Về vùng
quê xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), hẳn nhiều người không khỏi giật mình
trước hình ảnh những người phụ nữ tụm năm, tụm bảy hồn nhiên rít thuốc lào rồi
thả khói trong sự mê đắm…
Hút thuốc lào là thói quen từ
xa xưa của phụ nữ dân tộc Mường ở xã Ân Nghĩa
Với người
dân tộc Mường nơi đây, họ không chỉ quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện” mà
thuốc lào cũng được xem là thú tiêu khiển bậc nhất cho sự khởi đầu của cuộc
chuyện trò. Mỗi khi gặp nhau, họ thường mời nhau điếu thuốc lào rồi mới vào câu
chuyện. Không riêng con trai mà con gái mới lớn khoảng 12, 13 tuổi là bắt chước
ông bà, cha mẹ cầm điếu tập hút thuốc lào. Đây cũng là điều dễ hiểu khi phần
lớn phụ nữ Mường hút thuốc lào được hơn nửa đời người.
Ông Bùi
Văn Diển, Trưởng xóm Khanh thuộc xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) vừa nói vừa
chậm rãi chuyên trà mời khách: “Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, ở xã Ân
Nghĩa, đặc biệt là xóm Khanh này là nơi có nhiều phụ nữ hút thuốc lào nhất. Kể
ra xóm Khanh cũng nhiều người hút thuốc lào đấy. Cả xóm có 29 hộ, chừng 150
người già trẻ gái trai, thì phần ba số đó biết hút thuốc lào, tức là bình quân
mỗi nhà có khoảng hai người ôm điếu”.
Nhà ông
Diển có chiếc điếu cày dựng ngay chiếc bàn uống nước ở giữa ngôi nhà sàn rộng
rãi. Điếu cày của người miền núi hơi khác với người miền xuôi. Thân điếu làm
bằng cả khúc ống bương dài, to hơn nhiều so với chiếc điếu làm bằng ống tre,
ống nứa quen thuộc. Người hút phải vục gần hết khuôn mặt vào miệng điếu, chụm
hai tay lại cho kín khói rồi “bập bập” nhiều lần mới hết một điếu thuốc lào. Và
tiếng rít cũng không kêu to, chỉ “ùng ục” nên bà con gọi dụng cụ gây cảm giác
sảng khoái đó là điếu ục.
Hình
ảnh một cụ bà “phê” thuốc lào
Có mặt tại
khu chợ Ré, xã Ân Nghĩa, chúng tôi khá bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cảnh hàng
trăm cụ bà, phụ nữ tụm ba tụm bảy hút thuốc lào. Trên tay họ là những chiếc
điếu cày to, làm bằng tre dài đến gần một mét và thay nhau rít những hơi dài,
ngẩng mặt lên trời nhả khói mê đắm, sau đó truyền tay nhau cho người kế bên
cùng thưởng thức. Sau mỗi lượt hút, họ lại bàn tán về độ ngon và nặng nhẹ của
thuốc.
Bà Bùi Thị
Ủn, người có thâm niên hút thuốc lào hơn 50 năm nay phân trần: “Ngày xưa đói
nghèo lắm! Lúa gạo không có ăn, nhưng cây thuốc lào thì Pháp nó trồng khắp nơi.
Những năm mới lên 12, 13 tuổi theo cha mẹ đi hái lá cây thuốc lá về thái nhỏ,
phơi khô sau đó thấy người lớn cuộn lại hút, tôi cũng hút theo. Hút dần cũng
thành quen, bây giờ thì đã thành con nghiện rồi, không sao dứt bỏ được”.
Một
số phụ nữ đứng tuổi vẫn thường hút thuốc lào giữa chợ
Tạt vào
nhà chị Bùi Thị Ơn, ở xóm Ngãi hỏi chuyện, chị thân thiện mời chúng tôi vào nhà
và không quên mời khách điếu thuốc lào. Vừa mới cho đàn lợn con ăn, tay còn
chưa hết mùi hôi tanh nhưng chị Ơn đã vội ôm cái điếu cày, châm lửa rít một hơi
dài rồi nhả làn khói trắng cuồn cuộn. Chị bộc bạch: “Cuộc sống là thế đấy chú
ạ! Làm việc mà không có điếu thuốc thấy nhạt mồm nhạt miệng, chân tay bủn rủn
làm không nổi. Mệt mỏi lắm. Tôi có thể nhịn cơm vài ba ngày chứ nhịn thuốc một
bữa thì không chịu được, trong cái bụng, cái người nó bứt rứt lắm”.
Nói xong,
chị lại đưa điếu lên miệng, rít sòng sọc, nhả khói bay che hết khuôn mặt, rồi
tiếp lời: “Ở xã này không biết hút thuốc lào thì coi như chưa phải là người
Mường. Con gái lớn lên không biết hút thuốc, con trai nó cũng không thèm hỏi
làm vợ đâu”.
Phụ
nữ Mường khi gặp nhau thường vui vẻ trò chuyện và cùng rít thuốc lào
Chẳng biết
chị Ơn nói thật hay đùa, chứ như lời chị thì mới lên 10 tuổi, bé Sen con gái
thứ hai của chị đã được bố mẹ tập tành cho hút thuốc lào. Đến nay mới 17 tuổi
nhưng cháu đã hút rất sành sỏi. Sen bảo: “Cháu hút vài lần là quen. Mới đầu hút
bị say, đầu nó cứ quay quay thế nào ấy, nhiều lúc khói nó sặc lên mũi, ho sù
sụ, nay thì hút ngon lành rồi”. Nói xong Sen châm que đóm vào bếp lửa, rít điếu
thuốc lào sòng sọc. Cùng tuổi với Sen, Lài - con gái chị En cũng được bố mẹ cho
hút thuốc lào từ năm 13 tuổi, đến nay Lài đã nghỉ học và đang trau chuốt cái
điếu thật đẹp làm của hồi môn, chuẩn bị cho ngày về nhà chồng.
Chị em nơi
đây hút thuốc lào rất đặc biệt. Thuốc được cho vào điếu thật nhiều, một người
châm lửa rồi điếu được truyền cho năm bảy chị em cùng hút, cùng nhả khỏi vào
giữa tạo thành những vòng tròn quyện vào nhau như không có hồi kết. Hỏi anh
Diễn được giải thích rằng: Đó là một nét văn hóa đặc trưng của chị em người
Mường vùng này. Chị em sống với nhau rất chân thành. Bất kể gia đình nhà ai ở
bản có chuyện vui hay buồn, chị em đều đến để giúp đỡ. Và họ thường lấy điếu
thuốc lào để sẻ chia.
Theo lời
ông Bùi Văn Lâm, Chủ tịch xã Ân Nghĩa, ngày trước chuyện con gái không biết hút
thuốc lào thì ít trai làng đến làm quen là có thật. Tuy nhiên, bây giờ chỉ đa
phần những người phụ nữ đứng tuổi hút thuốc lào, còn giới trẻ do cập nhật được
thông tin, biết tác hại của việc hút thuốc nên cũng bỏ dần.
Theo
dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét