Điều gì đã giúp quốc gia châu Á nhỏ bé này luôn đứng đầu trong các
thành tựu giáo dục, báo Straits Times phần nào đưa ra lời giải đáp.
Ngày nay, Singapore thường xuyên dẫn đầu trong các thành tựu giáo
dục
Điều gì đã giúp quốc gia châu Á nhỏ bé này luôn đứng đầu về các
thành tựu giáo dục, báo Straits Times phần nào đưa ra lời giải đáp.
Những thành tựu của ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore, đã
trở thành chủ đề thảo luận của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng có một khía
cạnh thành công của ông ít được đề cập đến, đó chính là sự đầu tư dành cho
ngành giáo dục. Chiến lược của Lý Quang Diệu, như ông từng phát biểu, là
"phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có duy nhất của Singapore,
người dân".
Ngày nay, Singapore thường xuyên dẫn đầu trong các thành tựu giáo
dục, theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Chương trình Phát triển Đánh giá Học sinh
Quốc tế. Hơn nữa, mặc dù chỉ là một đảo quốc với 5 triệu dân (số liệu năm
2015), Singapore tự hào khi sở hữu hai trường đại học nằm trong top 75 thế giới
trong bảng xếp hạng Times Higher Education. Đây cũng là số trường đại học của
Trung Quốc, Nhật Bản và Đức lọt vào danh sách này.
Ông Lý và Singapore đã làm điều gì đúng cách?
Chiến lược của Lý Quang Diệu là "phát triển nguồn tài nguyên
thiên nhiên sẵn có duy nhất của Singapore, người dân"
Cần phải nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục của Singapore ngay từ
đầu không được thiết kế bởi ông Lý Quang Diệu và các đồng nghiệp. Thay vào đó,
nó được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc, kế thừa từ quá khứ là một nước
thuộc địa của Anh. Trái ngược với nhiều lãnh đạo thời hậu thuộc địa, ông Lý
không hề ngại ngần khi tận dụng tất cả các yếu tố của quá khứ, có thể hữu ích
cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Có thể nói giáo dục là lĩnh vực thể hiện rõ sự hiệu quả của phương
pháp này. Nhiều trường học đi đầu ở Singapore như Đại học Quốc gia Singapore
(thành lập năm 1905), Học viện Raffles (1823) và Trường Anglo-Chinese (năm
1886), xuất hiện trước khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập.
Hơn nữa, chương trình giảng dạy trung học cơ sở cũng được mô phỏng
theo hệ bằng cấp O-level và A-level của Anh. Tuy cơ sở hạ tầng cũng là một khía
cạnh được chú trọng, nhưng yếu tố trọng tâm của đầu tư giáo dục chính là học
sinh và giáo viên.
Giáo dục Singapore được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc, kế
thừa từ quá khứ là một nước thuộc địa của Anh
Một hệ thống rất nhiều học bổng đã cho phép những học sinh tốt
nhất ở Singapore được đi học ở một số trường đại học hàng đầu thế giới. Với mức
lương khởi điểm trên mức trung bình quốc gia, nghề dạy học cũng thu hút, phát
triển và giúp giữ chân một số sinh viên tốt nghiệp tốt nhất trong ngành.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục của Singapore đặc biệt trọng dụng
nhân tài. Họ cực kỳ tập trung vào việc xác định và phát triển các tài năng xuất
sắc và định hướng các em làm việc trong lĩnh vực công.
Những người nhận học bổng chính phủ phải làm việc trong lĩnh vực
công trong khoảng thời gian ít nhất là gấp đôi số năm học nhận học bổng. (Ví dụ
một học sinh Singapore nhận học bổng đại học 4 năm phải cam kết làm việc trong
lĩnh vực công ít nhất 8 năm).
Hệ thống giáo dục của Singapore đặc biệt trọng dụng nhân tài
Cách trọng dụng nhân tài tương tự cũng đã giúp điều chỉnh sự phát
triển và thăng tiến của giáo viên. Những giáo viên đứng đầu sẽ được giao nhiệm
vụ lãnh đạo mà không cần quá quan tâm đến nhiệm kỳ. Đồng thời, luôn có một sự
xoay vòng nhân sự giữa Bộ Giáo dục, lớp học và đội ngũ quản lý trường học. Giáo
viên thường xuyên có thể trở thành người thực hiện công tác chính sách. Nhiều
người sau đó lại quay trở lại dạy học.
Một ưu điểm nữa của đảo quốc này là chất lượng giáo dục tốt ở tất
cả các cấp độ học tập. Singapore rất tự hào về các học viện ưu tú của mình, thế
nhưng có người cho rằng bí quyết của nền giáo dục nước này chính là toàn bộ hệ
thống hàng trăm trường học đều cung cấp giáo dục chất lượng cao cho tất cả mọi
người.
Hệ thống giáo dục của Singapore không ngừng nhìn về phía trước. Từ
việc áp dụng song ngữ tiếng Anh (bên cạnh tiếng mẹ đẻ như tiếng Trung, tiếng
Malay hoặc tiếng Tamil), cho đến tập trung vào các môn khoa học, công nghệ, kỹ
thuật và toán học (viết tắt là Stem), Singapore đã nhìn thấy từ trước rất nhiều
chiến lược giáo dục quan trọng.
Một trong những bí quyết của nền giáo dục nước này chính là toàn bộ
hệ thống hàng trăm trường học đều cung cấp giáo dục chất lượng cao cho tất cả
mọi người
Sự lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 là kết quả của lịch sử
thuộc địa và nhu cầu một ngôn ngữ chung của xã hội đa sắc tộc. Nhưng đây đồng
thời cũng là bằng chứng cho thấy Singapore đã “đi trước thời đại” khi tiếng Anh
nhanh chóng nổi lên như ngôn ngữ chung của thương mại và khoa học toàn cầu. Và
một khi tiếng Anh đã “cắm rễ” trong hệ thống giáo dục Singapore, khả năng nó sẽ
tiếp tục giữ vai trò này trong nhiều thập niên tới, thậm chí cả nhiều thế kỷ
tới.
Về vấn đề này, ông Lý Quang Diệu cũng đã thể hiện sự khác biệt với
nhà lãnh đạo thời hậu thuộc địa khác cùng thế hệ. Thay vì chọn một ngôn ngữ đa
số của đất nước, ông và các đồng nghiệp đã chọn áp dụng một ngôn ngữ toàn cầu
cho một thành phố toàn cầu.
Hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới của Singapore sẽ là một trong
những di sản lâu đời nhất của ông Lý Quang Diệu
Hệ thống giáo dục của Singapore đã tiến hóa với thời gian và tiếp
tục phát triển. Trong những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách của
Singapore lo ngại rằng cách tiếp cận của họ với giáo dục có thể quá chặt chẽ và
tập trung vào các môn Stem. Vì thế họ bắt đầu chú ý hơn vào các học sinh xuất
sắc về khoa học nhân văn, nghệ thuật và thể thao.
Sự tái cân bằng đó vẫn đang tiếp diễn, với một sự chú tâm mới về
thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh.
Đối với ông Lý Quang Diệu, người được gọi là nhà lập quốc
Singapore, giáo dục đã vượt ra ngoài các trường học cứng nhắc. Như ông từng nói
trong một bài phát biểu vào năm 1977: "Định nghĩa của tôi về một người có
học vấn là một người không bao giờ ngừng học hỏi và muốn học hỏi."
Thật vậy, hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới của Singapore sẽ là
một trong những di sản lâu đời nhất của ông Lý. Điều này thể hiện rõ khi tang
lễ của ông được diễn ra tại Đại học Quốc gia Singapore.
Theo Trà My - Straits Times (Dân Việt)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét