Cây hoa dẻ còn gọi với tên khác
là nồi côi, tên khoa học là Desmos chinensis, thuộc họ Na (Annonaceae). Là loại
cây mọc hoang trên các đồi cây ven rừng hoặc được trồng làm giàn leo cây cảnh ở
các biệt thự.
Hình ảnh minh họa
Hoa dẻ luôn thấy xuất hiện trong đĩa hoa cúng
trên bàn thờ tổ tiên vào ngày rằm, mồng một, lễ tết. Hoa dẻ là loài hoa dại có
năm cánh hoa vàng ươm như ánh trăng mùa thu. Hoa dẻ thơm nồng nàn hơn cả hoa
bưởi, hoa cau. Thường thấy loài hoa dại này sống ở ven rừng. Nhiều bộ phận của
cây dẻ được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Bộ
phận sử dụng để làm thuốc là cả cây (thu hái quanh năm, chặt nhỏ, phơi khô,
dùng riêng hoặc phối hợp với cây khác), hoa và rễ. Theo kinh nghiệm của đồng
bào dân tộc Dao ở tỉnh Tuyên Quang, bà con đã thu hái cây hoa dẻ quanh năm,
chặt nhỏ, phơi khô, dùng riêng hoặc phối hợp với cây bòn bọt, nấu nước sắc để
chữa bỏng và vết thương lở loét nên Học viện Quân y đã bào chế từ 2 dược liệu
trên dạng cao lỏng lấy tên là cao SH-91, theo cách làm cụ thể sau: Cả cây hoa
dẻ và cành lá bòn bọt, mỗi thứ 5kg, chặt nhỏ, phơi khô cho vào nồi nhôm, đổ ngập
nước 1 – 2 cm, nén nhẹ bằng 1 chiếc vít cho dược liệu không nổi lên, đun sôi
trong 3 giờ, chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục đun sôi trong 2 giờ,
chắt lấy nước thứ hai. Gộp 2 nước sắc lại, cô nhỏ lửa thành cao. Cao có tỷ lệ
10/1 (10kg dược liệu thu được 1 lít cao) màu nâu nhạt, mùi thơm nhẹ. Đóng chai
nút kín, đun tiệt trùng ở 110 độ C trong 1 giờ. Khi dùng, chế cao thành thuốc
mỡ gồm cao SH-91 10g, lanolin 10g, sáp ong 2g, vaselin vừa đủ 100g. Ngày bôi 3
– 4 lần. Thuốc không gây mẩn đỏ, ít phù nề, tạo màng che phủ tốt, liền sẹo
nhanh. Thành phần có tác dụng của thuốc chính là tanin, chất làm săn se, cầm
máu, ngừng xuất tiết, tạo màng che phủ và diệt khuẩn trên các vết bỏng nông và
saponin là chất làm giảm sức căng bề mặt chất lỏng, có khả năng làm tan mủ diệt
khuẩn ở các vết bỏng sâu, tạo điều kiện phát triển tổ chức hạt và biểu mô. Đông
y cho rằng, rễ cây hoa dẻ vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng mạnh, tỳ vị, giảm
đau, lợi thấp, chữa tê thấp, đau nhức gan xương, chân tay tê bại. Còn hoa dẻ
tính bình, không độc, có tác dụng an thần, trấn tĩnh, chữa mất ngủ, ngủ không
yên. Dược liệu được thu hái quanh năm, như rễ thu hái, đem về rửa sạch, thái
mỏng, phơi hay sấy khô cất dùng dần. Hoa dẻ được thu hái khi mới nở, đem phơi
nắng nhẹ hoặc sấy lửa nhỏ để đảm bảo mùi thơm. Dưới đây xin giới thiệu những
cách trị bệnh từ cây hoa dẻ để tham khảo và áp dụng khi cần.
·
Chữa tê thấp, đau nhức gân xương, chân tay tê
bại (Dùng phương “Bách gia chân tàng” là phương thuốc của Hải Thượng Lãn Ông,
rễ cây dẻ phối hợp với các vị thuốc khác): Rễ hoa dẻ, rễ rung rúc, rễ gắm, vỏ
thân ngũ gia bì chân chim, rễ bướm bụng, mỗi vị 80g; rễ sấm nam, rễ cỏ xước, rễ
ô dược, rễ bướu bạc, rễ tầm xuân, tầm gửi, cây dâu, rễ bạch đồng nữ, mỗi vị
40g; rễ chỉ thiên, cả cây roi ngựa, mỗi vị 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm
với 2 lít rượu trắng trong 1 – 2 tháng, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi
lần một chén nhỏ.
·
Chữa ngộ độc nấm, mẩn ngứa, mụn nhọt của Tuệ
Tĩnh (Nam dược thần hiệu): Dùng rễ hoa dẻ phối hợp với kim ngân hoa, mỗi vị
30g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày để chữa ngộ độc
nấm, mẩn ngứa, mụn nhọt.
·
An thần, trấn tĩnh, chữa mất ngủ, ngủ không
yên: Dùng hoa dẻ thu hái khi mới nở, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy lửa nhỏ để giữ
mùi thơm: Lấy 8 – 16g hoa đã khô, cắt nhỏ hãm với nước sôi, uống 1 lần trước
khi đi ngủ. Ngày uống 2 – 3 lần.
Theo tuelinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét