghĩ đến việc chuyển sang sữa bột, cách cuối cùng là vắt sữa của mẹ ra bình rồi cho trẻ bú.

3. Trẻ dị ứng với một số protein lạ trong sữa mẹ

Một số protein trong thức ăn của mẹ có thể được bài tiết vào sữa và gây ảnh hưởng đến bé, phổ biến nhất là protein sữa bò. Nếu trẻ khóc dạ đề do nguyên nhân này, người mẹ nên ngừng ăn các sản phẩm làm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua, kem... Tuy nhiên nếu protein sữa đã bị làm cho biến chất (như qua nấu nướng) thì không phải lo lắng gì.

Biện pháp khắc phục:

Người mẹ nên loại bỏ các sản phẩm làm từ sữa ra khỏi chế độ ăn uống trong 7-10 ngày.
Sau khoảng thời gian trên, nếu không có gì thay đổi, người mẹ lại có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ sữa.
Nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tốt, người mẹ nên từ từ sử dụng lại các sản phẩm từ sữa nếu như những sản phẩm này nằm trong chế độ ăn thường xuyên của mình. (Lưu ý rằng để sản xuất ra sữa, không nhất thiết phải uống sữa).

Sau đây là một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng protein qua sữa mẹ cho trẻ:
Các sản phẩm từ sữa
Các chất chứa caffein - cafe, trà, soda
Các sản phẩm từ đậu nành
Lạc
Tôm, cua
Chocolate
Cam, quýt
Bột mì
Thịt gà
Thịt bò
Trứng
Các vitamin người mẹ uống trước khi sinh (chất sắt có thể kích ứng cho trẻ)
Một số loại rau như: hoa lơ xanh, hoa lơ trắng, bắp cải, hành tây, cà chua.

Trước hiện tượng trẻ khóc dạ đề, các bà mẹ cần kiên nhẫn. Sữa bột không phải là giải pháp lý tưởng mặc dù nhiều đứa trẻ thích bú bình (với dòng chảy của sữa đều đặn hơn). Tuy nhiên trẻ vẫn có thể được nuôi bằng sữa mẹ nếu người mẹ vắt sữa ra bình cho trẻ bú. Nếu mọi biện pháp trên đều không đem lại kết quả thì vẫn chưa nên nản chí. Qua thời gian, trẻ sẽ tự hết chứng khóc dạ đề, khoẻ ra và lớn lên.

(Quỳnh Anh - Theo BS.Jack Newman, Bflrc.com)

Việt Báo (Theo_VietNamNet )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive