Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Angkor - Quần thể kiến trúc độc đáo của Campuchia

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 19:00, under | No comments

(Xây dựng) - Campuchia có diện tích nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Angkor là quần thể kiến trúc nổi tiếng làm nên tên tuổi ngành du lịch Campuchia đã được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa của Thế giới. Quần thể này được xây dựng bởi đế chế Khmer từ thế kỷ 9 đến 15 sau Công nguyên.

Angkor Vat
Đó là nước với các khu đền Angkor kỳ vĩ. Nằm về phía Đông Nam thành Yasodhara-pura, Angkor Vat tọa lạc trên một khuôn viên có hình gần vuông 1.500x1.300m, xung quanh có hào rộng và khá sâu. Theo đánh giá của chuyên môn, việc xử lý không gian và tỷ lệ trên mặt đứng cũng như mặt bằng một cách chuẩn mực đã tạo nên giá trị nghệ thuật của ngôi đền Angkor Vat.


Angkor Vat là quần thể kiến trúc nổi tiếng
 và đã trở thành biểu tượng của đất nước Campuchia. (Ảnh: Internet)

Về mặt tạo khối, Angkor Vat là một Kim tự tháp ba tầng với một tháp lớn ở chính giữa cao 42m và bốn tháp nhỏ hơn ở bốn góc. Vây quanh tháp trung tâm là hai lớp hành lang có cột và mái che, tạo thành hai vòng sân, ngoài thấp trong cao.
Luật phối cảnh được thể hiện ở trình độ cao: đoạn khoảng cách từ cổng tới đền dài gấp đôi chiều ngang khu đền theo đúng cách của người Hy Lạp cổ đại. Các tầng đều có dáng dấp và cấu trúc giống nhau. Nhìn từ xa, tầng trên như được chống trực tiếp lên tầng dưới, vừa tách riêng, vừa hòa quyện, biến đổi uyển chuyển khôn lường.
Angkor Thom
Angkor Thom được khởi công sau Angkor Vat gần 60 năm, sau khi vua Giaiavacman VII đã dẹp xong được Đội quân xâm lược Chàm (1181). Kinh đô mới này có diện tích 16km2, gấp bốn lần Angkor Vat, được đánh giá là thơ mộng và lãng mạn nhất trong thế giới cổ đại phương Đông.


Công trình kiến trúc Angkor Thom (ảnh internet)

Các công trình ban đầu của Angkor Thom có phỏng theo phong cách của Angkor Vat. Nhưng đã ra đời phong cách nghệ thuật mới. Các tháp mặt người và các lan can đá tạc được nâng lên tầm cỡ hoành tráng khổng lổ. Những bức phù điêu tạc hình được xếp vào loại sáng tác tạo hình kỳ lạ bậc nhất trên thế giới.
Đền Bayon
Đền Bayon là trung tâm của cả quần thể, là sự kỳ vọng lớn nhất và kết quả rực rỡ nhất, độc đáo nhất của nhà vua Giayavarman VII. Tổng chiều cao công trình đền Bayon là 43m. Trên mỗi mặt của tháp đều có tạc hình mặt người với tổng số 43 đầu và 172 khuôn mặt.


Công trình kiến trúc Bayon. (Ảnh: Internet)

Các mặt tường ở Bayon được trang trí dày đác bằng phù điêu, mô tả từ cảnh sinh hoạt đời thường như chọi gà, rước lễ, chèo thuyền, hái quả, cảnh chiến trận, bắn cung, cưỡi voi đến các sinh hoạt của triều đình.
Bayon nổi tiếng bởi rất nhiều tượng tròn tạc hình vua quan, Đức Phật và các Bồ tát. Các tượng này đã góp phần cùng hàng ngàn mét vuông phù điêu làm nên phong cách nghệ thuật Bayon độc đáo. Nhiều chi tiết kiến trúc và điêu khắc đã được khảm thếp hoặc dát mạ bằng vàng bạc và đá quý. Công trình đã ngốn tới năm tấn vàng, năm tấn bạc, bốn mươi nghìn viên đá quý cho việc này và đã phải huy động tới 1.000 nhà điêu khắc giỏi làm việc cần mẫn trong suốt 20 năm trời.

Khánh Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive