Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Kỳ lạ loài cây chảy ra rượu ở miền núi Quảng Bình

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 01:06, under | No comments



Chặt ngọn cây đoác để hứng rượu
Thức uống kỳ lạ này được đồng bào xem như là một thứ nước giải khát, nhưng sau đó là cảm giác lâng lâng lan tỏa...
Rượu chảy từ cây
Không chỉ đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu mà người Vân Kiều, Rục, A Rem (Quảng Bình) cũng xem rượu đoác như một thức quà của mẹ đại ngàn.
Tháng 3 âm lịch, người A Rem, xã Tân Trạch, huyện bố Trạch thường vào rừng lấy mật ong và “săn” rượu đoác giữa vùng lõi di sản Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng.
Anh Đinh Xứng, một thanh niên người A Rem hiểu rừng như vườn nhà mình cho biết: “Hằng năm, đoác đơm bông kết trái từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, đây cũng chính là thời điểm bà con đi lấy rượu.
Để lấy được rượu phải tìm cây đoác to bằng một choàng tay người ôm, có tuổi đời từ 3 đến 5 năm. Cây càng to thì cho rượu càng nhiều”.
Có nhiều cách để lấy rượu đoác. Người A Rem thường dùng dao thật sắc xén phía trên ngọn, cố gắng làm sao cho vết cắt thật ngọt để ngọn cây đoác không bị thối và cho nhiều rượu trong thời gian dài.
Nếu cây đoác lâu năm, không bị sâu, ngày đầu tiên có thể hứng được cả chục lít rượu. Mỗi cây đoác trưởng thành cho rượu khoảng 3 đến 4 tháng mới hết, sau đó đồng bào cho cây nghỉ lấy sức. Lần sau muốn lấy tiếp phải dùng dao hớt ngắn đi một đoạn giúp cây cho rượu mới.


Phụ nữ A Rem với ché rượu đoác mang từ trong rừng về

Lúc cây dao quắm vạt ngang qua ngọn cây cũng là lúc một thứ nước trắng đục tứa ra từ giữa lõi non. Khi chưa được ủ lên men, nước đoác có màu đùng đục như sữa, mùi nồng nồng, vị chua chua.
Thức uống kỳ lạ này được đồng bào xem như là một thứ nước giải khát, nhưng sau đó là cảm giác lâng lâng lan tỏa.
Chị em vô tư thưởng thức
Để có rượu đoác ngon, mỗi khi đi lấy rượu bà con phải chuẩn bị can có chứa sẵn một loại rễ cây được lấy ở tít trong rừng sâu để làm "men".
“Nước trong thân cây đoác cùng rễ cây đó ngâm qua một đêm để lên men mới tạo thành rượu ngọt lành, đây là bí quyết của đồng bào”, anh Xứng cho biết.


Dân làng người A Rem vào rừng săn rượu đoác

Vì là rượu tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên uống rất êm, cảm giác khoan khoái. Rượu đoác không làm người uống say bí tỉ, đau đầu, mệt mỏi và độc hại như những loại rượu trôi nổi ngoài thị trường.
Không những thế, với loại rượu này chị em phụ nữ cũng có thể vô tư thưởng thức.
“Ngoài việc cung cấp thức uống ngon, lá cây đoác trước đây còn giúp cho đồng bào che mưa nắng, thân cây có thể làm món nhúc đoác ăn thay cơm trong mùa giáp hạt”, già làng Đinh Rầu cho biết.
Truyền rằng, ngày xưa có một đám thợ săn mải đuổi theo con thú đã bị lạc vào rừng, đến khi hết cái ăn mang theo, nước cũng cạn kiệt thì họ bỗng nhìn thấy dòng nước chảy ra từ thân cây nhìn giống như cây dừa. Khi uống vào, cảm thấy sảng khoái, hưng phấn như uống rượu.
Sau khi thoát chết, họ quay về loan tin về loại rượu vô tình được phát hiện kia.
Ngày nay, rượu cồn, bia lon được thương lái dưới xuôi mang lên bán tràn lan nên dân bản cũng dần quên hương vị khó tìm của loại rượu tự nhiên này. Chỉ khi tháng ba về, đồng bào mới rủ nhau đi lấy rượu đoác.
theo Vietnamnet


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive