Lycopene
- chất làm nên màu đỏ của cà chua - có khả năng chống ung thư.
Ảnh minh họa - nguồn internet
Lycopene không phải là chất duy nhất
trong cà chua có khả năng chống ung thư tuyến tiền liệt, các nhà khoa học Mỹ
khẳng định. Thực tế là nó chỉ phát huy hết tác dụng khi có sự hỗ trợ của một số
chất khác trong thứ quả này.
Lycopene là chất đem lại cho cà chua màu
đỏ đặc trưng. Từ lâu, nó đã được biết đến là "người thu dọn" các gốc
tự do - kẻ thù số một phá hủy mô cơ thể và gây ung thư. Nhiều bằng chứng khoa
học cho thấy, hàm lượng lycopene trong máu cao có liên quan đến nguy cơ mắc ung
thư tuyến tiền liệt thấp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc bang
Illinois và Ohio (Mỹ), vừa khẳng định trong tạp chí của Viện ung thư Mỹ rằng,
một mình lycopene không đủ hiệu quả để ngăn ngừa sự phát triển ung thư tuyến
tiền liệt. Nó không tốt bằng việc ăn nguyên quả cà chua, trưởng nhóm John
Erdman nhận định.
Thí nghiệm của Erdman như sau: cho những
con chuột lang tiếp xúc với chất gây ung thư tuyến tiền liệt, sau đó nuôi chúng
theo 3 chế độ dinh dưỡng khác nhau gồm: bột của nguyên quả cà chua, bột
lycopene, và bột không chứa lycopene. Những con ăn bột không chứa lycopene được
coi là nhóm đối chứng.
Kết quả ban đầu cho thấy, nguy cơ phát
triển ung thư ở những con chỉ ăn bột lycopene tương đương với nhóm đối chứng.
Nghĩa là việc dùng lycopene hay không cũng không thay đổi được tình hình trong
giai đoạn đầu. Điều đáng ghi nhận ở giai đoạn này là nhóm ăn bột của nguyên quả
cà chua giảm 26% so với nhóm đối chứng.
Khi kết thúc thí nghiệm, sự khác biệt
mới thực sự rõ nét: bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã tiêu diệt 80% số chuột
trong nhóm đối chứng, 72% trong nhóm chỉ ăn bột lycopene. Nhóm ăn bột của
nguyên quả cà chua có số tử vong thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 62%.
Theo Erdman, điều này chứng tỏ lycopene
có tác dụng chống ung thư, song một mình nó không đủ hiệu quả. Vẫn còn nhiều
thành tố khác trong cà chua tham gia hỗ trợ.
Mỹ Linh (theo BBC)
Việt
Báo (Theo_VnExpress )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét