Kháng sinh Penicillin, chất
chống dính, máy tạo nhịp tim,… là những khám phá khoa học quan trọng của con
người ra đời trong các hoàn cảnh vô cùng “tự nhiên”.
1. Penicillin
Penicillin được xem là một trong những
phát minh nhờ vào “tai nạn nghề nghiệp” nổi tiếng nhất của thế kỉ XX. Vào năm
1928, nhà khoa học Alexander Fleming đã quên làm sạch dụng cụ nghiên cứu của
mình trước khi ông đi nghỉ một vài ngày. Khi trở về, Fleming thấy rất nhiều vi
khuẩn và nấm mốc trên dụng cụ của mình. Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy có một số
vùng mà vi khuẩn và nấm mốc không phát triển. Năm 1940, các nhà khoa học tại
trường Đại học Oxford đã tách thành công penicillin và phát triển nó thành
thuốc kháng sinh đầu tiên của con người. Cho đến nay, Penicillin vẫn là loại
kháng sinh được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất.
2. Máy tạo nhịp tim
Wilson Greatbatch, một kỹ sư người Mỹ
đã tình cờ tạo ra máy tạo nhịp tim trong một lần nhầm lẫn. Khi Wilson đang cố
gắng tạo ra một chiếc máy tạo dao động để ghi lại âm thanh của nhịp tim thì ông
đã treo sai điện trở. Tuy nhiên, Wilson vẫn ghi lại được tiếng tim đập. Từ đó,
ông dần chế tạo thành công máy tạo nhịp tim dưới sự giúp đỡ của William
Chardack. Thử nghiệm đầu tiên được tiến hành và thành công vào năm 1959 đã đưa
Wilson trở thành người đầu tiên trên thế giới chế tạo được máy tạo nhịp tim.
3. Thuốc nhuộm
Vào năm 18 tuổi, trong một nỗ lực
nghiên cứu để chữa trị căn bệnh sốt rét, nhà hóa học William Perkin đã sáng tạo
ra một thứ không liên quan gì đến khoa học và một thứ cực kì có ý nghĩa với
khoa học. Đó là vào năm 1856, Perkin cố gắng để tạo ra những mẫu kí sinh nhân
tạo. Kết quả ông thu được là một dung dịch màu đen. Khi quan sát chúng, Perkin
đã nhận ra một màu sắc rất đẹp trong mớ dung dịch màu đen đó. Và ông phát hiện
ra rằng mình đã tạo ra thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên.
Loại thuốc nhuộm này tốt hơn nhiều lần
so với thuốc nhuộm từ tự nhiên. Màu sắc sáng hơn, sống động hơn, không bị phai
hoặc mờ khi rửa. Phát hiện của ông cũng trở thành tiền đề cho một nền khoa học
mới.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc
ở đây. Paul Ehrlich, một nhà vi khuẩn học người Đức, người được Perkin truyền
cảm hứng đã từ thuốc nhuộm mà phát hiện ra các phương pháp miễn dịch và hóa trị
trong y học.
4. Phóng xạ
Năm 1896, nhà vật lí Henri Becquerel bị
thu hút bởi hai điều, đó là huỳnh quang tự nhiên và tia X. Ông đã tiến hành một
loạt các thí nghiệm để xem xét khả năng sản xuất đèn huỳnh quang của các khoáng
chất tự nhiên sau khi chúng được tách rời khỏi ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, Henri Becquerel đã tiến hành
thí nghiệm vào mùa đông và suốt một tuần liền, bầu trời u ám. Vì vậy, ông đã để
các thiết bị cùng với nhau trong một ngăn kéo và chờ đợi ngày nắng. Đến một
ngày nắng làm việc trở lại, Henri đã phát hiện ra rằng đá uranium mà ông để
trong ngăn kéo đã in dấu của nó lên một tấm ảnh mà không tiếp xúc với ánh sáng
mặt trời. Henri đã làm việc với Marie, Pierre Curie và phát hiện ra đó là chất
phóng xạ.
5. Nhựa
Vào năm 1907, sen – lắc được sử dụng để
làm vật liệu cách nhiệt trong ngành công nghiệp điện tử. Do đó, ngành công
nghiệp này luôn phải bỏ ra những khoản chi lớn cho việc nhập khẩu sen- lắc từ
Đông Nam Á. Chính bởi vậy, nhà hóa học Leo Hendrik Baekeland đã nghĩ rằng ông
có thể kiếm được một nguồn lợi nhuận lớn nếu sản xuất ra được một vật liệu mới
thay thế cho sen – lắc.
Tuy nhiên, những thí nghiệm nghiên cứu
của ông lại đã tạo ra một vật liệu mà không thay đổi hình dạng dưới nhiệt độ
cao. Baekeland cho rằng nó có thể sử dụng trong việc làm đĩa hát. Song, hơn cả
những điều ông mong muốn, vật liệu mới nay nhanh chóng xuất hiện trong một loạt
các sản phẩm với hàng ngàn người sử dụng. Và cho đến này, nhựa có thể được tìm
thấy ở mọi nơi.
6. Sự lưu hóa cao su
Nhà khoa học Charles Goodyear đã dành
một thập kỉ trong cuộc đời của mình để tìm cách làm cho cao su sử dụng một cách
dễ dàng hơn và có khả năng chống nóng, lạnh. Tuy nhiên, những nghiên cứu của
ông đều thất bại. Cho đến một ngày, ông tình cờ đổ hỗn hợp lưu huỳnh, cao su
vào một lò nấu nóng. Dưới nhiệt độ cao, cao su nóng chảy song không bị hủy
hoại. Khi quá trình này kết thúc, Charles Goodyear nhận thấy hỗn hợp đã đông
cứng song vẫn còn có ích. Từ phát hiện này của Charles Goodyear, rất nhiều các
sản phẩm cao su lưu hóa đã ra đời và được sử dụng ở khắp mọi nơi.
7. Teflon – Chất chống dính
Nhà hóa học Roy Plunkett trong quá
trình nghiên cứu để tìm ra một dạng thức mới của CFC (chlorofluorocarbon). Ông
cho rằng nếu ông có được TFE pha trộn với axit hydrochloric thì ông có thể sản
xuất chất làm lạnh mà ông muốn. Vì thế, Roy đã làm mát TFE, nén nó trong một
cái hộp lưu trữ để ông có thể sử dụng khi cần thiết.
Sau một thời gian, ông mở hộp cất giữ
TFE để pha trộn với axit hydrochloric thì không còn gì trong hộp cả. Nhìn kĩ
dưới đáy hộp ông phát hiện ra một lớp mỏng bột màu trắng. Ông tiến hành thí
nghiệm và nhận thấy rằng nó có khả năng chịu nhiệt tốt và chống kết dính hiệu
quả. Với khám phá này, Plunkett đã nhận được bằng phát minh vào năm 1941. Loại
chất mới được đặt tên là Teflon vào năm 1944.
8. Coca- cola
Có rất nhiều thực phẩm đã được sáng chế
ra trong những trường hợp ngẫu nhiên nhưng có lẽ không loại thực phẩm nào có
lịch sử đặc biệt và bí mật như coca – cola.
Dược sĩ John Pemberton ở vùng Atlanta,
Mỹ trong một nỗ lực chữa đau đầu đã pha trộn các thành phần khác nhau và tạo ra
một thứ đồ uống. Và đồ uống này sau tám năm được bán trong các hiệu thuốc đã
trở thành loại nước được ưa chuộng trên khắp toàn cầu. Cho đến nay, công thức
pha chế đồ uống này vẫn là một bí mật.
9. Đường hóa học
Vào năm 1879, nhà hóa học Constantin
Fahlberg đang nhiều thời gian nghiên cứu dẫn xuất nhựa than đá trong công trình
của giáo sư Ira Remsen. Khi ông trở về nhà ăn tối với vợ và quên không rửa tay,
ông đã nhận thấy vị ngọt khác lạ từ món cuốn hôm đó. Ông hỏi vợ và bà bảo không
hề cho thêm gì. Sau đó, ông phát hiện vị ngọt đó đến từ tay mình.
Ngày hôm sau, ông đến phòng thí nghiệm
và tiếp tục nghiên cứu về điều này và khám phá ra đường hóa học - một phát minh
được xem là đột phá của loài người.
Theo
VietNamNet (Discovery)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét