Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Khám phá phong tục cưới hỏi độc đáo của người Bhnong

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 18:23, under | No comments

Người Bhnong là nhóm địa phương của dân tộc Giẻ - Triêng sinh sống tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong rất nhiều phong tục độc đáo của dân tộc này, hãy cùng tìm hiểu và khám phá phong tục cưới hỏi của họ nhé!


Luật tục Bhnong bảo vệ nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng; lên án và xử phạt nặng các vụ vi phạm lấy vợ hai, vợ ba, hoặc người chủ động bỏ vợ, bỏ chồng. Ảnh: internet

Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Bhnong, Giẻ - Triêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Cũng giống như các dân tộc khác, phong tục cưới hỏi rất được người Bhnong coi trọng. Luật tục Bhnong bảo vệ nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng; lên án và xử phạt nặng các vụ vi phạm lấy vợ hai, vợ ba, hoặc người chủ động bỏ vợ, bỏ chồng. Hôn nhân một vợ, một chồng bắt nguồn từ tình cảm yêu thương chân thật giữa đôi trai gái, không có tính chất mua bán, trao đổi hoặc ép buộc giữa hai gia đình.
Chỉ cưới nhau khi đã yêu thương, tìm hiểu nhau kỹ lưỡng
Thông thường điều kiện để con trai con gái người Bhnong lấy nhau là:
- Con trai đã biết làm các công việc như đan gùi, làm rẫy, săn bắn và các biệt tài khác như võ thuật, ca hát…. Luật tục quy định tiêu chuẩn để lấy vợ thì người con trai phải có ít nhất 02 đến 03 lần làm nhà làng.
- Con gái thì phải biết làm cỏ, tuốt lúa, dệt vải, hái rau … 
Trong xã hội người Bhnong, ngoài chuyện tìm hiểu nhau, yêu đương nhau sau những lần gặp gỡ hẹn hò, cũng có trường hợp họ còn tìm hiểu nhau trong công việc làm ăn của cuộc sống thường ngày. Như người con gái theo dõi người con trai đi phát rẫy, đốn cây có khỏe không, có siêng năng và cần cù lao động không. Người con trai theo dõi người con gái về nét đi, dáng bước, nói năng có lưu loát không, có biết làm rẫy và trồng các loại rau, dưa, bầu, ớt … không, để sau này cưới về mới đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi con cái.
Xong giai đoạn tìm hiểu nhau, người con trai tìm cách tiếp cận gia đình người con gái. Đi tìm quả cau ngon, lá trầu xanh và nhờ trẻ con đem đưa cho nhà gái để nhà gái biết rằng người con trai đã để ý và yêu cô đó rồi, để tiến tới việc dạm hỏi sau này. Nếu bố mẹ nhà gái chấp nhận, thì lấy ăn, đây cũng là lúc người con trai sẵn sàng đi săn, đi bẫy để kiếm miếng thịt rừng ngon nhất gửi cho nhà gái.
Thời gian yêu đương có thể kéo dài hai đến ba mùa rẫy, khi đôi trai gái đã tìm hiểu nhau kỹ và thật sự yêu thương nhau, thật sự không thể nào xa nhau được cũng là lúc ý định kết hôn được nảy sinh.
Chàng trai thường tặng cho cô gái đồ trang sức, khuyên tai, vòng cườm hay sợi chỉ đỏ thắt tít thành một chiếc vòng đeo tay. Người con gái thường tặng cho người con trai túi xách tay do mình tự làm lấy. Thường bằng cử chỉ thay cho lời nói.
Sau thời gian yêu đương, họ báo cho gia đình cùng biết và nhờ ông mai đi nối duyên. Nếu mọi sự tốt đẹp có nghĩa được sự chấp thuận của gia đình thì ngày cưới được ấn định vào thời gian sau đó.
Đối với tộc người Bhnong, ông mai bà mối rất quan trọng, họ là người chủ hôn. Sau đám cưới nếu vợ chồng xích mích thì ông mai bà mối đứng ra hoà giải hai bên. Nhiệm vụ của họ kéo dài suốt cả cuộc đời của đôi vợ chồng mà họ làm mai mối.
Phong tục cưới xin nhiều công đoạn
Trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì nghi lễ phụ khác như: lễ dạm hỏi (Kaơn), lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng, lễ giã từ nhà làng( nếu trai , gái ở 2 làng khác nhau) . Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái Bhnong thường được diễn ra vào mùa thu hoặc mùa đông, khi mùa màng đã thu hoạch, của cải vật chất đầy đủ, người dân bản làng nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi.
Theo phong tục xưa truyền lại, lễ cưới chính của tộc người Bhnong thường được diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như: lễ chuyển củi; lễ xếp củi; lễ Bla (vợ chồng trao nhau nắm cơm, gan gà cùng ăn và uống rượu cần); Lễ Tahi (được tiến hành trong nội bộ họ hàng nhà trai, nhà gái); lễ Tava (một con heo được giết thịt chia cho 2 gia đình) và cuối cùng là tiệc đãi dân làng.


Trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì nghi lễ phụ khác như: lễ dạm hỏi (Kaơn), lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng, lễ giã từ nhà làng (nếu trai , gái ở 2 làng khác nhau). Ảnh: internet

Tại sao lại gọi là lễ chuyển củi, xếp củi, bởi theo luật tục, củi đã là vật hứa hôn của các cô gái Bhnong với chàng trai mà họ yêu. Các thiếu nữ Bhnong khi đến tuổi cập kê thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó (100 bó) để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng.
Củi hứa hôn có một vị trí quan trọng trong hôn lễ của tộc người Bhnong. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự khéo léo, trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ Bhnong.
Ngày đầu tiên của hôn lễ chính là ngày chuyển củi mà người Kinh thường gọi là ngày ăn hỏi. Trong ngày này, cô gái sẽ xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Đó gọi là củi bắt chồng hay củi cho chồng.
Người cõng củi trong ngày này ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng giúp cô. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà con trai và nhà gái quá xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp. Khi lượng củi chuyển qua nhà trai được khoảng hai phần ba, thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị cho việc xếp củi vào ngày hôm sau.
Ngày xếp củi được coi là ngày cưới nên cũng có nghi lễ trong khi xếp củi. Sau khi củi cưới đã được ngả ra, sẵn sàng cho việc xếp củi, cô dâu phải lấy những thanh củi đầu tiên, tự tay đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp lượt củi cưới đầu tiên lên dàn khuôn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ đó những người thân mới tiếp tục xếp củi cưới thành khối vuông vức.
Trong ngày xếp củi, nhà trai làm cơm đãi những người xếp củi và nhà gái. Hoàn tất việc xếp củi, phần nghi lễ trong quy trình hôn lễ coi như đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là việc tổ chức tiệc cưới, chiêu đãi làng và người thân. Một việc rất quan trọng là cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng, khách ở gần xa biết việc tổ chức đãi tiệc và có các hoạt động ca, múa dân gian trong dịp cưới.
Việc làm cây nêu được Già làng hoặc những người thông thạo phong tục hướng dẫn, giúp đỡ. Không khí trong làng vào dịp này rất nhộn nhịp, người lớn thì bàn bạc cách thức tiến hành hôn lễ chính, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để làm tiệc đãi khách. Các nghệ nhân tập lại các tiết mục nghệ thuật dân gian, trai gái thì chuẩn bị trang phục, cồng chiêng, nhạc cụ… và lo các việc khác phục vụ ngày cưới. Trẻ em thì phấn khởi vì được mặc áo đẹp, được xem ca , múa… và quan trọng hơn là được ăn ngon.

 

Củi cưới.

Lễ đám cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối cùng các vật hiến sinh như: gà, lợn... Lễ vật gồm gùi, ché và trang phục của nhà gái để biếu nhà trai (tùy theo điều kiện của nhà gái, nhà trai không đòi hỏi). Lợn phải do nhà trai chuẩn bị và đại diện nhà gái chọc tiết. Tại nghi thức này, mọi người đứng sau rờ vào áo người đứng trước và rờ vào người cầm con dao chọc tiết lợn với ý nguyện chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và bản thân mình cũng được khoẻ mạnh, hạnh phúc, no đủ. Nhà trai tặng cho nhà gái 1 đùi sau của con lợn, ít gạo, muối, ớt và 1 bầu rượu để nhà gái gùi mang về. Sau khi ăn uống no say, người mai mối tiếp tục tiến hành lễ Tặng lễ vật và nhà trai, nhà gái chúc nhau bằng hình thức đối đáp, giao duyên.
Vật chất đãi tiệc trong hôn lễ, quan trọng nhất là rượu cần. Vì vậy, tối thiểu nhà trai hoặc nhà gái phải chuẩn bị từ 20 đến 30 ché. Số rượu này một phần do gia đình chuẩn bị trước, một phần do người trong dòng tộc, người thân cho. Đối với thực phẩm, bò và heo được mổ thịt ngay trong đêm, một số thịt được nướng sơ rồi sau đó mới mang đi để chế biến thành các món ăn. Số thịt heo, thịt bò còn lại được xẻ thành từng miếng gần bằng nhau, xâu bằng lạt tre để làm quà chia đều cho bà con, họ hàng và cả khách thập phương đến làng vào dịp đám cưới.
Phong tục sau lễ cưới
Theo phong tục, sau lễ cưới, nhà trai sẽ tiếp tục tổ chức ở nhà gái nhưng nếu đôi trai gái không ở chung làng thì sau đám cưới nhà trai nghỉ 1 ngày rồi qua nhà gái tổ chức. Mọi lễ thức diễn ra tương tự ở nhà trai, không có Lễ chuyển củi, nhưng riêng lợn nhà gái chuẩn bị phải do nhà trai chọc tiết. Đặc biệt, Lễ cưới tại nhà gái, có nghi thức bắt chồng do 2 vợ chồng mới và thanh niên trong làng xắp xếp trước.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng mới sinh sống ở nhà trai hoặc nhà gái tùy theo hoàn cảnh 2 gia đình. Nếu bên nhà gái neo đơn, ít lao động, thì đôi vợ chồng mới  sẽ ở nhà gái từ 2 đến 3 năm, hoặc ngược lại. Sau thời gian ở chung, khi đôi vợ chồng mới có đủ điều kiện và 2 bên gia đình nội ngoại có đủ lực lượng lao động, đôi vợ chồng mới có thể tách bếp, ở riêng để lo toan cho cuộc sống gia đình mình.


Hai vợ chồng cùng uống rượu cần trong lễ cưới. Ảnh: internet

Sau đám cưới, phải qua 1 mùa rẫy ( 1 năm ) người vợ mới được mang thai. Nếu mang thai trước, gia đình mới sẽ bị xử phạt theo Luật tục, phải nộp trâu cho làng để già làng làm Lễ xin với Yàng và đôi vợ chồng vi phạm sẽ bị đưa ra khỏi làng 3 năm. Sau 3 năm mới cho về sống trong làng.
Luật tục Bhnong còn quy định, trong gia đình, nếu người chồng, hoặc vợ bỏ nhau thì người gây ra phải nộp trâu cho làng mình sinh sống và đền cho người bị bỏ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, với sự giao thoa, đan xen giữa các nền văn hóa các dân tộc, một số nghi thức lễ cưới truyền thống đã bị mất đi như nghi thức bắt chồng. Tuy nhiên, củi hứa hôn phần lớn vẫn còn giữ được ở nhiều làng, đây là nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Bhnong.
Tóm lại, hôn nhân của người Bhnong rất coi trọng hình thức một vợ một chồng, trên sự tự nguyện, tìm hiểu, yêu thương của người con trai, con gái. Hôn nhân có tính chất bền vững. Ở người Bhnong, trường hợp ly hôn rất hiếm xảy ra. Người Bhnong không có tục thách cưới, dù tổ chức nhiều nghi thức nhưng đều tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Đặc biệt, mỗi khi có lễ cưới, tất cả mọi người trong làng đều được vui chơi ăn uống bình đẳng, kể cả khách lạ ghé thăm làng và trên hết không yêu cầu mọi người phải có quà tặng cho cô dâu, chú rể.

D.D


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive