Thống kê cho thấy có khoảng 15% phụ nữ trong thời kỳ mang thai
bị chứng huyết áp cao và 25% trường hợp đẻ non do tăng huyết áp. Huyết áp cao khi mang thai có thể gây một
số ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, vì vậy việc theo dõi và kiểm
soát cao huyết áp khi
mang thai là điều hết sức cần thiết.
Những ảnh hưởng do cao huyết áp đối với thai phụ
Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và
em bé. Mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào thời gian mang thai khi bị cao huyết
áp và mức độ tăng huyết áp của thai phụ. Tình trạng cao huyết áp càng nặng và
càng xuất hiện sớm trong thai kỳ thì nguy cơ gặp phải các vấn đề cho mẹ và bé
càng lớn.
Có khoảng một phần tư phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ tiếp tục
tiến triển nhanh thành tiền sản giật trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc
ngay sau khi sinh. Nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi nếu thai phụ bị tăng huyết áp
thai kỳ trước tuần thứ 30.
Ngoài ra, thai phụ bị cao huyết áp còn có nguy cơ gặp phải
một số biến chứng như em bé chậm phát triển, đứt nhau thai và thai chết lưu…
Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị tăng huyết
áp ở lần mang thai sau. Họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột qụy cao sau
này.
Lời khuyên dành cho thai phụ bị cao huyết áp
Phụ nữ mang thai rất cần phải khám thai định kỳ và đo huyết áp
với mỗi lần khám thai. Nếu phát hiện bị cao huyết áp trước khi mang thai
(cao huyết áp mãn tính) phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng
huyết áp.
Tăng huyết áp trong tiền sản giật (tăng huyết áp + protein niệu
+ phù) phải được điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nhiều trường
hợp điều trị nội khoa không kết quả phải mổ lấy thai sớm vì quyền lợi và sức khỏe
của mẹ.
Phòng bệnh tăng huyết áp tốt nhất là theo dõi
huyết áp sớm, thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp của
mình trước khi có thai.
Huyết áp cao khi mang thai là báo động một thai kỳ nguy cơ. Việc
quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu
có tình trạng tăng huyết áp xảy ra phải được sự can thiệp tốt nhất của bác sĩ
nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.
Ngoài ra, thai phụ cần tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập
đều đặn hàng ngày, hạn chế dùng muối và các món ăn mặn, rèn thói quen ăn chậm,
nhai kỹ, nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi
nhất.
Việc duy trì một chế độ ăn thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng với bà bầu bị tăng huyết áp. Bên cạnh các chế độ
riêng, thì bà bầu cần tuân thủ chế độ như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng
các chất kích thích…Một số thực phẩm tốt cho bà bầu có thể kể tới như : cà rốt,
rau cần, sinh tố táo, lê, nho. ..
Bảo Ngọc - Omron-yte
0 nhận xét:
Đăng nhận xét