Đầu năm mới 2016, khu nghỉ dưỡng
mới mở ở sát biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) có tên FLC vẫn đông đúc khách du lịch như
mùa hè. Chỉ hơn một năm trước đó, 200 ha nơi đây còn là khu đầm lầy, nước mặn,
nơi ngập bùn chỗ nông nhất cũng tới 3m. Rất ít người có thể tin là hơn một năm
sau, vùng sình lầy này đã biến thành một khu nghỉ dưỡng 5 sao với sân golf 18
lỗ và 2 kỷ lục của Việt Nam.
Chưa hết, cũng rất ít người tin
là chỉ trong vòng hơn 1 năm, Sầm Sơn có thể tạo ra một địa danh được du khách
đến nghỉ quanh năm (trước đây chỉ có mùa hè), với dịch vụ cao cấp và không lo
chuyện chặt chém. Vậy nhưng chuyện đó giờ lại trở thành hiện thực.
Câu chuyện của FLC tại Thanh Hóa
có một số điểm tương tự như dự án mà Tập đoàn sòng bạc lừng danh thế giới – Las
Vegas Sands (Mỹ) – thực hiện tại Singapore: khu phức hợp Marina Bay Sands nổi
tiếng cũng được dựng lên từ vùng sình lầy không ai muốn đầu tư ở quốc đảo sư
tử.
Năm 1995, Trịnh Văn Quyết 20
tuổi, bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học Luật Hà Nội. Trước đó, Quyết
dành 2 năm vừa tự ôn thi, vừa học sửa chữa điện tử để chuẩn bị tiền trang trải
chi phí nhập học ban đầu. Đây cũng là thời điểm Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế với
Việt Nam, với những cơ hội kinh doanh lớn trên thị trường dành cho những người
nhanh nhạy.
Cậu sinh viên trường Luật không
bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng
gia sư. Tích cóp được chút vốn, cậu gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di
động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh.
Với thu nhập trung bình chỉ
khoảng 300 USD/người (tức 3,3 triệu đồng thời điểm đó), không nhiều người Việt
khi ấy sở hữu được một chiếc điện thoại di động, vốn được xem là món hàng xa xỉ
với giới kinh doanh chứ chưa nói đến sinh viên đại học. Người dùng “thèm” những
chiếc máy cũ, giá phải chăng nhưng lại chẳng biết ai đang bán.
“Thời ấy nhiều người có tâm lý
ngại mua điện thoại di động tại cửa hàng vì sợ giá đắt, sản phẩm không đảm bảo
chất lượng. Trong khi đó, họ lại tin rằng hàng đang dùng là loại tốt, mà giá
chắc chắn rẻ hơn”, Quyết nhận xét về tâm lý người tiêu dùng lúc đó.
Và cậu sinh viên trường Luật cũng
chọn cách buôn điện thoại cũ chẳng giống ai. Thay vì mở cửa hàng, cậu chọn cách
đăng rao vặt trên báo – điều rất hiếm người làm lúc đó. Hiệu quả của quảng cáo
thời điểm đó rất lớn, giúp cậu sinh viên này bán được khá nhiều điện thoại di
động cũ, quay vòng vốn nhanh. Khi ấy, chủ một cửa hàng điện thoại di động lớn
trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) cũng không hiểu nổi vì sao mà một cậu thanh
niên có thể đến và mua sạch điện thoại di động trong cửa hàng của mình.
“Nhiều người nghe kể lại thì
không tin, nhưng với cách đó, lượng bán của tôi vượt cả chục cửa hàng lớn ở Hà
Nội. Bán một chiếc điện thoại có khi thu lãi cả triệu đồng nên tôi đủ lo cả
tiền sinh hoạt, học phí cho mình cũng như nuôi 2 em gái”, Quyết tâm sự.
Cơ hội lớn về buôn điện thoại di
động cũ đến khi các nhà mạng chuẩn bị kinh doanh sim trả trước. Dự báo thị
trường sẽ lên cơn sốt, Quyết ngừng bán, dồn tiền và vay thêm từ nhiều nguồn để
gom điện thoại cũ xếp đầy một góc nhà trọ. Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD
Group – một người bạn chơi với Quyết từ thời sinh viên – kể lại: “Lúc đó, bạn
bè ai cũng sợ, chẳng hiểu cậu này làm ăn kiểu gì, ế thì đổ nợ”.
Thế nhưng, Quyết đã tính đúng.
Khi nhà mạng bắt đầu cung cấp sim trả trước, nhu cầu về điện thoại di động tăng
vọt, hàng cũ của cậu sinh viên trường Luật không đủ để bán, Quyết thắng lớn.
Ngoài buôn điện thoại di động cũ,
cậu sinh viên này còn bán thêm cả một số mặt hàng gia dụng như đồ gỗ, tivi…
cũng với “công nghệ” tương tự. Quyết tiết lộ, thực tế một số đồ gỗ mà cậu bán
tại phòng trọ là hàng mua trên phố Đê La Thành (Hà Nội), còn tivi là từ chợ
Trời.
“Cùng cái tủ gỗ hoặc tivi đó
nhưng bán với hình thức là đồ mình chọn và đã dùng rồi thì người ta thích mua
hơn. Tất nhiên những món mình bán đều đã được chọn kỹ nên nhìn sẽ khác so với
hàng bày đại trà”.
Sau thời gian buôn đồ cũ có “của
ăn, của để”, Quyết mua ôtô để đi và cũng buôn luôn. Điểm lạ lùng là có những
chiếc ôtô bị nằm trong showroom hàng năm trời không bán được nhưng qua tay buôn
này thì lại có người khác hỏi mua lại.
Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT
AMD Group – người “đóng vai” đi mua cho Quyết một chiếc xe đã ế tới 2 năm ở
showroom ôtô Sông Hồng – cho biết: “Khi kể lại chuyện anh Quyết đã bán lại được
chiếc xe và có lãi, ông chủ của showroom chỉ biết lắc đầu”.
Người bạn trải qua thời gian dài
kinh doanh cùng Quyết từ lúc mới lập nghiệp nhận xét, những cách làm từ thời
sinh viên khi kinh doanh gia sư, điện thoại di động cũ… vẫn được giữ cho tới
tận bây giờ. Chủ tịch AMD Group đúc rút ra 6 điểm đặc biệt của “ông anh”: Một
là nhìn thấy trước nhu cầu sắp bùng nổ của thị trường; hai là tạo được lòng tin
với những người làm cùng, đối tác; ba là hiểu cách làm người ta biết đến mình;
bốn là tiếp cận và phục vụ nhu cầu của số đông; năm là sử dụng công nghệ thông
tin; và cuối cùng là đi theo cách riêng.
Thực tế, câu chuyện mua chiếc ôtô
đã bị ế tới 2 năm ở showroom mà vẫn bán lại được và có lãi thể hiện góc nhìn
rất khác của Quyết. “Người ta thấy chiếc xe ế, còn anh ấy lại nghĩ chiếc xe đó
là độc nhất. Nếu mình mua và biết cách tiếp cận nhu cầu của số đông người chưa
biết về nó thì chắc chắn sẽ bán được. Thực tế đúng như vậy”, Nguyễn Tiến Đức
chia sẻ.
Chủ tịch AMD Group nhận xét, việc
Quyết buôn điện thoại di động cũ cũng có nhiều điểm giống với làm bất động sản
sau này, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ phức tạp. “Bán di động cũ cũng phải
biết huy động vốn khi mà mình không đủ tiền và biết tạo lòng tin nơi bạn bè,
đối tác như lúc kinh doanh bất động sản”, ông Đức nói.
Ra trường, Quyết mở công ty tư
vấn đầu tư, rồi văn phòng luật sư và đình đám với một số vụ kiện như Honda
Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu USD tiền đền bù đất đai ở
Hưng Yên và Techcombank tranh chấp với một nhóm khách hàng năm 2005… Thế nhưng,
kinh doanh phòng công chứng mới là một ví dụ điển hình khác về tư duy đón đầu
nhu cầu của Trịnh Văn Quyết.
Trước khi Luật Công chứng có hiệu
lực, Quyết thuê một văn phòng lớn ở phố Hoàng Ngân, Trung Hòa (Hà Nội). Hầu hết
diện tích để trống, chỉ có vài nhân viên ngồi làm việc để “chờ thời” với giá
thuê lên tới vài chục triệu đồng/tháng nhưng Quyết vẫn “nghiến răng” chờ đợi.
Tháng 7/2008, Phòng công chứng Hà Nội của Trịnh Văn Quyết trở thành văn phòng
công chứng tư có giấy phép số 01 tại thủ đô và cũng khai trương đầu tiên.
Khách đến Phòng công chứng Hà Nội
được phục vụ gửi xe, nước uống miễn phí và với thái độ hoàn toàn khác so với
công chứng Nhà nước. Đặc biệt, địa điểm này nằm ở ngã tư rất rộng nên khách đi
ô tô đỗ xe khá thuận tiện. Đây là nhân tố góp phần giúp nơi đây đông nghẹt
khách VIP mà theo tiết lộ của Quyết “tiền trả thuê nhà cả năm tôi thu lại chỉ
trong 1 ngày”.
Mối duyên của Trịnh Văn Quyết với
bất động sản đến từ những dự án gây nghi ngại. FLC Landmark Tower khởi công vào
năm 2008 trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội), khu vực khi ấy chỉ là một vùng đất
trũng, đầy cỏ dại, ở nơi ngoại ô phát triển kém của thủ đô. Còn FLC Sầm Sơn xây
trên một bãi trống dọc bờ biển, sình lầy dày sâu tới 13m, tại một trong những
tỉnh có tiếng xấu về chặt chém khách du lịch vào mùa hè.
Những người khác không đặt niềm
tin vào những dự án này vì chỉ nhìn thấy cái khó; trong khi đó, Quyết lại nhìn
thấy cơ hội. “Mình chẳng phải là con cháu lãnh đạo cao cấp nào, cũng không có
ai chống lưng. Dự án khó khăn thì mới đến lượt mình, chỗ ngon người khác làm
hết rồi còn đâu”, Quyết chia sẻ.
Ở Sầm Sơn, FLC mất 5 tháng và
1.000 tỷ đồng để đổ cát san lấp mặt bằng cho diện tích 200 ha xây dựng. Sau đó,
công ty này hoàn thành một khu tổ hợp sân golf, khu nghỉ dưỡng 5 sao chỉ trong
9 tháng tiếp theo với 2 kỷ lục: “Resort có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam”
và “Resort có nhiều bể bơi nhất Việt Nam”.
Thời gian thi công nhanh chưa
từng thấy với một khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên và lớn nhất Thanh Hóa, cộng với
những điều kiện rất thuận lợi từ chính quyền địa phương khiến dự án và bản thân
Trịnh Văn Quyết gặp những tin đồn hài hước.
Chủ tịch FLC bị đồn là em ruột
của một lãnh đạo cấp cao xứ Thanh vì có cùng họ và tên đệm. Trao đổi với chúng
tôi, một nhân viên của công ty này có thời gian theo sát dự án ở Sầm Sơn từ đầu
chia sẻ: “Ban đầu mình cũng như một số anh em ở FLC còn nghĩ là chắc phải có họ
hàng gì đó. Nhưng thực tế là anh Quyết quê ở Vĩnh Phúc, không liên quan gì đến
Thanh Hóa. Tin đồn ‘anh em ruột’ không đúng mà là anh em… khác cha khác mẹ”.
Thực tế, để đạt được tiến độ thi
công thần tốc với FLC Sầm Sơn, công trường lúc đó không tồn tại khái niệm ngày
hay đêm, đèn điện lúc nào cũng sáng 24/24 với gần 5.000 người. Nội bộ FLC từng
truyền tai nhau câu chuyện về việc Chủ tịch của họ chỉ ngủ 2-4 tiếng một ngày,
đôi lúc xuất hiện kiểm tra dự án với áo phông quần đùi lúc 1h sáng. “Lúc đó tôi rất đam mê, cũng rất sốt ruột. Cái đó không phải là
không ngủ được, mà là không thể ngủ, không muốn ngủ”, ông Quyết chia
sẻ.
Thậm chí, có quyết định kỷ luật
và sai thải nhân sự cấp cao ở công trường cũng được ông Quyết yêu cầu làm và
gửi ngay trong đêm (lúc 2h sáng). “Nhiều người bảo tôi cực đoan
nhưng họ không hiểu là lúc đó ở công trường tôi có phân biệt đêm với ngày đâu,
cần là làm thôi”, ông này giải thích.
Mùa hè năm 2015, FLC Sầm Sơn đi
vào hoạt động, biến vùng đầm lầy nước mặn một thời trở thành trung tâm mới của
xứ Thanh. Du khách giờ đây đã quên một Thanh Hóa với văn hóa du lịch chặt chém
xấu xí để nhớ tới khu vực nghỉ dưỡng cao cấp luôn đông khách, không phân biệt
mùa nóng hay mùa lạnh.
FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động cũng
đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chuỗi sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng
sau đó của Trịnh Văn Quyết. Quần thể nghỉ dưỡng, sân golf 5 sao của FLC khai
trương tháng 7/2016 tại Quy Nhơn là dấu ấn khác của việc Trịnh Văn Quyết trong
việc biến một vùng cát trắng không ai lui tới trở thành một điểm phải đến khi
tới địa phương này.
Trước những dự án thực tế tạo ra
sự thay đổi rõ ràng về du lịch nghỉ dưỡng mà FLC tạo ra, nhiều tỉnh thành mời
Chủ tịch của FLC đến thăm địa phương để xúc tiến đầu tư. Và cũng sau khi có
kinh nghiệm triển khai thần tốc các dự án lớn, Trịnh Văn Quyết rút ra nguyên
tắc “5 không” trong đầu tư các dự án bất động sản: Không xin, không mua lại,
không làm chung dự án, không làm nhỏ và không làm chậm.
Chủ tịch FLC giải thích: Không
xin dự án là quan trọng số 1 bởi lãnh đạo các tỉnh trực tiếp mời thì mình sẽ
gặp rất nhiều thuận lợi. Cũng từ không xin mà sẽ có “4 không” tiếp theo.
Cuối tháng 10/2016, gần 2 tháng
kể từ khi đưa Công ty xây dựng Faros (mã chứng khoán ROS) lên niêm yết, tổng
giá trị tài sản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết (gồm FLC và ROS) đã vượt ngưỡng
tỷ USD. Và sau đó hơn 2 tuần, tài sản của Chủ tịch FLC đã lên tới 33.000 tỷ
đồng, đưa Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán – vị trí mà 7 năm
liên tục thuộc về một doanh nhân khác cũng nổi tiếng trong ngành bất động sản.
Trước khi ROS lên sàn, từ khi
niêm yết FLC, ông Quyết đã nổi tiếng trong giới chứng khoán với hỗn danh “Quyết
còi” và việc phát hành cổ phiếu “rất tài tình” – bình luận của tổng giám đốc
một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TPHCM. Vốn điều lệ của các công ty
này đều tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Với FLC, vốn tăng 370 lần sau 8
năm từ 19 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng; với Faros, quy mô tăng vốn còn khủng khiếp
hơn với tỷ lệ 3.000 lần sau 5 lần phát hành cổ phiếu trong 5 năm qua.
Trên thực tế, ROS – cổ phiếu mà
ông Quyết và những người liên quan chiếm tới 75% – là một hiện tượng đặc biệt
của thị trường chứng khoán trong hơn 2 tháng gần đây. Chào sàn với giá 12.600
đồng/cổ phiếu, đến ngày 17/11, giá ROS là 120.900 đồng (tăng gần 10 lần), với
chỉ số P/E là 447,5 – một kỷ lục chưa từng có của Việt Nam.
Vốn hóa của Faros đạt 52.000 tỷ
đồng, đứng thứ 7 danh sách vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thế nhưng doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 của doanh nghiệp này chỉ 1.500 tỷ
đồng, lãi trước thuế là 290 tỷ đồng và đều đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm
trước. Trước đó, năm 2015, doanh thu của Faros đạt 968 tỷ đồng, lãi trước thuế
đạt 145 tỷ đồng.
Cuối tháng 10/2016, thời điểm tài
sản trên sàn của ông Quyết vượt ngưỡng tỷ USD, Trần Tiến Dũng – một nhà đầu tư
chứng khoán khá nổi tiếng tại Hà Nội tham gia thị trường từ những ngày đầu tiên
chia sẻ: “Bây giờ mình đã được chứng kiến ‘thánh sống’ trên thị trường chứng
khoán Việt Nam. Hiện tượng một công ty xây dựng đầu tiên trên thế giới có tài
sản tăng bằng vận tốc bay của tên lửa hành trình”.
Vào đúng ngày Chủ tịch FLC vượt
Chủ tịch Vingroup để giữ ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư
kỳ cựu nói trên nhận xét: “2 vị tỷ phú thế giới về chứng khoán là Warren
Buffett và George Soros chuẩn bị mất ngôi về tay một nhà phát hành Việt Nam
mang tên ROS”.
Đáp lại về những lời đồn đoán và
danh hiệu “Vua bán giấy”, Chủ tịch FLC nói ngắn gọn: “Hãy nhìn vào những việc
tôi làm và gặp người thực việc thực chứ tin đồn thì nhiều lắm”.
Dù dính nhiều tin đồn không hay,
ROS lại là một trong những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất trên thị
trường – điều không xảy ra với một cổ phiếu bị đưa vào diện nghi ngờ bởi nó là
nhân tố quan trọng bậc nhất với những giao dịch lành mạnh. Khối lượng giao dịch
trung bình mỗi phiên của ROS là hơn 2 triệu cổ phiếu, trong khi đó các công ty
vốn hóa tỷ đô khác như Vinamilk chỉ 1,34 triệu; Vingroup 0,6 triệu; PV Gas 0,13
triệu…
Và câu chuyện tăng giá của ROS
cùng ông Trịnh Văn Quyết đã không giới hạn trong biên giới Việt Nam mà đã được
Wall Street Journal – nhật báo tài chính nổi tiếng nhất của Mỹ đăng tải. Tờ báo
này trích dẫn phát biểu của ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch
Chứng khoán TP HCM – nơi FLC và ROS cùng niêm yết – cho biết ông Trà đã có báo
cáo về việc tăng giá bất thường của cổ phiếu Faros trong thời gian qua. Lãnh
đạo này cũng khẳng định sẽ sớm yêu cầu Faros giải trình.
Trao đổi với chúng tôi, Phó tổng
giám đốc một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại Sài Gòn nhận xét: “Việc tăng
giá của ROS thì trên thị trường ai cũng hiểu mà. Còn nhà đầu tư lựa chọn để
chơi với cổ phiếu này thì đó là quyền của họ”. Tuy nhiên, ông này cho biết,
công ty không nhận margin với ROS dù có biện pháp kiểm soát rủi ro. Thực tế,
nhiều nhà đầu tư “đu” theo ROS đang hưởng lợi vì cổ phiếu này vẫn tăng giá
không ngừng.
Vị trí giàu nhất sàn chứng khoán
cũng như danh hiệu tỷ phú đôla của Chủ tịch FLC vì thế cũng là một chủ đề gây
nhiều tranh cãi. Một chuyên gia từng có nhiều năm làm bảng xếp hạng người giàu
trên sàn chứng khoán chia sẻ: “Đây là điều làm chúng tôi băn khoăn vì ROS có
tính thanh khoản rất cao. Thế nhưng, xác định ông Trịnh Văn Quyết giàu nhất sàn
chứng khoán và là tỷ phú đôla thực sự thì cũng phải nhìn 2 chiều”.
Với danh hiệu tỷ phú đôla, giới
chuyên gia thường đánh giá cao danh sách mà Tạp chí Forbes (Mỹ) thống kê và
hiện tại mới chỉ có một tỷ phú đôla được vinh danh từ năm 2013 đến nay. Người
tiếp theo được tạp chí này bóng gió nói tới là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch
Masan. Còn Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, khối tài sản trị giá tỷ đô trên sàn
chứng khoán Việt Nam mới được tạo ra trong 2 tháng gần đây có được Forbes công
nhận hay không thì cần thời gian mới có câu trả lời.
Theo (Trí thức trẻ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét