Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Quẩy gánh đồng nát đi nhận giải thưởng quốc tế

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 01:33, under | No comments

Từ một người phụ nữ cơ cực, rong ruổi khắp làng quê thu mua đồng nát, chị Dương Thị Tuyết, trú tại huyện Ý Yên ( Nam Định) đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Quỹ tài chính vi mô toàn cầu trao giải thưởng dành cho những cá nhân xuất sắc, vượt qua khó khăn, biết sử dụng đồng vốn nhỏ ban đầu để tạo dựng sự nghiệp tại thủ đô Paris, nước Pháp.

Giải thưởng Doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu do Quỹ tài chính vi mô toàn cầu (Planet Finance Group) tổ chức trao thưởng hàng năm dành cho những cá nhân xuất sắc, vượt qua khó khăn, biết sử dụng đồng vốn nhỏ ban đầu để tạo dựng sự nghiệp. Tổ chức này được thành lập năm 1997 tại Paris (Pháp), hiện có mặt ở 80 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chị Dương Thị Tuyết là người đầu tiên của Việt Nam do Quỹ tình thương (TYM) trực thuộc Hội LHPN Việt Nam giới thiệu được nhận giải thưởng này vào tháng 12/2011.


Chị Tuyết cùng những người bạn được nhận giải.

Khởi nghiệp từ 500.000đ

Tâm sự về những tháng ngày quẩy gánh hàng rong đi thu mua đồng nát, chị Dương Thị Tuyết, nữ chủ nhân xưởng sản xuất, kinh doanh các loại đồ đồng mỹ nghệ, chạm khảm lư hương, đỉnh đồng, tranh chữ, chuông tượng... nổi tiếng ở tổ dân phố số 1, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhớ lại: “Ngày đó tuy chồng tôi có tay nghề cao nhưng không có vốn, anh phải đi làm thuê cho các xưởng đúc đồng khác, tôi thì đi thu mua ve chai, phế liệu về bán lại cho các đại lý thu gom... Làm tối mắt, tối mũi, ki cóp, nhọc nhằn mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hai đứa con nhỏ, con gái lớn 9 tuổi đã phải phụ giúp bố mẹ việc gia đình, con trai nhỏ 6 tuổi thì gửi sang nhờ bà ngoại trông đỡ vì hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, không có thời gian trông con”.
Cơ hội làm giàu đến với chị Tuyết rất tình cờ. Một lần, chị Thanh Duyên- cán bộ phụ nữ thị trấn đến chơi nhà chị Tuyết đúng vào bữa tối. Nhìn các con chị Tuyết hì hụi bên mâm cơm chỉ vỏn vẹn bát canh, mấy quả cà và con cá mắm, chị Duyên xót xa hỏi han hoàn cảnh và giới thiệu với chị Tuyết về Quỹ Tình thương của hội phụ nữ, rồi khuyên chị Tuyết làm đơn xin gia nhập Quỹ và vay tiền để có vốn làm kế sinh nhai.
Nghe chị Duyên, chị Tuyết bàn bạc với chồng. Lúc đầu hai vợ chồng cũng đắn đo với suy nghĩ: Đi làm thuê, không biết có việc hay không vẫn được bằng ấy tiền lương. Còn tự mở xưởng, lỡ không làm ăn được lại gánh thêm nợ nần. Trăn trở, bàn đi, tính lại mãi, vợ chồng chị Tuyết mới dám khởi nghiệp với số tiền vay của Quỹ là 500.000 đồng. 


Chi Dương Thị Tuyết tặng sản phẩm do chính tay chị làm 
cho bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Nỗ lực thoát nghèo

Đến Ý Yên, hỏi vào nhà chị Tuyết, một cụ già ngoài 70 tuổi nhận dẫn chúng tôi đến tận nhà, cụ nói: “Có phải các chị hỏi nhà con Tuyết mới sang Pháp không? Mươi năm trước nó đen đúa, nhếch nhác đi thu mua vỏ chai sắt vụn, chuyện không tin được mà có thật. Tôi sống đến bằng này tuổi đầu rồi mà có nằm mơ cũng chẳng được sang bên đó, chứ nói chi đến chuyện đi nhận giải thưởng quốc tế”.
Từ một hộ kinh tế nghèo, khó khăn, với nghị lực phi thường, cần cù, chăm chỉ và quyết tâm thoát nghèo, hiện chị Tuyết có trong tay số vốn sản xuất hàng tỷ đồng. Xưởng sản xuất của chị đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng chục công nhân với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ người/ tháng. Chị đã gây dựng được hệ thống khách hàng với những đơn đặt hàng thường xuyên, ổn định, tiêu thụ trung bình từ 15.000 đến 20.000 sản phẩm/ năm. Sản phẩm của gia đình chị Tuyết hiện không chỉ cung cấp bán buôn và bán lẻ trong tỉnh mà đã mở rộng ra các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Chị Tuyết cho biết, trong những năm tới nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng, ngoài hệ thống nhà xưởng hiện có, gia đình chị sẽ đầu tư để mở thêm 1 xưởng sản xuất và tuyển thêm công nhân là người dân địa phương để đào tạo và giúp họ có việc làm với thu nhập ổn định. Đồng thời, chị cũng nghiên cứu để mở rộng thị trường tại một số tỉnh miền Trung và tìm thêm các đối tác để mở đại lý tại TP Hồ Chí Minh.
Nói về chuyến đi Paris nhận giải thưởng, chị Tuyết không giấu được xúc động: “Có 6 người đến từ 4 quốc gia khác nhau cùng nhận giải thưởng với tôi, họ đều bắt đầu từ những người rất nghèo. Như có người tự làm xà phòng rồi bán, có người làm đồ trang sức bằng vỏ trai, vỏ hến… tất cả đều có một điểm chung là nỗ lực để thoát nghèo”.
Chị cũng chia sẻ thêm: "Đối với những người phụ nữ đi lên từ nghèo khó như chúng tôi thì giải thưởng là nguồn động lực to lớn, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình". Chị cũng cho biết, số tiền giải thưởng chị nhận được là 1.000 EURO, chị sẽ dành một phần số tiền ủng hộ Quỹ Khuyến học của địa phương, một phần dành mua quà tặng cho con các thành viên trong cụm đạt thành tích học tập xuất sắc, phần còn lại chị sẽ sử dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho con em các thành viên trong cụm.

Nguyễn Thị Duyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive