Đỗ tương là một món ăn thân thuộc với mọi gia đình Việt Nam,
nhưng có lẽ ít ai biết rằng nó có thể thay thế được thịt, cá. Một số nghiên cứu
mới đây cho rằng đỗ tương có thể ngừa các bệnh tim mạch, chống các bệnh ung
thư. Ở nước ta, đỗ tương có thể trồng khắp mọi miền, từ Nam chí Bắc, từ vùng
đồng bằng sông Hồng, miền Trung, cao nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu
Long.
Ảnh minh họa - nguồn internet
1. Món ăn bổ dưỡng
Kinh nghiệm lâu đời của nhân dân ta đã coi đỗ tương là một loại
thực phẩm quý và từ đó chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Trước hết đỗ tương
được chế biến thành đậu phụ, một món ăn rất phổ biến ở nước ta, nhất là ở miền
núi. Đậu phụ lại được chế biến thành nhiều món khác như: đậu phụ luộc, đậu phụ
rán, đậu phụ nhồi thịt, đậu phụ nấu với thịt lợn ba chỉ và chuối xanh có thêm
nghệ thành món giả ba ba rất ngon. Rồi đậu phụ dùng để nấu canh.
Đậu phụ lên men được chế biến thành chao, một thứ “pho-mát” thực
vật Việt Nam. Đỗ tương còn được chế biến thành đậu phù chúc, tào phớ và sữa đậu
nành. Ở nhiều vùng quê, người ta dùng nghệ phết lên đậu phụ rồi đem nướng, ăn
rất ngon. Đậu phụ cũng là nguyên liệu chủ yếu để chế biến các món ăn chay. Tính
ra, có ít nhất 9 món ăn chay được làm từ đậu phụ. Nhiều vùng còn dùng đỗ tương
ngâm giá; giá đỗ tương to mập hơn so với giá đậu xanh, cũng là một thực phẩm
độc đáo.
Nhưng đặc biệt phải kể đến việc dùng đỗ tương để chế biến thành
tương, là một cách chế biến tận dụng được giá trị của toàn hạt đỗ tương, không
có phần thải bỏ như chế biến đậu phụ. Tương là món nước chấm dân tộc rất ngon.
Nhiều địa phương không chỉ dùng tương làm nước chấm mà còn coi đó là một món ăn
thực sự. Ngày mùa bận rộn, người nông dân chỉ cần thổi nồi cơm, múc bát tương
to, rưới tương vào cơm cùng một đĩa dưa hoặc cà muối sẵn là đã có một bữa ăn
nhanh và đủ chất. Cũng vì thế, người dân nước ta có câu: “Tương, cà là gia
bản”, tức là tương và cà là hai món ăn gốc của gia đình.
2. Phòng ngừa bệnh tim mạch
Đỗ tương có ít acid béo no và cholesterol tự do, vì vậy trong
nhiều trường hợp dùng đỗ tương thay các thực phẩm nguồn gốc động vật sẽ có tác
dụng phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của đỗ tương được đặc
biệt chú ý. Nghiên cứu trên 30 bệnh nhân có lượng cholesterol trong máu cao
bằng cách cho ăn protein đỗ tương, kết quả cholesterol giảm đi được 10–15%.
Ta cũng nên biết giảm một phần trăm cholesterol sẽ giảm được
nguy cơ bệnh tim mạch 2 - 4%. Cholesterol càng cao thì hiệu quả sử dụng đỗ
tương càng rõ. Cholesterol giảm sau khi ăn đỗ tương là do LDL cholesterol giảm.
Kể cả khi bệnh nhân đã ăn chế độ ít béo, ít cholesterol, nếu ăn thêm đỗ tương
vẫn có tác dụng hạ thấp hơn nữa lượng cholesterol trong máu. Ăn đậu phụ sẽ làm
giảm cholesterol rõ rệt. Đây là cách chữa bệnh vừa hiệu quả, lại ít tốn kém và
không độc.
Đỗ tương không những làm giảm cholesterol mà còn ức chế oxy hoá
cholesterol. Cholesterol chỉ gây tác hại cho mạch máu nếu bị oxy hoá. Các nhà
nghiên cứu Nhật Bản cho biết: Đạm trong đỗ tương hoạt động như một chất ức chế
oxy hoá cholesterol và được coi là một chất chống oxy hoá mạnh. Ngoài ra còn có
khả năng ức chế sự kết hợp cholesterol thành các tổ chức clot. Tổ chức clot là
một bước quan trọng dẫn đến rối loạn hoạt động của tim, tạo nên các cơn đau tim
3. Tác dụng chống ung thư
Năm 1990, một hội thảo do Viện ung thư Quốc gia Mỹ tài trợ đã
xem xét vai trò của đỗ tương trong việc phòng bệnh ung thư và xác định: Ở đỗ
tương có năm chất chống ung thư. Đó là các chất đã được chứng minh có thể làm
giảm, kiểm soát và đề phòng được ung thư trong các nghiên cứu thực nghiệm. Để
làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề này, Viện nghiên cứu ung thư Quốc gia Mỹ đã chi thêm
3 triệu USD để tiếp tục tiến hành các cuộc nghiên cứu sâu hơn về đỗ tương.
Người ta đặc biệt chú ý đến tác dụng chống ung thư của isoflavone
đỗ tương. Isoflavone là một nhóm hoá chất gần như chỉ có ở đỗ tương. Các khẩu
phần ăn của người phương Tây không có đỗ tương nên hoàn toàn không có
isoflavone. Một trong các isoflavone của đỗ tương được nghiên cứu nhiều nhất
trong 7– 8 năm qua là genistein. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định genistein
có khả năng chống ung thư rất mạnh. Từ đó, giá trị của đỗ tương được đặc biệt
chú ý vì nó gần như là thực phẩm duy nhất có lượng genistein đáng kể.
Nhiều công trình nghiên cứu ở các trường đại học Mỹ, Canada, một
số viện và trường đại học châu Âu, châu Á trong những năm gần đây cũng đã kết
luận: Đỗ tương đóng vai trò trong việc đẩy lùi nguy cơ bị ung thư.
Hơn 40 công trình nghiên cứu đã chỉ rõ Genistein đã ức chế sự
phát triển của tế bào ung thư. Các công trình nghiên cứu ở Trung Quốc và Nhật
Bản cho thấy chỉ cần mỗi ngày ăn một bữa có món ăn làm từ đỗ tương cũng giúp
làm giảm tỷ lệ ung thư vú, dạ dày, đại tràng, phổi, tiền liệt tuyến. Tác dụng
chống ung thư của đỗ tương được giải thích là do isoflavone của nó đã tác động
như một anti-oestrogen, làm vô hiệu hoá tác động của oestrogen, giống như thuốc
Tamoxifen đang được dùng rộng rãi và có kết quả trong điều trị và có kết quả
trọng điều trị ung thư vú.
Mặt khác, người ta nhận thấy ở các tế bào ung thư, hoạt tính của
một số men (enzyme) được tăng lên so với ở các tế bào bình thường. Sự tăng hoạt
tính của các men này là điều kiện cần thiết để chuyển các tế bào các tế bào
lành thành tế bào ung thư. Trong các isoflavone của đỗ tương có genistein.
Genistein có khả năng ức chế các men trong tế bào ung thư nên được coi là chất
có khả năng phòng chống mọi thể ung thư.
Genistein còn có khả năng ức chế sự hình thành các mạch máu mới
(angiogenesis). Các u ung thư muốn phát triển cần phải có sự kích thích quá
trình phát triển của các mạch máu mới để qua đó nhận thêm nhiều chất dinh dưỡng
và oxy cần thiết cho sự phát triển của khối u. Genistein của đỗ tương, do khả
năng ức chế sự phát triển các mạch máu mới, được coi là có giá trị trong điều
trị các khối u ung thư đã hình thành.
Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) năm 1996 đã họp ở London
- Anh để thảo luận về một tài liệu hướng dẫn ăn uống phòng chống ung thư. Giáo
sư Walter Willet, chuyên gia của tổ chức đã tổng kết nguyên nhân tử vong do ung
thư tại Mỹ trong 15 năm qua và khả năng phòng chống căn bệnh này. Ông đi đến
kết luận: 32% tử vong do ung thư ở Mỹ có thể tránh được nếu người dân chịu thay
đổi cách ăn. Ông khuyên mỗi ngày ít nhất phải có một bữa rau, lá và mỗi tuần
không được ăn quá một lần thịt bò. Trả lời phỏng vấn báo “Tin tức khoa học”,
ông tuyên bố: “Chúng ta không trông đợi sự thay đổi đột ngột - yêu cầu dân Mỹ
thay ngay món bít tết bằng đậu phụ, nhưng phải kiên trì cũng như ta đã kiên trì
trong việc tuyên truyền chống hút thuốc lá”
Do giá trị dinh dưỡng cao đặc biệt của đỗ tương và khả năng
phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư - là hai căn bệnh chính gây tử vong,
nhất là ở người cao tuổi - chúng ta cần khuyến khích trồng và sử dụng đỗ tương.
(Theo Sức khỏe và đời sống)
(Theo_VietNamNet
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét