Mệt mỏi triền miên là một trong những biểu hiện trầm
cảm.
|
Trầm cảm là một rối loạn về cảm xúc; nó
gây ra sự suy giảm chức năng xã hội và nghề nghiệp ở hầu hết các bệnh nhân.
Theo ước tính, mức suy giảm chức năng do trầm cảm gây ra tương đương với mức
suy giảm do các bệnh thực thể mạn tính khác (tăng huyết áp, tiểu đường...) cộng
lại.
Ảnh minh họa - nguồn internet
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới,
khoảng 5% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt (ở Mỹ, căn bệnh này đã tấn công
1/8 dân số; việc chữa trị tiêu tốn 45 triệu USD mỗi năm). Tỷ lệ hiện mắc trầm
cảm hiện là 2-3% ở nam, 4-9% ở nữ; nếu tính trong cả cuộc đời thì tỷ lệ mắc là
7-12% ở nam và 20-25% ở nữ. Trầm cảm phổ biến hơn ở những người sống độc thân
và li dị.
Biểu hiện điển hình của trầm cảm là tình
trạng buồn rầu, ủ rũ suốt cả ngày và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Người
bệnh luôn luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải, không còn sức sống (thậm chí nhấc
chân tay cũng cảm thấy mệt), rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác ngon miệng. Họ
giảm quan tâm đối với những sự việc xảy ra xung quanh. Các thói quen, sở thích
trước đây cũng không làm cho họ vui hơn. Một số bệnh nhân có ý nghĩ rằng mình
có nhiều lỗi lầm, nhiều khuyết điểm không thể tha thứ được, hoặc mình đang bị
người khác truy hại, dẫn đến có ý tưởng và hành vi tự sát.
Về cơ chế bệnh sinh của trầm cảm, cho
đến nay có nhiều giả thuyết nhưng chưa giả thuyết nào giải thích được đầy đủ.
Trong thực hành lâm sàng, có thể chia trầm cảm theo ba nhóm:
- Trầm cảm nội sinh: Xuất
hiện do sự thay đổi hoạt lực của các chất dẫn truyền thần kinh tại não, mà ngày
nay người ta nghĩ nhiều đến sự giảm serotonin ở thần kinh trung ương.
- Trầm cảm tâm căn: Xuất
hiện sau các sang chấn tâm lý như người thân mất, thất nghiệp, ly dị, bất đồng
quan điểm giữa các thành viên trong gia đình, con cái hư hỏng...
- Trầm cảm thực tổn: Xuất
hiện do tình trạng bệnh lý của cơ thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên
hoạt động chức năng của não (như u não, chấn thương sọ não, bệnh basedow...).
Ngoài ra, còn có sự liên quan giữa trầm
cảm với sự lạm dụng rượu và ma túy. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, khoảng 1/4 số
bệnh nhân trầm cảm có lạm dụng rượu.
Bệnh nhân trầm cảm cần được điều trị
tích cực, trường hợp nặng cần cho nhập viện để đề phòng tự sát.
Các phương pháp điều trị trầm cảm bao gồm liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc và
các liệu pháp tái thích ứng xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tâm thần
với cộng đồng và các thành viên trong gia đình người bệnh là yếu tố quan trọng
việc điều trị có hiệu quả cao.
Ngày nay, có nhiều thuốc chống trầm cảm
tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị như: amitriptilin, anafranil, stablon... Việc
lựa chọn loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng phụ thuộc vào mỗi cá thể; vì
vậy, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Quá trình
điều trị trầm cảm khá lâu dài (tối thiểu từ 3 đến 6 tháng) và cách sử dụng các
liệu pháp cũng thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh. Vì vậy, những người có
biểu hiện của bệnh trầm cảm cần được đưa đến khoa tâm thần để được chẩn đoán và
có kế hoạch điều trị đúng đắn.
BS Lê Thiện, Sức Khỏe & Đời Sống
Việt
Báo (Theo_VnExpress )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét