Tại nhiều ngôi làng nhỏ ở Hokkaido, Nhật Bản, tình
trạng hôn nhân cùng huyết thống vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Thật ít ai ngờ
trong lòng quốc gia phát triển bậc nhất hành tinh này, nhiều người vẫn chưa ý
thức được rằng đó là hành động sai trái.
Một đám cưới theo phong cách truyền thống tại Nhật
- Ảnh: Globaled.org
Duy trì mối quan hệ gia đình chặt chẽ luôn là một
phần trong cuộc sống tại Nhật Bản, đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo. Thế nhưng,
đôi khi truyền thống này lại được thể hiện ở một góc độ tiêu cực, đó chính là hủ
tục hôn nhân giữa những người có huyết thống gần gũi. Luật pháp Nhật Bản hiện
nay quy định anh chị em họ xa có thể lập gia đình với nhau, nhưng theo Tạp chí
Jitsuwa Knuckles, một số vùng ở phía nam Hokkaido vẫn còn tồn tại hủ tục con
cái của những người anh chị em ruột cùng lớn lên và cưới nhau.
Hôn nhân cùng huyết thống có lịch sử lâu đời tại
Nhật Bản, khi nhiều gia đình samurai chọn dâu rể cho con mình là những người
trong cùng dòng họ, hoặc gần hơn là cùng gia đình. Đến khi Nhật Hoàng Minh Trị
lên ngôi vào năm 1868, tập tục trên đã được thay đổi nhưng tư tưởng hủ lậu vẫn
còn tồn tại ở Hokkaido. Một giáo sư thuộc đại học ở Hokkaido cho biết tại đây vẫn
còn những ngôi làng mà toàn bộ người trong làng là bà con với nhau. Nếu thanh
niên ở đây muốn lập gia đình thì họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc lấy
người cùng làng, có nghĩa là lấy người bà con của mình. Điều này dẫn đến tỷ lệ
hôn nhân giữa các anh chị em họ luôn ở mức cao tại Hokkaido.
Đối với những người này, hôn nhân trong gia đình
rất quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực giúp gia đình tồn tại. Theo vị giáo sư
trên, hầu như tin tức từ thế giới bên ngoài ít đến được với những ngôi làng nhỏ
kiểu như trên, những thay đổi về luật pháp không thể đến được với họ. Hệ quả là
họ không có khả năng đánh giá rằng chuyện lấy người trong gia đình là đúng hay
sai. "Họ hoàn toàn không nghĩ rằng chuyện mình làm đang bị xã hội lên
án", giáo sư trên cho biết. Thậm chí tại một số vùng ở Hokkaido hiện nay,
hủ tục trên vẫn diễn ra dù không nhiều lắm. Một điều cần biết ở đây là việc lấy
anh chị em họ trong gia đình không phải là do cha mẹ ép buộc. Những người này
cùng lớn lên bên nhau từ nhỏ và nảy sinh tình cảm. Điều khác biệt là mặc dù biết
được con em trong gia đình muốn tiến tới hôn nhân, người lớn vẫn không hề phản
đối mà còn thúc đẩy cho việc này xảy ra nhanh chóng.
Soichiro Okumura, cư dân Hokkaido 36 tuổi, cho
biết thật ra không chỉ anh chị em họ lấy nhau mà có cả hôn nhân giữa anh chị em
ruột. Bà của Okumura đã kể lại một câu chuyện có thật xảy ra trong làng. Một phụ
nữ làm giấy khai sinh cho con, nhưng lại nói cho người khác biết rằng thật ra
đó là con của em trai mình. Bà chỉ nuôi hộ. Đứa bé gái lớn lên, yêu và cưới một
người anh họ, thực ra là anh ruột của cô. Kết quả là một cuộc hôn nhân giữa hai
người cùng huyết thống đã xảy ra và đó không phải là trường hợp duy nhất.
"Nuôi dạy con cái của người thân là chuyện rất bình thường tại đây, và người
nhận nuôi lại có thói quen điền tên mình vào chỗ đáng ra phải dành cho cha mẹ
thật của đứa trẻ", Okumura nói. Điều này dẫn đến thực tế là có một số
"nạn nhân" trong các cuộc hôn nhân đồng huyết đều tưởng rằng mình đã
cưới anh chị em họ chứ không phải ruột thịt, nhưng thực tế lại khác hoàn toàn.
Các cuộc hôn nhân giữa chú, cậu lấy cháu gái cũng xảy ra theo một công thức
tương tự. Trong những trường hợp này, lúc đó sinh đẻ diễn ra tại nhà và không
có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc y tá tại bệnh viện phụ sản.
T.M
Việt Báo (Theo_Thanh Niên )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét