Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Hội chứng tiền kinh phụ nữ cần được thông cảm và giúp đỡ

Hội chứng tiền kinh tập hợp những triệu chứng khó chịu diễn ra trong vài ngầy trước hành kinh, chấm dứt khi có kinh hoặc sau đó ít lâu.


Ảnh minh họa - nguồn internet

Cơ chế gây ra những cảm giác khó chịu
Phụ nữ phải triệu chứng khó chịu nhất vào độ tuổi 40 (Ảnh: Netmode)
Những biểu hiện của hội chứng tiền kinh khác nhau tuỳ từng người về thời điểm xuất hiện và cường độ nhưng có những dấu hiệu dự báo mà người phụ nữ cảm thấy, liên quan tới những dao động về hoóc-môn sau khi có phóng noãn: nồng độ estrogen và progesterone giảm trong khi hoóc-môn aldosterone (một hoóc-môn nam vẫn có ở phụ nữ) lại tăng lên gây ra những biến đổi về thể chất: giữ nước, cảm giác phù nề.
Nồng độ estrogen thấp làm gia tăng men monoamine oxydase (MAO) - một phân tử có vai trò trong tiến trình trầm cảm, và làm giảm nồng độ serotonine - một phân tử khác có ảnh hưởng đến tính khí và hoạt động của người. Những thay đổi đó giải thích vì sao phụ nữ trong những ngày tiền kinh dễ mất đi tính cách dịu dàng vốn có. Các nồng độ hoóc-môn trở lại bình thường ngay khi bắt đầu hành kinh.

Những biểu hiện
Ngay ở một người, hội chứng tiền kinh cũng khác nhau từng tháng, khoảng 90% phụ nữ phải chịu đựng những dao động về hoóc-môn ở bất kể lứa tuổi nào, kể cả tuổi vị thành niên, tuy nhiên các triệu chứng xem ra khó chịu nhất vào quãng 40 tuổi. Đa số phụ nữ trải qua hội chứng tiền kinh một cách nhẹ nhàng nhưng có khoảng 2-5% phụ nữ cảm thấy rất vất vả.
Ảnh hưởng của những dao động về hoóc-môn càng mạnh hơn khi kèm theo có những stress và biến động tình cảm. Không phải chỉ có những khó chịu trong mấy ngày trước hành kinh mà một số bệnh đã sẵn có từ trước như hen, vẩy nến, đau lưng, nhức nửa bên đầu... cũng có thể nặng lên trong những ngày này. Chữa trị có hiệu quả hội chứng tiền kinh nguyệt có thể hạn chế những diễn biến xấu có tính chu kỳ của bệnh.
Những triệu chứng thường gặp trong hội chứng tiền kinh: sự phù nề các mô do giữ nước, vú cương to, có khi đau (không cần đụng chạm mà đau cả khi bị rung chuyển do đi xe đạp, xe máy) - bụng cũng to lên như chướng - sự giữ nước rõ nhất là thấy nề ở mắt cá chân - có cảm giác nặng nề ở chi dưới - các ngón tay như chuối mắn - tuy có cảm giác nặng nề và béo ra nhưng lại không thấy tăng cân (một số thấy có tăng cân) - nhiều người ăn ngon miệng hơn, nhất là thích ăn đồ ngọt - cảm giác buồn nôn và nôn có thể gặp.
Nhạy cảm là triệu chứng tâm lý chính của hội chứng tiền kinh với nhiều dạng khác nhau: dễ xúc động, dễ nổi nóng (khóc, lo hãi, thay đổi tính khí kiểu sớm nắng chiều mưa, cảm giác mỏi mệt, khó ngủ...). Một số phụ nữ có biểu hiện trầm cảm, thậm chí còn có ý nghĩa tự tử.

Vấn đề điều trị
Để chữa trị có hiệu quả, trước hết chú ý chế độ ăn uống: không nên ăn mặn để tránh giữ nước trong cơ thể dẫn đến các hiện tượng phù nề (mặt, mu bàn tay...). Ngũ cốc có chứa các chất glucid phức hợp có tác dụng làm tăng nồng đọ serotonin (tốt cho giấc ngủ) và cũng có nhiều magiê giúp giảm bớt sự căng thẳng (ngũ cốc toàn phần...). Nên tránh ăn mỡ động vật, đường hấp thụ nhanh (kẹo, mứt...) các chất kích thích như trà, rượu, cà phê. Uống nhiều nước mỗi ngày.
Vận động rất cần thiết vì có khả năng hạn chế nhiều triệu chứng tiền kinh, nên đi bộ, đi xe đạp... giúp thư giãn, giảm trạng thái stress và trầm cảm, chất endorphine được bài tiết nhiều hơn làm cho có tâm trạng yêu đời, vui vẻ. Vận động cũng cải thiện tuần hoàn máu và giúp giảm bớt đau bụng kinh.
Tránh căng thẳng về thể chất và tâm lý, không nên có những quyết định quan trọng trong những ngày này. Trao đổi với chồng về những biến đổi khó chịu mà phụ nữ phải đối diện hàng tháng. Những người chồng hiểu biết thường thông cảm với những thay đổi tính tình ở vợ khi sắp và đang hành kinh.
Ngày nay có xu hướng giúp phụ nữ bị khổ sở về chứng tiền kinh bằng chế độ ăn, lối sống kết hợp với phương pháp tự nhiên: vi lượng đồng căn, thảo mộc và châm cứu. Nếu các liệu pháp nói trên không hiệu quả, mới chỉ định hoóc-môn liệu pháp.
Progesterone tự nhiên dạng viên có thể có tác dụng tốt cho giấc ngủ, phù nề chi dưới và bụng và vú cương đau, thay thế cho sự thiếu hụt hoóc-môn trong cơ thể. Các progesterone tổng hợp cũng có tác dụng tương tự và được sử dụng vào nửa sau của chu kỳ kinh và có thể có tác dụng phụ như tăng cân, tăng huyết áp, tăng cholesterol... Khi liệu pháp hoóc-môn cũng chưa đủ hiệu quả thì cần ức chế phóng noãn (bằng viên thuốc tránh thai).

BS ĐÀO XUÂN DŨNG

Theo Tuổi trẻ Online


0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive