Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Vì sao người Nhật cứ nhìn thấy rác là nhặt?

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 01:41, under | No comments

Hình ảnh người Nhật dọn rác ở khán đài sân bóng, điểm chờ xe, nơi cắm trại… dù rác đó không phải do họ vứt ra khiến người nước ngoài vừa khâm phục vừa tò mò. Trên thực tế, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người Nhật đã ăn vào máu ngay từ nhỏ.
Người Nhật dạy trẻ giữ gìn vệ sinh từ rất sớm. Các trường học không hề có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh Nhật thường tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày.

Trong bài viết đăng trên báo Japan Times gần đây, tác giả Alice Gordenker kể lại chuyện chuẩn bị cho con vào lớp một ở trường Nhật.


Học sinh Nhật Bản ngày nào cũng phải dọn vệ sinh ở trường (Ảnh: Mje Magazine)

Chị Gordenker đề nghị người bạn Nhật tên là Nagako giúp chuẩn bị những thứ cần cho con mang đến trường. Nhìn danh sách từ trên xuống, chị Gordenker ngạc nhiên khi thấy có mục giẻ lau. Chị hỏi người bạn Nhật vật này sẽ được dùng để làm gì. Nagako ngước nhìn với ánh mắt kỳ lạ: “Có gì buồn cười đâu? Trẻ con Mỹ dùng cái gì để lau dọn trường? Chổi lau sàn à?”.
Gordenker trả lời: “Không, trẻ Mỹ không tự lau dọn trường. Có nhân viên tạp vụ làm việc đó chứ”. Người bạn Nhật thấy sốc.
Một trong những truyền thống của hệ thống giáo dục Nhật Bản là học sinh phải tự làm o-soji (dọn rửa). Chị Nagako chưa bao giờ nghĩ rằng ở những nơi khác không như thế.
Một số báo nước ngoài từng viết về việc các trường học ở Nhật không có nhân viên dọn vệ sinh, nhưng thực tế không hẳn vậy. Các trường ở Nhật vẫn có một số nhân viên không tham gia giảng dạy gọi là Yomushuji, hoặc shuji. Họ đảm trách nhiều việc, kể cả bảo vệ trường khi học sinh tan học, nhưng việc chính là bảo dưỡng và dọn dẹp, sau khi học sinh lau dọn xong.


Duy trì thói quen dọn vệ sinh là cách người Nhật giáo dục trẻ ý thức không xả rác bừa bãi (Ảnh: Japan Times)

Tại trường học của con chị Gordenker, o-soji bắt đầu sau bữa trưa và kéo dài khoảng 20 phút, sau đó lũ trẻ được tự do giải trí. Điều này diễn ra 4 lần một tuần (chúng không phải dọn dẹp vào thứ 4 và thứ 7). Ngày cuối cùng mỗi kì học có một buổi tổng vệ sinh. Trong suốt buổi tổng vệ sinh này, loa trường phát những bài hát hành tiến vui vẻ mà bọn trẻ gọi đó là “nhạc o-soji”.
Mỗi lớp có trách nhiệm tự dọn vệ sinh lớp mình và hai điểm khác trong trường. Lớp 4 của con chị Gordenker phụ trách phòng y tế và thư viện. Lớp được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ phụ trách dọn dẹp một khu vực.
Có một nhiệm vụ mà chị Gordenker thực sự thấy thích thú về quan hệ con người ở các trường Nhật là mỗi nhóm học sinh lớp 6 được phân công tới một lớp 1 để giúp những học sinh nhỏ hơn dọn dẹp. Nhiều gia đình Nhật chỉ có một con, nên các giáo viên tin rằng trẻ lớn cần có trải nghiệm giúp đỡ trẻ nhỏ, trong khi trẻ nhỏ cần có trẻ lớn làm gương.


Ông Ninomiya, giám đốc một công ty có trụ sở tại quận Long Biên (Hà Nội), đang nhặt rác ở Hồ Gươm (Ảnh: Tiền Phong)

Ba lần một năm, những học sinh từ lớp 3 trở lên làm vệ sinh khu vực. Nhà trường có những dụng cụ chuyên biệt cho trẻ để giúp các em làm công việc này. Lũ trẻ sẽ đeo găng tay vải (một đồ vật trong danh sách những thứ chị Gordenker phải chuẩn bị cho con tới trường) và đi nhặc rác trong khu vực lân cận trường.
Chị Gordenker kể rằng một bạn chơi tennis của chị gửi con tới trường tư và điều cô ấy thất vọng nhất là trường này không bắt bọn trẻ dọn dẹp. Cô ấy phàn nàn với Gordenker: “Chúng sẽ học dọn dẹp ở đâu đây? Tôi không thể bắt chúng dọn dẹp ở nhà. Cả hai đứa chắc đều không biết phải sử dụng chổi và giẻ lau như thế nào!”.


Sau trận đấu giữa Nhật Bản với Bờ Biển Ngà trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2014, các cổ động viên Nhật đã ở lại cần mẫn nhặt rác tại sân vận động của Bờ Biển Ngà mặc dù đội mình thua 1-2. Hành động này của người Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ
Trong khi đó, tại một ngôi trường nữ sinh ở Tokyo, dù mang tiếng là trường dành cho trẻ hư và trẻ nhà giàu, nhưng học sinh ở đây phải làm vệ sinh cực kỳ nghiêm túc. Ngôi trường này nổi tiếng với khu toilet luôn sáng bóng.
Với người nước ngoài, việc con họ phải dọn dẹp nhiều ở trường có thể là điều khó chấp nhận,nhất là khi bọn trẻ phải chịu áp lực học tập. Nhưng người Nhật tin rằng bọn trẻ có thể học nhiều điều qua o-soji để biết cách tôn trọng môi trường xung quanh và nhận ra rằng tốt nhất không nên bừa bãi khi chính mình phải dọn dẹp.
Theo Ngọc Minh (tổng hợp) (danviet.vn)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive