Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Người Nhật dạy trẻ con Chúng cần phải bị trầy xước, để biết cách sống trong thế giới này!


Trường mầm non Fuji ở thành phố Tachikawa, Nhật Bản rất đặc biệt bởi ở đây các lớp học chẳng hề có vách ngăn hay cửa nẻo gì. Lý do đằng sau thiết kế ấy sẽ khiến bạn phải thán phục cách người Nhật đối xử với trẻ em nước mình.

·"Theo tôi, chúng ta đừng kiểm soát bọn trẻ quá. Chúng ta đừng bảo vệ chúng quá. Đôi lúc chúng cần phải vấp ngã. Đôi lúc chúng phải bị trầy xước một chút"
"Như thế chúng mới biết cách để sống trong thế giới này"


Đó là châm ngôn về trẻ em của hiệu trưởng trường mầm non Fuji, thành phố Tachikawa, Nhật Bản. Và quả thật, đúng là trẻ em cần phải được phơi nắng, dầm mưa, cần thêm chút bụi bặm và đôi khi là những vết thương nữa, có thế bọn trẻ mới tận hưởng được trọn vẹn niềm vui của tuổi thơ.
Vì tuổi thơ là thời gian của những trải nghiệm đầu đời. Vì tuổi thơ cần được tận hưởng cảm giác chạy như bay và ngã một hai lần, tuổi thơ cần biết nước mưa có mùi vị rất riêng và đôi khi làm cả khuôn mặt ngứa rát, cũng vì tuổi thơ cần biết là nắng sẽ làm cho tóc của em cháy khét và làm da em đen nhẻm.
Chứ tuổi thơ đẹp thực sự không cần đến những đoạn phim hoạt hình vô hồn trên Youtube hay vài trò chơi điện tử trên chiếc máy tính bảng mà ba mẹ "khoán" cho nhằm mua chuộc tự do con trẻ.


Bọn trẻ mong muốn nhất là được chơi vui vẻ không bị rầy la.
Lũ trẻ nên được sống không gò bó một khi tâm hồn chúng còn chưa vướng bận bởi bất cứ lo toan nào. Tuổi thơ không đến lần hai, thế nên đó là khoảng thời gian cần được trân trọng nhất.
Ra đời vào năm 2007, với đường kính khuôn viên 183m, hình dạng vòng tròn, đủ sức chứa cho 500 học sinh, trường mầm non Fuji như một khu vườn ươm tuổi thơ cho lớp mầm non chủ nhân tương lai của xứ sở mặt trời mọc. Hiệu trưởng của mầm non Fuji tự tin, nhà trẻ của mình là nhà trẻ lớn nhất Nhật Bản.


Trường mầm non Fuji rộng nhất Nhật Bản.
Chịu trách nhiệm thiết kế kiến trúc cho trường mầm non Fuji là kiến trúc sư Takaharu Tezuka, với mục đích thiêng liêng không chỉ là tạo cho lũ trẻ một nơi để chúng đi học mà không một lời ca thán hay nước mắt ngắn dài với bố mẹ, mà còn dạy cho chúng những bài học về cuộc sống lồng ghép trong từng hoạt động thường ngày.
Toàn bộ các lớp học trong trường Fuji không có vách tường ngăn cách, hoàn toàn theo tiêu chí không gian mở rộng rãi thoáng đãng. Theo kiến trúc sư Tezuka, điều này nhằm tạo cho bọn trẻ môi trường học tập và trải nghiệm tốt nhất. Trẻ con không thích ngủ ở nơi yên tĩnh như người lớn nghĩ, chúng thích thu nạp năng lượng từ bạn bè xung quanh và cảm thấy an toàn, dễ chịu hơn khi có nhiều người bên cạnh.
"Bạn biết đấy, ngày nay, chúng ta luôn cố kiểm soát mọi thứ. Thế giới quanh ta luôn rộng mở. Và bạn biết rằng ta vẫn có thể trượt tuyết dù nhiệt độ mùa đông là -20 độ C. Mùa hè, ta vẫn đi bơi. Mặc cho cát nóng hầm hập 50 độ. Và cơ thể chúng ta có khả năng chống nước. Thế nên, bạn chẳng thể tan ra khi trời mưa. Trẻ con cũng thế, chúng cần được ở ngoài trời. Và chúng ta nên làm thế đối với chúng", kiến trúc sư Tezuka phát biểu về tinh thần xây dựng nhà trẻ Fuji.


Thực tế, ý tưởng của Hiệu trưởng trường Fuji dựa trên phương thức giáo dục có tên Montessori, được phát triển bởi nhà vật ý học người Ý Maria Montessori. Phương thức này đặt mục tiêu hàng đầu là nhắm tới các nhu cầu đặc biệt của trẻ em, giúp hoàn thiện tính cách bước đầu bằng cách cho trẻ sự tự do trong khuôn khổ, phát triển tính tự lập cũng như tôn trọng hết mức thiên tính tự nhiên của trẻ, chứ không phải ép vào khuôn khổ hay gọt đẽo thông thường.


Các lớp học không có vách ngăn hay cách âm, tạo môi trường rộng rãi thoáng đãng nhất cho lũ trẻ.
Ở trường Fuji, cách bố trí dãy lớp hợp thông nhau và khu vui chơi chạy nhảy thoáng đãng tầng 2 đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đó. Bằng cách cho trẻ tự do vận động, phát huy ngũ quan, các kỹ năng sống của trẻ dần được hình thành và hoàn thiện theo từng hoạt động thể chất. Và lý tưởng nhất chính là tương tác với thế giới bên ngoài.
Giả dụ, với nguyên tắc "vòng tròn vĩnh cửu" trong bố cục dãy lớp học thông nhau, không hề có khái niệm giới hạn hay vật cản đối với bọn trẻ. Chúng cứ thỏa sức chạy lung tung, chạy đến lúc mệt thì thôi, chẳng có điểm dừng nhất định nào. Cũng như tiềm năng của chúng vậy, cứ tự do khám phá đi, phát triển đến đâu thì đến, chứ làm gì có mức độ dừng lại nào đâu.
Hoặc, cũng bởi vòng tròn vĩnh cửu ấy, lại có nhiều chỗ cho bọn trẻ trốn tìm này. Cứ trốn đi, tìm đi, các kỹ năng của em sẽ hình thành dần trong lúc chơi trò chơi ấy.
Một lần nữa nhắc đến không gian mở của ngôi trường này, nơi trẻ em được thỏa sức vận động mà không bị hạn chế. Thậm chí có những đứa trẻ mỗi ngày trong thời gian vui chơi có thể chạy được tới 30 vòng quanh trường mỗi ngày, tổng cộng cũng khoảng 6km, còn trung bình mỗi em di chuyển được khoảng 4km quanh trường trong một buổi đi học. Con số quá lý tưởng đối với sự phát triển thể chất của trẻ em nhỉ?
Và ít nhất, ở trường Fuji, hay trường Dai-Ichi Yochien ở Kumamoto , nơi giữa sân trường là vũng nước mưa thiên đường của bọn trẻ, những cô bé cậu bé mẫu giáo sẽ được tận hưởng quãng thời gian tới lớp đúng nghĩa nhất. Nhật Bản đứng trong top đầu của ngành giáo dục thế giới, cũng là vì biết trân trọng những điều nhỏ nhất với con trẻ như vậy.


Một góc cây cối rất được các em học sinh yêu thích.


Kiến trúc sư Takaharu Tezuka là người chịu trách nhiệm thiết kế trường mầm non Fuji.


Trường Fuji dạy học theo phương pháp có tên Montessori, động viên học sinh tương tác với môi trường xung quanh.


Khi có sự kiện, hội hè, các em thường tận dụng phần ban công tầng 2 làm khán đài theo dõi.

Theo Lương Hồng Phúc

Trí thức trẻ/Kênh 14

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive