Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

33 năm nhặt từng viên đá, ông lão đưa thư xây dựng tòa lâu đài nổi tiếng nước Pháp


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)
Nằm ở phía Đông Nam của nước Pháp hoa lệ là một công trình kiến trúc mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo – “Lâu đài Lý tưởng”. Sánh ngang với các tòa kiến trúc xa hoa mỹ lệ ở Pháp, lâu đài được xây dựng hoàn toàn bằng đá này khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ thích thú. Thế nhưng, đây không phải là công trình của bất kỳ một kiến trúc sư nào, mà là tác phẩm bằng tay đến từ một người đưa thư.
Ferdinand Cheval (1836-1924) sống ở vùng Châteauneuf-de-Galaure thuộc tỉnh Drôme của Pháp. Ông từng bỏ học ở tuổi 13 để tham gia học việc trong một tiệm bánh, nhưng cuối cùng số phận lại cho ông trở thành một người đưa thư.


Chân dung Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)

Trong hơn 30 năm cuối đời, ông đã dành thời gian của mình để xây dựng Lâu đài Lý tưởng (“Le Palais idéal” hay còn gọi là “Ideal Palace”) tại vùng Hauterives thuộc tỉnh Drôme. Câu chuyện về tòa lâu đài đặc biệt này được Ferdinand Cheval kể lại như sau:
“Tôi đang bước đi rất nhanh, rồi bàn chân tôi vấp phải một vật gì đó khiến tôi loạng choạng một vài mét. Tôi muốn biết nguyên nhân của điều ấy là gì. Trong giấc mơ, tôi thấy mình từng xây một cung điện, một tòa lâu đài, hay những hang động – khó có thể diễn tả một cách chính xác… Tôi không dám kể chuyện này cho bất cứ ai vì lo sợ sẽ bị chế giễu, ngay cả tôi cũng thấy mình thật nực cười. 15 năm sau đó, khi tôi gần như đã quên giấc mơ ấy và không còn nghĩ chút gì về nó nữa, thì bàn chân lại nhắc tôi nhớ lại. Chân tôi vấp phải một hòn đá và khiến tôi gần như ngã xuống. Tôi muốn biết đó là gì… Đó là hòn đá có hình thù kỳ lạ đến mức tôi phải cất nó vào trong túi để được thỏa sức ngắm nhìn. Ngày hôm sau, tôi quay trở lại cùng địa điểm ấy và tìm thấy nhiều viên đá khác, thậm chí còn đẹp hơn nữa. Tôi tập hợp tất cả lại, lòng tràn ngập vui sướng… Đó là viên sa thạch được tạo hình bởi nước và làm cho cứng cỏi bởi sức mạnh của thời gian. Nó cứng như đá cuội, thể hiện một tác phẩm điêu khắc kỳ lạ đến mức con người không thể nào bắt chước được. Nó cũng đại diện cho bất kỳ loài vật nào, bất kỳ thể loại tranh biếm họa nào.”
“Tôi tự nhủ với lòng mình: bởi Tạo Hóa đã sẵn sàng tạo tác, tôi sẽ xây dựng và tạo nên một tòa kiến trúc”.



Viên đá đầu tiên làm Ferdinand Cheval suýt vấp ngã, đặt nền móng cho việc xây dựng tòa lâu đài nổi tiếng (Ảnh: Ursus, Wikipedia)
Trong suốt 33 năm sau đó, Ferdinand Cheval đã thu thập các mẫu đá mà ông gặp trên mỗi chuyến hành trình đưa thư. Lúc đầu ông đựng các viên đá trong túi, nhưng rồi túi cũng ko đủ sức chứa, ông phải chuyển sang dùng giỏ; và đến khi giỏ quá đầy, ông phải sử dụng một chiếc xe cút kít. Với dự định tạo nên tòa kiến trúc đồ sộ, ông phải xây dựng vào ban đêm dưới ánh đèn dầu leo lét. Nếu như ban ngày ông hóa thân thành một người đưa thư nghèo khó, thì ban đêm, ông lại là một kiến trúc sư vĩ đại với những ý tưởng vô cùng sáng tạo. Vì không phải là người có trình độ học vấn, vậy nên các ý tưởng thiết kế đều đến từ trí tưởng tượng phong phú của ông. Những công trình điêu khắc ông đã gặp trên đường, những hình ảnh ông từng thấy trên các mẫu tem thư hay bưu thiếp, từ hình trang trí, hình họa, cho đến nhà thờ Hồi giáo, ngôi đền Ấn Độ, hay một khu lăng mộ Ai Cập,… tất cả đã góp phần tạo nên phong cách của Ferdinand Cheval. Phải mất tới 20 năm đầu ông mới có thể hoàn thành các lớp tường bên ngoài. Các viên đá được gắn kết bằng vôi, vữa, và xi măng để tạo nên tòa lâu đài mang nhiều phong cách khác nhau, từ cảm hứng trong Kitô giáo cho đến Ấn Độ giáo.



Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Ankopedia, Wikipedia)
Hơn 30 năm bền bỉ thực hiện giấc mơ của mình, ông lão đưa thư Ferdinand Cheval đã tạo nên một tòa kiến trúc độc nhất vô nhị. Những tên tuổi lớn cùng thời với ông như nhà thơ André Breton (Pháp) và họa sĩ Pablo Picasso (Tây Ban Nha) đều ngợi ca tuyệt tác ấy. Năm 1932, gần một thập kỷ sau khi ông qua đời, một nghệ sĩ người Đức tên là Max Ernst đã tạo nên một bức tranh cắt ghép tên là “Người đưa thư Cheval” (The Postman Cheval). Cho đến nay, bức tranh này vẫn được trưng bày tại bảo tàng Peggy Guggenheim Collection ở thành Venice, Italy. Năm 1958, Lâu đài Lý tưởng của ông đã trở thành đề tài chính trong bộ phim cùng tên của nhà làm phim Ado Kyrou. Bản thân Ferdinand Cheval cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhà văn Chuck Palahniuk viết nên tác phẩm “Choke” – cuốn tiểu thuyết kể về một người giao hàng cần mẫn thu thập các mẩu đá để xây nên ngôi nhà mơ ước của chính mình.


Lâu đài Lý tưởng xuất hiện trên tem thư của Pháp (Ảnh: Internet)
Nhưng đáng tiếc là Ferdinand Cheval đã qua đời chỉ một năm sau khi ông hoàn thành Lâu đài Lý tưởng. Trong những năm cuối đời, có lẽ dự cảm cái chết sẽ đến vào một ngày không xa, ông đã mong muốn sẽ được chôn cất trong lâu đài này. Nhưng vì điều đó đi ngược lại luật pháp quốc gia, ông buộc phải dành 8 năm sau đó để tự xây lăng mộ cho mình trong khu nghĩa địa của Hauterives. Ngày nay, khi đến thăm Hauterives, bạn vẫn sẽ được chiêm ngưỡng tòa lâu đài và viếng thăm ngôi mộ của ông lão đưa thư Ferdinand Cheval.


Ngôi mộ của ông lão đưa thư Ferdinand Cheval tại Hauterives, Pháp (Ảnh: Wikilug, Wikipedia)
Những chi tiết kiến trúc độc đáo tại Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval:


Đền Hindu ở Lâu đài Lý tưởng (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Họa tiết trang trí ở mặt tiền phía Bắc của lâu đài (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Hình ảnh tòa nhà Thụy Sĩ trên lâu đài (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Những bức tượng điểm tô cho tòa lâu đài (Ảnh: Internet)


Hành lang bên trong lâu đài (Ảnh: Internet)


Những chi tiết kiến trúc bên ngoài lâu đài (Ảnh: Internet)


Một góc tòa lâu đài (Ảnh: Otourly, Wikipedia)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Ferdinand Cheval chụp ảnh tại Lâu đài Lý tưởng (Ảnh: Internet)

Hồng Liên tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive