Có đôi khi, vì quá nhiều việc mà bạn không biết phải làm việc nào trước,
việc nào sau. Thời gian và công việc cứ “lộn tùng phèo”, chẳng thể kiểm soát vì
việc này chưa xong lại phải lo giải quyết việc khác. Kiểu làm việc này không
thể mang lại hiệu quả và luôn gây bực bội.
Lập một lịch trình làm việc là một quá trình bạn sắp xếp thời
gian thích hợp cho từng công việc, là việc lên kế hoạch để đạt được mục tiêu
trong khoảng thời gian hoạch định. Bằng thói quen phác thảo kế hoạch làm việc,
bạn sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc quản lý thời gian của mình:
- Hiểu rõ điều mình thật sự mong muốn đạt được, đương nhiên mơ
ước là vô vàn nhưng bạn sẽ phải cân nhắc cái gì là thật sự đáng để hy sinh thời
gian vì nó.
- Tận dụng hết mọi nguồn thời gian sẵn có: ai cũng có 24 giờ một
ngày, 7 ngày một tuần và 3 năm để học cấp 3, nhưng có những người trong 18 năm
học đã có thể nói được 3 ngoại ngữ, có người không xong nổi tú tài. Ngoài sự
chênh lệch về khả năng tiếp thu, sự khác biệt ấy còn phụ thuộc vào cách sử dụng
thời gian của mỗi người.
- Dành đủ thời gian cho những điều quan trọng mà bạn chắn chắn
rằng mình phải đạt được. Một người sống có kế hoạch có thể là một người bận rộn
nhưng không bao giờ là một người quay mòng mòng với núi công việc và luôn chép
miệng: "Ôi, tôi không có thời gian".
- Luôn có những khoảng thời gian dự trù cho những việc bất ngờ
cần giải quyết gấp. Bạn có một kế hoạch, và có thể nó đã được điền kín, nhưng
thế không có nghĩa là bạn từ chối đi thăm ông ngoại bị bệnh. Kế hoạch chỉ đem
lại hiệu quả nếu đấy là một kế hoạch linh hoạt.
- Giảm khả năng bị stress vì bạn có thể làm chủ cuộc sống của
mình một cách hợp lý.
Những công cụ để hỗ trợ việc bạn lập kế hoạch, đó là nhật ký, sổ
tay, lịch làm việc, đương nhiên bạn không thể ghi thời khóa biểu của mình lên…
não bộ rồi. Dù bạn có tự hào về trí nhớ của mình đến đâu thì cũng nên viết nó
ra nếu không bạn lại phung phí khoản thời gian vừa tiết kiệm được để… nhớ ra
lịch làm việc của mình.
Những bước đơn giản để lên một kế hoạch:
- Đầu tiên, bạn nên bắt đầu bằng việc tìm kiếm thời gian rảnh
cho những dự định của mình. Đương nhiên bất kỳ ai cũng luôn phải dành thời gian
cho những hoạt động thường nhật, ngoài chúng ra, hãy tận dụng thời gian còn lại
để làm những gì bạn muốn.
- Kế đến, lấp đầy những hoạt động bạn cần làm vào những khoảng
thời gian đấy. Song song với quá trình này là bạn phải luôn luôn để tâm đến
trình tự ưu tiên của chúng. Sự ưu tiên ấy có thể là do sở thích của bạn, có thể
phụ thuộc vào mối tương quan giữa những việc lớn và nhỏ. Đôi khi phải biết hy
sinh cái này vì cái kia.
- Dành ra những khoảng thời gian cần thiết giải quyết sự cố.
Điều này lại phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn. Bạn đang thực hiện một công
việc có tính rủi ro cao hoặc một công việc mới, hãy dành thời gian dự phòng
nhiều lên.
- Kế hoạch đã lập cần linh hoạt, hoàn toàn có thể thay đổi vào
giờ chót. Vâng, vì bạn đâu phải là một cái máy. Nhưng lý do để thay đổi kế
hoạch nên hợp lý. Ví dụ, bạn không thể hoãn gặp đối tác chỉ vì hôm nay mặt bạn
mới nổi mụn.
Sắp đặt một lịch trình làm việc tức là bạn đang lên kế hoạch cho
việc sử dụng thời gian của mình. Có một kế hoạch cụ thể bạn vừa tránh được
những căng thẳng trong công việc, vừa làm việc hiệu quả hơn.
(Theo Diễn Đàn
Doanh Nghiệp)
Việt
Báo (Theo-Ngoisao)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét