Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang sợ hãi hay lo lắng điều gì đó:
1. Khó tập trung: Khi trẻ đang sợ hãi một điều gì đó, trẻ thường
khó tập trung vào công việc , chẳng hạn như không tập trung làm bài tập về nhà,
hay lơ đãng, không chú ý nghe thầy cô giảng bài trong lớp...
2. Thay đổi trong hoạt động hàng ngày: Những trẻ đang
mang tâm trạng sợ hãi hay hiếu động hơn bình thường, có lúc còn kích động thái
quá. Tuy nhiên, một số trẻ khác lại trở nên thụ động hơn, trông chậm chạp và thờ ơ với những gì xảy ra
xung quanh. Cha mẹ nên chú ý đến những thay đổi bất thường này ở con mình để có
hướng xử lý thích hợp.
3. Thay đổi thói quen ăn uống: Một số trẻ mang tâm trạng sợ hãi hoặc lo
lắng sẽ có cảm giác ăn uống không ngon miệng, ăn ít đi so với ngày thường. Tuy
nhiên, đối với một số khác, ăn nhiều hơn lại là phản ứng khi sợ hãi, lo lắng
điều gì đó.
4. Thay đổi thói quen ngủ nghê: Nếu trẻ đang lo
lắng, sợ hãi, chúng sẽ khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Chúng dễ gặp ác mộng
hoặc hay nói mê khi ngủ.
5. Trẻ hay than thở bị nhức đầu hay có cảm giác bị bệnh: Nếu có chuyện gì
lo lắng, sợ hãi, trẻ thường than thở với ba mẹ rằng chúng cảm giác đau ở đâu đó
trong người, chẳng hạn như nhức đầu hay đau bao tử...
Cha mẹ có thể làm gì để giúp trẻ ?
1. Làm gương cho con:
Nếu cha mẹ hay sợ hãi, trẻ cũng có khuynh hướng sợ hãi giống như
cha mẹ chúng. Con trẻ học rất nhiều từ cha mẹ, do đó cha mẹ nên cố gắng dạy làm
gương cho chúng bằng cách tự mình khắc phục nỗi sợ hãi của bản thân. Cha mẹ
không nên có phản ứng quá mức khi có điều gì lo lắng mà nên biết cách đối mặt
và vượt qua chúng. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được rằng lo sợ là một điều rất bình
thường trong cuộc sống mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục và vượt qua được.
2. Đừng phản ứng thái quá trước nỗi sợ hãi của trẻ: Cha mẹ không nên
bỏ qua khi thấy trẻ lo lắng hay sợ hãi điều gì đó, ngược lại cũng không nên
phản ứng thái quá. Cách phản ứng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ;
trẻ sẽ nhận định mình có thể vượt qua hay quy hàng trước nỗi sợ hãi. Cha mẹ chỉ
nên phản ứng nhẹ nhàng trước nỗi sợ hãi của trẻ, hỏi thăm trẻ xem bạn có thể
làm gì để giúp đỡ chúng, tỏ ra thông cảm với trẻ...
3. Cho trẻ hiểu rằng sợ hãi là chuyện bình thường trong cuộc
sống: Cha
mẹ nên dạy trẻ hiểu rằng sợ hãi không có gì là tội lỗi cả; mọi người, người lớn
cũng như bé, ai cũng sợ hãi một điều gì đó ít nhất một lần trong đời. Đồng
thời, đảm bảo với trẻ rằng có những giải pháp giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ
hãi.
4. Khuyến khích trẻ thổ lộ và bàn bạc với cha mẹ: Cha mẹ nên biểu
hiện rằng bao giờ mình cũng sẵn sàng lắng nghe trẻ thổ lộ những nỗi sợ hãi
chúng đang mang trong lòng cũng như sẽ hết lòng giúp đỡ chúng vượt qua những
nỗi sợ hãi đó.
5. Sử dụng phương pháp “tự kỷ ám thị” theo hướng tích cực: Ví dụ, khi trẻ
sợ bóng tối, ba mẹ dạy trẻ lặp đi lặp lại câu: “Tôi không sợ đâu. Chỉ là bóng
tối thôi mà. Không có cái gì ở đó có thể làm hại tôi cả”.
6. Tránh những hoạt động có thể làm trẻ sợ hãi: Cha mẹ không nên
để trẻ xem các bộ phim kinh dị, ma quái hay nghe kể các câu chuyện rùng rợn.
7. Không hù dọa trẻ chỉ vì muốn chúng vâng lời: Cha mẹ nên cẩn
thận không hù dọa trẻ một cách không cần thiết chỉ vì muốn chúng vâng lời;
chẳng hạn như “Hãy đi kế bên mẹ, nếu không “ông kẹ” sẽ bắt cóc con đó”. Những
câu đại loại như thế có thể gây nên những nỗi sợ hãi không cần thiết nơi trẻ.
8. Đừng “úm” trẻ quá mức: Nếu cha mẹ luôn tỏ ra bảo vệ con mình quá mức, trẻ sẽ có
khuynh hướng cái gì cũng sợ. Đôi lúc, trẻ phải tự mình trải qua nỗi sợ hãi để
biết cách khắc phục chúng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa
là cha mẹ nên giới thiệu những điều đáng sợ cho con để chúng “có kinh nghiệm”.
Ngược lại, khi trẻ phải đối mặt với nỗi sợ hãi nào đó, thay vì gạt bỏ nỗi sợ
hãi đó qua một bên ngay tức khắc, cha mẹ nên đề nghị hỗ trợ và giúp trẻ dũng
cảm đối mặt với nỗi sợ đó.
9. Khen/thưởng trẻ khi chúng có thái độ không lo lắng/sợ hãi: Cha mẹ nên cổ vũ
khi trẻ thực hiện điều gì đó lần đầu tiên nhưng chứng tỏ được tinh thần trách
nhiệm cũng như tính độc lập. Ngoài ra, những lời khen cũng như những phần
thưởng của cha mẹ khi trẻ có tiến bộ và từng bước vượt qua nỗi sợ hãi cũng góp
phần khuyến khích trẻ khắc phục nỗi sợ hãi.
10. Dạy trẻ cách thư giãn: Thư giãn giúp trẻ giải tỏa những căng
thẳng do sợ hãi gây nên. Một trong những kỹ năng thư giãn hữu hiệu là sử dụng
trí tưởng tượng để hồi tưởng cũng như phát triển các hình ảnh mang tính thư
giãn tích cực (chẳng hạn như tham gia các hoạt động ngoài trời, trên bãi
biển...). Một kỹ năng khác là hướng dẫn trẻ cách căng và thả lỏng các nhóm cơ
bắp theo hệ thống. Nên luyện tập các kỹ năng này mỗi ngày để đạt hiệu quả cao
hơn.
Cha mẹ nên tư vấn các nhà chuyên môn để biết cách thức nào thích
hợp nhất cho con của mình, đồng thời hỏi trẻ xem chúng thích cách thức nào để
có phương pháp rèn luyện hợp lý. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ sử dụng liệu
pháp âm nhạc khi cảm giác sợ hãi điều gì đó vì âm nhạc có tác dụng làm dịu tinh
thần rất hữu hiệu.
11. Tư vấn các nhà chuyên môn về tâm lý: Nếu nỗi sợ hãi
nơi trẻ gây cản trở sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của chúng cũng như của gia
đình, và cứ tiếp diễn mặc dù cha mẹ đã tiến hành nhiều cách thức để hỗ trợ trẻ
vượt qua nỗi sợ hãi đó, cha mẹ nên nhờ các nhà chuyên môn về tâm lý tư vấn để
có hướng giải quyết thích hợp và hiệu quả hơn.
THẢO VY (theo www.parenting-ed.org )
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét