Gần 25 năm trước, Wang Wei là chàng trai
ngoài 20 tuổi chuyên làm công việc giao hàng ở khắp các ngõ ngách Hong Kong.
Giờ đây, ông là người giàu thứ 5 tại Trung Quốc.
Wang Wei là người sáng lập và hiện cũng
là cổ đông lớn nhất của S.F. Holding, sở hữu S.F. Express - công ty dịch vụ
giao hàng lớn nhất tại Trung Quốc, Bloomberg cho biết.
Từ nhân viên giao hàng
Wang Wei sinh năm 1970 tại Thượng Hải
trong một một gia đình trí thức nghèo và chuyển tới sống ở Hong Kong từ khi còn
nhỏ. Lớn lên ở Hong Kong, Wang chỉ học hết phổ thông và sau đó bắt đầu tới làm
việc cho trong một cửa hàng in nhỏ ở Shunde, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Trong thời gian Wang ở Shunde, Trung
Quốc bắt đầu có những chuyển biến lớn, đặc biệt với việc phát triển 2 thành phố
Thâm Quyến và Quảng Châu thành những đặc khu kinh tế đầu tiên và kích cầu giao
thương với Hong Kong.
Doanh nghiệp Hong Kong ồ ạt mở nhà máy ở
Quảng Đông khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa 2 khu vực ngày càng lớn. Wang
nhìn thấy cơ hội trước mắt.
Năm 1993, vào thời đỉnh cao của cải cách
kinh tế ở Trung Quốc, Wang Wei, 22 tuổi, cùng với 5 người bạn thành lập
Shunfeng (SF) Express với 100.000 CNY vay từ cha (khoảng 13.000 USD).
Cũng giống như Uber hay Airbnb những
ngày đầu, mô hình kinh doanh của Wang bị coi là bất hợp pháp tại Trung Quốc khi
đó. Trước năm 2009, phương thức giao hàng hợp pháp tại nước này chỉ là hệ thống
bưu điện quốc gia. Nhưng điều đó không ngăn được SF Express phát triển.
Trong những ngày đầu, Wang thường tự
mình vận chuyển những chiếc vali hay balo hàng dọc biên giới Hong Kong. Ông làm
việc 15 - 16 tiếng mỗi ngày với quyết tâm xây dựng startup giao vận lớn nhất
Trung Quốc.
Thành chủ nhân hãng giao vận lớn nhất
Trung Quốc
Nhờ nhu cầu giao vận ngày càng tăng
mạnh, Wang nhanh chóng mở rộng hoạt động ra miền nam Trung Quốc với mạng lưới
xe chở hàng. Khi bắt đầu phát triển dịch vụ giao hàng trên tuyến xa hơn, SF Express
đầu tư máy bay chở hàng.
SF Express nhanh chóng phát triển vượt
bậc nhờ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và thị trường thương mại điện tử bùng
nổ, trở thành hãng giao vận lớn nhất nước này. SF Express nhận giao mọi thứ, từ
những mặt hàng nặng hàng tấn cho tới một gói chân gà.
Năm 2008, Wang thành lập S.F. Holding
Group - công ty mẹ của SF Express. Một năm sau đó, Wang thành lập hãng hàng
không riêng tên là SF Airlines. Đến nay, mỗi ngày, 1.400 tấn hàng hóa được vận
chuyển qua đội máy bay của SF Express, gồm 5 chiếc B767, 16 chiếc B757 và 17
chiếc B737.
Tới năm 2013, công ty phát triển máy bay
tự lái để vận chuyển hàng tới các vùng sâu vùng xa.
Theo Daily Mail, gần như mọi
người dân Trung Quốc đều từng gửi hoặc nhận hàng qua SF Express trong suốt thập
kỷ qua.
Chia sẻ về thành công của mình, Wang nói
cách duy nhất để gây dựng một công ty thành công là "táo bạo, sáng tạo và
có trách nhiệm".
Từ khi khởi nghiệp vào đầu những năm
1990, Wang ít khi xuất hiện trước công chúng và từ chối tất cả các lời mời
phỏng vấn cho tới tận năm 2011. Tháng 8/2013, Wang mới chấp nhận một nhà đầu tư
từ bên ngoài và bán 25% cổ phần cho công ty CITIC Capital Holdings Limited.
Dù không muốn đưa công ty lên sàn, nhưng
trước thực tế các đối thủ ngày càng nhận được những khoản đầu tư lớn để mở
rộng, SF Express vẫn phải niêm yết cổ phiếu để thu hút thêm vốn.
Doanh thu năm 2016 của công ty đạt 57,3
tỷ CNY (8,6 tỷ USD) và bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Thâm Quyến từ
tháng 1/2017. Hiện công ty có giá trị vốn hóa hơn 206 tỷ CNY (gần 31 tỷ USD).
Trong khi đó, một trong những công ty giao vận hàng đầu của Mỹ là FedEx, ra đời
năm 1971, hiện có vốn hóa 57 tỷ USD.
Đầu năm 2017, SF Express tuyên bố sẽ xây
sân bay riêng tại thành phố Ezhou, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và dự kiến hoàn
thành vào năm 2020.
Đến nay, SF Express có hơn 15.000 phương
tiện vận tải, hơn 30 máy bay, 13.000 trung tâm dịch vụ và 117.000 nhân viên
trên khắp Trung Quốc, cung cấp dịch vụ giao hàng ở 14 quốc gia, trong đó có Mỹ,
Australia và Nga.
Việc đưa công ty lên sàn chứng khoán
giúp tài sản của Wang tăng vọt, và hiện ông là người giàu thứ 5 tại Trung Quốc
với tài sản lên đến 19,7 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.
KIM TUYẾN/VnEconomy (tựa bài do DNSG Online
đặt lại)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét