Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Xử trí khi bé hay đổ lỗi cho người khác

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 19:15, under | No comments


Ảnh minh họa - nguồn internet

Một người mẹ kể: “Khi tôi trở về nhà, tôi thấy trên tường nhà rất nhiều những sọc ngang dọc bằng bút chì màu, còn bé Jen (hơn 3 tuổi) đang ngồi ngay ngắn xem hoạt hình. Tôi bình tĩnh hỏi con: “Jen, có chuyện gì với bức tường thế?”.
- “Anh Ben làm đấy mẹ ạ” – Bé Jen đáp (Ben là cậu anh trai 10 tuổi của bé).
- “Nhưng anh Ben vừa đi học về. Anh ấy không thể vẽ bậy lên tường được”.
- “Anh ấy chạy về nhà, rất nhanh, vẽ lên tường rồi anh ấy lại chạy tới trường học” – Jen lém lỉnh giải thích.
Đây không phải lần đầu tiên Jen gây lỗi và đổ tội lên đầu anh Ben. Lần nào, bé cũng bào chữa rằng: “Anh Ben đấy mẹ ạ” hay “Tại anh Ben”… Tôi không thích chuyện này một chút nào nhưng cũng không biết làm sao để bé Jen chịu nhận lỗi ngay?”.
Tham khảo câu trả lời từ Christine Ateah (Chuyên gia tâm lý trẻ em Mỹ), đồng tác giả cuốn sách Sự phát triển của bé: Khoảng cách giữa các thế hệ đăng tải trên Parenttoday:
Nhiều cha mẹ thắc mắc vì sao các bé ở tuổi mẫu giáo hay đổ lỗi cho bạn chơi, anh (chị) và thậm chí là những con vật nuôi về hành vi không ngoan của mình.
Một trong những nguyên nhân đó là vì bé chưa phân biệt được sự thật và hình ảnh do tưởng tượng. Nếu cha mẹ giận dữ, bé sẽ tiếp tục “bào chữa” mà không nhận biết rằng điều bé đang tưởng tượng sẽ bị lộ tẩy.
Trong tâm trí của bé Jen, bé sẽ nghĩ rằng: “Con ước gì anh Ben vẽ bậy, chứ không phải con” và khi bật thành lời nói, bé sẽ lém lỉnh: “Là anh Ben làm đấy mẹ ạ”.
Cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ tránh trừng phạt hoặc giận dữ với con. Kiểu nói sai sự thật này là dấu hiệu cho thấy bé đã ở vào giai đoạn phát triển mới: Bé biết nói dối để tránh bị phạt dù lời nói dối đó không hoàn hảo. Khi bé đổ lỗi cho người khác và không chịu nói sự thật, bạn hãy coi đây là cơ hội để trò chuyện với con về tầm quan trọng của lời nói thật.
Chuyên gia đưa ra vài gợi ý để cha mẹ ứng phó với bé như sau:
- Cha mẹ có thể nói: “Mẹ chắc con không cố tình làm điều này. Hai mẹ con mình cùng lau sạch chỗ này nhé”. Nó thể hiện rằng, bạn biết lỗi này là do bé nhưng cũng thông cảm với lỗi của bé. Điều quan trọng là hướng bé đến việc khắc phục vấn đề một cách tự giác.
- Bạn yêu cầu bé không chỉ giải quyết hậu quả (chẳng hạn, dọn đống bề bộn hoặc lau vết bẩn trên tường) mà bé còn phải xin lỗi người bé đã buộc tội. Bởi vì, anh (chị) của bé thực sự buồn vì chuyện đó.
- Ôn luyện cho bé những quy tắc về sự trung thực thông qua trò chơi đúng – sai; chẳng hạn, bạn hỏi bé: “Ngoài trời đang mưa, đúng hay sai?”, nếu trời đang nắng mà bé bảo là mưa, bạn hãy lắc đầu: “Không đúng”.
- Nên nhớ bé học bằng cách quan sát người xung quanh; vì thế, nếu bạn mắc lỗi, bạn cần cho bé thấy tinh thần sửa sai sau đó.
- Cuối cùng, cha mẹ không nên quá lo vì bé ở độ tuổi mẫu giáo chưa biết chịu trách nhiệm do lỗi của bản thân. Bé sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu được mẹ chỉ ra lỗi sai và hướng khắc phục. Mỗi độ tuổi khác nhau, lời giải thích và tinh thần trách nhiệm mà bạn đặt ra với bé cũng cần đa dạng.

Theo Phương Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive